eMagazine

Đầu tháng 09/1923, Great Kanto Earthquake hay còn biết đến là Đại thảm họa động đất Kanto đã xảy ra và được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từng tấn công Nhật Bản vào thời điểm đó. Sau vài phút chấn động ban đầu là một cơn sóng thần cuốn trôi hàng ngàn người, hỏa hoạn thiêu rụi mọi thứ. Nhưng từ đau thương và hoang tàn, vùng Kanto đã hồi sinh và tiếp tục trở thành trung tâm kinh tế - chính trị của nước Nhật.

Asakusa trước thảm họa năm 1923.
Asakusa trước thảm họa năm 1923. Ảnh: greatkantoearthquake

Tokyo, trước đây gọi là Edo, là trung tâm chính trị, kinh tế và nơi tập trung bộ máy chính quyền của Nhật Bản. Nó đã phát triển như một trong những thành phố quan trọng, sôi động và hiện đại nhất thế giới trong 150 năm qua. Ba quá trình liên quan đến nhau đã định hình cơ bản cho sự phát triển của thành phố này: Tăng trưởng dân số và mở rộng địa lý; Thảm họa tự nhiên và nhân tạo đã phá hủy phần lớn thành phố; Tái thiết.

Vị trí địa lý dễ bị tổn thương

Cửa hàng bách hóa Matsuzakaya ở Ueno trước thảm họa năm 1923.
Cửa hàng bách hóa Matsuzakaya ở Ueno trước thảm họa năm 1923. Ảnh: greatkantoearthquake

Vùng Kanto, bao gồm các trung tâm lớn như Tokyo, Yokohama và Kawasaki, là một trong những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi địa chấn nhất trên trái đất. Các trận động đất dọc theo ranh giới đã làm rung chuyển bờ biển phía đông của Nhật Bản từ Hokkaido ở phía bắc, xuống phía nam đến đảo Iwo Jima từ rất lâu trước lịch sử loài người. Chính vì thế, Nhật Bản từ trước đến nay luôn gắn liền với thiên tai (động đất, sóng thần, núi lửa…).

Sự hút chìm dọc theo các mảng kiến tạo đã gây ra nhiều trận động đất lớn, nhỏ mỗi năm, đỉnh điểm gần đây nhất là một trong những trận động đất lớn nhất ở Nhật Bản - trận động đất Tohoku cường độ 9,0 độ richter vào ngày 11/03/2011.

Các trung tâm dân cư ở phía đông Nhật Bản cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự di chuyển của hai mảng kiến ​​tạo khác đã gây ra những trận động đất thảm khốc: mảng kiến ​​tạo Biển Philippine và mảng kiến ​​tạo Á-Âu. Đới hút chìm được tạo ra bởi giao điểm của hai mảng này nằm cách Tokyo khoảng 100 km về phía nam gần như chia đôi vịnh Sagami.

Các chuyển động liên quan đến hai mảng kiến ​​tạo này đã gây ra trận động đất Genroku mạnh 8,2 độ richter năm 1703 và trận động đất lớn Kanto 7,9 độ richter năm 1923. Những báo cáo cho thấy Tokyo dễ bị tổn thương trước các trận động đất do sự di chuyển của một mảng kiến ​​tạo khác nằm ngay bên dưới Đồng bằng Kanto, nơi khoảng 33 triệu người sinh sống ngày nay.

Trận động đất khiến Tokyo trở thành địa ngục trần gian

Bến cảng nơi tàu “Empress of Australia” nhổ neo, đã bị đổ sập sau trận động đất.
Bến cảng nơi tàu “Empress of Australia” nhổ neo, đã bị đổ sập sau trận động đất. Ảnh: smithsonianmag

Vào ngày 01/09/1923, các lỗ hổng của Tokyo đã bộc lộ rõ ​​ràng. Vào lúc hai phút trước giờ trưa (khoảng 11h58), sáu dặm bên dưới Vịnh Salami, cách Tokyo khoảng 30 dặm về phía nam, một mảnh của mảng đại dương Philippines tách ra và ép mình vào mảng lục địa Á-Âu, khiến một lượng lớn năng lượng kiến tạo được giải phóng và đó chính là lúc thảm họa bắt đầu.

Vào lúc này, tại bến cảng Yokohama, cảng lớn nhất của Nhật Bản và là cửa ngõ vào phương Tây, hàng trăm người dân hiếu khách đang tiễn “Empress of Australia”, một con tàu hơi nước sang trọng đi đến Vancouver. Nhưng những tiếng cười dần biến mất, thay vào đó mọi người đều đứng chết trân bởi “tiếng sấm kinh hoàng”. Một lúc sau, khu vực này bị chấn động mạnh khiến cầu tàu bị sập, ô tô và người rơi xuống nước.

Một trận động đất mạnh khoảng 7,9 độ richter đã làm đổ các công trình kiến ​​trúc, đè bẹp người dân và khiến tất cả những người sống sót đều lâm vào cảnh hoang mang, lo sợ. Vài phút sau, một cơn địa chấn dữ dội khác ập vào miền đông Nhật Bản. Trận động đất này đã giết chết nhiều người hơn và gây ra sự hoảng loạn lan rộng khắp thủ đô. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến con số thương vong lớn ở trận động đất là do hỏa hoạn.

Trong vòng 30 phút sau cơn địa chấn đầu tiên, do gió lớn, đám cháy từ những chiếc bếp bị lật và đường ống dẫn gas bị vỡ lan rộng. Chẳng mấy chốc, toàn bộ thành phố bốc cháy…

Hơn 130 đám cháy lớn đã bùng phát chỉ riêng trên khắp Tokyo, đặc biệt là các khu vực đông dân cư của thành phố bao gồm Asakusa, Kanda, Nihonbashi, Kyobashi, Honjo, Fukagawa, Shitaya và quận Ginza ở trung tâm Tokyo.

Kinh khủng hơn, 5 cơn bão lửa lốc xoáy độc lập bùng phát khắp Tokyo và thiêu rụi mọi thứ trên đường đi của chúng. Koizumi Tomi, người đã chứng kiến ​​một cơn bão lửa đang đến gần, đã mô tả nó như là “một bức tường lửa khổng lồ… giống như một cơn thủy triều lửa được giải phóng từ chính Địa ngục” khiến “không khí nóng lên như đá tan chảy”.

Trận động đất khiến cả thành phố sụp đổ trong giây lát.
Trận động đất khiến cả thành phố sụp đổ trong giây lát. Ảnh: Hulton Deutsch
Công ty bia Sapporo chìm trong biển lửa.
Công ty bia Sapporo chìm trong biển lửa. Ảnh: flashbak
Bản khắc gỗ vào năm 1925 của Unpo Takashima miêu tả quang cảnh quận Ueno của Tokyo bốc cháy.
Bản khắc gỗ vào năm 1925 của Unpo Takashima miêu tả quang cảnh quận Ueno của Tokyo bốc cháy. Ảnh: smithsonianmag

Trong ba ngày tiếp theo, những người sống sót đã trải qua gần 2.000 cơn dư chấn và một loạt đám cháy khủng khiếp, giết chết hàng chục nghìn người và thiêu rụi những khu vực rộng lớn ở Tokyo và Yokohama. Cảnh tượng đổ nát, mùi chết chóc và tiếng kêu khóc của những người sống sót bị thương nặng giữa khung cảnh hoang tàn này đã khiến mọi người đặt câu hỏi: “Nếu đây không phải là Địa ngục, thì Địa ngục sẽ ở đâu?” – Thật vậy, Tokyo đã trở thành địa ngục trần gian. Các phóng viên của Kyushu nippo, một tờ báo xuất bản ở đảo Kyushu phía nam cho rằng, thủ đô vĩ đại một thời của Nhật Bản đã bị biến thành một “biển lửa”.

Người ta ước tính rằng 140.000 người đã chết trong trận động đất kinh hoàng Kanto năm 1923. Một con số bao gồm gần 45.000 người đã cố gắng tự bảo vệ mình gần sông Sumida của Tokyo nhưng tất cả đều bị thiêu sống bởi một cơn lốc lửa khủng khiếp dài 100m.

Nhân chứng của thảm họa, thuyền trưởng của SS Dongola kể về cảnh tượng khi ông đang thả neo ở bến cảng Yokohama: “Lúc 11h55, con tàu bắt đầu rung lắc dữ dội và khi nhìn về phía bờ, chúng tôi thấy một trận động đất khủng khiếp đang diễn ra, các tòa nhà đổ sập tứ phía và trong vài phút không thể nhìn thấy gì ngoài những đám mây bụi. Khi những thứ này được dọn sạch, ngọn lửa có thể được nhìn thấy bắt đầu từ nhiều hướng và trong nửa giờ, cả thành phố chìm trong biển lửa”.

Tại Yokohama, nơi được mệnh danh là Thành phố tơ lụa, tập trung người nước ngoài và phát triển thành một thành phố quốc tế với nửa triệu dân, cũng trở thành một đống đổ nát trong tích tắc.

Khách sạn Grand Hotel ba tầng, một biệt thự trang nhã thời Victoria bên bờ biển, nơi từng đón tiếp nhà văn Rudyard Kipling, nhà văn W. Somerset Maugham và Cựu Tổng thống Hoa Kỳ William Howard Taft… đã sụp đổ, đè bẹp hàng trăm khách và nhân viên.

Hình ảnh trước và sau thảm họa ở khu vực Nakamise.
Hình ảnh trước và sau thảm họa ở khu vực Nakamise. Ảnh: greatkantoearthquake
Đám mây lửa bao phủ Kanto.
Đám mây lửa bao phủ Kanto. Ảnh: Wikimedia

Khung cảnh hỗn loạn trên đường phố Tokyo

Dòng người tị nạn đang chạy trốn khỏi khu vực nguy hiểm.
Dòng người tị nạn đang chạy trốn khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: flashbak

Trong vòng vài giờ sau cơn địa chấn đầu tiên, hàng trăm nghìn người đã cố gắng chạy trốn khỏi Tokyo đang bốc cháy. Đường phố, ngõ hẻm, cầu, sông, kênh… dường như đều bị chặn đứng và không thể di chuyển. Kawatake Shigetoshi phản ánh cách anh ấy thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc di cư ồ ạt của những người cố gắng rời khỏi thành phố. Anh ấy viết: “Dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không thể đi theo hướng mà tôi muốn đi. Tôi bị mắc kẹt trong làn sóng của những người hoảng loạn, lo sợ và vô định”.

Trong khi nhiều cư dân cuối cùng đã trốn thoát, hàng chục ngàn người thì không. Một số người chết đuối ở sông Sumida chảy qua Tokyo sau khi nhảy từ các bờ sông đông đúc hoặc những cây cầu đang cháy để thoát khỏi đám cháy đang đến gần. Những người khác bị thiêu chết trên đường phố, ngõ hẻm, công viên và trong một số nơi công cộng ở Tokyo. Trong số khoảng 120.000 người thiệt mạng, phần lớn chết do hỏa hoạn. Tại khu vực rộng 6,7 ha vào năm 1923, hơn 35.000 người đã bị thiêu chết, họ là nạn nhân của một trận bão lửa gió lốc bao trùm khu vực vào đêm ngày 1 rạng ngày 02/09.

Những ngôi nhà bị sập trong trận động đất lớn ở Tokyo.
Những ngôi nhà bị sập trong trận động đất lớn ở Tokyo. Ảnh: flashbak

Hệ lụy từ trận động đất

Chưa thoát ra khỏi trận động đất thì xã hội Nhật lại phải đối diện với tình trạng phân biệt chủng tộc. Thảm họa kinh hoàng đã gây ra một cú sốc lâu dài đối với Nhật Bản, tiếp tục khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt của chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc. Những người Triều Tiên đã bị tàn sát sau trận động đất khi những tin đồn thất thiệt nói rằng họ đang phạm tội đốt phá, cướp bóc và thậm chí đầu độc nguồn nước. Người ta ước tính rằng có tới 10.000 người đã bị sát hại.

Cứu trợ

Thương tiếc sự ra đi của 31.000 người tại một núi hài cốt hỏa táng.
Thương tiếc sự ra đi của 31.000 người tại một núi hài cốt hỏa táng. Ảnh: flashbak.

Hoang tàn chính xác là từ miêu tả khung cảnh của Tokyo sau thảm họa. 48% những ngôi nhà ở Tokyo (nhà của 397.119 gia đình) đã bị phá hủy hoặc được phân loại là không thể ở được do hậu quả của trận động đất lớn Kanto và hỏa hoạn. Trong số 2,26 triệu cư dân của thành phố Tokyo, 1,38 triệu người trở thành vô gia cư do thảm họa. Tại tỉnh Kanagawa, nơi có thành phố Yokohama, 781.000 người trong tổng dân số của tỉnh trở thành vô gia cư sau ngày 01/09.

Tuy nhiên, không chỉ phá hủy nhà cửa, trận động đất còn gây ra sự tàn phá trên tất cả các khía cạnh của nền kinh tế và xã hội, khiến cho mọi hoạt động trở lại bình thường hầu như là không thể.

Gần 7.000 nhà máy bị phá hủy, chỉ riêng tại thành phố Tokyo, 121 trụ sở ngân hàng trong tổng số 138 trụ sở đã bị hư hỏng. Các cơ sở phúc lợi xã hội ít ỏi tồn tại để cung cấp dịch vụ cho những cư dân nghèo nhất Tokyo cũng bị thảm họa hủy diệt. 162 bệnh viện và 117 trong số 196 trường tiểu học của Tokyo cũng bị tàn phá.

Những người tị nạn cố gắng leo lên tàu hỏa để bỏ trốn.
Những người tị nạn cố gắng leo lên tàu hỏa để bỏ trốn. Ảnh: greatkantoearthquake
Tàn tích của những chiếc xe điện bị cháy sau trận động đất lớn Kanto năm 1923 ở Tokyo.
Tàn tích của những chiếc xe điện bị cháy sau trận động đất lớn Kanto năm 1923 ở Tokyo. Ảnh: SCMP

Nói tóm lại, thảm họa đã để lại một khối lượng lớn người đói, khát, vô gia cư, thất nghiệp... Như Takashima Beiho, một phát ngôn viên của phong trào Phật giáo mới đã phản ánh: “Thành phố lớn Tokyo, nơi là đỉnh cao của sự thịnh vượng phương Đông đã bị thiêu rụi và tan chảy”. 33,4 triệu m2 của Tokyo đã bị biến thành tro bụi và gạch vụn do hậu quả của thảm họa động đất lớn Kanto.

Do sự tàn phá, biến động và hỗn loạn xảy ra sau thảm họa, nội các mới của Yamamoto Gonnohyoe đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật đối với những gì còn lại của thủ đô vào ngày 02/09. Trong 48 giờ sau đó, phạm vi thiết quân luật được mở rộng ra toàn bộ các quận Tokyo, Kanagawa, Chiba và Saitama. Chính phủ cũng huy động quân đội từ khắp Nhật Bản để triển khai tới Tokyo và Yokohama. Cuối cùng, 52.000 quân đã đến miền đông Nhật Bản để lập lại trật tự, hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và phục hồi, đồng thời sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Cung cấp nước sạch và thực phẩm càng trở thành một nhu cầu bức thiết. Ban đầu, các đơn vị lục quân và hải quân trên khắp Nhật Bản tích lũy và sau đó phân phát gần 120.000 khẩu phần chiến đấu từ các cơ sở quân sự trong vùng thảm họa để sử dụng cho mục đích dân sự. Các tàu hải quân cũng được sử dụng để vận chuyển gạo từ các kho quân sự ở Kobe, Osaka, Kure và Sasebo. Ngoài ra một số công việc chính được gấp rút thực hiện:

  • Hải quân dành 1 tuần sau thảm họa để sửa chữa các bến tàu hư hỏng, xây dưng cầu tàu để tiếp nhận hàng cứu trợ.
  • Di dời hơn 3.000 toa tàu và xe điện bị hư hỏng ở Tokyo; xây dựng lại 85 km đường sắt; và xây dựng 27 cây cầu tạm bắc qua các con sông của Tokyo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ thiết yếu.
  • Phân phát thực phẩm, nước sạch đến với người dân ở các khu tị nạn.
  • Xây dựng nơi cư trú tạm thời cho những nạn nhân còn sống: Gần 6.000 người tị nạn đã thành lập nơi cư trú tại Đền Meiji, 9.500 tại Công viên Ueno và 7.000 tại Công viên Hibiya.
Hàng dài người xếp hàng để nhận đồ cứu trợ.
Hàng dài người xếp hàng để nhận đồ cứu trợ. Ảnh: greatkantoearthquake
Mọi người được chăm sóc tại bệnh viện tạm thời ở Tokyo.
Mọi người được chăm sóc tại bệnh viện tạm thời ở Tokyo. Ảnh: greatkantoearthquake

Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng tham gia viện trợ cho Nhật Bản cả về tiền bạc cũng như thu gom đống đổ nát, chữa bệnh…. Với tổng số tiền mặt đóng góp cho Nhật Bản sau thảm họa lên tới khoảng 22 triệu yên trong đó Mỹ cung cấp 15,4 triệu yên (khoảng 70%).

Quan sát Tokyo trong hậu quả của thảm họa đã khiến một phóng viên nước ngoài viết rằng Tokyo và Yokohama không còn giống các thành phố nữa, mà trông giống như những thị trấn tồi tàn. “Có thể mất nhiều thập kỷ để Tokyo vươn lên từ đống tro tàn trở lại sự thịnh vượng trước đây”, một người khác viết.

Tái thiết và xây dựng lại thành phố

Quang cảnh đường phố ở Tokyo trong quá trình tái thiết.
Quang cảnh đường phố ở Tokyo trong quá trình tái thiết. Ảnh: greatkantoearthquake

Trước khi trận động đất lớn Kanto xảy ra, Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ và tràn đầy lạc quan. Nhưng trận động đất Kanto đã xóa sạch tất cả những thứ đó chỉ trong một buổi chiều.

Các nhà bình luận Nhật Bản giải thích thảm họa này là một hành động trừng phạt của thần thánh nhằm răn đe người dân Nhật Bản về lối sống ích kỷ, vô đạo đức và xa hoa của họ. Về lâu dài, phản ứng đối với thảm họa là một ý thức mạnh mẽ rằng Nhật Bản đã được trao một cơ hội tuyệt vời để xây dựng lại thành phố và xây dựng lại các giá trị của Nhật Bản.

Chính vì thế, việc tái thiết Tokyo sau trận động đất Kanto là một công việc quy mô lớn. Các tòa nhà chính phủ, nhà cửa, cửa hàng, đường xá, công viên và cầu tồn tại trên gần 33 triệu m2 đất đã bị phá hủy. Đống đổ nát phải được dọn sạch, họ phải khảo sát, lập kế hoạch và tìm nguồn vật liệu xây dựng để xây dựng lại một thành phố bị tàn phá bởi thiên tai.

Goto Shinpei đặt viên đá nền cho Tòa nhà Viện Nghiên cứu Thành phố Tokyo/ Hội trường Công cộng Tokyo.
Goto Shinpei đặt viên đá nền cho Tòa nhà Viện Nghiên cứu Thành phố Tokyo/ Hội trường Công cộng Tokyo. Ảnh: greatkantoearthquake

Tuy nhiên, giữa đống đổ nát, nhiều cá nhân đã nhìn thấy cơ hội xây dựng một thành phố của tương lai. Rất ít người thể hiện tư duy này tốt như Goto Shinpei, cựu thị trưởng Tokyo, người đã trở thành Bộ trưởng Nội vụ vào ngày 02/09. Goto tin rằng cơ hội chỉ có một lần trong đời để xây dựng một thành phố hoàn toàn mới.

Trong vòng vài giờ sau khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Nội vụ, Goto đã thông báo rằng “bây giờ là cơ hội tốt nhất của chúng ta để tu sửa và tái thiết hoàn toàn Tokyo”. Khi được cảnh báo rằng việc tái thiết sẽ tốn kém và gây tranh cãi về mặt chính trị, Bộ trưởng Nội vụ trả lời rằng người dân và các chính trị gia trên toàn quốc sẽ nắm lấy cơ hội duy nhất này để tạo nên một thủ đô mới phù hợp với quốc gia Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc xây dựng lại Tokyo xuất hiện hai luồng ý kiến. Một số nhà hoạch định và các quan chức hy vọng rằng một thủ đô mới hoành tráng với những đại lộ rộng lớn và các tòa nhà chính phủ ấn tượng có thể được xây dựng để mang lại cho Tokyo cảm giác “đế quốc” thực sự.

Nhưng số khác lại cho rằng việc lập kế hoạch và xây dựng một thành phố giàu có về cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội do nhà nước điều hành, cụ thể là Kobashi Ichita đã tranh luận về việc xây dựng thêm nhiều công viên, vỉa hè và vành đai xanh không chỉ có tác dụng chữa cháy để ngăn chặn thiên tai trong tương lai mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày của người dân.

Các tòa nhà trường tiểu học được xây dựng lại.
Các tòa nhà trường tiểu học được xây dựng lại. Ảnh: greatkantoearthquake
Ga xe lửa Tokyo và các khu vực lân cận bao gồm Tòa nhà Marunouchi sau cuộc tái thiết.
Ga xe lửa Tokyo và các khu vực lân cận bao gồm Tòa nhà Marunouchi sau cuộc tái thiết. Ảnh: greatkantoearthquake
Sự khởi đầu của Tokyo Metro năm 1930.
Sự khởi đầu của Tokyo Metro năm 1930. Ảnh: greatkantoearthquake
Một khu vực trước quy hoạch (trái) và sau quy hoạch (phải)
Một khu vực trước quy hoạch (trái) và sau quy hoạch (phải) Ảnh: greatkantoearthquake

Đến tháng 12/1923, các nghị sĩ đã từ chối thông qua ngay cả một dự luật tái thiết quy mô lớn trị giá 598 triệu yên. Thay vào đó, họ giảm ngân sách xuống còn 468 triệu yên.

Với ngân sách tái thiết bị thu hẹp lại, các quan chức thành phố buộc phải sử dụng quy trình điều chỉnh lại đất đai - Kukaku seiri để tái phát triển những phần bị tàn phá của thành phố.

Sự hồi sinh của Asakusa vào năm 1930.
Sự hồi sinh của Asakusa vào năm 1930. Ảnh: greatkantoearthquake

Các quan chức thành phố đã chia khoảng 33 triệu m2 của Tokyo bị tàn phá thành 66 quận điều chỉnh đất đai; 15 quận thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ trong khi 51 quận còn lại thuộc quyền quản lý của Thành phố Tokyo. Phần lớn diện tích đất này được dùng để xây dựng đường xá, vỉa hè, công viên nhỏ và các công trình phúc lợi xã hội ở Tokyo.

Có thể thấy sự hợp lý hóa rõ ràng diễn ra thông qua việc điều chỉnh lại đất đai bằng cách nhìn vào các bản đồ trước và sau khi tái thiết những quận ở Tokyo.

Kể từ năm 1960, ngày 01/09 đã được chính phủ Nhật Bản chỉ định là Ngày phòng chống thiên tai “防災の日 - Bosai no hi”, nhằm để tưởng niệm và chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên lớn bao gồm sóng thần và bão. Các cuộc diễn tập, cũng như các sự kiện nâng cao kiến ​​thức, đều tập trung vào ngày đó.