Sức hút vượt thời gian của trang phục Ainu
Là một bộ tộc sống giữa thiên nhiên và xem mình là một phần của tự nhiên, theo truyền thống, trang phục của người Ainu cũng đều được tạo nên từ những phước lành mà Kamuy ban tặng. Người Ainu có nhiều loại trang phục khác nhau tùy thuộc vào chất liệu, hoa văn hay mục đích sử dụng, và ở mỗi vùng miền lại có những nét độc đáo rất riêng.
Đặc điểm trang phục người Ainu
Chất liệu
Nói đến tộc người Ainu, thông thường sẽ có ba nhóm chính được nhắc đến: nhóm Hokkaido Ainu ở tỉnh Hokkaido và vùng Tohoku; nhóm Sakhalin Ainu ở miền nam Sakhalin (Nga); nhóm Kuril Ainu ở phía bắc Quần đảo Kuril (quần đảo tranh chấp giữa Nga-Nhật).
Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, trong đó có thảm động thực vật ở ba nơi khiến cho trang phục của dân tộc Ainu tại các vùng này có nhiều sự khác biệt.
Chẳng hạn, Tetarape – loại áo choàng làm từ sợi cỏ Irakusa (hay tầm ma Nhật Bản) là đặc trưng của người Ainu ở Sakhalin, trong khi trang phục Attus được dệt từ vỏ cây Ohyou (một loài cây thuộc Họ Du) hoặc vỏ cây Shinanoki (cây đoạn Nhật Bản) là đặc trưng của người Ainu ở Hokkaido.
Chất liệu phổ biến khác trong trang phục của người Ainu là da thú và da cá. Điều này có mối liên hệ trực tiếp với nghề săn bắn và câu cá – hai sinh kế quan trọng nhất của họ. Với da thú, phổ biến có gấu, hươu và cáo, các loài động vật biển như hải cẩu, rái cá... Còn với da cá, thông thường họ sẽ dán các mảnh da cá hồi với nhau để làm áo choàng hay giày, và đây là đặc trưng của người Ainu ở Sakhalin. Ngoài ra, người Ainu ở Kuril còn có loại trang phục được làm bằng da của chim đại bàng.
Bên cạnh những chất liệu truyền thống, quá trình giao thương của người Ainu với bên ngoài cũng khiến vải bông (cotton) được sử dụng phổ biến để may trang phục.
Hoa văn
Nói đến trang phục của người Ainu, những đường cong uốn lượn, sắc nét với bố cục dường như đối xứng tạo nên ấn tượng thị giác mạnh mẽ và có lẽ là thứ được nhớ đến nhiều nhất.
Về ý nghĩa của những hoa văn này, đến nay vẫn có những quan điểm trái ngược. Ở một số vùng, người ta tin rằng Wen-kamuy – những vị thần xấu xa sẽ có thể xâm nhập qua các đường viền, cổ tay áo hay ống quần của trang phục, do đó họ sẽ thêu các họa tiết như dây xích, gai... tại những vị trí đó để bảo vệ, xua đuổi tà ma.
Nhưng cũng có ý kiến khẳng định hoa văn Ainu hoàn toàn không mang ý nghĩa tâm linh, bởi người Ainu lo sợ các Wen-kamuy có thể nhập vào nếu có điều gì đó ẩn giấu trong các thiết kế này.
Mặc dù trông khá phức tạp nhưng họa tiết trên trang phục Ainu được tạo nên chỉ từ sự kết hợp của ba họa tiết gốc:
- Morew (xoáy): Hình xoáy nước tượng trưng cho sức mạnh.
- Ay usi (gai): Do chứa những chiếc gai nhọn, nó được cho là một "bùa hộ mệnh" để bảo vệ người Ainu khỏi kẻ thù và bệnh tật từ bên ngoài.
- Sik (mắt): Vì cũng khá giống một ngôi sao nên họa tiết mắt mang ý nghĩa "nhẹ nhàng dõi theo như một ngôi sao trên bầu trời".
Những họa tiết này còn hiện diện trên các sản phẩm mộc trứ danh của người Ainu. Theo truyền thống, đàn ông Ainu chạm khắc, đàn bà thì dệt vải, thêu thùa. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Ainu đã tập vẽ các hoa văn này để khi lớn lên, nam giới mài giũa kỹ năng chạm khắc, nữ giới trau dồi khả năng thêu thùa để trang trí mọi thứ trong cuộc sống của họ bằng các họa tiết dân tộc.
Ngoài ra, nhà so sánh lịch sử nghệ thuật Ainu - Nhật Bản Chisato “Kitty” Dubreuil cho biết những thiết kế hoa văn trên mỗi món đồ Ainu phải mang tính độc bản. “Điều quan trọng là truyền thống quy định rằng tất cả các thiết kế phải là bản gốc. Việc 'sao chép' sẽ là hành vi thiếu tôn trọng Kamuy. Khi nhìn vào những chiếc áo choàng, chúng có thể trông giống nhau nhưng thực ra mỗi thiết kế lại khác nhau, mặc dù phải thừa nhận rằng sự khác biệt có thể là rất nhỏ.”
Cách thêu họa tiết Ainu
Vào nửa sau của thời kỳ Edo, hoạt động giao thương với người Yamato (dân tộc đa số, chiếm 98% dân số Nhật Bản) và các nước khác khiến việc tiếp cận sợi bông trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, cùng với sự lan rộng của quần áo vải bông, một nền văn hóa thêu cũng bắt đầu phát triển trong cộng đồng Ainu.
Người Ainu chủ yếu sử dụng hai mũi thêu: mũi giăng chặn (couching stitch) và mũi xích (chain stitch).
Để tạo hoa văn cho trang phục, họ sẽ (1) thêu trực tiếp lên vải (Chijiri); (2) uốn và ghép các dải vải mảnh thành họa tiết rồi may đắp lên quần áo (Ruunpe); hoặc (3) trực tiếp cắt vải thành các mảnh họa tiết rồi may đắp lên quần áo (Kaparamip). Với Ruunpe và Kaparamip, công đoạn thêu được thực hiện sau khi đắp vải.
Trang phục thường ngày và trang phục nghi lễ
Trang phục của người Ainu cũng được phân chia thành trang phục thường ngày và trang phục nghi lễ (haregi). Trước đây, quần áo mặc hằng ngày sẽ được làm bằng da động vật, vỏ cây, cỏ hoặc sợi bông, với đặc trưng là ít họa tiết trang trí hơn so với haregi.
Ở nhà, phụ nữ thường mặc bộ trang phục gọi là mour và họ sẽ diện trang phục nghi lễ khi có khách, hoặc khi đến nơi công cộng. Theo ghi chép, đàn ông Ainu mặc đồ lót hoặc khố làm bằng vỏ cây hoặc bông khi ở nhà.
Ngoài trang phục truyền thống như áo choàng attus, quần áo nhập khẩu từ các vùng khác được coi là rất có giá trị và người Ainu sẽ mặc chúng như trang phục trang trọng.
Attus – loại vải dệt từ vỏ cây của người Ainu
Áo choàng Attus có lẽ là loại trang phục được biết đến nhiều nhất của người Ainu nhờ thiết kế "hút mắt" cùng chất liệu độc đáo. Chiếc áo choàng dài này được may bằng một loại vải dệt tay có độ đanh, thô, mộc mạc, trang trí với những dải vải sẫm màu, chồng lên là những đường thêu ấn tượng.
Attus (hoặc Attush) thực chất là tên gọi của loại vải dệt truyền thống của người Ainu, được làm từ vỏ cây. Và Nibutani Attus - phương pháp dệt vải được truyền lại ở vùng Nibutani của Biratori, tỉnh Hokkaido đã được chỉ định là Nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản vào tháng 3/2013, cùng với nghề chạm khắc gỗ Nibutani-ita.
Nhờ sự thoáng khí, chống nước và độ bền tuyệt vời, vải Attus đã trở thành một mặt hàng giao thương quan trọng của người Ainu với đảo Honshu của Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603-1867), được biết đến là một trong những sản phẩm chủ lực của lưu vực sông Saru trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912).
Attus được ưa chuộng để may trang phục lao động cho ngư dân đánh bắt cá trích và thủy thủ trên các con tàu Kitamae đi lại giữa Honshu và Ezo-chi. Ngoài ra trong một số vở kịch Kabuki, các diễn viên cũng mặc trang phục làm từ loại vải dệt này.
Ngày nay, ở Nibutani, kỹ thuật dệt vải Attus bằng những công cụ được sử dụng cách đây 100 năm vẫn được truyền lại giữa các thế hệ người Ainu. Việc sử dụng Nibutani Attus không chỉ giới hạn ở Kimono và Obi, mà ứng dụng của nó đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hiện đại, từ thời trang đến nội thất.
Quá trình tạo ra một tấm vải Attus bao gồm nhiều công đoạn và cũng mất rất nhiều công sức. Theo truyền thống, đàn ông chịu trách nhiệm thu thập vỏ cây, và giống như tất cả mọi trang phục của người Ainu, việc thiết kế, dệt, may lẫn trang trí đều do phụ nữ thực hiện. Tuy nhiên ngày nay, việc thu thập vỏ cây được tiến hành như một hoạt động cộng đồng, nơi mọi người có thể tham gia và tìm hiểu về văn hóa Ainu.
Ở bước đầu tiên của quy trình, người ta rạch một đường trên thân cây để lột vỏ từ dưới lên. Thời điểm tốt nhất để làm việc này là vào cuối mùa mưa ẩm ướt.
Tiếp theo, phần vỏ ngoài thô ráp sẽ được loại bỏ, chỉ giữ lại lớp vỏ bên trong để dùng làm sợi dệt. Vỏ cây sau đó được làm mềm bằng cách ngâm trong nồi với chất kiềm và đun sôi trong vài giờ, hoặc cũng có thể ngâm trong đầm lầy/suối nước nóng khoảng một tuần.
Sau khi giũ sạch, vỏ cây sẽ được bóc thành nhiều lớp mỏng bằng cách chà xát. Tiếp đến, người thợ dùng tay tước lớp vỏ thành những dải mỏng có chiều rộng bằng nhau, xoắn lại thành sợi rồi cẩn thận nối các sợi lại với nhau để không làm lộ mối nối. Sợi được cuộn lại để sử dụng sau.
Khi dệt vải, các sợi được kéo căng ra khỏi cuộn và quấn quanh một cây sào cách đó vài mét, trong khi đầu kia được đưa vào khung cửi truyền thống để dệt.
Sản phẩm hoàn thiện là một tấm vải dày, cứng có màu nâu sáng, giống như màu vỏ cây. Để làm cho nó sẫm màu hơn, có thể ngâm vải với dung dịch từ vỏ cây sồi hoặc cây Alnus incana đun nóng, rồi tiếp tục ngâm trong đầm lầy giàu chất sắt khoảng một tuần.
Tình yêu trong từng mũi kim
“Phụ nữ Ainu gửi gắm tình cảm của họ dành cho người nhận vào trong chính tấm vải”, trang Galand Magazine nhận định, đồng thời trích dẫn tác phẩm The Fabric of Indigeneity: Ainu Identity, Gender, and Settler Colonialism: “Trái tim của người may được gửi gắm vào tấm vải, trong từng đường kim mũi chỉ. Khi người mặc khoác trang phục lên, tình cảm của người may sẽ được chuyển hóa và bảo vệ người mặc bằng chính tâm huyết được dệt vào tấm vải, thông qua những họa tiết bảo vệ được thêu trên áo”.
Cũng theo quan niệm của người Ainu, các đặc tính chữa bệnh và bảo vệ có trong vải sẽ được truyền cho người mặc chúng. Vì lẽ đó, trẻ em Ainu khi vừa sinh ra sẽ được quấn trong những mảnh vải Attus hoặc vải cotton cũ kỹ, rách rưới. Những mảnh vải cũ này ban tặng sự bền bỉ của tuổi già cho trẻ sơ sinh, bảo vệ đứa trẻ và gắn kết nó với tổ tiên của mình.
Mời bạn đọc thêm các bài viết khác trong Chuyên đề Ainu tại đây.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận