NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nghệ thuật khắc gỗ chứa đựng linh hồn của người Ainu

    Người Ainu sở hữu hai lĩnh vực được công nhận là “Nghề thủ công truyền thống được chỉ định chính thức”, đó là Nibutani attus – nghề dệt vải từ vỏ cây và Nibutani ita - khay gỗ được trang trí bằng những nét chạm khắc tinh xảo. Bản thân người dân Ainu cũng quan niệm rằng chạm khắc gỗ là nghề của đàn ông và thêu thùa là nghề của phụ nữ. Vẻ đẹp của những tác phẩm được tạo ra bởi bàn tay của dân tộc Ainu vẫn tồn tại vĩnh cửu theo thời gian và là động lực cho những hoạt động bảo tồn nền văn hóa độc đáo này.

    Nghề thủ công hình thành dựa vào thiên nhiên

    Người Ainu bản địa trên đảo Hokkaido có ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa khác với người Nhật, tất cả đều bắt nguồn từ mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, sống với tín ngưỡng tôn trọng và biết ơn vạn vật. Họ tin rằng, mỗi công cụ và đồ vật họ làm ra đều có linh hồn và họ đối xử với chúng như những sinh vật sống, ảnh hưởng này thể hiện rõ trong nghề thủ công địa phương.

    nguoi-ainu
    Ảnh: daisetsu-kamikawa-ainu

    Họ tận dụng sự hào phóng của thiên nhiên, sử dụng gỗ để tự tay làm ra các công cụ phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều sản phẩm bằng gỗ được chạm khắc với các hoa văn Ainu tuyệt đẹp được kết hợp một cách tinh tế và mang đậm tinh thần của người Ainu.

    Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Ainu

    Nibutani ita

    Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Ainu có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống, đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực Nibutani (thị trấn Biratori, Hokkaido) với nghệ thuật chạm khắc đĩa hoặc khay gỗ, được gọi là Nibutani ita.

    Ita
    Một nghệ nhân đang điêu khắc Nibutani ita. Ảnh: japanhouselondon

    “Ita” trong tiếng Nhật có nghĩa đen là “tấm ván”. Nibutani ita là những chiếc khay gỗ phẳng được chạm khắc từ gỗ óc chó hoặc gỗ katsura và trang trí bằng các họa tiết Ainu. Chúng được đặt theo tên của thị trấn Nibutani, nơi nghề thủ công này phát triển mạnh mẽ.

    Ban đầu, mục đích của việc tạo ra Nibutani ita là để đựng thức ăn, nhưng chúng cũng đóng vai trò là những tác phẩm nghệ thuật. Các họa tiết trang trí được chạm khắc trên Nibutani ita có nhiều ý nghĩa liên quan đến đời sống văn hóa của người Ainu như: “moreunoka” (xoáy), “ramaramunoka” (vảy cá), “aiushinoka” (gai), “shikunoka” (mắt) và “koinoka” (sóng).

    Ainu-Stories
    Những tác phẩm Nibutani ita. Ảnh: japanhouselondon

    Nibutani ita đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công nhận là nghề thủ công truyền thống của nước này.

    Dao Makiri

    Ngoài Nibutani ita thì những họa tiết cũng được chạm khắc trên vỏ và chuôi gỗ của dao Makiri. Đây một công cụ quan trọng, cần thiết cho việc săn bắn, hái lượm, nấu ăn và làm đồ dùng hàng ngày đối với người Ainu.

    Độ hoàn thiện của Makiri cũng được coi là minh chứng cho kỹ năng của người thợ. Theo phong tục, khi một người đàn ông tặng người phụ nữ một con dao Makiri đồng nghĩa với lời cầu hôn.

    Gậy Ikupasuy

    Không chỉ các vật dụng hàng ngày, mà vật phẩm nghi lễ cũng được trang trí bằng các họa tiết Ainu như gậy nghi lễ Ikupasuy. Đây là những cây gậy bằng gỗ được khắc các hoa văn động vật, hoa cũng như các thiết kế trừu tượng mang ý nghĩa tâm linh. Ikupasuy được những người đàn ông sử dụng khi dâng lễ vật cho các linh hồn.

    ikupasuy
    Gậy Ikupasuy. Ảnh: British Museum

    Tượng động vật

    Người Ainu tin rằng động vật là những vị thần (kamuy) từ thế giới bên kia, chỉ tạm thời mang hình dạng trần tục. Chính vì thế, các loài vật như gấu, chó sói và côn trùng được xem là hiện thân của thần thánh. Để tỏ lòng tôn kính, người Ainu thường đưa hình ảnh động vật vào các vật phẩm nghi lễ của họ.

    dieu-khac-dong-vat
    Ảnh: daisetsu-kamikawa-ainu

    Phát triển từ truyền thống này, hoạt động chạm khắc các loài động vật (chủ yếu là gấu) đã trở thành một loại hình nghệ thuật thương mại của Hokkaido từ những năm 1960, khi du lịch trở thành một phần ngày càng quan trọng trong sự tồn tại của nền văn hóa và truyền thống Ainu.

    Giá trị từ những sản phẩm điêu khắc thủ công

    Ngày nay, những người thợ thủ công ở Nibutani thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách tạo ra những mẫu mã mới và chế tác những sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại, bao gồm thớt gỗ, lót nồi và cây xỏ giày.

    do-thu-cong-Ainu
     Nghệ nhân kiêm cựu nhiếp ảnh gia Morio Senke bên xưởng nơi ông chạm khắc và bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Ảnh: Laura Liverani

    Truyền thống chạm khắc gỗ trang trí này không chỉ đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong việc bảo tồn nghệ thuật Ainu qua nhiều thế hệ, mà còn đóng góp đáng kể vào ngành du lịch địa phương ở Nibutani. Doanh số bán đồ chạm khắc Ainu ở Nibutani sớm nhất được ghi nhận có từ năm 1893, khi những người thợ thủ công bắt đầu bán những chiếc đĩa chạm khắc ở Sapporo, Hokkaido.

    Người duy trì nghề điêu khắc gỗ Ainu

    Sinh ra tại Nibutani, nghệ nhân Toru Kaizaea được nuôi dạy bằng tình yêu của cha với những món đồ thủ công. Ông cố của Toru Kaizaea - Utorentoku Kaizawa là một trong hai nghệ nhân nổi tiếng trong thời Minh Trị.

    Thừa hưởng truyền thống gia đình, thêm vào đó là sự nhạy cảm và kỹ thuật độc đáo, Toru đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật Ainu thể hiện cá tính và thông điệp của riêng ông.

    Toru-Kaizaea
    Nghệ nhân Toru Kaizaea. Ảnh: nationalgeographic

    Với tình yêu động vật hoang dã, những tác phẩm đầu tiên của ông là về hình tượng động vật vô cùng quan trọng đối với nền văn hóa Ainu. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 30, Toru cảm thấy mình phải quay trở lại với những gì truyền thống nhất. Đó là lúc ông bắt đầu tạo ra nhiều tác phẩm mang tinh thần Ainu hơn và nỗ lực duy trì nghề thủ công đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

    Hiện nay, Toru là chủ sở hữu của Kita no Kobo Tsutomu – một xưởng điêu khắc những sản phẩm thủ công Ainu.

    Tac-pham-cua-Toru
    Hai trong số nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Toru Kaizaea.

    Toru Kaizaea đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng của Thống đốc Hokkaido tại Triển lãm thủ công truyền thống Ainu Hokkaido. Ông là một ví dụ điển hình về sức bền bỉ và quyết tâm của người Ainu trong việc đưa di sản văn hóa của họ đến với nhiều đối tượng hơn.

    Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật chạm khắc của người Ainu

    Được thành lập vào năm 1987, Hiệp hội Hợp tác xã Thủ công Nibutani, chủ yếu bao gồm các nghệ nhân trong khu vực, đã và đang tích cực tham gia vào việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống của người Ainu. Đồng thời Hiệp hội cũng làm mới các sản phẩm theo hướng đương đại, kết hợp di sản Ainu để phù hợp với đời sống.

    Các nghệ nhân của Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và truyền lại di sản của các truyền thống văn hóa vật chất của người Ainu cho những thế hệ mai sau.

    Văn hóa độc đáo của người Ainu còn nhiều điều thú vị đang chờ được khám phá tại Chuyên đề Ainu.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!