Omiai - hôn nhân qua mai mối theo dòng chảy lịch sử Nhật Bản

    Theo Viện Nghiên cứu quốc gia về Dân số và An ninh xã hội, vào năm 2015, có khoảng 5,2% cuộc hôn nhân tại Nhật được sắp xếp qua Omiai (mai mối). Tuy nhiên, vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, tỷ lệ này lên đến 69%.

    Trước Chiến tranh Thái Bình Dương (1941 – 1945), hầu hết các đám cưới ở Nhật Bản đều được sắp xếp thông qua Omiai. Ngày nay, truyền thống này vẫn được duy trì nhưng vị thế của nó đã có sự thay đổi đáng kể. Và nếu trước đây, người sắp xếp cuộc xem mắt là các ông mai bà mối, thì nay vai trò này thuộc về các doanh nghiệp chuyên về Omiai.

    Omiai là gì? 

    Omiai (お見合い) là một phong tục truyền thống của Nhật Bản, khi người nữ và người nam được giới thiệu để gặp mặt nhau với mục tiêu cuối cùng là đi đến hôn nhân. Thỉnh thoảng, cụm từ Omiai thường được chuyển nghĩa là “hôn nhân sắp đặt”, tuy nhiên chính xác hơn, nó là một cơ hội gặp gỡ để cặp đôi cân nhắc thận trọng về quyết định kết hôn trong tương lai. 

    omiai nhật bản
    Omiai (kết hôn qua mai mối) từng rất phổ biến ở Nhật trước Chiến tranh Thái Bình Dương. Ảnh: hs-happiness.jp

    Cuộc gặp Omiai được sắp xếp bởi một người mai mối trung gian gọi là Nakoudo, họ có thể là họ hàng, đồng nghiệp hoặc đơn giản là một người hàng xóm nổi tiếng với tài mai mối. 

    Truyền thống Omiai được cho là bắt nguồn từ những cuộc hôn nhân chiến lược trong tầng lớp quý tộc Nhật Bản vào thời Kamakura (1185 – 1333) với mục đích thiết lập, bảo vệ liên minh quân sự giữa các lãnh chúa. Sau đó, nó dần lan rộng trong dân chúng và trở thành một phong tục quan trọng vào thời Edo (1603 – 1868). 

    Một Omiai truyền thống diễn ra như thế nào? 

    Ở bước đầu tiên, những người độc thân mong muốn kết hôn hoặc gia đình của họ sẽ chuẩn bị một hồ sơ cá nhân gọi là Tsurigaki, bao gồm các thông tin như tên tuổi, sức khỏe, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân của tất cả các thành viên trong gia đình và không thể thiếu một tấm hình chân dung kèm theo. Sau đó, họ mang Tsurigaki đến cho Nakoudo, người giúp họ tìm ra đối tượng phù hợp. 

    Gia đình ngồi lại cùng với người mai mối để sàng lọc đối tượng và loại những ai không phù hợp. Trình độ học vấn và nghề nghiệp là những yếu tố đầu tiên được đánh giá. Tiếp đó, người xem mắt cùng mẹ chọn ra một số ứng viên và yêu cầu Nakoudo điều tra thông tin. 

    hoàng tử phổ kiệt kết hôn với nữ quý tộc Hiro Saga qua omiai
    Cuộc hôn nhân của hoàng tử Phổ Kiệt, em trai của hoàng đế Phổ Nghi với nữ quý tộc Hiro Saga, họ hàng xa với Thiên hoàng Showa, cũng thông qua Omiai. Ảnh chụp tại Tokyo, năm 1937. Ảnh: Wikipedia 

    Trong những cuộc hẹn Omiai khắt khe hơn, người xem mắt và gia đình đánh giá ứng viên trên một bộ tiêu chí rộng hơn, nhằm đảm bảo tính môn đăng hộ đối. Các tiêu chí này được gọi là Iegara, thường bao gồm trình độ học vấn, thu nhập, nghề nghiệp, ngoại hình, tôn giáo, địa vị xã hội và sở thích. Đặc biệt, nhóm máu đóng vai trò rất lớn bởi nhiều người lo sợ nhóm máu của ứng viên có thể tiềm tàng khả năng mắc các bệnh như động kinh, rối loạn thần kinh hay tâm thần. 

    Thậm chí, Luật bảo vệ Ưu sinh Chủng tộc đã được Chính phủ Nhật thông qua vào năm 1948 để hợp pháp hóa việc triệt sản và phá thai với những người có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh di truyền khác. 

    Ngoài nhóm máu thì địa vị xã hội cũng đóng vai trò lớn trong việc lựa chọn đối tượng Omiai. Lý tưởng nhất là các ứng viên có địa vị xã hội ngang hàng nhau. Dòng dõi gia đình cũng ảnh hưởng đến tiềm năng của ứng viên, chẳng hạn như một ứng viên sở hữu dòng máu Samurai có nhiều khả năng được chọn hơn, đặc biệt là trong thời Mạc phủ Tokugawa. 

    Nakoudo người mai mối
    Một đám cưới truyền thống ở Nhật Bản. Nakoudo - người mai mối ngồi bên trái chú rể. Ảnh: Wikipedia 

    Sau khi đã chọn ra được cặp đôi phù hợp, Nakoudo sẽ trao hồ sơ của đối tượng xem mắt cho nhà trai và nhà gái để hỏi ý kiến xem họ có muốn gặp nhau hay không. Nếu cả hai đồng ý, một cuộc gặp sẽ được sắp xếp và không thể thiếu sự có mặt của cha mẹ hai bên. 

    Theo truyền thống, Omiai thường được tổ chức tại khách sạn cao cấp, nhà hàng hoặc các địa điểm sang trọng khác. Trong các buổi gặp mặt, Nakoudo thường là người phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng bằng cách giới thiệu hai gia đình với nhau và đặt các câu hỏi về công việc và sở thích cho cặp đôi.

    Sau đó, hai đối tượng xem mắt sẽ ngồi lại để trò chuyện riêng với nhau. Từ đây nếu cặp đôi có cảm tình, họ có thể tiếp tục duy trì các cuộc gặp gỡ, hoặc từ chối thông qua Nakoudo. Thông thường quyết định đi đến kết hôn của cặp đôi Omiai thường được đưa ra ở lần gặp thứ ba.

    Nếu Omiai thành công tốt đẹp và dẫn đến một đám cưới (gọi là Omiai Kekkon), hai bên gia đình sẽ tặng quà (thường là một món tiền) để bày tỏ tấm lòng với người mai mối. 

    Omiai, nơi sự phân biệt bộc lộ rõ nét 

    Theo chiều dài lịch sử, Omiai chính là nơi phát sinh những sự phân biệt về chủng tộc, giai cấp và cả di truyền. Theo đó, một số đối tượng bị đánh giá thấp trong Omiai điển hình có người Hàn Quốc được sinh ra ở Nhật, họ bị phân biệt đối xử vì là con lai, có tổ tiên không hoàn toàn là người Nhật. 

    Hoặc những bé gái sinh vào năm Bính Ngọ được cho là sẽ trở thành những người vợ không đảm đang, nên cũng bị phân biệt đối xử trong Omiai. Do vậy, bé gái sinh ra vào năm này thường được khai sinh muộn hơn hoặc sớm hơn để tránh mất đi nhiều cơ hội trong hôn nhân. Niềm tin này lan rộng trong dân chúng, điển hình như vào năm 1966 (năm Bính Ngọ gần nhất), theo sách Niên giám thống kê Nhật Bản, tỷ lệ sinh giảm mạnh 26%. 

    tầng lớp burakumin
    Tầng lớp Burakumin bị phân biệt đối xử vì hành nghề lột da thú, mai táng. Ảnh: moyashi.medium.com

    Tuy vậy, sự phân biệt giai cấp phổ biến nhất là với Burakumin, tầng lớp xã hội thấp kém, bị xem thường. Họ là hậu duệ của những người hành nghề liên quan đến máu, cái chết và những thứ tương tự, chẳng hạn như làm nghề thuộc da, thợ sửa giày, người giết mổ thịt, bán thịt. Có quan niệm cho rằng những ai làm các nghề trên, giày của họ quá bẩn nên không thể mang vào nhà; còn thịt lại từng bị cấm bởi tín ngưỡng Phật giáo trong quá khứ.

    Trong suốt thời Mạc phủ Tokugawa, giáng cấp xuống tầng lớp Burakumin là một trong những hình thức trừng phạt tội phạm. Vì vậy trong các Omiai thời xưa, Nakoudo thường yêu cầu ứng viên mang hồ sơ gia phả đến để chứng minh mình không thông thuộc tầng lớp này. 

    Bên cạnh Burakumin, bộ tộc Ainu của vùng Hokkaido cũng bị phân biệt đối xử trong Omiai. Ngoài ra còn có con cháu của những người bị nhiễm phóng xạ từ vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến hai, bởi những lo ngại về khả năng dị tật hay mắc các bệnh hiếm gặp.

    Ngành công nghiệp Omiai thời hiện đại 

    Vào những năm 30 và 40 của thế kỷ trước, Omiai Kekkon (hôn nhân nhờ Omiai) chiếm đến 69% các cuộc hôn nhân ở Nhật. Tuy nhiên từ sau Chiến tranh Thái Bình Dương, truyền thống này dần mất đi chỗ đứng ở xứ sở hoa anh đào.

    Ở thập niên 60, lần đầu tiên tỷ lệ hôn nhân do hai bên tự tìm hiểu đã cao hơn so với hôn nhân nhờ mai mối. Kể từ sau đó, phần lớn người độc thân tại Nhật nghe theo trái tim mình để tìm kiếm người bạn đời phù hợp. Đến năm 2015, hôn nhân nhờ Omiai giảm mạnh chỉ còn 5,2%. 

    Ngày nay, hầu hết quá trình Omiai chỉ liên quan đến hai đối tượng xem mắt, không có nhiều sự tham gia của gia đình như thời xưa. Nakoudo vẫn đóng vai trò là người mai mối, gắn kết hai đối tượng tiềm năng trong quá trình xem mắt. Họ vẫn có thể là một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, nhưng phổ biến nhất vẫn là các công ty mai mối chuyên nghiệp gọi là Kekkon Soudansho, tạo nên một ngành công nghiệp mai mối khá phát triển. 

    buổi xem mắt mask de omiai
    Buổi xem mắt đeo khẩu trang "Mask de Omiai" được tổ chức bởi công ty DEF Anniversary vào năm 2016, hướng tới đối tượng trên 30 tuổi, chú trọng tính cách hơn ngoại hình. Ảnh: Mainichi 

    Thông thường, để sử dụng dịch vụ tại các công ty Kekkon Soudansho, bạn sẽ phải đăng ký trở thành thành viên và đóng phí, sau đó phía trung gian sẽ giới thiệu những đối tượng tiềm năng để kết hôn, đáp ứng những điều kiện được đưa ra. 

    Khác với văn hóa phương Tây, người Nhật thường hiếm khi nói chuyện hoặc tin tưởng người lạ, nên các công ty mai mối trở thành cầu nối, bên thứ ba đáng tin cậy với những ai có nhu cầu tìm kiếm bạn đời. Mỗi công ty mai mối ở xứ sở hoa anh đào có tới hàng chục thành viên tham gia.

    Mặc dù hệ thống thanh toán phí mai mối thành công ở các công ty này có sự khác biệt, nhưng nếu một mối quan hệ đơm hoa kết trái và tiến tới hôn nhân, cặp đôi mới cưới sẽ thanh toán cho đơn vị mai mối hàng chục nghìn yên. 

    Tại Nhật, trước đây, nhiều phụ nữ thường tìm kiếm các đối tượng Omiai tiềm năng theo 3 tiêu chí được gọi chung là "Sanko - 3 cao" (Thu nhập cao, Học vấn cao, Chiều cao). Sau đó, hình mẫu lý tưởng lại dần thiên về mặt tinh thần và cảm xúc với tiêu chí "3C" (Comfortable, Communicative, Cooperative - Thoải mái, Thấu hiểu, Hiệp lực).

    Còn ở thời điểm hiện tại, tiêu chí phổ biến của phụ nữ xứ Phù Tang lại là "Yontei" (4 thấp), bao gồm Tính gia quyền thấp, Tính ỷ lại thấp, Rủi ro thấp và Chi phí sinh hoạt thấp. Bạn có thể đọc thêm về tiêu chí chọn chồng của phụ nữ Nhật tại đây.

    Ngày nay, bên cạnh Omiai truyền thống, tại Nhật còn xuất hiện hình thức Konkatsu mang ý nghĩa “hành động tìm kiếm đối tượng để tiến tới hôn nhân” nhưng có thể không cần nhờ vào người mai mối. 

    Vào năm 2014, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã phê duyệt chi ra 3 tỷ yên để hỗ trợ những hoạt động Omiai và Konkatsu tại Nhật như một phần nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh ở quốc gia này. Nhiều ứng dụng hẹn hò cũng ra đời tại Nhật để giúp người Nhật dễ dàng hơn trên con đường tìm kiếm một nửa cuộc đời mình.

    Omiai trong phim ảnh 

    Mặc dù, hiện nay, Omiai Kekkon (hôn nhân nhờ Omiai) đã giảm đi rất nhiều nhưng nó vẫn là một nét truyền thống đặc trưng của xứ sở hoa anh đào và được nhiều nhà làm phim khai thác. Điển hình như game show truyền hình Wedding Bells được phát sóng trên đài TBS Nhật từ năm 1993 đến năm 1997 trở thành nơi mai mối cho các thí sinh tham gia chương trình. 

    phim omiai kekkon 2000
    Phim Omiai Kekkon năm 2000. Ảnh: @19770131405s

    Hay bộ phim hài Omiai Kekkon được phát sóng trên đài Fuji TV từ tháng 1 đến tháng 3/2000. Nội dung phim kể về nữ tiếp viên hàng không Setsuko Nakatani nghỉ việc để kết hôn với bạn trai Hiroshi, nhưng anh ta lại ruồng bỏ cô. Lo lắng cho con, gia đình cô đã sắp xếp cuộc xem mắt giữa cô với Kotaro Hirose, người cũng đang bị sếp yêu cầu kết hôn như một điều kiện tiên quyết để được đảm nhận công việc quan trọng ở nước ngoài. Ban đầu, cả hai không cảm thấy hứng thú về nhau, nhưng trải qua nhiều tình huống hài hước, họ dần nảy sinh tình cảm.

    kilala.vn

    06/05/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Japan Info

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!