Nippon-ichi: Mỗi tỉnh thành Nhật Bản đứng số 1 về sản phẩm nào?
Trong tiếng Nhật, "日本一" (Nippon-ichi) có nghĩa là "số 1 Nhật Bản". Mỗi tỉnh thành ở xứ Phù Tang đều sở hữu những "cái nhất" của riêng mình, và lần này, hãy cùng Kilala khám phá một số sản vật hay sản phẩm mà mỗi tỉnh tự hào là "số 1 Nhật Bản" nhé.
Vùng Hokkaido
Hokkaido – Sản lượng sữa lớn nhất cả nước
Vào năm 2023, khoảng 56,8% sữa tươi (sữa chưa tiệt trùng) ở Nhật Bản được sản xuất tại tỉnh Hokkaido. Nổi tiếng nhất là ở thị trấn Betsukai - nơi sản xuất sữa tươi số 1 Nhật Bản.
Betsukai là một thị trấn nhỏ với dân số khoảng 14.000 người, nhờ thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, đất đai rộng lớn và nguồn nước dồi dào nên nơi đây lý tưởng để chăn nuôi bò sữa. Tại đây có hơn 600 trang trại bò sữa, nuôi khoảng 110.000 con bò, nhiều hơn dân số của thị trấn.
Vùng Tohoku
Akita – Diện tích trồng tuyết tùng nhân tạo lớn nhất Nhật Bản
Khoảng 70% diện tích tỉnh Akita được bao phủ bởi rừng, khoảng một nửa trong số đó là rừng nhân tạo, hầu hết là cây tuyết tùng. Diện tích cây tuyết tùng nhân tạo ở tỉnh Akita là khoảng 366.665 ha, đứng đầu Nhật Bản.
Rừng tuyết tùng nhân tạo của Akita được trồng sau năm 1970 thông qua phong trào của người dân tỉnh nhằm thúc đẩy trồng 10.000 ha rừng mỗi năm. Cùng với mùi hương độc đáo của cây tuyết tùng, gỗ lấy từ cây tuyết tùng Akita đã trở thành một nghề thủ công dân gian có giá trị cao đại diện cho tỉnh như: Akita-sugi oke taru – bồn tắm/ thùng gỗ từ tuyết tùng Akita; hộp đựng bento…
Aomori – Vương quốc táo
Aomori được mệnh danh là vương quốc táo của Nhật Bản, chiếm khoảng 60% sản lượng táo được sản xuất trong nước, với sản lượng là 445.500 tấn.
Aomori không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng mà chất lượng táo ở nơi đây cũng được xem là ngon nhất thế giới. Kỹ thuật canh tác, sự chênh lệch nhiệt độ cực lớn giữa ban ngày và ban đêm đã khiến táo ở Aomori có hương vị hoàn hảo. Vào ban ngày, táo phát triển dưới ánh nắng mặt trời và vào ban đêm, chúng tích trữ đường để bảo vệ cây khỏi cái lạnh. Theo thời gian, táo trở nên ngọt và nhiều nước hơn.
Fukushima – Đứng đầu về sản lượng dưa leo mùa hè - thu
Dưa leo là một trong những loại rau mùa hè đặc trưng của Fukushima. Chúng được trồng khắp tỉnh và được thu hoạch trong suốt mùa hè đến mùa thu. Trên thực tế, tỉnh Fukushima tự hào về sản lượng “dưa leo hè thu” hàng đầu Nhật Bản với trung bình là khoảng 30.800 tấn.
Thành phố Sukagawa nổi tiếng với việc sản xuất dưa leo dưới một thương hiệu toàn quốc có tên là "dưa leo Iwase". Những quả dưa leo này được ưa chuộng vì có màu xanh đậm và mềm.
Iwate – Sản xuất than củi số 1 Nhật Bản
Tỉnh Iwate là trung tâm sản xuất than củi ở Nhật Bản, chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng than củi. Hầu hết than được sản xuất ở tỉnh Iwate là than đen, được làm từ gỗ sồi ở tỉnh.
Than Iwate có tỷ lệ carbon cố định cực kỳ cao, trung bình là 90% và được loại bỏ tạp chất, từ đó tạo ra loại than đen chất lượng với ít carbon hơn. Nhờ đó, than dễ bắt lửa, khử khói trong quá trình đốt, giảm tro sau khi đốt, đồng thời ngăn chặn tia lửa và than bay ra ngoài, đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Miyagi – Đánh bắt cá kiếm lớn nhất
Tỉnh Miyagi có sản lượng đánh bắt cá kiếm lớn nhất Nhật Bản, 90% trong số này tập trung ở bến cảng Kesennuma. Dù mùa đánh bắt quanh năm nhưng cá kiếm chất lượng cao sẽ tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Thời gian này, cá kiếm sẽ được gọi là “cá kiếm mùa đông”. Trời càng lạnh, cá càng tích trữ nhiều mỡ, tạo nên hương vị đậm đà và độ mềm tan trong miệng. Chính vì thế, sashimi cá kiếm hoặc shabu-shabu cá kiếm là hai món ăn được khuyến khích thưởng thức để tận hưởng trọn vẹn chất lượng của cá.
Yamagata – Trồng anh đào nhiều nhất
Tỉnh Yamagata sản xuất khoảng 80% sản lượng anh đào của cả nước, gấp 10 lần vị trí thứ hai là Hokkaido. Mặc dù số lượng nông dân trồng anh đào ở tỉnh Yamagata đang giảm dần hàng năm nhưng vẫn đạt gần 7.000 người vào năm 2020.
Trong số đó, 70% quả anh đào được trồng ở tỉnh Yamagata là Sato Nishiki, có vỏ mỏng, màu đỏ hồng ngọc tuyệt đẹp, vị ngọt thanh và được mệnh danh là “Viên ngọc của trái cây”.
Chiba – Đứng đầu về sản xuất đậu phộng
Chiba là tỉnh đứng đầu về sản xuất đậu phộng ở Nhật Bản, với thị phần sản xuất trên 75%. Khí hậu ở Chiba từ mùa hè đến mùa thu thường ấm áp, cùng với đó là đất đai màu mỡ, tạo điều kiện thích hợp cho việc trồng đậu phộng.
Loại đậu phộng nổi tiếng ở Chiba là Chiba Hantachi. Ngoài đậu phộng nguyên bản, ở Chiba còn có những loại bánh kẹo làm từ đậu phộng như Monaka đậu phộng nổi tiếng.
Gunma – Nơi sản xuất daruma lớn nhất
Tỉnh Gunma được biết đến với gió lạnh và khô thổi từ núi Akagi vào mùa đông đến đầu xuân. Khí hậu khô ráo, mát mẻ này rất lý tưởng cho quá trình làm búp bê daruma. Daruma được sản xuất tại đây được gọi chung là Takasaki Daruma, nghĩa là búp bê daruma được sản xuất tại Takasaki, tỉnh Gunma và các vùng lân cận. Năm 1993, nghề làm daruma đã được chỉ định là “nghề thủ công truyền thống” của tỉnh.
Ngày nay, phần lớn quy trình sản xuất búp bê vẫn được thực hiện bằng tay, bao gồm vẽ lông mày, miệng... Khoảng 900.000 búp bê daruma được tạo ra ở thành phố Takasaki, chiếm 80% sản lượng búp bê của cả nước.
Ibaraki – Cường quốc dưa lưới
Tỉnh Ibaraki là nơi sản xuất dưa lưới số một Nhật Bản trong 23 năm liên tiếp nên được mệnh danh là “Cường quốc dưa lưới”, với lượng thu hoạch hàng năm lên tới 36.500 tấn. Khí hậu ấm áp, gió biển từ Thái Bình Dương và đất thoát nước tốt là điều kiện lý tưởng để trồng dưa. Ibara King là tên của giống dưa nổi tiếng nhất Ibaraki.
Kanagawa – Khu vực sản xuất rượu vang số một ở Nhật Bản
Theo báo cáo tổng hợp về ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống có cồn năm 2023 do Cơ quan Thuế Quốc gia công bố, tỉnh Kanagawa đứng đầu về tổng sản lượng rượu vang, khoảng 29.759.000 lít, chiếm khoảng 40% lượng rượu được sản xuất tại Nhật Bản.
Saitama – Sản xuất kem lớn nhất cả nước
Tỉnh Saitama có giá trị sản xuất kem lớn nhất Nhật Bản, khoảng 95,275 tỷ yên, chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị toàn quốc, theo Khảo sát cơ cấu kinh tế năm 2022.
Tokyo – Sản lượng việt quất cao nhất
Tokyo tự hào là nơi có sản lượng việt quất cao nhất ở Nhật. Ban đầu việc trồng loại cây này bắt nguồn từ thành phố Kodaira, Tokyo, sau lan ra thành phố Ome và Machida. Sản lượng việt quất của Tokyo là khoảng 384 tấn, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng toàn quốc.
Vùng Chubu
Aichi – Sản lượng nghêu cao nhất
Sản lượng nghêu đánh bắt được ở tỉnh Aichi là 3.001 tấn (2022), đứng số 1 Nhật Bản. Nghêu là đặc sản mà tỉnh Aichi tự hào.
Fukui – Vùng trồng lúa mạch mochi-mugi lớn nhất
Lúa mạch mochi-mugi sản xuất ở Fukui chiếm khoảng 25% tổng sản lượng, đạt khoảng 14.000 tấn, lớn nhất ở Nhật Bản.
Mochi-mugi là loại lúa mạch được sử dụng làm nguyên liệu thô cho trà lúa mạch và lúa mạch cán.
Gifu – Sản xuất dao kéo số 1 Nhật Bản
Tỉnh Gifu tự hào là nơi sản xuất dao kéo nhà bếp hàng đầu ở Nhật Bản với các xưởng chế tác tập trung ở thành phố Seki. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề rèn kiếm có lịch sử 800 năm, đã cho ra đời những thanh kiếm báu được giới samurai săn lùng.
Khi nhu cầu đối với kiếm Nhật suy giảm, các nghệ nhân ở Seki đã ứng dụng kỹ thuật rèn kiếm cổ xưa để rèn nên những sản phẩm dao kéo chất lượng, ngày nay được giới đầu bếp, người yêu bếp trên toàn thế giới ngưỡng mộ và mong muốn sở hữu.
Ishikawa – Sản lượng vàng lá đứng đầu
Một trong những biểu tượng của Ishikawa là những lá vàng cực mỏng, thường được dùng để trang trí trên đồ thủ công mỹ nghệ hay tượng Phật... Tỉnh gần như độc quyền về sản phẩm này khi chiếm đến 98% sản lượng vàng lá của cả nước.
Nghề sản xuất vàng lá phát triển mạnh mẽ tại Kanazawa - thủ phủ của Ishikawa từ khoảng thế kỷ XVI. Lá vàng được làm bằng kỹ thuật entsuke là sản phẩm độc đáo của Kanazawa và đã được UNESCO thêm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12 năm 2020.
Nagano – Nơi sản xuất rau diếp số 1 Nhật Bản
Theo thống kê năm 2017, sản lượng rau diếp ở tỉnh Nagano là 221.000 tấn. Tỉnh giữ vị trí số một cho đến nay, có sự cách biệt lớn so với tỉnh Ibaraki đứng ở vị trí thứ hai, với 87.300 tấn.
Niigata – Sản lượng bánh gạo hàng đầu
Tỉnh Niigata chiếm khoảng 57% sản lượng bánh gạo trên cả nước, tương đương giá trị 217,3 tỷ yên. Bánh gạo được gọi chung là beika (米菓) trong tiếng Nhật – là một loại higashi (bánh wagashi dạng khô) và bao gồm nhiều loại nhỏ hơn như senbei, okaki, arare, kaki no tane.
Là vùng sản xuất lúa gạo lớn của cả nước, không bất ngờ khi Niigata dẫn đầu về sản lượng bánh gạo. Beika chủ yếu được làm bằng cách nướng nhưng cũng có cả những loại được chiên.
Shizuoka – Vùng đất của trà
Shizuoka là vùng trồng chè lớn nhất Nhật Bản, chiếm khoảng 40% tổng diện tích cả nước. Ngoài ra thành phố Shizuoka của tỉnh cũng đứng đầu về mức chi tiêu hằng năm của mỗi hộ gia đình (từ 2 người trở lên) cho trà, ở mức 19.372 yên, theo thống kê năm 2020.
Tỉnh có hơn 20 vùng sản xuất trà khác nhau. Nhờ khí hậu thích hợp cho việc trồng chè và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, Shizuoka đã cho ra đời những loại trà chất lượng cao, giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi.
Toyama – Sản xuất hạt ý dĩ số 1
Thành phố Himi, tỉnh Toyama bắt đầu chuyển đổi cây trồng từ lúa gạo sang hạt ý dĩ (hatomugi) từ năm 2004, và tính đến năm 2021, sản lượng đã vượt quá 700 tấn, đứng số 1 Nhật Bản trong 10 năm liên tiếp.
Ở Toyama, các sản phẩm sử dụng hạt ý dĩ đang được phát triển, ngoài trà còn có nhiều sản phẩm khác như mì và kem tươi.
Yamanashi – Vùng đất của nho
Yamanashi có sản lượng nho cao nhất Nhật Bản, đạt khoảng 41.700 tấn, chiếm 25% sản lượng nho cả nước theo thống kê năm 2023. Tỉnh nổi tiếng với nhiều giống nho xa xỉ, có giá trị cao như Delaware, Shine Muscat, Pione, Kyoho... Ngoài nho thì Yamanashi cũng dẫn đầu về sản lượng đào ở Nhật Bản.
Vùng Kansai
Hyogo – Quê hương của cam Naruto
Cam Naruto chỉ được sản xuất ở đảo Awaji, tỉnh Hyogo với sản lượng thu hoạch là 98 tấn. Giống cam này vào mùa từ giữa tháng 4 đến đầu hè, được đặc trưng bởi hương thơm độc đáo, vị đắng nhẹ và hương vị tươi mát.
Kyoto – Dẫn đầu về Namagashi
Sản lượng namagashi (một phân loại của wagashi) ở tỉnh Kyoto đứng đầu Nhật Bản với giá trị khoảng 39,4 tỷ yên, chiếm 7% tổng sản lượng toàn quốc.
Namagashi là tên gọi chung của các loại wagashi tươi có độ ẩm từ 30% trở lên và có các kiểu chế biến đặc thù như mochi, bánh hấp và bánh chiên. Ngoài ra còn có các loại bánh nướng, bánh dạng thạch (nagashimono) và bánh nhào nắn thủ công (nerimono).
Mie – Sản xuất Kabusecha đứng đầu Nhật Bản
Tỉnh Mie nổi tiếng về trà, trong đó sản lượng kabusecha chiếm đến 63,6% tổng sản lượng cả nước, đạt 1.338 tấn.
Kabusecha (冠茶) là loại sencha cao cấp trồng trong bóng râm để làm tăng vị ngọt và giảm vị chát của trà. Khoảng một tuần trước khi chồi lá trà được hái vào mùa xuân, một tấm màn sẽ được phủ lên để ngăn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây.
Nara – Đũa dùng một lần
Nara là tỉnh sản xuất đũa dùng một lần lớn nhất Nhật Bản, chiếm khoảng 70% sản lượng cả nước, trong đó vùng Yoshino đặc biệt nổi tiếng với việc sản xuất đũa từ gỗ tuyết tùng.
Trong thời Minh Trị, vùng Yoshino có rất nhiều gỗ tuyết tùng thừa ra sau quá trình sản xuất thùng rượu. Và vì thế, đũa dùng một lần là nỗ lực của người dân để tận dụng số gỗ thừa này.
Osaka – Canh tác rau tần ô đứng đầu
Osaka là vùng sản xuất tần ô hay cải cúc (shungiku) lớn nhất Nhật Bản, chiếm khoảng 12% sản lượng toàn quốc, với khoảng 3.140 tấn.
Đây là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Nhật, thường được dùng để ăn lẩu hoặc chế biến salad. Ở Osaka, người ta còn gọi shungiku là kikuna.
Shiga – Sản lượng vải nỉ ép và vải không dệt cao nhất
Giá trị sản xuất vải nỉ ép và vải không dệt của Shiga là 35.812 triệu yên (2020), đứng đầu Nhật Bản. Nói một cách đơn giản thì đó là vải để may thảm, tã lót, khẩu trang dùng một lần.
Wakayama – Vùng sản xuất mikan hàng đầu
Sản lượng mikan ở Wakayama là khoảng 167.100 tấn, giữ vị trí số 1 tại Nhật Bản trong nhiều năm qua.
Cam mikan dễ bóc vỏ và chứa nhiều vitamin, là loại trái cây phổ biến trong các gia đình Nhật Bản. Đây cũng là loại quả đặc trưng vào mùa đông xứ Phù Tang. Arida mikan được sản xuất tại Wakayama là một trong những loại cam ngọt nhất và phổ biến nhất.
Vùng Chugoku
Hiroshima – Vùng nuôi hàu lớn nhất
Tỉnh chiếm khoảng 60% sản lượng hàu (nuôi trồng) của cả nước, với khoảng 20.000 tấn mỗi năm.
Hàu Hiroshima to, thịt dày và có vị umami đậm đà. Mùa hàu là từ tháng 1 đến tháng 2 nhưng trong những năm gần đây, tỉnh đã phát triển giống hàu Kaki Komachi, có thể thưởng thức quanh năm ngay cả vào mùa hè.
Okayama – Sản lượng hẹ vàng kinira cao nhất
Hẹ vàng kinira được biết đến là loại thực phẩm giúp chống lại mùa hè nóng bức và tỉnh Okayama là vùng sản xuất lớn nhất với thị phần trên 70%.
Thực chất kinira cũng là hẹ thông thường, được trồng trong hai năm để cây tích trữ chất dinh dưỡng. Sau đó, phần lá hẹ được thu hoạch và che chắn khỏi ánh sáng mặt trời bằng một tấm vải đen trong vài tuần, và thành phẩm thu được chính là kinira.
Vùng Chugoku
Shimane – sản lượng hoa mẫu đơn lớn nhất Nhật Bản
Tỉnh Shimane có sản lượng hoa mẫu đơn hằng năm là khoảng 1,8 triệu cây, chiếm khoảng 90% thị phần, đứng đầu Nhật Bản.
Đảo Daikon thuộc tỉnh Shimane đặc biệt nổi tiếng với nghề trồng hoa mẫu đơn với 300 năm lịch sử. Khoảng thời gian Tuần lễ Vàng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 hằng năm là thời điểm đẹp nhất để ngắm các vườn hoa mẫu đơn ở đây.
Tottori - sản lượng giấy thư pháp số 1 Nhật Bản
Inshu Washi, loại giấy thủ công truyền thống được sản xuất tại Tottori chiếm khoảng 50% sản lượng giấy thư pháp được sản xuất trên toàn nước Nhật.
Loại giấy Inshu Washi nổi tiếng nhất là giấy vẽ có họa tiết, thích hợp cho việc viết thư pháp và thư họa. Người ta nói rằng, vì giấy Inshu Washi hấp thụ rất ít mực và rất mềm nên bút lông có thể lướt trên nó nhanh gấp hai lần so với các loại giấy Nhật khác.
Yamaguchi – sản lượng cá ankou đánh bắt nhiều nhất
Với khoảng 692 triệu tấn, Yamaguchi tự hào là tỉnh có số lượng cá ankou đánh bắt đứng đầu cả nước.
Cá Ankou là một đặc sản mùa đông của Nhật Bản, mặc dù có vẻ ngoài xấu xí đáng sợ nhưng được đánh giá cao vì hương vị và giá trị dinh dưỡng.
Vùng Shikoku
Ehime - sản lượng Iyokan lớn nhất Nhật Bản
Ehime tự hào là nơi có sản lượng Iyokan (một loại trái cây có múi của Nhật Bản thuộc họ Cam chanh) đứng đầu cả nước, với sản lượng khoảng 28.070 tấn.
Iyokan được phát hiện vào năm 1886 trong vườn cây ăn quả của Masamichi Nakamura, một cư dân ở Yamaguchi. Năm 1889, Yasunori Miyoshi, một cư dân của Ehime đã mua cây gốc mang về nhà và từ đó Iyokan trở thành đặc sản của tỉnh Ehime.
Quả Iyokan có màu cam sẫm, nhiều nước và mùi thơm, có vị ngọt đậm đà, là loại quả có múi lớn thứ hai được trồng ở Nhật vào đầu thế kỉ 21, chỉ đứng sau quýt Satsuma.
Kagawa – sản lượng udon số 1 Nhật Bản
Kagawa nổi tiếng với udon và là tỉnh sản xuất udon số một Nhật Bản, với khoảng 8.480 tấn mì tươi, 38.600 tấn mì luộc và 12.563 tấn mì khô.
Udon từ Kagawa được gọi là Sanuki udon, theo tên gọi của vùng. Ở Kagawa, udon không chỉ là món ăn chính trong bữa ăn gia đình mà còn là cách đặc biệt để kỉ niệm những cột mốc quan trọng trong cuộc sống. Trong khi hầu hết người Nhật ăn mì soba truyền thống vào đêm giao thừa, người dân ở Kagawa chào đón năm mới bằng một bát udon.
Kochi - sản lượng gừng số 1 Nhật Bản
Kochi là tỉnh sản xuất gừng đứng đầu nước Nhật, với khoảng 19.600 tấn, chiếm 42% tổng sản lượng ở Nhật Bản.
Gừng ở Kochi được trồng chủ yếu dọc theo các con sông Shimanto, Monobe và Nioyodo. Chúng có vị cay dịu, hương thơm dễ chịu và có ít xơ hơn, thích hợp để ngâm chua, nấu ăn và sử dụng làm gia vị.
Tokushima – sản lượng chanh Sudachi lớn nhất Nhật Bản
Sản lượng chanh Sudachi của Tokushima xấp xỉ 3.999,8 tấn, chiếm khoảng 98% sản lượng toàn nước Nhật.
Chanh Sudachi có vỏ mỏng, màu xanh, hình dáng tròn nhỏ, vị cực kỳ chua. Sudachi chủ yếu được sử dụng ở dạng nước ép còn vỏ quả được sử dụng để trang trí các món ăn.
Vùng Kyushu & Okinawa
Fukuoka – sản lượng măng tre dẫn đầu
Fukuoka tự hào là nơi có sản lượng măng tre lớn nhất cả nước, với khoảng 7.486,7 tấn.
Trong đó, nổi tiếng nhất là măng tre được thu hoạch từ vùng Ouma thuộc phường Kokuraminami, thành phố Kitakyushu. Những búp măng gắn nhãn hiệu “Ouma Takenoko” thường được sử dụng trong các nhà hàng ryotei truyền thống hạng nhất ở Kyoto và Osaka.
Kagoshima – sản lượng khoai lang cao nhất
Kagoshima có sản lượng khoai lang thu hoạch đứng đầu Nhật Bản với khoảng 260.000 tấn, chiếm khoảng 31% tổng sản lượng cả nước.
Khoai lang lần đầu tiên du nhập vào Nhật Bản thông qua Kagoshima vào thế kỉ 17 và kể từ đó, đã trở thành một mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Kumamoto – dẫn đầu về sản xuất dưa hấu
Kumamoto là nơi sản xuất dưa hấu lớn nhất Nhật Bản với sản lượng khoảng 52.100 tấn, chiếm khoảng 16% sản lượng dưa hấu của cả nước.
Mùa dưa hấu Kumamoto bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Thị trấn Ueki của tỉnh là nơi có sản lượng dưa hấu lớn và nổi tiếng với thương hiệu “Ueki no Suika” (dưa hấu của Ueki).
Miyazaki – sản lượng Hyuganatsu lớn nhất Nhật Bản
Tỉnh Miyazaki có sản lượng Hyuganatsu (một loại quả thuộc họ cam chanh) lớn nhất Nhật Bản, chiếm khoảng 54% tổng sản lượng toàn quốc.
Cái tên Hyuganatsu được ghép từ Hyuga – tên cổ của tỉnh Miyazaki, trong khi “natsu” (夏) có nghĩa là mùa hè trong tiếng Nhật.
Quả Hyuganatsu có kích thước trung bình và hình dạng tròn đến hơi thuôn dài, khi chín sẽ chuyển sang màu vàng nhạt. Thịt quả mọng nước và ngọt xen chút vị chua.
Nagasaki – sản lượng sơn trà đứng số 1
Tỉnh Nagasaki là vùng sản xuất sơn trà số một nước Nhật, chiếm khoảng 30% sản lượng sơn trà trong nước với khoảng 918 tấn.
Sơn trà Nagasaki nổi tiếng là giống sơn trà ngon nhất Nhật Bản. Thịt quả có màu cam đậm, kích thước lớn, khi chín có vị ngọt và rất tươi mát.
Oita – sản xuất nấm shiitake khô lớn nhất
Oita là nơi sản xuất nấm shiitake khô lớn nhất nước Nhật, với sản lượng khoảng 1.115,1 tấn, chiếm khoảng 39% tổng sản lượng nấm hương khô của Nhật Bản.
Nấm shiitake của Oita đặc biệt thơm ngon và nổi tiếng với vị ngọt umami, thường xuyên được sử dụng trong các món ăn Nhật Bản. Một món ăn được yêu thích ở Oita thường được phục vụ trong các dịp đặc biệt là okuwa-mochi, trong đó nấm shiitake thái nhỏ được hấp với gạo nếp.
Okinawa - sản lượng xoài số 1 Nhật Bản
Sản lượng xoài của Okinawa là 1.597 tấn, chiếm khoảng 48% tổng sản lượng xoài tại Nhật Bản, đứng đầu cả nước.
Ở Okinawa có hai loại xoài: xoài táo có vỏ màu tím đỏ và xoài Keats có vỏ màu xanh lá cây khi chín hoàn toàn. Mùa xoài là từ tháng 6 đến tháng 8, với xoài táo chín trước và xoài Keats chín sau.
Xoài Okinawa ngon nhất khi ăn tươi, nguyên quả nhưng cũng có thể dùng làm mứt, nước ép và món tráng miệng.
Saga – sản lượng rong biển nuôi trồng số 1 Nhật Bản
Trong số rong biển được nuôi trồng trên toàn nước Nhật, rong biển của Saga chiếm khoảng 26% với sản lượng 65.203 tấn, đứng đầu cả nước.
Được nuôi trồng ở Biển Ariake - một ngư trường giàu dinh dưỡng với các khoáng chất từ nhiều con sông đổ vào, rong biển Saga có màu nâu sậm và óng ả, mang hương vị của biển, vừa thơm vừa ngọt.
kilala.vn
JP47 - VÒNG QUANH 47 TỈNH THÀNH NHẬT BẢN
Cùng một chủ đề, nhưng ở 47 tỉnh thành Nhật Bản sẽ có điểm gì khác biệt? Trong series JP47, hãy cùng Kilala bước chân vào một hành trình khám phá những nét đặc trưng, những điểm khác biệt thú vị giữa các tỉnh thành trên khắp xứ Phù Tang nhé!
Đọc và theo dõi các bài viết thuộc series tại đây!
Đăng nhập tài khoản để bình luận