
Những doanh nghiệp "ngàn tuổi" vẫn trường tồn tại Nhật
Theo khảo sát, Nhật Bản là quốc gia có nhiều doanh nghiệp lâu đời nhất trên thế giới (chiếm 56%), thậm chí những doanh nghiệp ra đời cách đây cả ngàn năm cho đến nay vẫn hoạt động vững mạnh. Trong chuyên đề tháng 7 này, cùng khám phá những doanh nghiệp có "tuổi thọ" thuộc dạng "cây đa, cây đề" tại xứ Phù Tang nhé!
1. Kongo Gumi, Osaka
- Lĩnh vực: Xây dựng
- Năm thành lập: 578
Kongo Gumi không chỉ là doanh nghiệp lâu đời nhất Nhật Bản mà còn là doanh nghiệp lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới. Trong hơn 1.400 năm qua, Kongo Gumi đã đi qua bao "giông bão" và thăng trầm của nước Nhật, tiếp tục phát triển thịnh vượng và trở thành biểu tượng cho sự bền bỉ của một doanh nghiệp.

Vào thời kỳ Asuka (592-710), Phật giáo trở thành tôn giáo chủ chốt tại Nhật Bản. Chính vì thế, sự ra đời của Kongo Gumi phù hợp với nhu cầu xây dựng chùa ngày càng tăng, và các thợ mộc của họ đã dần khẳng định vị thế chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy vậy, không có con đường nào “trải đầy hoa hồng”, công ty đã phải đối mặt với vô số thách thức: từ bất ổn chính trị, thay đổi về kinh tế - xã hội đến thiên tai, động đất và hỏa hoạn…
Những thách thức này không chỉ đòi hỏi công ty phải phục hồi nhanh chóng mà còn buộc họ phải phát triển các kỹ thuật tiên tiến để chống chọi với những thảm họa trong tương lai. Nhờ khả năng phục hồi và thích ứng, Kongo Gumi đã vượt qua những trở ngại, vươn lên mạnh mẽ để tiếp nối di sản của mình.

Thành công bền vững của Kongo Gumi một phần đến từ mối liên kết sâu sắc với truyền thống - vừa kế thừa những giá trị cũ nhưng vẫn thích nghi với nhu cầu hiện tại. Kongo Gumi luôn tâm niệm về chất lượng thủ công mỹ nghệ. Các nghệ nhân của công ty, được gọi là "miya-daiku", đã gìn giữ những truyền thống tinh hoa nhất của nghề mộc, truyền lại kỹ năng của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo nên những kiến trúc bền vững và giá trị theo thời gian.
2. Nishiyama Onsen Keiunkan, Yamanashi
- Lĩnh vực: Khách sạn
- Năm thành lập: 705
Nằm sâu trong những ngọn núi của tỉnh Yamanashi, Nishiyama Onsen Keiunkan là một lữ quán truyền thống (ryokan) với những căn phòng trải chiếu tatami, đội ngũ nhân viên mặc kimono và những tấm biển thư pháp viết tay…, khiến du khách cảm giác thời gian như ngưng đọng tại một điểm nào đó trong quá khứ.
Lịch sử của quán trọ Keiunkan bắt nguồn từ 1.300 năm trước, cụ thể là năm 705 (năm thứ 2 của thời đại Keiun), khi một quý tộc trẻ tuổi tên Fujiwara Mahito đi ngang qua và phát hiện suối nước nóng ở khu vực này. Ngay sau đó, ông quyết định xây dựng tại đây một ryokan.

Vì được thành lập vào thời đại Keiun nên quán trọ được đặt tên là Keiunkan. Từ đó đến nay, ryokan này trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều du khách, thậm chí cả những nhân vật của gia tộc Tokugawa (một gia tộc shogun đã cai trị Nhật Bản trong 400 năm) và Thiên hoàng Naruhito đều đến đây để ngâm mình trong làn nước và tận hưởng khung cảnh đồng quê yên bình.

Nishiyama Onsen Keiunkan từ lâu đã nổi tiếng khắp Nhật Bản nhưng tiếng tăm của nơi này càng được nâng cao vào năm 2011 khi được Sách Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là khách sạn lâu đời nhất thế giới. Nơi đây có sáu bồn tắm nước nóng: bốn ngoài trời và hai trong nhà (chỉ phục vụ những khách hàng đặt chỗ trước và chấp nhận khách có hình xăm).
3. Koman Ryokan, Hyogo
- Lĩnh vực: Khách sạn
- Năm thành lập: 717
Là ryokan lâu đời thứ hai Nhật Bản, Koman đã trải qua hơn 46 thế hệ điều hành trong suốt 1.300 năm. Quán trọ này là một một tòa nhà bằng gỗ với các phòng nghỉ có phòng tắm riêng được thiết kế đậm nét truyền thống, những dấu tích nhuốm màu thời gian vẫn còn hiện diện, tạo nên nét quyến rũ khó tả.

Cáp treo Kinosaki Onsen chỉ khách sạn vài mét, trong khi Công viên Hải dương Kinosaki Marine World cách chỉ mười phút lái xe. Sau một ngày tham quan, hãy tận hưởng các tiện nghi giải trí trong khuôn viên, bao gồm phòng tắm chung rộng rãi với các lựa chọn gỗ và đá cẩm thạch, phòng xông hơi khô và dịch vụ mát-xa. Đồ vệ sinh cá nhân cao cấp và các sản phẩm chăm sóc da được cung cấp trong khu vực phòng tắm dành cho nữ.

Du khách có thể thưởng thức bữa sáng và bữa tối tại phòng. Bữa tối bao gồm nhiều món ăn Nhật Bản được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất của địa phương.
4. Houshi Ryokan, Ishikawa
- Lĩnh vực: Khách sạn
- Năm thành lập: 718
Giống như Koman Ryokan, Houshi Ryokan cũng đã được điều hành qua 46 thế hệ với lịch sử hơn 1.300 năm. Lữ quán tọa lạc tại khu vực suối nước nóng Awazu, theo truyền thuyết do Đại sư Taicho phát hiện nhờ lời phán truyền của vị thần núi Hakusan Daigongen. Suối nước nóng này là món quà từ các vị thần để xoa dịu và chữa lành vết thương, bệnh tật của con người. Trước đây, nhiều người đã đến tắm nguồn nước thánh để được ban phước lành.

Ban đầu, Houshi chỉ là một nhà nghỉ, nhưng chủ sở hữu đời thứ nhất Zengoro tin rằng Houshi nên trở thành một nhà trọ suối nước nóng để xoa dịu cả thể chất lẫn tinh thần cho các vị khách.
Ngày nay, Houshi Ryokan có khoảng một trăm phòng và có thể chứa tới 450 khách, mỗi phòng đều được đặt cho một cái tên đầy chất thơ. Khi đến đây, mọi người được chào đón bằng nghi lễ trà đạo truyền thống của Nhật Bản.
Để thư giãn, du khách có thể khoác lên mình bộ yukata và tản bộ qua khu vườn truyền thống sau khi ngâm mình trong onsen (cả trong nhà lẫn ngoài trời), với bầu không khí gợi nhớ đến vẻ đẹp thanh lịch của Nhật Bản xưa.

Trải qua một hành trình dài, Houshi được xem là chứng nhân của lịch sử và truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ. Lữ quán cũng được công nhận là một trong những khách sạn suối nước nóng lâu đời nhất thế giới do Sách Kỷ lục Guinness Thế giới chính thức xác nhận.
5. Genda Shigyo, Kyoto
- Lĩnh vực: Sản xuất mizuhiki và giấy dùng cho các nghi lễ
- Năm thành lập: 771
Genda Shigyo là công ty sản xuất giấy lâu đời nhất vẫn còn hoạt động trên thế giới, chuyên sản xuất các vật phẩm nghi lễ như mizuhiki, giấy gói quà và quà đính hôn từ năm 771. Doanh nghiệp này ban đầu sản xuất mizuhiki dành cho Hoàng gia, cho đến thời Minh Trị, khi mizuhiki trở nên phổ biến trong công chúng thì bắt đầu sản xuất và phân phối đại trà hơn. Kể từ sau Thế chiến II, Genda Shigyo bắt đầu đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình.

Có thể thấy, Genda Shigyo đại diện cho di sản văn hóa phong phú của Nhật Bản và sự bền bỉ của nghề thủ công truyền thống. Qua việc gìn giữ nghệ thuật sản xuất giấy, doanh nghiệp đã góp phần vào công cuộc bảo tồn văn hóa lâu đời của xứ Phù Tang.
6. Tanaka-Iga, Kyoto
- Lĩnh vực: Các sản phẩm liên quan đến tôn giáo
- Năm thành lập: 885
Tanaka-Iga chuyên sản xuất các vật phẩm thờ cúng trong Phật giáo, đặc biệt là butsudan – bàn thờ Phật trong các gia đình Nhật Bản. Sản phẩm của họ nổi tiếng về độ tinh xảo, ứng dụng nhiều kĩ thuật hiện đại kết hợp cùng truyền thống.

Điều khiến Tanaka-Iga có thể đi xa đến ngày hôm nay chính là khả năng duy trì bản sắc cốt lõi, trong khi vẫn điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với thời đại. Từ thời Heian cho đến ngày nay, họ đã thể hiện kỹ năng đáng nể trong việc xác định truyền thống nào cần bảo tồn và truyền thống nào cần phát triển.
Việc chọn người thừa kế cũng khá đặc biệt, thay vì chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai cả, họ thường lựa chọn người dựa trên khả năng cân bằng giữa việc tôn trọng truyền thống với tư duy đổi mới. Cách tiếp cận trọng dụng nhân tài này trong cấu trúc gia đình đã giúp đảm bảo năng lực lãnh đạo xuyên suốt các thế hệ.
7. Nakamura Shaji, Aichi
- Lĩnh vực: Xây dựng
- Năm thành lập: 970
Công ty Nakamura Shaji được thành lập vào năm đầu tiên của triều đại Tenroku (năm 970), khi người đứng đầu gia tộc lúc bấy giờ được mời đến để xây dựng đền thờ. Kể từ đó, trong hơn 1.000 năm, nhiều thế hệ của gia tộc đã tận tâm bồi đắp kỹ năng, giữ vững truyền thống chế tác và chạm khắc gỗ để tạo nên những ngôi đền chùa ở Nhật Bản.

Những người thợ tại Nakamura Shaji đều sở hữu kĩ năng “nhìn gỗ” để chọn loại gỗ phù hợp với khí hậu và môi trường của từng nơi, đảm bảo độ bền theo thời gian.
8. Ichimonjiya Wasuke, Kyoto
- Lĩnh vực: Sản xuất bánh kẹo
- Năm thành lập: 1000
Nằm lẫn giữa những cửa hàng lâu đời ở Kyoto, Ichimonjiya Wasuke, hay ngắn gọn hơn là Ichiwa, là cửa hàng “già” nhất tại đây. Ban đầu họ chuyên làm bánh gạo - loại bánh được dâng lên các vị thần của ngôi đền Imamiya gần đó để cầu nguyện cho hòa bình và thịnh vượng. Sau nghi lễ, cửa hàng nướng bánh gạo trên xiên tre, gọi là aburi-mochi, và phục vụ cho những người đến đền bởi người Nhật tin rằng nếu ăn bánh gạo sẽ được bảo vệ khỏi bệnh tật.


Du khách có thể ghé đến cửa hàng để thưởng trà cùng những loại bánh truyền thống như aburi-mochi. Đây là loại mochi được phủ kinako (bột đậu nành), sau đó nướng trên xiên và rưới nước sốt ngọt làm từ miso trắng.
Bí quyết để những doanh nghiệp trên có thể trường tồn qua những thăng trầm của nước Nhật là gì? Mời bạn khám phá thêm tại Chuyên đề Doanh nghiệp trăm tuổi tại Nhật.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận