eMagazine
0%
Nhật Bản là quốc gia của những doanh nghiệp trăm năm tuổi, với hơn 30.000 doanh nghiệp được cho là đã tồn tại hàng thế kỷ. Trong số đó, có một cái tên đã trường tồn gần 1.450 năm, không ngừng bảo tồn và phát triển kỹ thuật xây dựng đền chùa bậc thầy của xứ Phù Tang – Kongo Gumi.
Kongo Gumi

Khởi đầu của Kongo Gumi

Kongo Gumi (金剛組) là một công ty xây dựng được thành lập tại Osaka vào năm 578, tính đến thời điểm hiện tại đã gần 1.450 năm tuổi. Cuộn gia phả của gia tộc Kongo, trên đó ghi tên và thành tựu của các đời trưởng tộc, khổng lồ đến mức nếu trải ra sẽ dài hơn ba mét.

Vào năm 578, trong thời Asuka, Thái tử Shotoku đã cho mời ba thợ mộc từ Bách Tế (Baekje - một quốc gia cổ trên bán đảo Triều Tiên) đến Nhật Bản để xây dựng ngôi chùa Shitennoji. Lý do là vì cho đến thời điểm đó, người Nhật chủ yếu theo Thần đạo và không có miyadaiku – những thợ mộc được đào tạo chuyên về kỹ thuật xây dựng chùa Phật giáo. Đứng đầu nhóm thợ này là Kongo Shigemitsu, cũng chính là người sáng lập nên Kongo Gumi.

Shitennoji có vai trò quan trọng vì đây là ngôi chùa đầu tiên do nhà nước xây dựng và quản lý. Sau khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ năm 538, đã có những ngôi chùa được dựng lên bởi các gia tộc quyền lực, nhưng chưa có công trình nào mang cấp quốc gia.

Quần thể chùa Shitennoji sau khi được xây dựng lại vào thời Genna (1615-1624).
Quần thể chùa Shitennoji sau khi được xây dựng lại vào thời Genna (1615-1624).

Cấu trúc chùa Shitennoji được bố trí theo một trục thẳng từ Nam lên Bắc gồm: cổng giữa (chuumon), tháp năm tầng (gojuu no tou), sảnh chính (kondou), sảnh thuyết pháp (koudou), toàn bộ được vây quanh bởi hành lang (kairou). Đây được gọi là "bố cục chùa theo phong cách Shitennoji", chịu ảnh hưởng rõ nét từ phong cách kiến trúc Phật giáo Trung Hoa.

Quần thể chùa Shitennoji tráng lệ, nơi tập hợp những kỹ thuật xây dựng tiên tiến nhất thời bấy giờ, có thể xem như cột mốc khởi đầu cho kiến ​​trúc Phật giáo tại Nhật Bản.

Các phần chính của Shitennoji như tòa tháp năm tầng và sảnh chính được hoàn thành vào năm 593, dưới sự lãnh đạo của trưởng tộc – thợ cả đời thứ nhất. Toàn bộ công trình gồm hành lang và sảnh thuyết pháp được hoàn thiện vào thời Nara, tức là hơn 100 năm sau khi khởi công. Bấy giờ, dù Kongo Shigemitsu đã không còn trên đời, tinh thần lẫn kỹ thuật của ông vẫn được kế thừa bởi các đời tiếp theo của gia tộc.

Ngoài ra, có ghi chép cho biết hai người thợ đồng hành với Shigemitsu đến Nhật Bản về sau đã chuyển đến tỉnh Yamato (Nara ngày nay) và tỉnh Yamashiro (Kyoto ngày nay) để đóng góp vào công cuộc xây dựng nhiều ngôi chùa khác của xứ Phù Tang.

Bố cục chùa theo phong cách Shitennoji.
Bố cục chùa theo phong cách Shitennoji. Ảnh: Shitennoji, Pelago

Mối quan hệ giữa Kongo Gumi và chùa Shitennoji là mật thiết và không thể tách rời. Gia tộc Kongo qua nhiều đời đều được giao phó chức vụ “shou-daiku-shoku” (正大工職) – thợ cả chính của chùa Shitennoji. Và trong gần 90% chiều dài lịch sử của mình, họ hầu như chỉ làm việc cho chùa. Hiện nay, người kế nhiệm đời thứ 41 vẫn đang tiếp tục giữ danh hiệu này.

Ngôi chùa có diện tích khoảng 33.000 tsubo (tương đương 110.000m²) – gấp 3 lần sân vận động Koshien, nhưng khi xưa thậm chí còn rộng gấp 5 đến 6 lần như vậy. Toàn bộ việc xây dựng và tu bổ khuôn viên rộng lớn này đều do Kongo Gumi đảm nhiệm.

Ngôi chùa Shitennoji nhìn từ bên ngoài.
Ngôi chùa Shitennoji nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Wikipedia

Dù từ xưa đến nay, tòa tháp của chùa chưa từng bị sập do động đất – một minh chứng cho chất lượng của công trình, nhưng lại nhiều lần bị phá hủy bởi hỏa hoạn hay các thiên tai khác. Và cứ mỗi lần như vậy, Kongo Gumi sẽ đảm nhận trọng trách tái thiết.

Khi Shitennoji bị sét đánh và cháy rụi vào năm 1801, người đứng đầu đời thứ 32 là ông Kongo Yoshisada đã tự tay lập bản vẽ và dự toán chi phí để xây dựng lại ngôi chùa. Gia tộc Kongo đến nay vẫn còn lưu giữ các tài liệu này, và đặc biệt là di chúc của vị trưởng tộc, trong đó viết 16 lời dạy quý giá được xem như kim chỉ nam cho hoạt động của Kongo Gumi. Một số quy tắc quan trọng bao gồm:

  • Luôn nỗ lực rèn luyện kỹ năng cơ bản của người thợ mộc, đồng thời tích lũy kiến thức sâu rộng về đền chùa để phục vụ cho công việc.
  • Chăm chỉ học đọc, viết, tính toán bằng bàn tính (soroban).
  • Phải luôn đối xử nhân ái với những người cấp dưới, chẳng hạn như các đệ tử.
  • Đối đãi trung thực với những người giao dịch, đối tác.
  • Lập bảng báo giá một cách trung thực.
Bản di chúc của Kongo Yoshisada, năm 1802.
Bản di chúc của Kongo Yoshisada, năm 1802. Ảnh: Kongo Gumi

Từ sau sự cố năm 1801 đến nay, đã có tổng cộng bốn lần tái thiết toàn bộ quần thể chùa. Ngoại trừ lần xây dựng lại tháp sau trận không kích Osaka năm 1945, hầu hết đều do Kongo Gumi thực hiện. Việc tập trung vào một chuyên môn duy nhất giúp họ không ngừng đào sâu, cải tiến để hoàn thiện kỹ thuật xây dựng đền chùa bậc thầy.

Cận cảnh tòa tháp năm tầng của chùa Shitennoji.
Cận cảnh tòa tháp năm tầng của chùa Shitennoji. Ảnh: bespes

Cuộc khủng hoảng thời Minh Trị

Trong suốt quá trình từ khi thành lập cho đến thời Edo, Kongo Gumi từng nhiều lần chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và chiến tranh, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau cuộc Duy Tân Minh Trị, họ đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Năm 1868, chính quyền Minh Trị ban hành chính sách “Phân ly Thần – Phật” (Shinbutsu bunri) nhằm đưa Thần đạo trở thành quốc giáo, loại bỏ ảnh hưởng của Phật giáo – tôn giáo vốn được chính quyền Mạc phủ bảo hộ trong suốt thời Edo. Điều này dẫn đến phong trào bài trừ Phật giáo (haibutsu kishaku), khiến rất nhiều chùa chiền trên cả nước bị phá bỏ, tượng Phật và các công trình giá trị khác cũng bị hủy.

Các ngôi chùa bị tịch thu đất đai, khiến tài chính suy kiệt nghiêm trọng. Shitennoji cũng không ngoại lệ, chùa không những không thể tiếp tục trợ cấp cho Kongo Gumi như trước mà các yêu cầu trùng tu cũng không còn ổn định.

Chùa Shitennoji khoảng thời Meiji đến Showa.
Chùa Shitennoji khoảng thời Meiji đến Showa. Ảnh: Kongo Gumi

Cho đến thời điểm này, Kongo Gumi chỉ chuyên phụ trách công trình của Shitennoji – khách hàng duy nhất của họ. Sau biến cố, họ buộc phải nhận thêm công việc từ các đền chùa khác. Nhờ uy tín đã xây dựng được cùng tay nghề vượt trội, Kongo Gumi đã có thể mở rộng danh sách khách hàng của mình dẫu gặp phải rất nhiều khó khăn.

Kongo Gumi vào khoảng thời Taisho, đầu thế kỷ 20.
Kongo Gumi vào khoảng thời Taisho, đầu thế kỷ 20. Ảnh: Kongo Gumi

Nữ thợ cả đầu tiên

Một cuộc khủng hoảng khác với mức độ còn nghiêm trọng hơn ập đến vào năm 1932, trong thời kỳ Showa. Trưởng tộc đời thứ 37 Kongo Haruichi là người rất trọng chuyên môn nhưng lại không quan tâm đến “hoạt động bán hàng”, đúng lúc kinh tế suy thoái do khủng hoảng kinh tế thế giới khiến tình hình công ty trở nên ngày một tồi tệ. Cảm thấy có lỗi với tổ tiên, ông đã tự sát trước mộ phần gia đình.

Người kế vị sau đó là vợ của ông – Yoshie. Bà đã trở thành nữ thợ cả đầu tiên trong lịch sử của Kongo Gumi, không chỉ thách thức truyền thống lãnh đạo của nam giới mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của công ty. Yoshie đã tự mình đi khắp Nhật Bản để tìm kiếm khách hàng, nổi tiếng khắp xứ với tài năng kinh doanh và danh xưng "nữ thợ mộc bậc thầy của Naniwa". Năm 1934, Kongo Gumi đảm nhận trùng tu tòa tháp năm tầng của Shitennoji sau khi bị siêu bão Muroto phá hủy và đây chính là thời cơ lớn giúp họ thoát khỏi khủng hoảng.

Bà Kongo Yoshie trở thành thợ cả, trưởng gia tộc đời thứ 38.
Bà Kongo Yoshie trở thành thợ cả, trưởng gia tộc đời thứ 38. Ảnh: Kongo Gumi

Trong Thế chiến thứ hai, dù còn công việc từ các đền thờ Thần đạo nhưng ở mảng Phật giáo lại không mấy khả quan, khiến tương lai của Kongo Gumi một lần nữa bấp bênh. Dưới sức ép của chính sách sáp nhập doanh nghiệp thời chiến, Kongo Gumi  suýt bị hợp nhất với công ty khác. Tuy nhiên, bà Yoshie đã quyết định chuyển hướng sang sản xuất quan tài gỗ, nhờ vậy mà giữ được công ty.

Năm 1955, Kongo Gumi chính thức cổ phần hóa, Kongo Yoshie trở thành chủ tịch kiêm giám đốc đại diện. Dưới sự dẫn dắt của bà, tệp khách hàng dần mở rộng. Công ty cũng bắt đầu tiếp cận với kỹ thuật xây dựng hiện đại bằng bê tông cốt thép nhằm phục vụ cho các công trình tái thiết sau chiến tranh, công trình chống bão lũ và động đất.

Sáp nhập và thích nghi

Vào năm 1967, ông Toshitaka kết hôn với con gái thứ ba của gia tộc Kongo và trở thành trưởng tộc đời thứ 39. Từ đây, Kongo Gumi mở rộng từ lĩnh vực đền chùa sang kiến trúc dân dụng, và tham gia vào thị trường xây dựng Tokyo.

Tuy nhiên, khi bước chân vào lĩnh vực mới, họ lại không thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn, khiến doanh thu giảm mạnh từ đỉnh điểm 13 tỷ yên xuống còn 7,5 tỷ yên. Sự mở rộng quá mức này chính là nguyên nhân thất bại.

Khi đó, tập đoàn xây dựng Takamatsu, có trụ sở ở Osaka, đã đứng ra hỗ trợ. “Để Kongo Gumi phá sản là nỗi nhục của ngành xây dựng Osaka”, Chủ tịch Takamatsu Koiku nói. “Với tư cách là một doanh nghiệp niêm yết của Osaka, chúng ta không thể đứng nhìn. Kỹ thuật của các thợ mộc đền chùa (miyadaiku) của Kongo Gumi có thể xem là báu vật quốc gia, cần được bảo vệ bằng mọi giá.”

Năm 2006, một Kongo Gumi mới được thành lập với toàn bộ vốn đầu tư từ Takamatsu. Họ tiếp nhận quyền kinh doanh và phần lớn nhân sự từ công ty cũ, Kongo Gumi từ đây chính thức có một khởi đầu mới. Đến năm 2008, cùng với việc công ty mẹ tái cấu trúc thành tập đoàn, Kongo Gumi trở thành một thành viên của Tập đoàn Takamatsu Construction Group.

Thợ mộc.
Ảnh: gakumado.mynavi.jp

Hiện nay, Kongo Gumi đã rút hoàn toàn khỏi mảng xây dựng dân dụng và tái định vị là một nhà thầu chuyên về kiến trúc đền chùa. Trong khi vẫn duy trì mối quan hệ sư phụ - đệ tử truyền thống giữa các nghệ nhân, họ cũng đã chuyển sang mô hình quản lý hiện đại, tích hợp các bộ phận như phòng kinh doanh và phòng dự toán.

Ngoài ra, công ty còn thực hiện những nỗ lực nhằm giúp các trưởng nhóm thợ mộc vốn không quen với khái niệm lợi nhuận hay tính toán tài chính có thể nắm bắt tư duy “kinh doanh không thua lỗ”.

Dù ngày nay nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn mẹ, tinh thần của công ty vẫn trường tồn. Các thành viên và nhân viên của Kongo vẫn tiếp tục xây dựng và trùng tu đền chùa bằng kỹ thuật, kinh nghiệm tích lũy trong suốt 14 thế kỷ. Vào ngày 1 và ngày 15 hằng tháng, hơn 120 thợ mộc của Kongo cùng các nhân viên khác vẫn tụ họp để tổ chức một buổi lễ nhỏ tưởng nhớ Thái tử Shotoku – người đã mang đến sự khởi đầu cho Kongo Gumi.

Lễ Khai Rìu (Chonna Hajimeshiki) được tổ chức vào ngày 11/01 hằng năm tại chùa Shitennoji, đánh dấu buổi khởi công của các thợ mộc, do gia tộc Kongo thực hiện.
Lễ Khai Rìu (Chonna Hajimeshiki) được tổ chức vào ngày 11/01 hằng năm tại chùa Shitennoji, đánh dấu buổi khởi công của các thợ mộc, do gia tộc Kongo thực hiện. Ảnh: Kongo Gumi

Bí quyết thành công của
Kongo Gumi

Ông Kongo Toshitaka – trưởng tộc đời thứ 39 từng nhấn mạnh rằng: “Gia tộc Kongo đã vượt qua vô vàn thử thách để tồn tại với tư cách một doanh nghiệp, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất chính là: đào tạo ra những người thợ có kỹ thuật vững chắc, và chọn người kế thừa dựa trên năng lực thay vì huyết thống.”

Các thợ cả của Kongo Gumi, từ đời đầu tiên Shigemitsu cho đến đời thứ 39 là Toshitaka, đều mang họ Kongo nhưng không phải ai cũng là hậu duệ trực hệ. Ngay cả con trai ruột nếu không có năng lực cũng bị loại khỏi vị trí này, và những người có tay nghề xuất sắc được nhận làm con nuôi để kế vị.

Họ cũng thiết lập một hệ thống quản lý, đào tạo có thể kích thích, đẩy kỹ năng của người thợ đến mức tối đa. Một người thợ mới sẽ trải qua mười năm học nghề để hoàn thiện các kỹ thuật mà công việc đòi hỏi, và mười năm đào tạo nữa để trở thành thợ mộc bậc thầy.

Ngoài ra từ xa xưa, Kongo Gumi đã được tổ chức thành nhiều “組 - kumi” (tổ) dưới sự chỉ đạo của một “正大工職 – shou-daiku-shoku” (thợ cả); đứng đầu mỗi kumi là các “棟梁 – touryou” (tổ trưởng).

Thợ mộc không trực thuộc Kongo Gumi mà thuộc về từng kumi. Quan hệ giữa Kongo Gumi và các kumi, theo Tokyo Keizai ví von, giống như quan hệ giữa iemoto (người đứng đầu trường phái) và các sư phụ trong những môn như trà đạo, hoa đạo; hoặc như giữa hiệp hội sumo và các lò luyện sumo. Đây không phải là mối quan hệ giữa người kiểm soát và người bị kiểm soát, mà là một cộng đồng có chung số phận.

Kongo Gumi nhận công trình từ Shitennoji rồi phân bổ cho từng kumi. Việc tuyển dụng thợ mới được giao hoàn toàn cho các tổ trưởng. Vào thời Edo, các tổ chuyên làm việc cho Kongo Gumi và không được nhận dự án bên ngoài. Chính nhờ vậy, họ có thể tập trung hoàn toàn vào việc nâng cao và truyền lại tay nghề, mà không bị phân tâm bởi hoạt động kinh doanh.

Trung tâm chế biến Kansai của Kongo Gumi tại thành phố Sakai.
Trung tâm chế biến Kansai của Kongo Gumi tại thành phố Sakai. Ảnh: business.nikkei.com

Dù là đồng nghiệp, các tổ vừa cạnh tranh vừa khích lệ lẫn nhau để cùng phát triển. Những công trình nhỏ thường do một tổ phụ trách, nhưng nếu là công trình lớn, nhiều tổ sẽ hợp tác, nhờ vậy mà sự giao lưu kỹ thuật diễn ra tự nhiên, giúp toàn thể Kongo Gumi đều phát triển.

Hiện tại, Kongo Gumi có 8 tổ, cùng tạo thành một liên minh mang tên Takumi-kai, với khoảng 100 thợ. Có những thợ mộc mà gia đình ba đời gắn bó với Kongo Gumi – mối dây liên kết ấy không thể cắt rời, khác hẳn với quan hệ nhà thầu – thầu phụ thông thường.

Ông Kiuchi Shigeo, trưởng nhóm Kiuchi, một trong 8 kumi.
Ông Kiuchi Shigeo, trưởng nhóm Kiuchi, một trong 8 kumi. Ảnh: business.nikkei.com

Vừa tiếp nối di sản của tổ tiên và bảo tồn các giá trị cốt lõi, vừa thích nghi linh hoạt với những biến động của thời đại, Kongo Gumi là ví dụ điển hình về một doanh nghiệp trường tồn và thịnh vượng trong thế giới kinh doanh đầy biến động. Lịch sử vượt thời gian của họ tiếp tục truyền cảm hứng và là một trường hợp đáng để nghiên cứu đối với các doanh nghiệp thời hiện đại.

Mời bạn khám phá câu chuyện về những doanh nghiệp trăm tuổi của Nhật Bản trong Chuyên đề Tháng 7.