Nút thắt Mizuhiki: biểu tượng cho sự gắn kết của người Nhật

    Hầu hết những món quà được gói theo phong cách truyền thống Nhật Bản đều được trang trí rất chỉn chu với những kiểu nút thắt từ đơn giản như hình chiếc nơ đến cầu kì như hình chim hạc, rùa,. Những nút thắt đó được gọi là “Mizuhiki” trong văn hóa Nhật Bản.

    Nút thắt Mizuhiki là gì?

    Mizuhiki (水引) là một loại sợi giấy được dùng như vật liệu chính để làm các nút thắt trang trí theo kiểu truyền thống trên phong bì chúc mừng, quà biếu tặng, vật trang trí trong các sự kiện đặc biệt của người Nhật. Giữ vị trí quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, các nút thắt Mizuhiki mang ý nghĩa về sự gắn kết, thể hiện sự ấm áp và lòng yêu mến dành cho nhau.

    Ngày xưa, sợi Mizuhiki được làm thủ công với nguyên liệu là giấy Washi, nhưng sau này người ta thường dùng giấy công nghiệp hơn và các công đoạn cũng được làm bằng máy. Chỉ còn một số ít nơi như thành phố Iida, tỉnh Nagano - trung tâm của nghệ thuật Mizuhiki - là còn làm Mizuhiki thủ công bằng giấy Washi.

    Nút thắt Mizuhiki

    Mizuhiki được cho rằng xuất hiện lần đầu tiên vào thời đại Asuka. Sau khi đi sứ đến Trung Quốc theo lệnh của Thái tử Shotoku, Ono no Imoko trở về Nhật Bản và mang theo quà tặng của Trung Quốc gửi đến Hoàng gia. Món quà này được trang trí bằng dây làm từ cây gai dầu và nhuộm màu đỏ - trắng. Về sau, việc sử dụng loại dây này để trang trí quà tặng dâng lên Hoàng gia trở thành phong tục và nên phổ biến trong xã hội với tên gọi “Mizuhiki” từ thời đại Heian. 

    Bước vào thời đại Edo, Motoyui - dây buộc tóc làm bằng Mizuhiki - được phát minh bởi một võ sĩ ở thành phố Iida và sau đó sản xuất rộng rãi khắp đất nước. Kết thúc thời đại Edo, những nghệ nhân ở Iida quyết định cải tiến và sáng tạo nên sợi Mizuhiki bền chắc hơn. Sau đó, hàng loạt cách bện thắt Mizuhiki liên tục ra đời vào thời đại Showa.

    Đến nay, nghệ thuật Mizuhiki đã trở thành giá trị văn hóa không thể thay thế khi không chỉ thường trực trên phong bì, quà biếu tặng mà còn được dùng làm vật trang trí trong các sự kiện đặc biệt, trên Kimono, cài tóc cô dâu, váy cưới,. 

    Nút thắt Mizuhiki

    Các công đoạn thắt Mizuhiki

    Để hoàn thành một nút thắt Mizuhiki, cần phải trải qua các công đoạn sau.

    Đầu tiên, giấy trắng được quấn thành cuộn to rồi cắt thành nhiều cuộn với bề ngang bằng nhau. Để tạo thành hình sợi, dải giấy được xe liên tục thành sợi dài, chuốt qua hồ dán rồi phơi khô. Sau đó, để làm Mizuhiki màu đen, sợi giấy sẽ được nhúng qua sơn màu đen, hong khô rồi cắt thành từng đoạn theo quy cách và gom thành bó. Những Mizuhiki màu sắc sặc sỡ thì được làm từ giấy màu và quấn chỉ lấp lánh. 

    Cuối cùng, người thợ sẽ dùng các sợi Mizuhiki này để bện thành các nút thắt trang trí. Chất liệu giấy kết hợp với kỹ thuật xe liên tục giúp tạo nên một loại vật liệu hết sức đặc sắc, vừa cứng cáp về kết cấu lại vừa mềm dẻo khi thao tác.

    Các nút thắt và Mizuhiki phổ biến và cách lựa chọn màu sắc

    Có rất nhiều điều cần lưu ý khi sử dụng Mizuhiki, mà quan trọng nhất là chọn màu sắc và nút thắt sao cho đúng sự kiện tham dự để tránh thất lễ.

    Chou-musubi (Hana-musubi)

    Đây là kiểu nút thắt đơn giản, có thể thắt đi thắt lại bao nhiêu lần cũng được, nên mang ý nghĩa cầu chúc người nhận luôn gặp gỡ những điều tốt lành. Chou-musubi thường được dùng cho những dịp như mừng sinh con, mừng nhập học, mừng thọ, mừng khai trương, tặng quà giữa năm (Chugen), tặng quà cuối năm (Seibo), mừng năm mới,. Chú ý không dùng nút thắt này cho đám tang hay đi thăm bệnh, vì sẽ bị mang ý nghĩa xấu là “Bất hạnh chồng chất” hay “Bệnh tật triền miên”.

    Nút thắt Chou-musubi

    Musubi-kiri (Ma-musubi)

    Musubi-kiri là kiểu nút thắt chắc chắn, rất khó tháo ra nên mang ý nghĩa là “Không lặp lại” hay “Đây là lần duy nhất”. Người ta dùng nút thắt này cho những dịp không vui như đám tang hay thăm bệnh. Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản, việc lặp lại lần nữa một lễ cưới là điều không tốt nên Musubi-kiri hay Awaji-musubi cũng được dùng.

    Nút thắt musubi-kiri

    Awaji-musubi

    Có thể sử dụng nút thắt này cho cả sự kiện vui lẫn buồn. Tuy cũng là cách thắt rất chắc chắn nhưng phần vòng tròn lại tượng trưng cho “Bào ngư (Awabi)” - biểu tượng của sự quý báu và trường tồn, hơn nữa khi kéo hai sợi ở hai đầu, nút thắt càng siết chặt hơn nên cũng mang ý nghĩa là “Gặp nhau mãi mãi”. Ở khu vực Kansai, trong hầu hết các sự kiện vui thường dùng nút Awaji-musubi chứ không dùng Chou-musubi.

    Nút thắt Awaji-musubi

    Màu sắc của Mizuhiki

    Mizuhiki có đến hơn 200 màu sắc để phục vụ các nhu cầu trang trí trong nhiều dịp khác nhau. Trong những sự kiện vui vẻ như lễ cưới, sinh nhật,. người ta dùng nút thắt màu đỏ - trắng, vàng - bạc hay đỏ - vàng. Ngược lại, Mizuhiki màu trắng - đen, vàng - trắng, xanh - trắng, bạc,. thì được sử dụng trong sự kiện không vui như đám tang. Khi buộc nút, màu đậm sẽ ở bên phải, và màu sáng ở phía bên trái.

    Số sợi được sử dụng

    Khi dùng cho sự kiện vui, số sợi được dùng là số lẻ 3, 7 hoặc 9 sợi. Đặc biệt, trong những sự kiện như hôn lễ, người ta sẽ dùng 10 sợi Mizuhiki chia ra làm 2 bó, mỗi bó 5 sợi. Còn với sự kiện không vui, số sợi được dùng là số chẵn 2, 4 hoặc 6 sợi.

    Nút thắt Mizuhiki

    Lựa chọn Mizuhiki cho sự kiện

    Chou-musubi

    Đỏ - trắng: Phổ biến trong hầu hết những sự kiện vui vẻ
    Vàng - bạc: Khi nhận lời chúc phúc lành từ Thần linh trong nghi lễ Thần đạo.

    Musubi-kiri

    Đỏ - trắng: Những dịp mong muốn chỉ xảy ra một lần như thăm bệnh, lễ cưới (dùng 10 sợi),.
    Vàng - bạc: Hôn lễ và những sự kiện chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời người như mừng thọ.
    Đen - trắng: Tang lễ và những sự kiện trong nghi lễ Phật giáo.
    Vàng - trắng: Tang lễ và những sự kiện trong nghi lễ Phật giáo ở vùng Kansai và Hokuriku.

    kilala.vn

    30/04/2020

    Bài: Lăng Vi
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!