Jujutsu: Đẳng cấp của võ thuật truyền thống Nhật Bản
Jujutsu hay nhu thuật Nhật Bản thường được gọi với những biệt danh như “môn võ có nhiều đòn hiểm”, “môn võ cực mạnh của Nhật Bản”... Nhưng điều gì đã khiến cho môn võ truyền thống với tuổi đời hơn 4 thế kỷ này mạnh đến thế? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin xoay quanh Jujutsu qua bài viết này nhé!
Giới thiệu về nhu thuật Nhật Bản - Jujutsu
Nhu thuật - Jujutsu là gì?
Jujutsu (柔術 - Nhu Thuật) hay Jiu-jitsu, Ju-jitsu là tên gọi chung của một loại võ cổ truyền Nhật Bản. Trong đó, “柔” nghĩa là mềm mại, dẻo dai, linh hoạt, “術” nghĩa là nghệ thuật hoặc kỹ thuật. Cả cụm từ "Jujutsu" có nghĩa là "nghệ thuật linh hoạt".
Nhu thuật hình thành dựa trên triết lý cốt lõi là “lấy nhu khắc cương”, mượn lực của đối thủ phản đòn lại chính họ thay vì phải dùng lực của chính mình để chống lại trực tiếp. Môn võ này cũng là nền móng cho sự phát triển các môn võ sau này của Nhật Bản như Judo, Aikido... hay môn phái hiện đại khác như nhu thuật Brazil (Brazilian Jiu Jitsu).
Lịch sử hình thành và phát triển của nhu thuật
Lịch sử về nhu thuật Nhật Bản bắt đầu vào thời kỳ Nara với những đòn võ được kết hợp từ đấu vật Sumo và nhiều môn võ cận chiến khác của Nhật Bản thời bấy giờ. Các trường phái võ thuộc Jujutsu lâu đời nhất được biết đến là Shinden Fudo-ryu (những năm 1130), Tenshin Shoden Katori Shinto-ryu (khoảng năm 1447) và Takenouchi-ryu (những năm 1530).
Các kỹ thuật chiến đấu tay không phát triển trong thời kỳ Muromachi ngày nay được gọi chung là "nhu thuật kiểu cũ" (古流柔術, koryu jujutsu).
Đa số các trường phái võ Jujutsu đều thiên về cách đỡ đòn và phản công lại đối thủ mặc áo giáp, có vũ trang bằng tay không hoặc vũ khí nhỏ. Các hình thức chiến đấu tay đôi của nhu thuật tập trung nhiều vào việc ném, bất động, khóa khớp, siết cổ và cả các đòn đánh trong tư thế nằm.
Đến khoảng thế kỷ 17, thuật ngữ “Nhu thuật - Jujutsu” ra đời, về sau trở thành thuật ngữ chung chỉ nhiều môn võ và đòn đánh liên quan đến vật lộn. Trước đó, những đòn võ này có những cái tên như: Kogusoku koshi no mawari (小具足腰之廻), Kumiuchi (組討 hoặc 組打), thể thuật Taijutsu (体術), Yawara (柔 hoặc 和), hòa thuật Yawarajutsu (和術), Torite (捕手) và cả nhu đạo Judo (柔道).
Vào thời Edo, Jujutsu tiếp tục phát triển và dần phổ biến hơn trên toàn nước Nhật. Trong giai đoạn này, những nhu thuật trường phái cũ đã phát triển thành các hệ thống nhu thuật tương tự với nhu thuật Nhật Bản hiện nay. Trong giai đoạn này, để đáp ứng sự thay đổi của thời cuộc, Jujutsu phát triển thêm những kỹ thuật tấn công mới, được gọi là Edo jujutsu. Edo jujutsu sử dụng các atemi waza - kỹ thuật tấn công chí mạng, mở rộng những đòn công còn hạn chế, nhắm vào những vùng quan trọng từ vai trở lên như yết hầu, gáy và mắt.
Đến thế kỷ 18, số lượng các đòn tấn công trong nhu thuật lại giảm mạnh vì chúng được coi là kém hiệu quả hơn và tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Thay vào đó, người ta phát triển những đòn tấn công theo cách đánh lạc hướng đối thủ hoặc làm mất thăng bằng đối thủ trước khi khóa khớp, siết cổ hoặc ném. Trong thời kỳ này, nhiều trường phái nhu thuật thường tổ chức thách đấu trao đổi với nhau, trở thành một hình thức giao lưu võ thuật phổ biến.
Ngày nay, môn võ Jujutsu truyền thống (Koryu jujutsu) không còn quá thịnh hành, nhưng ở Nhật và một số quốc gia vẫn có những võ đường đang hoạt động, tập trung vào việc bảo tồn và truyền lại các kỹ thuật, triết lý võ thuật cổ xưa. Trong khi đó, các môn Jujutsu hiện đại (Aikido, Judo, Brazilian Jiu Jitsu) được nhiều người đón nhận và tập luyện.
Ngoài ra, các kỹ thuật của Jujutsu còn được đưa vào áp dụng trong ngành cảnh sát và quân đội, như Keisatsujutsu (nhu thuật cảnh sát) và Taihoujutsu (kỹ thuật bắt giữ).
Các kỹ thuật tiêu biểu trong nhu thuật
Các kỹ thuật của Jujutsu được phát triển xung quanh nguyên tắc sử dụng lực của kẻ tấn công để chống lại họ, thay vì trực tiếp đối đầu. Trong đó, được sử dụng nhiều nhất là các đòn ghim, siết, khóa khớp, đốn chân và ném vật, cụ thể:
- Đánh: đá và đấm
- Vật ngã, đốn ngã, ném: ném thân, ném vai và hông, ném khóa khớp, ném mất thăng bằng và đốn chân
- Khống chế: ghim, siết cổ, vật lộn, trói và dùng vũ khí nhỏ. (Các môn Jujutsu hiện đại không sử dụng vũ khí.)
- Các kỹ thuật phòng thủ bao gồm chặn, né…
Trang phục trong nhu thuật Jujutsu
Các môn võ truyền thống Nhật Bản và các môn võ phái sinh từ võ truyền thống đều có võ phục tập luyện gọi chung là Keikogi (稽古着). Trong đó “keiko” nghĩa là luyện tập, còn “gi” nghĩa là trang phục. Ngoài ra, võ phục còn có cách gọi khác là dogi (道着) hoặc keikoi (稽古衣).
Phần trên của keikogi được gọi là uwagi (上着, nghĩa là phần trên). Quần của keikogi được gọi là shitabaki (下穿き, nghĩa đen là mặc bên dưới), hoặc zubon (ズボン). Những màu phổ biến nhất của Keikogi hiện nay là trắng, đen, xanh lam và chàm.
Đối với mỗi trường phái võ khác nhau thì keikogi có những tên gọi khác nhau. Ví dụ như võ phục của Aikido gọi là Aikidogi, võ phục của Judo gọi là Judogi, còn võ phục của Jujutsu thì gọi là Jujutsugi.
Sự khác biệt giữa Jujutsu và Judo
Judo hiện đại là một ví dụ về môn võ bắt nguồn từ Jujutsu. Judo ra đời và phát triển từ cuối thế kỷ 19 bởi Kano Jigoro. Tuy nhiên, vì được phát triển với mục đích là một môn thể thao nên những kỹ thuật, đòn tấn công hiểm hóc trong Jujutsu đã được loại bỏ.
Cả Judo và Jujutsu đều giống nhau ở điểm cốt lõi là sử dụng ít năng lượng nhất có thể, tấn công bằng cách nắm, vặn, chọc hoặc đánh vào các điểm atemi khiến đối thủ mất thằng bằng (gọi chung là kuzushi). Dù vẫn giữ lại các kỹ thuật gây đau và nguy hiểm như siết cổ, khóa khớp, làm ngạt nhưng nó chỉ được sử dụng trong các bài tập biểu diễn hoặc thi đấu xếp hạng chứ không dùng trong tự vệ.
Ngoài ra, các kỹ thuật như giật tóc, chọc mắt và tấn công vào giữa hai chân không được chấp nhận trong thể thao nên chúng cũng bị loại khỏi các cuộc thi Judo. Ông Kano, người đã sáng lập ra môn võ này xem khía cạnh "thi đấu" an toàn của Judo là một phần quan trọng trong việc học cách kiểm soát cơ thể đối thủ trong một trận đấu thực sự.
Lợi ích của việc tập nhu thuật trong đời sống ngày nay
Người tập luyện nhu thuật nhận huấn luyện khá nghiêm ngặt, đặc biệt là về mặt thể lực. Do bản chất của môn võ này nên người học buộc phải trải qua những bài tập về thở và kháng cự. Nhờ đó họ sẽ tăng sức mạnh, sức bền cũng như tính linh hoạt.
Jujutsu là một môn võ áp dụng tự vệ khá tốt. Phản xạ linh hoạt cũng như các kỹ thuật cận chiến trong đó giúp người học hình thành khả năng tự vệ khi gặp những nguy hiểm không mong muốn.
Người ta thường nói rằng, nếu không rèn luyện được kỷ luật bản thân và sự kiên nhẫn, bạn sẽ không học được Jujustu. Bởi môn võ này đòi hỏi kỷ luật để có được thể lực và sự bình tĩnh để nắm bắt nhịp điệu, thời điểm ra đòn phù hợp.
Jujutsu không chỉ có ý nghĩa như một môn võ lâu đời mà còn là nền tảng cho sự phát triển của một số môn võ phổ biến cũng như các kỹ thuật cận chiến khác. Những giá trị đó đã được chứng minh khi trải qua hàng trăm năm nhưng môn võ này vẫn không bị đào thải theo dòng chảy của thời gian. Vậy nên, nếu có cơ hội, bạn cũng có thể thử làm quen một lần với môn võ độc đáo này, biết đâu bạn cũng sẽ yêu thích nó thông qua những trải nghiệm vô cùng thú vị.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận