Võ Judo và các triết lý nhân sinh sâu sắc

    Judo còn được gọi là Nhu đạo – ngay từ cái tên đã cho thấy được sự ôn nhu, điềm đạm có trong môn võ này. Sống như một vận động viên Judo không phải là học võ mà là hiểu và áp dụng những triết lý trong môn võ thuật này vào cuộc sống, giúp mỗi người hoàn thiện bản thân hơn.

    Lịch sử ra đời của Judo

    "Judo – 柔道" (Nhu đạo) là môn võ thuật phổ biến tại Nhật. Người sáng lập ra môn võ này là Jigoro Kano – một nhà giáo dục thể thao người Nhật Bản, dựa trên việc kết hợp những tinh hoa của các hình thức tự vệ cổ xưa.

    Ngược dòng lịch sử từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19, Nhật Bản được cai trị bởi Samurai, những chiến binh vô cùng tinh nhuệ. Điều này đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các môn võ thuật khác nhau phát triển. Ngoài việc chiến đấu bằng kiếm và cung tên, các Samurai đã phát triển môn võ Jujitsu (柔術 – nhu thuật) để chiến đấu với kẻ thù ở cự ly gần trên chiến trường. Một số phong cách khác nhau của Jujitsu cũng dần hình thành và phát triển, và chiến đấu tay đôi được phổ biến như một hình thức huấn luyện quân sự quan trọng.

    võ Judo và các triết lý nhân sinh sâu sắc
    Jigoro Kano - Người sáng lập môn võ Judo. Ảnh: black belt magazines

    Thời đại thống trị của Samurai kết thúc với cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào xã hội Nhật Bản. Jujitsu rơi vào tình trạng suy tàn, nhưng mọi việc bắt đầu rẽ theo hướng khác khi Jigoro Kano xuất hiện. Là một người thông minh và nhạy bén nhưng ông lại luôn bị bạn bè bắt nạt do vóc dáng nhỏ bé. Vì vậy, vào năm 17 tuổi, ông đã theo học Yanosuke Fukuda, một bậc thầy của trường phái Jujitsu Tenjin Shinyo. Vào tháng 5 năm 1882, khi mới 21 tuổi, dựa trên những tinh hoa chắt lọc từ môn võ Jujitsu, Kano đã sáng lập nên môn võ Judo của riêng mình tại ngôi đền Eishoji ở Kamakura, thuộc tỉnh Kanagawa ngày nay. Tên gọi của môn võ Judo xuất phát từ chữ "Ju – 柔" (Nhu) có nghĩa là ôn nhu, mềm mại và  "Do – 道" (Đạo) có nghĩa là đường lối, phương thức. Khi tạo ra Judo, ông tâm niêm môn võ này sẽ trở thành phương thức "rèn luyện thể chất và tinh thần con người thông qua nguyên lý mềm dẻo, lấy nhu thắng cương, lấy yếu chống mạnh và lấy ít địch nhiều" (*). Vì vậy, đi sâu vào ý nghĩa của môn võ thuật này, chúng ta sẽ nhận ra đây không chỉ là hình thức để tự vệ mà còn là nghệ thuật sống hài hòa, tạo nên sự an nhiên trong tâm hồn.

    (*) Nguồn: Wikipedia

    Judo và những triết lý sống sâu xa

    Hãy xem trọng sự cân bằng

    Một trong những điều đầu tiên và xuyên suốt khi học các môn võ, đặc biệt là Judo, chính là sự cân bằng. Một phần của sự cân bằng đó là cách đi trong Judo sao cho không bị lệch tâm, hai chân dang ra, trụ xuống đất, tạo với đầu thành hình tam giác, và khi di chuyển đầu không được lệch ra khỏi tâm. Trong Judo, cú ra đòn cuối để xác định ai chiến thắng sẽ bằng thế gạt một chân của đối thủ để họ bị mất trọng tâm, sau đó nắm cổ áo và vật xuống sàn. Vậy theo bạn, điều tiên quyết trong các bước đã được nêu trên là gì? Phải chăng là khoảnh khắc gạt chân đối thủ? Đó không phải là bước phô diễn sức mạnh, mà là lúc chúng ta đánh vào sự mất cân bằng của họ để rồi hạ gục vào các chiêu tiếp theo. 

    cú ra đòn cuối trong Judo
    Cú ra đòn cuối trong Judo. Ảnh: freepik

    Sự cân bằng cũng được đề cập trong Đạo giáo, đó là sự tôn trọng sự cân bằng trong thiên nhiên, ví dụ như nếu đốt rừng nguyên sinh để làm đất canh tác, một ngày nào đó mưa lũ kéo dài, không có rừng chắn nước, lũ lụt, sạt lở chắc chắn sẽ xảy ra. Hay giết tận cùng những loại côn trùng mà chúng ta nghĩ có hại nhưng lại quên rằng chúng là thiên địch của những loại khác và đến lúc ấy, sự cân bằng của tự nhiên sẽ bị đảo lộn.

    Cuối cùng, sự cân bằng quan trọng nhất là nằm ở trong chính tâm hồn mỗi người, cân bằng ở đây không phải là chia việc ra cho đều, mà biết phân nặng nhẹ, ưu tiên những điều quan trọng hơn, biết buông bỏ những thứ không còn là của mình và chấp nhận sự không hoàn hảo như một phần của cuộc sống. Đây là điều được nhắc đến nhiều trong triết lý Wabi-Sabi.

    Đừng dùng sức, hãy dùng trí

    Franz Beckenbauer – cựu cầu thủ bóng đá người Đức, đã có một câu nói để đời: “Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh”. Sự đối kháng, ăn miếng trả miếng chưa bao giờ mang lại kết cục tốt đẹp cho các bên mà còn làm tổn thương lẫn nhau, đặc biệt khi gặp đối thủ mạnh hơn thì sự thiệt thòi chỉ thuộc về bạn. Vậy chúng ta phải làm gì khi gặp tình huống này? Hãy học theo Judo. Lật lại câu chuyện về người tạo ra Judo, ông Jigoro Kano, lý do để ông học võ thuật là để làm gì? Để bảo vệ bản thân vì vóc dáng của ông rất nhỏ bé và Judo sinh ra để làm điều đó. Như đã nói ở trên, cú ra đòn quyết định sẽ là lúc đối thủ mất thăng bằng chứ không phải lúc vật đối thủ xuống, chúng ta đương nhiên sẽ cần trí hơn là lực. Trí để nhận ra được đâu là lúc đối thủ yếu nhất, đâu là lúc đối thủ mất tập trung để bạn phản công, vì nếu đánh giá tình hình sai lệch thì tình huống sẽ bị xoay chiều, người bị thua sẽ là bạn. 

    đừng dùng sức hãy dùng trí
    Ông Kano trong trận đấu đối kháng với đối thủ nước ngoài. Ảnh: twitter

    Trong cuộc sống cũng vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đối phó trực diện với một ai đó, cách an toàn nhất là lùi về một bước, đánh giá tình hình, suy tính xem sẽ làm như thế nào để mình đạt được kết quả tốt nhất, tránh được những thiệt hại về sau. 

    Tôn trọng mọi người xung quanh

    Trong Judo, sự tôn kính đối thủ luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vì Judo chỉ được hình thành khi có cả 2 người cùng tham gia. Vào mỗi buổi tập luyện, hay trước khi bắt đầu một trận đấu Judo, và ngay cả khi trận đấu kết thúc, đôi bên sẽ nghiêm cẩn cúi chào đối thủ của mình theo nghi thức gọi là "Rei – 礼". Bạn có thể chào theo tư thế đứng (Ritsu-rei) hoặc ngồi (Zarei). Nghi thức này thể hiện thái độ tôn kính đối với đối thủ, giáo viên, những người đang ở trong sàn đấu, phòng tập và với cả ông tổ Kano. Một điều sâu xa hơn trong nghi thức này, đó chính là khi cúi đầu cũng là lúc bạn ở trong tư thế kém phòng bị nhất. Vì vậy, việc cúi đầu trước đối thủ còn thể hiện sự tin tưởng vào đối phương. Vì thế, không chỉ đơn giản là một môn võ thuật, Judo còn hướng người ta sống khẳng khái, tin tưởng vào con người, tôn trọng và yêu thương con người.

    nghi thức chào đứng trong Judo
    Nghi thức chào đứng trong Judo. Ảnh nguồn: IJF.

    Có một câu chuyện về Kano khi ông đến châu Âu vào năm 1889. Trên con tàu trong chuyến hành trình ấy, có một người nước ngoài chế nhạo và ra đòn với Kano, tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng Kano đã dễ dàng hạ gục người đàn ông châu Âu to lớn. Nhưng điều làm cho câu chuyện trở nên nổi tiếng đó là khi vật đối thủ xuống theo thế võ Judo, Kano đã đặt tay đỡ dưới đầu để ngăn đối thủ của mình bị thương. Điều này cho thấy tinh thần thượng võ được Kano đặt lên hàng đầu.

    kilala.vn

    14/04/2021

    Bài: Phương Thảo
    Hình bìa: kodawari-life.net

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!