NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Khám phá nghề thủ công truyền thống tại 47 tỉnh thành Nhật Bản

    Khám phá nghề thủ công truyền thống tại 47 tỉnh thành Nhật Bản

    Độc đáo và đa dạng, mỗi tỉnh thành xứ Phù Tang đều sở hữu những ngành nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương. Trong series JP47 kỳ này, hãy cùng Kilala du lịch xuyên Nhật qua những sản phẩm thủ công tinh xảo được chế tác bởi các nghệ nhân lành nghề, đại diện cho mỗi tỉnh.

    Vùng Hokkaido

    Hokkaido – Chạm khắc khay gỗ Nibutani Ita

    Nibutani Ita (tiếng Nhật: 二風谷イタ) là chiếc khay gỗ chạm khắc truyền thống của người Ainu, được sản xuất tại thị trấn Biratori, quận Saru, Hokkaido. Nghề thủ công này nổi tiếng với các họa tiết như xoắn ốc (Morew), họa tiết hình gai (Ay usi) và họa tiết hình mắt (Sik).

    Nibutani-ita
    Ảnh: OrientalSouls

    Trước đây, người Ainu sử dụng khay hàng ngày và ngày nay, chúng được coi trọng như một nghề thủ công tinh xảo.

    Vùng Tohoku

    Akita – Đồ gỗ uốn cong Odate Magewappa

    Odate Magewappa (tiếng Nhật: 大館曲げわっぱ) được sản xuất tại thành phố Odate của tỉnh Akita. Đây là một sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của Nhật Bản, nổi tiếng cả ở nước ngoài. Sản phẩm này không chỉ nhẹ và dễ cầm mà còn có vẻ ngoài trang nhã.

    Odate-Magewappa
    Ảnh: tennenseikatsu

    Odate Magewappa được đặc trưng bởi bề mặt đẹp với thớ gỗ tuyết tùng Akita tự nhiên. Nếu bạn cho cơm vào hộp cơm bento magewappa hoặc ohitsu, cây tuyết tùng sẽ hấp thụ lượng ẩm vừa phải, giúp cơm giữ được độ ngon.

    Magewappa được làm bằng gỗ tự nhiên nên khi sử dụng phải cẩn thận nhưng nếu xử lý đúng cách thì có thể sử dụng được lâu dài.

    Ngoài hộp cơm bento, các sản phẩm đa năng khác như khay và cốc cà phê cũng đã được phát triển và ngày nay được nhiều thế hệ yêu thích.

    Aomori – Sơn mài Tsugaru-nuri

    Đồ sơn mài Tsugaru-nuri (tiếng Nhật: 津軽塗) bắt đầu được sản xuất vào giữa thời Edo, dưới thời lãnh chúa Tsugaru Nobumasa (1646-1710). Việc tìm kiếm để thể hiện sự độc đáo và xa hoa trong tầng lớp thượng lưu đã khuyến khích các nghệ nhân sơn mài cạnh tranh quyết liệt để giành được sự bảo trợ của các gia tộc cầm quyền. Ikeda Genbei được cho là nghệ nhân đã phát triển vẻ ngoài độc đáo của Tsugaru-nuri sau khi học nghề ở Kyoto.

    Tsugaru-nuri
    Ảnh: AllAboutJapan

    Tsugaru-nuri được chỉ định là Nghề thủ công dân gian truyền thống vào năm 1975. Ban đầu, nó được sử dụng để trang trí bao kiếm của samurai, nhưng theo thời gian, đồ sơn mài Tsugaru bắt đầu được sử dụng để tạo ra nhiều loại đồ nội thất.

    Fukushima – Đồ gốm Ohori Soma

    Ohori Soma (tiếng Nhật: 大堀相馬焼) là đồ gốm được sản xuất thị trấn Namie, quận Futaba, tỉnh Fukushima. Nguyên liệu chính để tráng men được sử dụng trong đồ gốm Ohori Soma là đá được thu hoạch từ vùng này.

    ohori-soma
    Ảnh: DiscoverJapan

    Điểm đặc biệt của Ohori Soma là họa tiết nền gọi là “Aohibi” (vết nứt màu xanh) bao phủ toàn bộ bề mặt sản phẩm, được tạo ra do sự khác biệt về độ co ngót giữa vật liệu và lớp men. Ngoài ra, “những con ngựa thiêng” được tôn kính bởi gia tộc Soma được vẽ bút lông bằng tay cũng là một nét đặc biệt của sản phẩm này.

    Iwate – Đồ sắt Nambu Tekki

    Được sản xuất tại Morioka và Oshu Mizusawa ở tỉnh Iwate, đồ sắt Nambu Tekki (tiếng Nhật: 南部鉄器) được ra đời vào giữa thời Edo.

    Đặc điểm của Nambu Tekki là có khả năng chống gỉ sét, bền lâu, truyền nhiệt đều và giữ nhiệt cực tốt. Trọng lượng và độ ổn định đặc trưng của đồ sắt, kết hợp với kết cấu thô độc đáo tạo nên vẻ đẹp mộc mạc đầy hấp dẫn.

    Nambu-Tekki
    Ảnh: native&co

    Ấm sắt có thể nói là đại diện cho đồ sắt Nambu, được các nghệ nhân trang trí với nhiều hoa văn đa dạng. Hoa văn arare (mưa đá) với bề mặt gồ ghề được sử dụng trên đồ sắt Nambu để tăng diện tích bề mặt của ấm sắt. Sản phẩm của Nanbu Tekki không chỉ giới hạn ở ấm mà còn có những chiếc bình, chuông gió và phụ kiện.

    Miyagi – Nghiên mực Ogatsu

    Nguồn gốc của nghiên mực Ogatsu (tiếng Nhật: 雄勝硯) bắt nguồn từ thời Muromachi. Đây là loại nghiên mực được sản xuất tại Ogatsu, thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Mỗi nghệ nhân chế tác nghiên đá mài mực đều cẩn thận chạm khắc và đánh bóng nghiên bằng tay.

    ogatsu-suzuri
    Ảnh: Ogatsu

    Đặc điểm của nghiên mực Ogatsu là màu đen tuyền bóng loáng, bề mặt đá tự nhiên đẹp, dễ sử dụng vì mực dễ chà xát, màu sắc lên đẹp và có khả năng chống hư hỏng. Độ bền cao của nó có thể là do đặc tính của đá Ogatsuishi ở địa phương.

    Yamagata – Cờ Tendo Shogi

    Những quân cờ shogi chất lượng cao (hay cờ Tendo Shogi, tiếng Nhật: 天童将棋駒) được chế tác bởi những nghệ nhân nổi tiếng ở Tendo đã được chính phủ chỉ định là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

    tendo-shogi
    Ảnh: Visit Yamagata

    Người ta nói rằng nghề sản xuất quân cờ shogi của Tendo bắt đầu từ thời Edo, và hiện nay chiếm phần lớn sản lượng cờ shogi ở Nhật Bản. Điểm đặc biệt của các quân cờ Tendo Shogi là chữ viết màu đen bóng, sống động từ sơn mài tự nhiên.

    Hằng năm, thành phố Tendo có tổ chức các sự kiện liên quan đến cờ shogi để truyền bá và phát triển văn hóa cờ. Trong đó có hoạt động Ningen Shogi - cờ người, nơi bàn cờ shogi được chơi bằng cách sử dụng người thật.

    Vùng Kanto

    Chiba – Quạt Boshu Uchiwa

    Boshu Uchiwa (tiếng Nhật: 房州うちわ) là loại quạt làm từ tre được sản xuất ở khu vực thành phố Tateyama và thành phố Minamiboso, tỉnh Chiba. Đây là một trong ba loại uchiwa chính ở Nhật Bản (Marugame Uchiwa, Kyo Uchiwa và Boshu Uchiwa), được Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp chứng nhận là nghề thủ công truyền thống vào năm 2003.

    Boshu-uchiwa
    Ảnh: JapanNews

    Các thiết kế trên Boshu Uchiwa đa phần là những bức tranh ukiyo-e truyền thống của Nhật Bản hay tranh về mỹ nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng mặt hàng có thiết kế theo phong cách nghệ thuật dân gian, sử dụng vải yukata/maiwai đã gia tăng.

    Gunma – Vải Kiryu Ori

    Kiryu Ori là loại vải gấm được sản xuất tại thành phố Kiryu, tỉnh Gunma, mang lại cảm giác mềm mại và bóng mượt, được sử dụng rộng rãi để may kimono cao cấp đến phụ kiện quần áo.

    Kiryu Ori (tiếng Nhật: 桐生織) được cho là có nguồn gốc từ hơn 1.300 năm trước, khi Công chúa Shirataki đến sống ở Kiryu sau khi kết hôn. Từ đó, bà đã truyền bá nghệ thuật nuôi tằm và dệt vải cho người dân trong làng.

    Kiryu-ori
    Ảnh: cool-hot.es-id

    Về sau, những sản phẩm dệt Kiryu trở nên nổi tiếng khắp cả nước, sau khi Nitta Yoshisada thành lập một đội quân vào cuối thời kỳ Kamakura (1185-1333) và Tokugawa Ieyasu đã sử dụng một lá cờ lụa Kiryu trắng trong Trận Sekigahara năm 1600.

    Vào nửa đầu thế kỷ 19, với sự bảo trợ của Mạc phủ, các nghệ nhân Kiryu đã có thể sản xuất loại gấm chất lượng cao. Kỹ năng và kỹ thuật liên quan đến loại vải này đã được truyền lại cho những người thợ dệt ngày nay.

    Ibaraki – Đèn lồng đá Makabe

    Ở khu vực Makabe của tỉnh Ibaraki, các đồ vật bằng đá đã được chế tạo từ thời cổ đại và đèn lồng đá Makabe (真壁石燈籠) cũng được tạo ra tại đây.

    makabe-fukiage
    Ảnh: kobo

    Đèn lồng đá Makabe có đặc điểm là được chế tác từ đá granit chất lượng cao của núi Kabasan. Hàng trăm hình dạng được tạo ra bằng kỹ năng của những người thợ thủ công lành nghề để phù hợp với phong cách của từng khu vườn Nhật Bản.

    Sức hấp dẫn của đèn lồng đá Makabe là thời gian. Khi màu ngả đi, rong rêu phủ lên, chúng sẽ hòa hợp với bầu không khí wabi-sabi của những khu vườn Nhật Bản.

    Kanagawa – Khảm Hakone

    Hakone Yosegi Zaiku (tiếng Nhật: 箱根寄木細工) là một loại đồ gỗ được sản xuất tại thành phố Hakone, tỉnh Kanagawa, đặc trưng bởi việc tạo ra nhiều họa tiết khác nhau bằng cách kết hợp những màu sắc khác nhau của gỗ.

    hakone
    Ảnh: The Gate

    Ban đầu, đồ khảm Hakone được sản xuất và bán như một món quà lưu niệm xa xỉ. Đến năm 1984, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế đã chỉ định đồ khảm Hakone là nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản.

    Saitama – Búp bê Iwatsuki

    Búp bê Iwatsuki (tiếng Nhật: 岩槻人形) là búp bê Nhật Bản được sản xuất tại phường Iwatsuki, thành phố Saitama, tỉnh Saitama. Búp bê Iwatsuki có đặc điểm là khuôn mặt tròn và diện những trang phục truyền thống có màu sắc lộng lẫy.

    Bup-be-Iwatsuki
    Ảnh: Visit Saitama

    Ban đầu, Iwatsuki nổi tiếng với những sản phẩm làm từ gỗ như tủ có ngăn kéo hay guốc geta nhưng về sau, nhờ vào nguồn nước chất lượng tốt (liên quan đến việc tạo ra màu sắc của búp bê) nên nơi đây là môi trường lý tưởng để phát triển nghề này.

    Tochigi - Đồ gốm Mashiko

    Đồ gốm Mashiko/ Mashiko-yaki (tiếng Nhật: 益子焼) là một loại đồ gốm Nhật Bản truyền thống được sản xuất tại Mashiko, tỉnh Tochigi. Gốm ở đây sử dụng đất sét có hàm lượng axit silicic và sắt cao, độ dẻo cao nên dễ tạo hình và có khả năng chống cháy. 

    Sự kết hợp giữa đất sét Mashiko truyền thống và kỹ thuật tráng men với nhiều loại men khác nhau như men hồng, tro rơm, tro gỗ hoặc men trắng làm từ tro trấu đã mang đến sự khác biệt cho sản phẩm Mashiko-yaki.

    mashiko
    Ảnh: Visit Tochigi

    Tokyo – Chạm khắc thủy tinh Edo Kiriko

    Edo Kiriko (江戸切子) là một nghề thủ công bằng thủy tinh được sản xuất tại Tokyo (Edo). Kiriko có nghĩa là thủy tinh cắt, và được ứng dụng để làm ra những chiếc ly uống nước, bình hoa… lộng lẫy, tinh tế.

    kiriko
    Ảnh: Edo kiriko

    Ban đầu, đây là nghề thủ công tạo ra các hoa văn trên bề mặt kính không màu và trong suốt, nhưng sau thời Minh Trị, khi công nghệ trở nên phổ biến, nhiều sản phẩm Edo Kiriko đã phối thêm màu sắc tinh xảo hơn như xanh, đỏ, hồng… cùng các chi tiết phức tạp.

    Vùng Chubu

    Aichi – Cọ Toyohashi

    Một trong những loại cọ chất lượng cao, được nhiều người viết thư pháp ưa chuộng là cọ Toyohashi (tiếng Nhật: 豊橋筆) được làm ra tại thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi.

    Toyohashi
    Ảnh: fude-itoh

    Tổng sản lượng cọ Toyohashi hàng năm là 1,8 triệu cọ và dòng cọ cao cấp của Toyohashi chiếm tới 70% thị trường cao cấp. Cọ có nét viết mượt mà và dễ thấm mực. Những điểm đặc trưng đó là kết quả của việc pha trộn các loại lông khác nhau. Các sợi lông được đánh giá và phân loại cẩn thận theo độ dài, độ dày, độ cứng và độ đàn hồi của chúng.

    Fukui – Giấy Echizen Washi

    Echizen Washi (tiếng Nhật: 越前和紙) là một loại giấy truyền thống của Nhật Bản được làm ở lưu vực sông Okafuto thuộc vùng Echizen, tỉnh Fukui. Echizen washi có màu sắc tự nhiên trang nhã, được biết đến là loại giấy chất lượng cao, chống côn trùng và có thể bảo quản trong thời gian dài.

    echizen
    Ảnh: kywu

    Gifu – Giấy Mino Washi

    Mino Washi (美濃和紙) là tên gọi của loại giấy Washi được sản xuất ở thành phố Mino, tỉnh Gifu trong hơn 1.300 năm qua. Mino Washi cùng với Echizen Washi (tỉnh Fukui) và Tosa Washi (tỉnh Kochi) tạo thành “Tam đại Washi” của xứ Phù Tang. Năm 2014, loại giấy này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

    Giấy Mino được làm từ vỏ cây dâu tằm Nhật (kozo), có độ dai, bền và đặc biệt là khả năng thể hiện ánh sáng. Do đó, loại giấy chất lượng cao này được sử dụng trong nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương, bao gồm đèn lồng, ô và quạt. Ngoài ra Mino Washi còn được sử dụng làm cửa trượt shoji trong các ngôi đền ở Kyoto.

    gifu-mino-washi
    Ảnh: Wikipedia

    Ishikawa – Vàng lá Kanazawa

    Kanazawa, tỉnh Ishikawa gần như độc quyền sản xuất vàng lá tại Nhật Bản, chiếm hơn 99% tổng sản lượng của cả nước. Vàng lá Kanazawa (金沢金箔) được làm bằng cách đập và kéo dãn một gram vàng thành lá vàng rộng 1m2 với độ dày chỉ 1/10.000mm.

    Vàng lá Kanazawa có nhiều ứng dụng quan trọng, trong đó có mạ tượng Phật và  được dùng trong công tác phục hồi các di sản văn hóa ở Nhật Bản. Bên cạnh đó là các ứng dụng trong trang trí nội, ngoại thất và thậm chí là thực phẩm. Soft cream phủ lá vàng là một món ăn nổi tiếng với du khách tại Kanazawa.

    ishikawa-vang-la-kanagawa
    Ảnh: becos

    Nagano – Dây bện Iida Mizuhiki

    Mizuhiki là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản sử dụng dây trang trí làm từ giấy washi xoắn lại, thường được buộc quanh quà tặng và phong bì. Nút thắt mizuhiki có thể thay đổi từ đơn giản cho đến những thiết kế phức tạp, tinh tế.

    Khu vực Iida ở phía nam Nagano có lịch sử lâu đời về nghề làm giấy washi – vật liệu để làm mizuhiki và cũng là nơi sản xuất hơn 70% dây mizuhiki của Nhật Bản. Sản phẩm của vùng được gọi là Iida Mizuhiki (飯田水引).

    nagano-mizuhiki
    Ảnh: wa-modern-mizuhiki.hp.peraichi.com

    Niigata – Vải dệt Ojiya Chijimi

    Ojiya Chijimi (小千谷縮) dệt từ ​​cây ramie – một loại cây thuộc họ tầm ma, là nghề thủ công truyền thống của thành phố Ojiya thuộc tỉnh Niigata.

    Vải ramie không chịu được không khí khô nên phải duy trì độ ẩm trong quá trình sản xuất. Đặc điểm này liên quan đến một công đoạn đặc trưng và thú vị của Ojiya Chijimi là phơi vải dưới tuyết, sử dụng hiệu ứng tẩy trắng từ ôzôn sinh ra khi tuyết bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời.

    Khi dệt Ojiya Chijimi, sợi ngang được xoắn lại tạo nên bề mặt gồ ghề cho vải, giúp vải không dính sát vào da, khiến nó rất thoải mái khi mặc vào mùa hè.

    niigata-ojiya-chijimi
    Ảnh: nanban

    Shizuoka – Đồ tre Suruga Take Sensuji Zaiku

    Đồ tre Suruga (駿河竹千筋細工) đã được sản xuất tại thành phố Shizuoka, tỉnh Shizuoka kể từ thời Edo. Đặc trưng của sản phẩm thủ công này là những nan tre được vót tròn cực mỏng, đường kính chỉ 0,8mm, uốn cong mềm mại và có màu sắc đẹp mắt. Gần như toàn bộ quá trình sản xuất, từ vót tre đến lắp ráp, đều do một nghệ nhân duy nhất thực hiện.

    shizuoka-suruga-sensuji-zaiku
    Ảnh: kougeihin.jp

    Toyama –  Đồ đồng Takaoka

    Đồ đồng sản xuất ở thành phố Takaoka (Takaoka Doki - 高岡銅器) có chất lượng hàng đầu Nhật Bản và là mặt hàng xuất khẩu phổ biến. Đặc điểm đáng chú ý của sản phẩm này là kỹ thuật đúc thủ công khéo léo, kết hợp với kỹ thuật đánh bóng, chạm khắc và khảm tạo nên nét tinh tế lẫn độ bền cho sản phẩm.

    Đồ đồng Takaoka khá đa dạng, từ những vật nhỏ như đồ trang trí trong nhà, Phật cụ, bình hoa đến những món đồ lớn hơn như chuông chùa, tượng Phật và tượng đồng.

    toyama-do-dong-takaoka
    Đèn lồng ở chùa Sensoji thực tế được làm bằng đồng bởi nghệ nhân ở Takaoka. Ảnh: story.nakagawa-masashichi.jp

    Yamanashi – Điêu khắc pha lê Koshu Suisho Kiseki Zaiku

    Khu vực Kofu, tỉnh Yamanashi từ lâu đã nổi tiếng với nguồn pha lê dồi dào, là vật liệu để tạo nên sản phẩm thủ công bằng pha lê. Nghề điêu khắc pha lê tại đây có tên gọi là Koshu Suisho Kiseki Zaiku (甲州水晶貴石細工). 

    Sử dụng phương pháp truyền thống, pha lê tự nhiên được cắt, mài và đánh bóng cẩn thận để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp. Mỗi tác phẩm được chế tác theo cách tận dụng các đặc điểm riêng biệt của viên đá thô nên không có sản phẩm nào giống hệt nhau. Ngày nay, các mặt hàng được sản xuất chủ yếu bao gồm đồ trang trí và trang sức. 

    yamanashi-pha-le
    Ảnh: tsuchiyakasho.jp

    Vùng Kansai

    Hyogo – Gốm Tamba Tachikui

    Đồ gốm Tamba Tachikui (丹波立杭焼) được sản xuất tại làng Konda ở thành phố Sasayama, tỉnh Hyogo. Đây là một trong Sáu lò nung lâu đời nhất Nhật Bản, cùng với Bizen, Echizen, Seto, Shigaraki và Tokoname.

    Gốm Tamba có đặc trưng là lớp men tự nhiên được hình thành trong quá trình nung kéo dài, từ sự kết hợp giữa thành phần sắt trong đất sét và tro than, tạo nên vẻ đẹp mộc mạc. Ngoài ra trong quá trình nung, tro từ gỗ thông hòa lẫn vào men tạo ra những hiệu ứng thú vị gọi là “hai kaburi”, mang lại tính độc bản cho từng sản phẩm.

    hyogo-tamba-yaki
    Ảnh: voyapon

    Kyoto – Gấm Nishijin Ori

    Nishijin Ori (西陣織) là loại vải gấm cao cấp được sản xuất ở khu vực Nishijin (nay là phường Kamigyo và Kita) của Kyoto. Vải thường gồm sợi tơ tằm được nhuộm màu rực rỡ đan xen với các sợi vàng và bạc tạo thành các họa tiết phức tạp. Ngoài obi và kimono, Nishijin Ori còn được dùng để may đồ trang trí cho xe diễu hành trong lễ hội và trang phục kịch Noh.

    kyoto-nishijin-ori
    Ảnh: japanese-tc.com

    Mie – Khuôn giấy Ise Katagami

    Trong các kỹ thuật nhuộm truyền thống của Nhật Bản, Katazome – nhuộm sử dụng khuôn là kỹ thuật được ưa chuộng để tạo ra những họa tiết phức tạp. Và nghề làm khuôn giấy cho Katazome ở thành phố Ise, hay Ise Katagami (伊勢型紙) đã được chỉ định là Di sản văn hóa phi vật thể của Nhật Bản.

    Katagami (khuôn giấy) được làm bằng cách dán nhiều lớp giấy washi bằng kakishibu (dung dịch từ quả hồng lên men), sau đó khắc hoa văn bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Các hoa văn có thể cực kỳ nhỏ và chi tiết, đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ của nghệ nhân. Khi nhuộm Katazome, nghệ nhân đặt khuôn Katagami lên vải rồi quét hỗn hợp bột gạo lên, những phần được quét bột nhão sẽ chống thấm và không ăn màu khi nhuộm ở bước tiếp theo.

    mie-ise-katagami
    Làm Katagami. Ảnh: inden-ya.co.jp
    katazome
    Một số mẫu vải nhuộm bằng phương pháp Katazome. Ảnh: demischdanant.com

    Nara – Takayama Chasen

    Khu vực thành phố Takayama của Nara nổi tiếng với nghề làm chổi đánh trà Chasen (高山茶筅) và là nơi duy nhất ở Nhật Bản chế tác loại trà cụ này. Quá trình làm Chasen bao gồm 8 bước, được thực hiện bởi một nghệ nhân duy nhất. Kết quả là từ một khúc tre ban đầu sẽ tạo nên chiếc chổi đánh trà với từ 60 đến 240 sợi tre cực mỏng, gần như trong suốt và được uốn cong mềm mại.

    cac-loai-chasen
    Ảnh: Moya Matcha
    [subscribe]

    Osaka – Dao bếp Sakai

    Những con dao Sakai không chỉ được sử dụng bởi 90% đầu bếp Nhật, mà còn được giới đầu bếp chuyên nghiệp lẫn tại gia trên thế giới săn đón. Nghề rèn dao Sakai (堺打刃物) đặc trưng bởi việc kết hợp hai loại vật liệu là thép cứng và sắt mềm khiến dao vừa có độ sắc bén lại vừa dẻo dai.

    Có hơn 10 bước trong quy trình sản xuất dao Sakai, đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể và kỹ năng thành thạo của nghệ nhân.

    osaka-dao-sakai
    Ảnh: Premium Japan

    Shiga – Gốm Shigaraki

    Thành phố Shigaraki là một trong Sáu lò nung lâu đời nhất của Nhật Bản, quê hương của dòng gốm Shigaraki-yaki (信楽焼). Đặc điểm nổi bật là gốm không được tráng men mà một lớp men tự nhiên sẽ được tạo ra trong quá trình nung khi tro than tan chảy. Ngoài ra, nguyên liệu được sử dụng là đất sét thô nên sản phẩm có khả năng chống cháy cao. 

    Sắt trong đất sét Shigaraki đôi khi khiến nó chuyển sang màu nâu đỏ rực rỡ như lửa trong quá trình nung. Ngoài ra thành phần đất chứa nhiều fenspat, khi nóng chảy ở nhiệt độ từ 1250°C đến 1280°C sẽ tạo ra các hạt màu trắng trên bề mặt.

    shiga-shigaraki
    Ảnh: THE GATE

    Wakayama – Cần câu Kishu Herazao

    Cần câu Kishu (Kishu Herazao - 紀州へら竿) được sản xuất tại thành phố Hashimoto, tỉnh Wakayama để câu cá giếc Nhật. Phương pháp chế tác cần câu ban đầu được hình thành ở Osaka khoảng những năm 1880, rồi được chuyển về Hashimoto vì nơi đây có nguồn tre dồi dào.

    Cần câu Kishu được ghép lại từ ba loại tre khác nhau và toàn bộ quy trình sản xuất có đến 130 bước. Cần câu có phần tay cầm dày được trang trí đẹp mắt, phủ sơn mài bóng, là sản phẩm cao cấp và mất khoảng sáu tháng để sản xuất.

    wakayama-can-cau-kishu
    Ảnh: city.hashimoto.lg.jp

    Vùng Chugoku

    Hiroshima – Cọ Kumano

    Cọ Kumano (Kumano Fude - 熊野筆) là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của thành phố Kumano, tỉnh Hiroshima từ thời Edo. Ngày nay, có đến khoảng 80% bút lông thư pháp và 90% cọ trang điểm Nhật Bản được sản xuất tại đây.

    Kỹ thuật sản xuất cọ truyền thống trong đó có bước sử dụng tro trấu xay mịn để loại bỏ vết dầu, hoặc buộc cọ bằng chỉ sợi lanh, là 2 trong số 70 bước cần thiết để tạo ra một chiếc cọ Kumano. Đầu cọ được làm từ nhiều loại lông động vật khác nhau như dê, ngựa, hươu, tanuki và chồn ecmin. Nhiều loại lông với độ dài khác nhau được kết hợp để tạo thành đầu cọ.

    hiroshima-co-kumano
    Ảnh: The Japan Times

    Okayama – Gốm Bizen

    Là một trong Sáu lò nung lâu đời nhất của Nhật Bản, thành phố Bizen, tỉnh Okayama sở hữu dòng gốm Bizen-yaki (備前焼) với hơn 1.000 năm lịch sử. Gốm Bizen từng được các bậc thầy Trà đạo thời Muromachi yêu thích và sử dụng trong nghi lễ Cha no Yu.

    Đặc trưng của gốm là vẻ ngoài mộc mạc không được tráng men hay tô vẽ. Tuy nhiên, sự kết hợp của lửa và tro than cùng vị trí của gốm trong lò nung sẽ tạo nên những hoa văn độc đáo, không cái nào giống cái nào.

    okayama-gom-bizen
    Ảnh: sd.tankosha.co.jp

    Shimane - Đèn lồng đá Izumo

    Được sản xuất tại các thành phố Izumo và Matsue thuộc tỉnh Shimane và thành phố Sakaiminato thuộc tỉnh Tottori, đèn lồng đá Izumo (tiếng Nhật: 出雲石燈ろう - Izumo ishidorou) làm từ đá Kimachi, một loại sa thạch được khai thác từ khu vực Kimachi của thị trấn Shinji, tỉnh Shimane.

    Đèn lồng đá Izumo xuất hiện từ thời Nara (710-794) và thời Heian (794-1185); đặc trưng bởi sự trang nhã, hài hòa và thường được sử dụng để trang trí trong các khu vườn Nhật Bản truyền thống.

    shimane-den-long-da-izumo
    Ảnh: researchgate.net

    Tottori – Inshu Washi

    Inshu Washi (tiếng Nhật: 因州和紙) là loại giấy truyền thống của Nhật Bản được sản xuất tại tỉnh Inaba trước đây, ngày nay là phần phía đông của tỉnh Tottori. Giấy Inshu có họa tiết, thích hợp dùng cho việc viết thư pháp và thư họa.

    Được làm từ vỏ của cây kozo, cây mitsubata và cây kanpi, giấy Inshu có kết cấu mềm mại, dẻo dai và có khả năng chống oxi hóa. Inshu Washi hấp thụ ít mực hơn so với giấy thông thường và rất mềm nên giúp bút lông lướt nhanh hơn.

    tottori-inshu-washi
    Ảnh: tottori.goguynet.jp

    Yamaguchi – Nghiên mực Akama

    Nghiên mực Akama (tiếng Nhật: 赤間硯 - Akama suzuri) được sản xuất tại khu vực xung quanh các thành phố Shimonoseki và Ube ở tỉnh Yamaguchi.

    Đá akama dùng để làm nghiên mực có hàm lượng thạch anh và sắt cao, vì vậy mài bằng loại nghiên này cho ra mực kết cấu mịn, màu sắc đẹp.

    yamaguchi-nghien-cuc-akama
    Ảnh: newscast

    Vùng Shikoku

    Ehime - Đồ sứ Tobe

    Xuất hiện từ thời Edo (1693-1868), đồ sứ Tobe (砥部焼 - Tobe Yaki) được sản xuất quanh thị trấn Tobe, quận Iyo thuộc tỉnh Ehime. Đặc trưng của sứ Tobe là bề mặt sứ trắng, có chút ánh xám.

    Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công nhận Đồ sứ Tobe là nghề thủ công truyền thống vào năm 1976.

    ehime-do-gom-tobe
    Ảnh: vmg.co.jp

    Kagawa - Quạt Marugame Uchiwa

    Marugame Uchiwa (tiếng Nhật: 丸亀うちわ) là loại quạt được làm ra ở khu vực xung quanh thành phố Marugame, tỉnh Kagawa. Những chiếc Marugame Uchiwa đầu tiên được tạo ra để làm quà lưu niệm cho những người hành hương đến đền Konpira vào đầu thời Edo (1603-1868). Lúc bấy giờ, chiếc quạt có màu đỏ son, trên nền đỏ là kí tự “金 - KIM” được bao quanh bởi vòng tròn (丸).

    Ưu điểm của quạt Marugame Uchiwa là nhẹ, cầm vừa tay tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng.

    kagawa-marugame-uchiwa
    Ảnh: story.nakagawa-masashichi.jp

    Kochi – Dao Tosa

    Dao Tosa (tiếng Nhật: 土佐打刃物 - Tosa Uchihamono) được sản xuất ở khu vực từ phía đông đến trung tâm tỉnh Kochi, bao gồm thị trấn Ino, các thành phố Kami, Nankoku, Tosa và Susaki.

    Để tạo ra dao kéo Tosa, thợ thủ công sử dụng phương pháp rèn tự do, tạo thành các hình dạng bằng cách dùng búa đập và lằm phẳng vật liệu kim loại được nung nóng. Dao kéo Tosa không chỉ sắc bén mà còn có độ bền cao, ít phải bảo dưỡng.

    kochi-dao-keo-tosa
    Ảnh: kochi-bank.co.jp

    Tokushima - Đồ gốm Otani

    Đồ gốm Otani (tiếng Nhật: 大谷焼/Otani yaki) là sản phẩm nổi tiếng nhất và là nghề thủ công tiêu biểu của thành phố Naruto thuộc tỉnh Tokushima.

    Loại đất dùng để làm gốm Otani là đất sét Hagiwara, được lấy từ khu vực Oasacho trong tỉnh. Đất sét Hagiwara có hàm lượng sắt cao, kết cấu thô ráp và có độ bóng nhẹ. Để tạo ra đồ gốm Otani, nghệ nhân còn sử dụng một kĩ thuật độc đáo gọi là “nerokuro". Cụ thể, một người phụ tá nằm trên mặt đất và dùng chân đá vào bánh xe của bàn xoay, trong khi một nghệ nhân khác đứng và tạo hình cho đồ gốm. Kỹ thuật này dùng để tạo ra những chiếc bình hoặc chum có kích thước rất lớn.

    tokushima-gom-otani
    Ảnh: kogeijapan.com

    Vùng Kyushu & Okinawa

    Fukuoka - Búp bê Hakata

    Ra đời vào khoảng năm 1600, búp bê Hakata (tiếng Nhật: 博多人形/ Hakata ningyo) là loại búp bê đất sét không tráng men được sản xuất tại thành phố Hakata, tỉnh Fukuoka.

    Búp bê Hakata nổi bật bởi màu sắc nhẹ nhàng tinh tế, những đường chạm khắc tinh xảo, nét mặt thanh tú và phong phú. Vẻ ngoài trang nhã đã giúp búp bê Hakata thu hút sự chú ý tại nhiều cuộc triển lãm ở Nhật Bản và nước ngoài, trong đó có Triễn lãm Thế giới Paris năm 1900.

    Ngày nay, búp bê Hakata được coi là một món quà lưu niệm lí tưởng dành cho du khách nước ngoài và được tích cực xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Còn đối với Fukuoka, búp bê Hakata là di sản văn hóa phi vật thể đầy tự hào của tỉnh.

    Có nhiều loại búp bê Hakata khác nhau như búp bê mỹ nhân, búp bê diễn viên kịch Noh, kịch Kabuki...

    fukuoka-bup-be-hakata
    Ảnh: tfm.co.jp

    Kagoshima - Án thờ Phật Kawanabe Butsudan

    Kawanabe Butsudan (tiếng Nhật: 川辺仏壇) là tên gọi của nghề làm Butsudan (án thờ Phật) ở khu vực Kawanabe thuộc thành phố Minamikyushu, tỉnh Kagoshima.

    Ở đây có một loại Butsudan đặc biệt gọi là “gamado” (ガマ戸), ngoài ra còn có các kiểu án thờ như sanpobiraki, donaga, handai-tsuki và betsudai-tsuki...

    Butsudan ở Kawanabe được làm từ gỗ cây thông và tuyết tùng, sơn mài màu đen, được trang trí bằng các chi tiết chạm khắc tinh xảo và dát vàng.

    kagoshima-kawanabe-butsudan
    Ảnh: japan47go.trave

    Kumamoto - Khảm kim loại Higo Zogan

    Higo Zogan (tiếng Nhật: 肥後象がん) là nghề khảm kim loại ở thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto. Trước đây, Higo Zogan được sử dụng để trang trí nòng súng hoặc thanh kiếm của samurai. Tuy nhiên, ngày nay, nó còn được sử dụng để làm phụ kiện cá nhân hoặc đồ trang trí nội thất.

    Theo truyền thống, Higo Zogan không sử dụng bất kì loại sơn nào lên kim loại, mà tạo ra màu đen sẫm bằng cách cho phép quá trình rỉ sét tự nhiên, tôn lên vẻ đẹp của kim loại.

    kumamoto-higo-zogan
    Ảnh: kogeijapan.com

    Miyazaki - Cung Miyakonojo

    Từ rất lâu trước đây, hành phố Miyakonojo của tỉnh Miyazaki được biết đến là khu vực trồng tre chất lượng dùng để sản xuất ra nhiều loại vũ khí. Hiện tại, khu vực này trung tâm sản xuất cung tre hàng đầu, chiếm  khoảng 90% thị phần cung tre trên toàn Nhật Bản. Vì vậy, cuộc thi bắn cung cấp quốc gia cũng được tổ chức ở đây hằng năm.

    Cung Miyakonojo (tiếng Nhật: 都城大弓/ Miyakonojo Daikyu) có chiều dài 2m, giúp tăng độ chính xác và tầm bắn. Với phần chuôi bằng da nai được trang trí các họa tiết đẹp mắt, cung Miyakonojo không chỉ là một loại vũ khí mà còn được xem như một món đồ nghệ thuật.

    miyazaki-cung-miyakonojo
    Ảnh: kogeijapan.com

    Nagasaki - Đồi mồi Nagasaki Bekko 

    Ở thành phố Nagasaki và Isahaya của tỉnh Nagasaki có nghề chế tác mai đồi mồi thành các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, được gọi chung là Nagasaki Bekko (tiếng Nhật: 長崎べっ甲). Nghề thủ công này phát triển ở Nagasaki trong thời kì Edo (1603-1868) khi Nhật Bản thi hành chính sách bế quan tỏa cảng và Nagasaki là khu vực được phép giao thương với nước ngoài.

    Những nghệ nhân có tay nghề cao điều chỉnh màu sắc và độ dày của mai đồi mồi bằng các kĩ thuật phức tạp, tạo ra những món đồ như phụ kiện tóc, dây chuyền, tàu kho báu...

    Hiện nay, do CITES (công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấm các giao dịch quốc tế về loài đồi mồi nên việc nhập khẩu mai rùa là không thể. Do đó, nghề chế tác đồ mĩ nghệ từ mai rùa Nagasaki Bekko ngày càng trở nên hiếm hơn.

    nagasaki-nagasaki-bekko
    Ảnh: nakakoga.thebase.in

    Oita - Đồ tre Beppu take-zaiku

    Beppu take-zaiku (tiếng Nhật: 別府竹細工) là đồ thủ công bằng tre được sản xuất tại thành phố Beppu, tỉnh Oita. Giống tre được sử dụng chủ yếu để chế tác là tre odake trồng và thu hoạch tại địa phương.

    Tất cả đồ thủ công bằng tre Beppu đều được làm bằng tay. Ngoài những đồ dùng thiết yếu truyền thống như giỏ hoa, giỏ đựng cơm, giỏ đựng đĩa... thì các sản phẩm mang hơi hướng hiện đại như túi xách cũng rất được ưa chuộng.

    beppu-take-zaiku
    Ảnh: takumijapan.com

    Okinawa - Đàn Sanshin

    Sanshin (tiếng Nhật: 三線) là nhạc cụ được sản xuất tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa, được sử dụng trong Kumi odori (組踊) – một loại hình nghệ thuật sân khấu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

    okinawa-dan-sanshin
    Ảnh: kogeijapan.com

    Đàn Sanshin bao gồm cần đàn, thân đàn và chốt gắn dây đàn, trong đó phần thân của Sanshin được bọc bằng da trăn.  

    Xem thêm: Đàn Sanshin bọc da trăn huyền bí của vùng Okinawa

    Để làm ra một cây đàn Sanshin, đòi hỏi người thợ thủ công phải có tay nghề khéo léo và đôi lúc phải mất hàng thập kỉ.

    dan-sanshin-boc-da-ran
    Ảnh: kogeijapan.com

    Saga - Đồ gốm Karatsu

    Ra đời từ thế kỉ 16, đồ gốm Karatsu (tiếng Nhật: 唐津焼/Karasu yaki) được sản xuất tại các tỉnh Saga và Nagasaki đặc trưng bởi giữ lại cảm giác mộc của đất sét nhưng không quá thô ráp. Đồ gốm Karatsu đặc biệt phù hợp với cảm thức thẩm mĩ wabi-sabi vì toát lên vẻ đẹp đơn giản không hoàn hảo, không vĩnh cửu và không trọn vẹn.

    saga-do-gom-karasu
    Ảnh: kogeijapan.com

    Tìm hiểu thêm về thế giới của các nghệ nhân Nhật Bản trong Chuyên đề Shokunin.

    kilala.vn

    JP47 - VÒNG QUANH 47 TỈNH THÀNH NHẬT BẢN

    Cùng một chủ đề, nhưng ở 47 tỉnh thành Nhật Bản sẽ có điểm gì khác biệt? Trong series JP47, hãy cùng Kilala bước chân vào một hành trình khám phá những nét đặc trưng, những điểm khác biệt thú vị giữa các tỉnh thành trên khắp xứ Phù Tang nhé!

    Đọc và theo dõi các bài viết thuộc series tại đây!

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!