NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nghệ thuật chế tác Chasen từ tre

    Nghệ thuật chế tác Chasen từ tre

    Từ một đoạn tre duy nhất, dưới đôi tay của các nghệ nhân Nhật Bản lại hóa thành một dụng cụ đánh trà tinh xảo gồm nhiều sợi tre mảnh, uốn cong đầy thanh lịch. Trong Chuyên đề Tre Nhật Bản lần này, hãy cùng tìm hiểu về Chasen – chiếc chổi đánh matcha mang tính biểu tượng của nghệ thuật Trà đạo xứ Phù Tang.

    Chasen là gì?

    Chasen là một dụng cụ đánh trà được làm từ một đoạn thân tre được chẻ thành nhiều sợi, dùng để đánh bột Matcha thành Usucha (trà mỏng) hoặc Koicha (trà đặc)

    Trong tiếng Nhật, Chasen được viết là “茶筅 – Trà Tiển” hoặc “茶筌 – Trà Thuyên” tùy thuộc vào ngữ cảnh. Nếu bộ ký tự đầu tiên được sử dụng thì sẽ mô tả một chiếc Chasen thông thường, được xem như một dụng cụ đơn giản, trong khi từ “茶筌” lại dành riêng cho những chiếc chổi đánh trà đến từ thị trấn Takayama của tỉnh Nara bởi chúng được coi như các tác phẩm nghệ thuật cao cấp.

    chasen-la-gi
    Chasen là dụng cụ quen thuộc và cơ bản trong Trà đạo. Ảnh: narateacompany.com

    Sự ra đời của Chasen

    Mặc dù một số dạng cây đánh trà đã được sử dụng để đánh “Diancha” (點茶) vào thời nhà Tống tại Trung Hoa và được mang đến Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ dụng cụ này trông ra sao hoặc được tạo ra như thế nào.

    Những ghi chép sớm nhất về Chasen ở Nhật Bản có từ giữa thời Muromachi (1336-1573), theo đó, nghề làm Chasen của Nhật Bản bắt đầu khi bậc thầy trà đạo Murata Juko đề nghị người bạn thân của ông là Takayama Minbunojo Nyudo Sosetsu, con trai thứ hai của lãnh chúa cai quản lâu đài Takayama, tạo ra một cây đánh trà tốt nhất.

    Murata Juko là nhà sư tại chùa Shomyoji ở Takayama, tỉnh Nara. Không chỉ là một trà sư, ông còn là bậc thầy về thơ ca lẫn thư pháp. Ông được xem là người sáng lập trường phái trà đạo Wabi-cha và phát minh ra trà bột, là một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến Trà đạo Nhật Bản.

    cha-no-yu
    Chasen trong nghi thức Cha no Yu của Trà đạo. peninsula.com

    Khi Murata Juko chuyển đến Kyoto, chiếc Chasen đặc biệt này đã được dâng lên trước Thiên hoàng Go-Tsuchimikado tại bàn Trà đạo. Thiên hoàng đã khen ngợi loại Chasen này và đặt tên cho nó là “Takaho”. Cảm kích và xúc động trước lời khen, Takayama Minbunojo Nyudo Sosetsu đã quyết tâm cống hiến cho nghệ thuật làm Chasen và biến nó trở thành một nghề thủ công đặc biệt của gia tộc Takayama.

    Kể từ đó, các thợ thủ công tại thị trấn đã trau chuốt kỹ năng của mình và truyền lại nó qua nhiều thế hệ. Ngày nay, Takayama là khu vực sản xuất Chasen duy nhất ở Nhật Bản và chỉ còn lại 18 xưởng chế tác.

    Cấu tạo của Chasen

    Chasen có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, phổ biến nhất là loại có 80 - 120 sợi (hay nan). Tuy nhiên, số lượng sợi có thể khác nhau khá nhiều, tối thiểu là khoảng 16 sợi. Càng nhiều sợi sẽ càng giúp tạo bọt dễ dàng, matcha sẽ có kết cấu mịn màng hơn.

    Hình dạng của một chiếc Chasen được xác định bởi vô số yếu tố khác nhau, như trường phái Trà đạo, mục đích và dịp sử dụng, hoặc loại tre tạo ra nó. Hai loại Chasen cơ bản là Chu-araho với 70 đến 80 sợi, được sử dụng cho Koicha và Kazuho với 120 sợi, được sử dụng chủ yếu cho Usucha.

    cac-loai-chasen
    Chasen đa dạng về hình dáng, kích thước và số sợi. Ảnh: Moya Matcha

    Chasen hình chữ Chân (真 – Shin) cũng là một trong những kiểu phổ biến do tay cầm nhỏ và các sợi tre uốn cong thanh lịch, được hai trường phái Trà đạo lớn nhất là Urasenke và Omotesenke ưa thích. Có khoảng 64 sợi, Shin Chasen nằm giữa Usucha Chasen và Koicha Chasen chuyên dụng.

    Dưới đây là cấu tạo của một Chasen:

    • Hosaki (穂先): Các sợi (nan) của Chasen.
    • Chajimi (茶じみ): Bó sợi ở trung tâm của Chasen.
    • Kagari-ito (かがり糸) hoặc Kagami-ito (からみ糸): Dây đan xung quanh các sợi tre ở phần gốc của chúng.
    • Musubime (結び目): Nút thắt của kagari-ito. Mặt có musubime là mặt trước của Chasen và phải để ở vị trí đối diện người pha trà.
    • Jiku (軸): Phần tay cầm để đánh matcha.
    • Fushi (節): Phần đốt tre trên Chasen.
    cau-tao-chasen
    Cấu tạo của Chasen. Ảnh: Yunomi.life

    Xem thêm: Cha no Yu - Nghi thức pha trà trong Trà đạo

    Tre trong chế tác Chasen

    Tre được biết là có đặc tính kháng khuẩn và khử mùi độc đáo, bền và dẻo nên được sử dụng để làm ra nhiều sản phẩm gia dụng truyền thống. Những tính chất nổi bật này của tre cũng rất thích hợp để làm Chasen. Và mặc dù có hàng trăm giống tre ở Nhật Bản nhưng chỉ một số loại sở hữu những đặc điểm nhất định mới có thể dùng để chế tác loại trà cụ này. 

    Khu vực vùng núi Takayama của Nara với ánh nắng dịu dàng cùng làn gió mát lành đã tạo nên những thân tre chắc chắn với lớp vỏ sáng bóng vô cùng đẹp mắt. Từ những cây tre chất lượng cao ấy, các nhà sản xuất Chasen của Takayama sẽ chọn lọc cẩn thận những thân cây phù hợp nhất, các cây gãy hay cong đều sẽ bị loại bỏ.

    Vào cuối mùa thu, những cây tre 3 năm tuổi sẽ được thu hoạch sau đó phơi nắng trong thời gian 2 tháng. Cách phơi khô trong thời tiết lạnh giá này được gọi là “寒干し - kanboshi” (nghĩa đen là “sấy lạnh”). Sau đó, tre được tiếp tục phơi khô trong kho thêm 2 năm trước khi đưa vào sử dụng.

    suikaen
    Ở Takayama, hình ảnh những thân tre phơi trong tuyết đã trở thành một trong những khung cảnh biểu tượng của mùa đông trong suốt 500 năm qua. Ảnh: theamatcha.com

    Loại tre dùng cho chế tác sẽ quyết định hình dáng cuối cùng của Chasen. Thông thường có ba loại phổ biến nhất: tre trắng (白竹 - Shiratake), tre bồ hóng (煤竹 - Susudake) và tre đen (黒竹 - Kurochiku). Ngoài ra một số còn được làm từ giống tre Madake (真竹) có màu xanh.

    Tre trắng là loại phổ biến và kinh tế nhất, có bề mặt mịn, dày nhưng dễ vỡ. Mặt khác, tre đen là loại nặng nhất, vì quá đặc nên việc chế tác có phần khó khăn. Tuy nhiên, tre đen bền hơn và có thể bền gấp 3 lần so với một chiếc Chasen bằng tre trắng thông thường.

    Tre màu bồ hóng độc đáo và quý hiếm vì nó là loại tre đã bị ám khói từ bếp lửa trong nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Tại những ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản, những cây tre này được sử dụng để lợp mái tranh. Những thân tre phía trên và gần bếp lò (囲炉 - irori) của những ngôi nhà này dần được nhuộm thành màu nâu tự nhiên, và khi mái nhà được thay thế, tre sẽ được thu mua để làm thành những chiếc Chasen cùng muỗng Chashaku chất lượng cao. Vì số lượng các ngôi nhà truyền thống ngày càng giảm dần nên ngày nay, Susudake rất quý hiếm.

    mau-sac-chasen
    Từ trái sang: Chasen làm từ Shiratake, Susudake và Kurochiku. Ảnh: yunomi.life

    Các bước tạo nên Chasen

    Sau khi tre được xử lý và làm khô, sẽ phải trải qua khoảng tám bước để biến vật liệu thô thành một dụng cụ Trà đạo tinh xảo. Một thợ thủ công truyền thống làm từng chiếc Chasen bằng tay với một con dao nhỏ và vài dụng cụ đặc biệt cũng được làm bằng tre.

    1. Haratake (原竹): Bước đầu tiên là cắt tre thành các khúc dài 12cm, sao cho đốt tre nằm ở vị trí khoảng 1/3 chiều dài, chia đoạn tre đó thành hai phần. Phần dài hơn sẽ được chế tác thành các sợi tre và phần ngắn hơn là tay cầm.

    2. Katagi (片木): Nghệ nhân sẽ bắt đầu tạo hình phần sợi tre bằng cách cạo bớt lớp vỏ bên ngoài từ điểm giữa của ống tre về phía rìa. Từ đây, chẻ ống tre thành 16 nan bằng nhau. Sau đó, người thợ uốn cong từng nan, dùng dao tách lớp vỏ cứng bên ngoài mỗi nan ra khỏi lớp thịt tre mềm rồi loại bỏ phần mềm.

    3. Kowari (小割): Tùy thuộc vào kiểu Chasen, 16 nan tre được chia nhỏ thêm từ hai đến tám lần để tạo thành Chasen có 36 đến 120 sợi. Công đoạn này đòi hỏi rất nhiều sự tập trung, khéo léo. Trên thực tế, ngay cả một nghệ nhân lành nghề cũng chỉ có thể sản xuất khoảng 6-7 chiếc Chasen mỗi ngày.

    4. Aji-kezuri (味削り): Tiếp đến Chasen được ngâm trong nước nóng để làm mềm. Sau đó người thợ sẽ cạo các sợi cho thuôn nhọn, khoảng 1-2cm cuối cùng sẽ trở nên thật mỏng, dẻo và trong mờ. Những đầu tre linh hoạt này sau đó sẽ được uốn vào trong để tạo hình. Đây là một trong những bước thiết yếu nhất, đòi hỏi nhiều năm thực hành và rèn luyện. Trên thực tế, độ linh hoạt của phần đầu này góp phần rất lớn vào việc tạo bọt cho Matcha.

    5. Mentori (面取り): Sau đó, nghệ nhân sẽ cạo nhẹ các cạnh của từng sợi tre để loại bỏ cạnh thô, giúp Matcha không bị bám vào khi đánh.

    che-tac-chasen
    Ảnh: tencha.co.uk

    6. Shita-ami (下編): Sau khi cạo, các sợi này sẽ được chia thành vòng bên trong và vòng bên ngoài bằng một sợi chỉ đan qua lại quanh các sợi, sao cho một nửa số sợi nằm ở vòng trong và nửa còn lại tạo thành vòng ngoài.

    7. Ua-ami (上編): Hai hàng chỉ tiếp tục được đan thêm để cố định mọi thứ vào đúng vị trí và cuối cùng là buộc một nút thắt ở phía trước Chasen. Hầu hết các Chasen đều được đan bằng sợi bông màu đen. Điều này là do sợi chỉ đen ít có khả năng để lại vết bẩn. Tuy nhiên các màu khác cũng có thể được sử dụng tùy theo trường phái Trà đạo, dịp sử dụng hoặc cho các hiệu ứng khác nhau. Ví dụ một chiếc Chasen được sử dụng trong nghi lễ chào đón một đại sứ từ Nam Phi thì có thể sử dụng những sợi chỉ mang màu tượng trưng cho lá cờ của đất nước họ.

    8. Shiage (仕上げ): Nghệ nhân tinh chỉnh các sợi của Chasen (tất cả đều đã xòe ra ở thời điểm này), tạo thành hình dạng cuối cùng. Bước này thường gồm việc xoắn các đầu sợi bên trong thành một chiếc nút (Chajimi). Cuối cùng, công đoạn hoàn thiện và kiểm tra được thực hiện bởi thợ thủ công chính, người chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các sợi cách đều nhau và tạo thành một vòng tròn đều.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!