Đàn Sanshin bọc da trăn huyền bí của vùng Okinawa
Trong văn hóa của Vương quốc cổ Lưu Cầu (Ryukyu), đàn Sanshin được xem như một loại nhạc cụ truyền tải thông điệp của các vị thần, và bản thân nó cũng được xem như một vị thần. Với người dân đảo Okinawa, Sanshin là một bảo vật được mỗi gia đình gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu của mình.
Đàn Sanshin là gì?
Là tiền thân của nhạc cụ truyền thống Shamisen của Nhật Bản, đàn Sanshin (三線) có ba dây và
phần thân bọc da trăn, được phát triển từ đàn tam (tam huyền cầm) của Phúc Kiến –
Phúc Châu, Trung Quốc, sau đó trở thành quốc cầm của vương quốc cổ Lưu Cầu (1429 - 1879) thuộc tỉnh Okinawa ngày nay.
Là linh hồn của nhạc dân ca Okinawa, Sanshin được chơi bởi mọi lứa tuổi, từ những em bé lên 2 đến các cụ già, mang âm thanh ấm áp và vui tươi đặc trưng. Đây cũng là loại nhạc cụ có mặt ở hầu hết mọi ngôi nhà của người dân Okinawa, không thể thiếu trong các buổi họp mặt gia đình, hôn lễ, sinh nhật, hay những buổi tiệc cộng đồng, lễ hội địa phương.
Nhạc cụ nhuốm màu huyền bí
Sanshin
của Lưu Cầu (Ryukyu) mang hình dáng và
tên gọi gần giống với đàn tam (三弦 - Sānxián) của Trung Quốc, bởi mối
quan hệ thân cận của vương quốc cổ này với vương triều Trung Hoa. Vào
thế kỷ 16,
đàn Sanshin từ Ryukyu đã được du nhập vào Nhật Bản từ cảng
Sakai, Osaka. Tại đây, nó được phát triển
thành đàn Shamisen (三味線) với kích thước lớn hơn, kèm theo một số thay
đổi khác.
Vì được bọc bằng da trăn, đàn Sanshin còn được người Nhật gọi là “蛇皮線 – Jabisen" (đàn da rắn) hoặc “蛇三線 – Jamisen" (đàn da rắn ba dây).
Được
truyền qua nhiều thế hệ gia đình, đàn
Sanshin có độ bền vượt thời gian và được tôn kính như một vị thần. Sức
bền bỉ và sự huyền bí của đàn Sanshin được thể hiện khá rõ qua câu
chuyện “Cặp đàn Sanshin” được người dân trên hòn đảo Okinawa truyền tai
nhau.
Truyện kể về cặp đàn Sanshin được làm ra từ lõi của một cây gỗ mun bản địa, thuộc sở hữu của một đôi vợ chồng trước Thế chiến thứ 2. Khi chiến tranh nổ ra, người chồng bị ép đi lính nên phải rời quê hương, để lại người vợ một mình giữa chiến sự. Chịu sự tàn phá của chiến tranh, hơn nửa dân số của hòn đảo đã bị xóa sổ và cặp đàn Sanshin cũng rơi vào hiểm nguy.
Để bảo vệ cây đàn, người chồng đã bọc chúng lại rồi đặt vào một hộp gỗ, đem chôn thật sâu trong khu rừng trên hòn đảo. Sau khi cuộc chiến khốc liệt qua đi, chúng được đào lên và mang về nhà của đôi vợ chồng mà không bị hư hại gì. Hiện tại, cặp đàn Sanshin vẫn được truyền lại cho con cháu của họ, cho thấy sức sống vượt thời gian của cây đàn biểu tượng cho Okinawa.Quá trình tạo ra đàn Sanshin
Machidaya tại làng Yomitan là một trong số những cửa hàng kiêm xưởng chế tác Sanshin trên đảo Okinawa. Nghệ nhân Machida tại đây cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa đàn Sanshin và Shamisen là loại da được sử dụng để bọc thân đàn. Đàn Sanshin truyền thống được bọc bởi da trăn Miến Điện, một trong số những loài rắn lớn nhất thế giới và được nhập khẩu vào Okinawa từ Đông Nam Á. Việc sử dụng loại da trăn đặc biệt này để làm nên đàn Sanshin chỉ có duy nhất tại Okinawa”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, luật bảo vệ động vật hoang dã đã có sự thay đổi. Dù loài trăn Miến Điện không nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng không dễ để xuất khẩu ra các nước khác. Chính bởi lý do này mà hiện nay, phần thân của đàn Sanshin đã được bọc bằng các vật liệu tổng hợp khác.
Về phần cần đàn, ông Machida bật mí chúng được làm từ gỗ mun bản địa của Okinawa. Phần lõi của cây gỗ mun rất được ưa chuộng bởi độ bền và chất lượng âm thanh tạo ra. Thông thường, người dân Okinawa chọn những cây không dưới 100 tuổi để làm Sanshin, bởi đây là thời gian cần thiết cho phần lõi bên trong thân gỗ phát triển đủ lớn để làm ra được cần đàn.
Không chỉ vậy, quá trình xử lý gỗ thô để chế tác đàn Sanshin có thể phải mất đến 10 năm. Gỗ mun cần được để khô một cách tự nhiên nên thường phải đợi thêm 5 năm sau khi chặt. Tiếp đến, gỗ phải được “nghỉ” để hình dáng của nó không thay đổi theo thời gian. Đó là lý do vì sao quá trình xử lý gỗ làm đàn Sanshin phải thực hiện từng chút một. Dù nhìn thoáng qua, Sanshin là một loại nhạc cụ đơn giản với ba dây, nhưng thực tế lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao độ để làm ra chúng.
Hiện nay, Sanshin được làm từ loại gỗ mun trên có thể trị giá đến hàng trăm nghìn yên bởi gỗ mun bản địa ngày càng khó tìm thấy ở Okinawa. Chính vì thế, ngày càng có nhiều cây đàn Sanshin với giá cả phải chăng được làm từ gỗ đã qua xử lý nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Nghệ nhân Machida cho biết trở ngại lớn nhất với tương lai của loại nhạc cụ truyền thống này chính là thiếu nguồn vật liệu. Vì thế, ông vẫn đang nỗ lực trồng những cây gỗ mun mới để đảm bảo thế hệ nghệ nhân làm Sanshin tương lai có được loại gỗ bản địa chất lượng tốt nhất.
Cách chơi đàn Sanshin
Theo truyền thống, người chơi đàn Sanshin đeo miếng gảy đàn được làm từ sừng trâu nước hoặc một số vật liệu khác ở ngón trỏ. Còn hiện nay, một số người sử dụng miếng gảy đàn guitar hoặc móng tay ở ngón trỏ để thay thế.
Tại đảo Amami, Okinawa, miếng gảy đàn dài hẹp bằng tre cũng được sử dụng, cho phép tạo ra âm sắc cao hơn thông thường. Đồng thời, cầu đàn (giúp nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn da rắn) thông thường được làm bằng tre màu trắng, nhưng ở Amami thì phần này có màu vàng hơn và mỏng hơn.
Dây đàn thường được làm bằng nylon hoặc tơ. Tên gọi truyền thống của các dây từ dày đến mỏng lần lượt là “男絃 – Uujiru – Dây đực”, “中絃 – Nakajiru – Dây giữa” và “女絃 – Miijiru – Dây cái”.
Nhạc phổ Sanshin được viết theo một hệ thống phiên âm độc nhất vô nhị gọi là “Kunkunshi” trong đó các chữ Kanji (Hán tự) được sử dụng để đại diện cho vị trí từng ngón tay. Không giống với các ký hiệu âm nhạc của châu Âu, Kunkunshi chỉ có thể được biểu diễn thông qua đàn Sanshin.
Kankara Sanshin, biểu tượng cho tinh thần lạc quan của Okinawa
Kankara Sanshin (かんから三線) là loại nhạc cụ ra đời trong bối cảnh chiến tranh ở Okinawa. Bắt đầu từ làng Yomitan, trận chiến Okinawa hay còn là chiến dịch Iceberg (chiến dịch Băng Sơn) giữa quân Đồng Minh (chủ lực là Hoa Kỳ) và Đế quốc Nhật Bản tại đảo Okinawa kéo dài trong 82 ngày. Kết cục là từ ngày 03/06/1945, quân đội Hoa Kỳ đã giành được Okinawa và chiếm đóng nơi đây trong nhiều năm.
Trong
thời gian chiếm đóng, nhiều nét văn hóa cùng truyền thống độc đáo của
Vương quốc Lưu Cầu nói riêng và Nhật Bản nói chung đã bị tàn phá nghiêm
trọng.
Mặc dù phần lớn cuộc sống của người dân nơi đây đã bị thay đổi, nhưng người Okinawa vẫn cố gắng lấy lại niềm vui cuộc sống, năng lượng cũng như sức mạnh thông qua âm nhạc. Đó là khi các tù nhân Okinawa bị quân đội Mỹ giam giữ bắt đầu làm nên những chiếc đàn Sanshin của riêng họ bằng cách tận dụng các loại vật liệu sẵn có.
Một trong những giải pháp thay thế đơn giản nhất cho phần thân bọc da trăn là sử dụng các lon kim loại của quân đội Hoa Kỳ. Dây điện thoại và dây dù nhảy được dùng để làm nên dây đàn. Kết quả là một chiếc Sanshin đơn giản nhưng mang đến thanh âm độc đáo đã ra đời, truyền tải niềm hy vọng và sự dũng cảm của người Okinawa. Nó được đặt tên là “Kankara Sanshin”.
Tâm sự về loại đàn
đặc biệt này, ông Machida nói: “Đó
là một loại nhạc cụ xuất hiện trong quãng thời gian gian khổ, giúp làm
bừng sáng cuộc sống của người dân Okinawa, những người đã mất tất cả mọi
thứ trong chiến tranh. Đàn Kankara Sanshin là một phần trong câu chuyện
của tôi, cũng là lịch sử của Okinawa".
kilala.vn
07/07/2022
Bài: Rin
Ảnh bìa: flickr, orientmusic
Đăng nhập tài khoản để bình luận