
Doyou boshi: Phong tục phơi phóng ngày hè của người Nhật
Khi những ngày nắng ráo thế chỗ cho những ngày mưa dầm thì cũng là lúc người Nhật tiến hành công việc phơi phóng mùa hè. Từ phơi quả mơ để làm món mơ muối, phơi ruộng đồng để hạt gạo thêm ngon, cho đến hong khô áo quần, sách vở để hạn chế côn trùng và nấm mốc... Hãy cùng khám phá trí tuệ của người xưa được ứng dụng như thế nào trong đời sống thường ngày nhé.
Doyou boshi là gì?
“Doyou boshi - 土用干し” là phong tục hong phơi nhiều thứ khác nhau vào khoảng thời gian “doyou mùa hè”. Những vật thường được đem phơi là quả mơ, quần áo, sách vở và ruộng đồng.
Thời điểm doyou mùa hè cũng trùng với lúc mùa mưa vừa kết thúc, thời tiết nắng ráo nên thích hợp để phơi phóng đồ đạc. Vì vậy, người Nhật xưa gọi chung hoạt động phơi đồ trong khoảng thời gian này là “doyou boshi” (phơi mùa doyou).

Vậy, “doyou - 土用” nghĩa là gì?
Đây là một trong những tiết khí phụ (zassetsu - 雑節) mà người Nhật bổ sung vào hệ thống 24 tiết khí và 72 hậu du nhập từ Trung Quốc, để phù hợp với phong tục, lối sống của nước mình. Một số zassetsu phổ biến bao gồm lễ Tiết phân (Setsubun), lễ Higan hay Đêm 88...
Doyou tượng trưng cho sự biến chuyển giữa các mùa, chỉ khoảng thời gian khoảng 18 ngày ngay trước khi bắt đầu mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông. Nổi tiếng nhất trong số đó là doyou mùa hè (18 ngày trước khi bắt đầu mùa thu). Đặc biệt trong dịp này, người Nhật có phong tục ăn cơm lươn vào ngày Sửu. Doyou mùa hè năm 2025 diễn ra từ ngày 19/07 đến ngày 06/08.
Quả mơ
Quả mơ (ume) được thu hoạch vào tháng 6, sau đó đem ướp với muối trong khoảng một tháng. Lúc này, nó được gọi là umezuke và cũng là một món mơ muối trong ẩm thực Nhật Bản. Từ umezuke, để có được umeboshi sẽ phải trải qua thêm một bước phơi nắng nữa, chính là doyou boshi.

Quá trình phơi nắng kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày, trong đó quả mơ ngâm được lấy ra khỏi hũ và phơi dưới nắng gắt cho héo đi. Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có tác dụng khử trùng, ngoài ra việc phơi giúp làm bay hơi độ ẩm dư thừa, một trong những nguyên nhân gây hư hỏng thực phẩm, giúp tăng thời hạn sử dụng của mơ muối.

Ngoài ra, việc phơi khô sẽ tạo độ dẻo cho umeboshi. Áp suất thẩm thấu khiến nước trong quả thoát ra làm cho umeboshi mềm hơn. Còn umezuke không được loại bỏ bớt độ ẩm nên sẽ mọng nước, mềm và có mùi thơm trái cây rất rõ, phù hợp cho nhiều món khác nhau như làm mứt.
Quần áo và sách vở
Vào khoảng thời gian doyou mùa hè, người Nhật thường phơi quần áo và sách vở ở nơi râm mát, thoáng gió để loại bỏ độ ẩm tích tụ trong mùa mưa, từ đó phòng ngừa sâu bọ và nấm mốc tấn công. Công việc này còn được gọi là “虫干し– mushi-boshi” (phơi diệt sâu), hoặc cũng có một từ khác chỉ việc phơi sách vở là “bakusho – 曝書” (phơi sách).

Ruộng lúa
Vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè, người nông dân sẽ rút nước khỏi ruộng và phơi đất cho khô đến khi nứt nẻ. Công đoạn này gọi là "中干し – nakaboshi" (phơi giữa mùa). Khi ruộng khô hạn, lúa sẽ vươn rễ ăn sâu hơn để tìm nguồn nước, nhờ đó mà cây bám rễ chắc chắn, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng và cho ra hạt gạo thơm ngon. Thời gian phơi ruộng thông thường kéo dài từ ba ngày đến một tuần tùy theo khu vực.

kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận