Danzaemon - Vua thế giới ngầm thời Edo

    Là thủ lĩnh của tầng lớp thấp kém trong xã hội Edo, Danzaemon thậm chí còn giàu có ngang ngửa một lãnh chúa. 

    Thuộc tầng lớp tiện dân trong thời Edo (1603 – 1868), "Eta" hay "Burakumin" là tên gọi chung của người làm nghề thuộc da, chôn cất thi thể – những nghề nghiệp được xem là "không sạch sẽ" theo Phật giáo. Bản thân tên gọi "Eta – 穢多 – Uế Đa" cũng hàm nghĩa “nhiều tội lỗi”.

    Ngoài ra, xã hội Edo khi đó còn có tầng lớp “非人 – Hinin – Phi nhân” (nghĩa đen: không phải con người) gồm ăn xin, nghệ sĩ biểu diễn, cai ngục và những người lao động khác.

    Cùng với Eta, họ được gọi chung là “Hisabetsumin – 被差別民”, hay "những kẻ bên lề" sống ở những khu nhà ổ chuột trong thành phố và thường bị tách khỏi xã hội. Nhóm người này nằm dưới sự cai trị của “Danzaemon”, người nắm quyền cai trị thế giới ngầm của Edo. 

    Thủ lĩnh quyền lực 

    Danzaemon chịu trách nhiệm cai quản tất cả các Hisabetsumin tại Kanto, Izu và một phần của những tỉnh thành khác, kéo dài đến tận Mikawa (tỉnh Aichi ngày nay). Chỉ tính riêng Kanto, Danzaemon đã quản lý gần 8.000 hộ gia đình suốt cuối thế kỷ 17, khiến cho danh xưng Danzaemon trở nên đầy quyền lực. 

    tầng lớp Hisabetsumin
    Tầng lớp Hisabetsumin trong xã hội Edo xưa. Ảnh: tokyoweekender.com

    Nằm dưới trướng của Danzaemon, tầng lớp Hisabetsumin được độc quyền cung cấp cho Mạc phủ da ngựa, bò, sản xuất đèn, bấc nến và kiểm soát những người biểu diễn xiếc khỉ. Vì da thuộc là vật liệu chính trong sản xuất áo giáp nên họ đóng vai trò rất quan trọng.

    Những người diễn xiếc khỉ ngoài biểu diễn trên đường phố còn làm việc trong các chuồng ngựa vì người Nhật xưa tin rằng sự hiện diện của khỉ giúp ngựa tránh khỏi bệnh tật.

    Dù kiểm soát tầng lớp bị xã hội ruồng bỏ, nhưng vì độc quyền cung cấp vật liệu làm áo giáp cho Samurai và giữ cho ngựa khỏe mạnh nên Danzaemon nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực, không thể thiếu với Mạc phủ, và do vậy trở nên giàu có. 

    Trong thời phong kiến Nhật Bản, cách để đo lường mức độ giàu có của các tỉnh thành là thông qua sản lượng lúa gạo, được gọi là Koku. Để trở thành một Daimyo (lãnh chúa), người này cần phải cai trị một vùng lãnh thổ có giá trị từ 10.000 Koku trở lên. Với Danzaemon, khi ở đỉnh cao quyền lực, tài sản của họ ước tính vào khoảng 50.000 Koku - ngang ngửa với lãnh chúa.

    tầng lớp Eta
    Tầng lớp Eta làm nghề thuộc da. Ảnh: tokyoweekender.com

    Mặc dù được xem là thuộc tầng lớp Eta thấp kém nhưng họ có nhiều đặc quyền đi kèm. Nơi ở chính thức của Danzaemon nằm gần vị trí trường Trung học Asakusa của Tokyo ngày nay, dù mọi dấu tích đã hoàn toàn biến mất theo thời gian. Tách mình khỏi xã hội Edo, toàn bộ khu nhà ở của Danzaemon có tới 400 người sinh sống, bao gồm dinh thự riêng, nhà kho, nhà máy, một đền thờ Thần đạo, phòng xử án và nhà tù. 

    Danzaemon được chính quyền cho phép phân xử mọi tranh chấp pháp lý giữa Eta với Hinin, bao gồm cả quyền bỏ tù họ. Nhằm phục vụ cho việc kiểm soát những tầng lớp bên lề xã hội Edo, sau này, Danzaemon đã được cấp quyền đi kiệu, mặc lụa và thậm chí là mang theo kiếm giống như các Samurai.

    Nguồn gốc cái tên Danzaemon và sự kết thúc của "Vua thế giới ngầm"

    Danzaemon là danh xưng được kế thừa qua các thế hệ. Danzaemon đầu tiên rất có thể là một người thu mua da thuộc giàu có thuộc tầng lớp Eta từ cuối thế kỷ 16, người này đã đấu tranh để trở nên hùng mạnh hơn Tarozaemon.

    Ban đầu, thủ lĩnh Tarozaemon được hậu thuẫn bởi gia tộc Hojo, nhưng sau khi gia tộc Tokugawa lên nắm quyền vào đầu thế kỷ 17, thì những người theo Hojo dần không được xem trọng. Do vậy, Danzaemon trở thành ứng cử viên sáng giá được Tướng quân Tokugawa Ieyasu trao quyền cai quản tầng lớp Eta và Hinin. 

    cầu Nihonbashi thời Edo
    Tranh vẽ cầu Nihonbashi thời Edo của họa sĩ Katsushika Hokusai. Ảnh: tokyoweekender.com

    Tuy nhiên quyền lực trong tay họ không duy trì được quá lâu. Năm 1708, một nghệ sĩ múa rối thuộc tầng lớp Hinin đã kiện Danzaemon vì làm gián đoạn màn trình diễn của ông ta và thắng kiện. Do những điều kỳ quặc trong hệ thống luật pháp của Edo bấy giờ, sự kiện này được hiểu theo nghĩa người múa rối và các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu khác như kịch Kabuki đã thoát khỏi sự cai trị của Danzaemon. 

    Từ đó, Sukeroku (Đóa hoa của Edo), một trong những vở kịch Kabuki nổi tiếng nhất mọi thời đại đã được viết để chúc mừng các diễn viên không còn phải nằm dưới quyền của Danzaemon. Không chỉ Danzaemon mất dần quyền lực, mà các thủ lĩnh Eta khác cũng không đủ quyền kiểm soát những ngân hàng do người mù thời Edo điều hành. 

    Xem thêm: Người mù Nhật Bản từng là chủ nợ của các Samurai thời Edo

    Đến năm 1868, trong cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân, sự tồn tại của các tầng lớp tiện dân như Eta hay Hinin đã chính thức bị bãi bỏ, dù sự thù địch của xã hội dành cho họ vẫn tồn tại và thỉnh thoảng bùng phát.

    Tuy nhiên, vì không còn tầng lớp Eta chính thức, nên Danzaemon thứ 13 trở thành thủ lĩnh Eta cuối cùng, người này đã trở thành một công dân Nhật Bản bình thường dưới sự cho phép của Chính phủ. 

    Dan Naoki
    Thủ lĩnh Danzaemon thứ 13 sau đổi tên thành Dan Naoki. Ảnh: tokyoweekender.com

    Sau cùng, ông đã đổi tên thành Dan Naoki (1823-1889), hợp tác cùng với một thợ thuộc da người Mỹ tên Charles Henninger và dành phần đời còn lại để quảng bá cho giày Tây tại Nhật, đặt dấu chấm hết cho Danzaemon - vị Vua của thế giới ngầm thời Edo. 

    kilala.vn

    30/01/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: tokyoweekender.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!