Người mù Nhật Bản từng là chủ nợ của các Samurai thời Edo

    Người mù Nhật Bản sở hữu một vị thế đặc biệt vào thời Edo, họ được độc quyền kể "Truyện Heike", được hành nghề cho vay và là chủ nợ của các Samurai. 

    Trong xã hội thời Edo (1603 – 1868), nếu không phải là Samurai, nông dân, thợ thủ công, thương nhân hay đạo sĩ thì không được coi là "con người". Phần lớn những người bên ngoài các tầng lớp xã hội trên được gọi là “非人 – Hinin – Phi nhân” với nghĩa đen: “không phải con người”.

    Giai cấp bị ruồng bỏ này bao gồm người lang thang, ăn xin, cai ngục, người gác cổng, những người làm nghề giải trí và thường là cả người tàn tật. Tuy nhiên, dù cũng mang khiếm khuyết về cơ thể, người mù lại trở thành ngoại lệ và vô cùng được trọng vọng.
    biwa-hoshi
    Biwa Hoshi, những nhà sư mù mang đàn Biwa đi khắp nơi đánh đàn và kể chuyện. Ảnh: Wikimedia Commons

    Khởi đầu với âm nhạc 

    Người mù bắt đầu giữ một vị thế đặc biệt trong xã hội Nhật Bản khi tác phẩm “Truyện Heike” ra đời vào thế kỷ 14. Nội dung của tác phẩm về cuộc chiến tranh Genpei giữa gia tộc Taira và Minamoto, thường được kể trên phần nhạc đệm của đàn Biwa. Người kể “Truyện Heike” được gọi là “Heike Zato”, những người mù đầu trọc và chơi đàn Biwa hay đàn Shamisen

    truyen-heike
    Những người mù đánh đàn Biwa và kể "Truyện Heike" được gọi là "Heike Zato". Ảnh: khanacademy.org

    Họ được bảo trợ bởi Hội người mù Todoza (当道座), một tổ chức do vị sư Akashi Kakuichi thành lập vào thế kỷ 14 dành cho nam giới bị mù. Để tham gia vào tổ chức, các hội viên phải đóng hội phí để nhận được bảo trợ và hưởng các đặc quyền, chẳng hạn như quyền biểu diễn “Truyện Heike”.

    Ngoài ra, người mù của tổ chức còn có thể làm nhiều công việc khác nhau như nghề đấm bóp, châm cứu và chơi nhạc cụ.

    Todoza được phân cấp rất rõ ràng. Các cấp bậc chính, hay Mokan (盲官), bao gồm thứ bậc từ cao đến thấp là Kengyo (検校), Betto (別当), Koto (勾当) và Zato (座頭), sau đó lại được phân thành 73 cấp độ nhỏ hơn.

    Bên cạnh Todoza dành riêng cho người mù nam thì cũng có tổ chức Gozeza (瞽女座) dành cho người mù nữ. Dần theo thời gian, vào thời kỳ Edo, Todoza bắt đầu cho các thương nhân và Samurai giàu có vay tiền.

    Trở thành một ngân hàng nhỏ 

    Hội người mù Todoza được phép trở thành “ngân hàng” là điều không tưởng vào thời Edo. Mặc dù Nhật Bản vẫn là một xã hội phong kiến, có thứ bậc rất cứng nhắc vào giai đoạn này, nhưng họ cũng dần bắt đầu áp dụng các phương thức vận hành của một xã hội tư bản chủ nghĩa.

    Do vậy, cho vay tiền đã trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ, nhưng chỉ dành cho tầng lớp thương gia. Dĩ nhiên, tầng lớp "phi nhân" (Hinin) hoàn toàn bị cấm cho vay tiền. Tuy vậy, người mù dù cũng tham gia biểu diễn đường phố nhưng lại có thể được phép kinh doanh hoạt động cho vay. 

    zatou-2
    Zato thuộc Hội người mù Todoza. Ảnh: tokyoweekender.com

    Kể từ khi ra đời, các Heike Zato đã bắt đầu tạo mối quan hệ với hoàng gia và các gia tộc quyền lực theo nhiều hình thức. Ban đầu, họ nhận được sự bảo trợ từ gia tộc Minamoto, một trong những nhân vật chính trong tác phẩm “Truyện Heike”.

    Ngoài ra, hội Todoza cũng được yêu thích nhờ vào truyền thuyết về những người mù chơi đàn Biwa, được cho là đã nhận sự truyền dạy từ một hoàng tử mù vào thế kỷ 9. Những năm tiếp theo, hội Todoza lại tiếp tục tạo mối gắn kết với gia tộc quyền thế Koga, vì vậy mà người mù trong hội có thể được miễn tuân thủ một số sắc lệnh của hoàng cung. 

    Trong suốt thời kỳ Edo, Mạc phủ Tokugawa cai trị Nhật Bản nhưng về bản chất, họ vẫn phục tùng Hoàng đế. Nhờ vào mối quan hệ với hoàng cung có quyền lực cao hơn Mạc phủ Tokugawa, hội Todoza được xếp vào một tầng lớp đặc biệt. Điều này không chỉ cho phép họ trở thành người cho vay tiền mà còn được quyền miễn trừ với lệnh ân xá nợ của hoàng cung.  

    Xem thêm: Nhật Bản triển khai con đường nghệ thuật cho người khiếm thị

    Cụ thể, các quan chức thời Edo thường giám sát tất cả tranh chấp dân sự của người dân, nhất là các vụ việc liên quan đến những khoản vay chưa trả. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Edo trở thành một trong những thành phố thịnh vượng của thế giới và đôi khi hệ thống xét xử trở nên quá tải.

    Vì vậy, thỉnh thoảng, họ cho phép người cho vay và con nợ tự giải quyết tranh chấp với nhau. Một điều đặc biệt là vì hoàng cung có lệnh ân xá nợ, nghĩa là nếu một Samurai nợ rất nhiều tiền của một thương nhân thì với lệnh ân xá nợ này, Samurai được xóa nợ.

    Tuy nhiên, không có cách nào để thoát khỏi khoản nợ của hội Todoza. Nếu không trả được nợ, các thành viên của hội sẽ đứng trước cửa nhà con nợ rồi dùng những lời lẽ thô tục để đe dọa tinh thần họ.

    nguoi-mu-lam-nghe-xoa-bop
    Một người mù hành nghề xoa bóp, chụp vào khoảng năm 1890 đến 1899. Ảnh: tokyoweekender.com

    Danh dự dù ở thời nào vẫn là một phần rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản, do vậy, việc dùng những lời lẽ thô tục với con nợ tỏ ra rất hiệu quả và hội Todoza đã kiếm được rất nhiều tiền. Vì lý do trên, những người cho vay tiền khác đã thông qua hội để cho người khác vay tiền như một hình thức bảo hiểm, từ đó, hội tính thêm phí và ngày càng giàu có.

    Todoza dần bị ghét bỏ và tan rã

    Theo thời gian, Hội người mù Todoza đã kiếm được rất nhiều tiền và trở thành những người giàu có trong xã hội Edo. Tuy vậy, xã hội Edo vẫn rất trọng thứ bậc nên đôi khi hoàng cung ra lệnh đàn áp những ai tìm cách chống lại các Samurai.

    Todoza cũng từng bị buộc tội vì phỉ báng và làm ảnh hưởng danh dự của một Samurai sau khi anh ta mắc một khoản nợ lớn với hội rồi bỏ trốn khỏi thành phố. Cũng trong thời gian này, ở Edo xuất hiện nhiều bài viết về y khoa nói rằng việc bị mù là kết quả của một hành vi trái đạo đức. 

    Xem thêm: Matryomin: Nhạc cụ Nhật Bản dành cho người khiếm thị

    Cuối thế kỷ 18, nhiều thành viên trong hội người mù Todoza đã bị bắt, một số bị trục xuất, một số khác bị phạt, thậm chí là bị hành quyết. Sau đó, hội dần sa sút và kết cục là giải tán trong cuộc cải cách Duy Tân Minh Trị. 

    Người khiếm thị Nhật Bản ngày nay 

    Dù Hội người mù Todoza đã không còn nữa nhưng nó trở thành nền móng cho sự ra đời của Zenshinshikai, hiệp hội quốc gia dành cho các nhà châm cứu khiếm thị. Hiện nay, có khoảng 30% trong số khoảng 90.000 bác sĩ châm cứu được cấp phép hoạt động tại Nhật là người mù, tạo nên một cộng đồng đặc biệt có chuyên môn cụ thể. 

    duong-tenji-cho-nguoi-mu-nhat-ban
    Đường có chữ nổi Tenji dành riêng cho người khiếm thị ở Nhật Bản. Ảnh: japan-forward.com

    Ngày nay, người khiếm thị tại Nhật Bản luôn được quan tâm đến từng mặt của cuộc sống để họ dễ dàng thích nghi hơn, điển hình như hệ thống chữ nổi được in lên các chai nước soda và bia hay vạch đường màu vàng dành riêng cho họ. 

    Xem thêm: Vì sao thang máy tại Nhật lại lắp gương?

    kilala.vn

    14/01/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: tokyoweekender.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!