Vì sao thang máy tại Nhật lại lắp gương?
Một số thang máy tại Nhật Bản được lắp đặt gương, tuy nhiên, nó không nhằm mục đích giúp người sử dụng soi gương để chỉnh kiểu tóc hay trang phục mà lại mang ý nghĩa đặc biệt khác.
Mặc dù không phải tất cả thang máy ở Nhật đều được lắp gương nhưng số lượng này cũng không hề nhỏ. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đây là một biện pháp phòng chống tội phạm, giúp bạn có thể quan sát và bảo vệ bản thân trước những kẻ móc túi, quay lén. Tuy nhiên, lý do này khá mâu thuẫn vì một số thang máy lại lắp gương ở một góc của trần thang. Hiệp hội Thang máy Nhật Bản (Japan Elevator Association) đã đưa ra câu trả lời khiến chúng ta không khỏi bất ngờ.
Theo Hiệp hội Thang máy Nhật Bản, gương được lắp đặt trong thang máy nhằm phục vụ cho các hành khách sử dụng xe lăn gặp khó khăn khi không thể xoay xe sau khi bước vào và cần phải ra khỏi thang trong khi vẫn quay mặt vào bên trong. Dù có đủ chỗ trống để lăn xe vào nhưng có thể nó không đủ rộng để xoay xe 180 độ khi vị khách này muốn rời khỏi thang. Tuy nhiên, nếu có một chiếc gương, người sử dụng xe lăn có thể quan sát và di chuyển thẳng vào bên trong, rồi xoay xe một cách dễ dàng ở khu vực trống.
Khi so sánh hai thang máy trong cùng một toà nhà, gương cũng chỉ xuất hiện trong các thang có nút bấm dành cho người khuyết tật, còn thang bình thường thì không. Thêm vào đó, Hiệp hội Thang máy Nhật Bản cũng cho biết, thang máy được lắp nút bấm dành cho xe lăn có thời gian mở cửa lâu hơn so với thang máy thông thường nhằm giúp hành khách ngồi xe lăn di chuyển thuận lợi. Tuy nhiên, người ngồi xe lăn tại Nhật không có nghĩa vụ bắt buộc phải sử dụng những thang máy có nút bấm dành cho người khuyết tật.
Việc lắp đặt gương được Hiệp hội Thang máy Nhật Bản áp dụng kể từ năm 1975, theo đó, tại các công trình công cộng, gương đều được lắp đặt. Không chỉ quan tâm đến việc lắp đặt gương trong thang máy dành cho người khuyết tật, trên vỉa hè đi bộ hay nhà ga cũng có những viên gạch nổi được gọi là Tenji Burokku (点字ブロック) để người khiếm thị có thể thuận tiện di chuyển. Chữ nổi Tenji (点字) còn xuất hiện trong thang máy để hiển thị số tầng, được in trên nắp các loại đồ uống có cồn và cả trên chai dầu gội nhằm giúp người khiếm thị phân biệt với dầu xả.
Xem thêm: Nhà vệ sinh di động dành cho người dùng xe lăn tại Nhật Bản
kilala.vn
04/08/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận