"Võ sĩ đạo, linh hồn Nhật Bản"
Văn hóa ứng xử của người Nhật luôn dẫn chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ cách xã giao cho đến những phép tắc lễ nghi trong kinh doanh hay nghệ thuật, người Nhật đều chu đáo và tinh tế vô cùng. Trên tất cả, người Nhật nổi tiếng với tinh thần đạo đức và trách nhiệm mà khởi nguồn của nó chính là lịch sử lâu đời của chế độ phong kiến và võ sĩ đạo. Chính vì vậy mà trong cuốn sách "Võ sĩ đạo, linh hồn Nhật Bản", Inazo Nitobe đã khẳng định rằng: "nếu thiếu hiểu biết về chế độ phong kiến và võ sĩ đạo thì quan niệm đạo đức của Nhật Bản hiện đại sẽ giống như quyển sách bị niêm phong".
Võ sĩ đạo (武士道 - Bushido) có nghĩa đen là con đường của võ sĩ, nguyên tắc và nghĩa vụ mà các Samurai cần phải giữ trong đời sống hàng ngày cũng như khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nó không phải là quy phạm thành văn mà được khắc trong trái tim của mỗi Samurai. Suối nguồn làm nên hệ thống đạo đức võ sĩ đạo là Phật giáo, Thần đạo và tư tưởng Khổng Mạnh.
Phật giáo trang bị cho võ sĩ một thái độ yên lặng, phó thác mọi việc cho vận mệnh, một sự điềm nhiên mang tính khắc kỷ. Thần đạo dạy võ sĩ tính phục tùng, đồng thời kiềm chế tính kiêu ngạo. Giáo huấn của Khổng Tử là nguồn giáo lý đạo đức phong phú nhất của võ sĩ đạo. Tư tưởng của Vương Dương Minh về “tri hành hợp nhất” (tri thức phải đồng nhất với thực hành) và “lương tâm vô mậu” (lương tâm không lừa dối) rất thích hợp với võ sĩ đạo và được nhiều học giả Nhật Bản như Shissai Miwa (1669 - 1740) đề cao. Võ sĩ, về căn bản là con người của hành động.
Các đức tính cần thiết mà võ sĩ cần phải học hỏi và tu dưỡng gồm có: nghĩa, dũng, nhân, lễ, chân thật, trung thành và danh dự. Trên nền tảng này, việc giáo dục và huấn luyện võ sĩ nhắm đến việc rèn luyện phẩm chất được đặt lên hàng đầu, và đào tạo những khả năng trí óc như suy tư, kiến thức, hay biện luận đứng hàng thứ hai.
Những đức tính cần có của một võ sĩ
Nghĩa: là năng lực phán đoán dũng cảm, không một chút do dự, quyết làm những việc hợp với đạo lý. Khi cần chết thì phải chết, khi cần đánh thì phải đánh. Chữ “nghĩa lý” (義理 - Giri) trong tiếng Nhật hiện đại là phái sinh của khái niệm Nghĩa này.
Dũng: khí là làm điều đúng. Người Nhật đã được giáo dục từ nhỏ bằng những truyện nhi đồng nói về tinh thần chịu đựng và dũng cảm. Dũng gồm hai mặt tĩnh và động. Tinh thần của “dũng khí” được biểu lộ bằng sự trầm tĩnh, tức là sự tỉnh táo của con tim. Bình tâm là biểu hiện tĩnh và hành vi gan dạ là biểu hiện động của dũng khí. Người dũng cảm thật sự là người lúc nào cũng trầm tĩnh, không bao giờ hốt hoảng, không việc gì có thể làm tinh thần dao động.
Truyện về Kenshin (1531 - 1578) và Shingen (1520 - 1573), hai kẻ thù mà gần như là bằng hữu, luôn được truyền tụng vì “dũng khí và danh dự là những giá trị đòi hỏi kẻ địch trong thời chiến đồng thời cũng là giá trị cần có để xứng đáng là bạn bè trong thời bình. Khi dũng khí đạt đến mức cao như thế, ý nghĩa sẽ gần với chữ nhân”.
Nhân: được xem là đạo đức của bậc đế vương, đức tính đứng đầu của một tâm hồn cao thượng, là cái đức cao nhất đối với kẻ làm vua. Từ xưa, lòng nhân đã được xem là đức tính tối thượng của con người. Thế nhưng “Nghĩa quá độ sẽ thành ra cứng nhắc. Nhân quá độ sẽ chìm trong yếu đuối”. Sự cân bằng được thể hiện trong cụm từ “lòng trắc ẩn của người võ sĩ” (武士の情け - Bushi no nasake) nghĩa là lòng nhân ái không quên chính nghĩa, không phải biểu hiện của xúc động mà sau nó có quyền sinh sát với kẻ thù. Lòng nhân ái đối với kẻ yếu, kẻ kém, kẻ thua là đức tính của Samurai được đặc biệt tán thưởng. Để nuôi dưỡng lòng nhân, võ sĩ được khuyến khích tìm hiểu thi ca nghệ thuật, vì “thi ca được khuyến khích để diễn tả cái đẹp nhưng thực tế là để nuôi dưỡng những cảm xúc trang nhã ở nội tâm”.
Lễ: là một đức tính quan trọng khác của Samurai. Thái độ lễ phép, nhã nhặn được người nước ngoài xem như là đặc tính của người Nhật Bản. “Lễ nghĩa là biểu lộ bên ngoài của sự thông cảm với tình cảm của người khác, là lòng tôn kính vô tư với địa vị xã hội”. Hình thái tối cao của lễ nghĩa rất gần với yêu thương. Trong trà đạo, tinh thần điềm tĩnh, tình cảm trong sáng, thái độ bình thản yên lặng chính là những yếu tố cần thiết để có được tư duy và tình cảm đúng đắn. Lễ còn thể hiện trong việc tặng quà khi người Nhật luôn hạ thấp món quà mà mình biếu tặng, vì lẽ “người Mỹ nói về giá trị vật chất của vật biếu còn người Nhật nói về tinh thần của mình trong khi biếu”.
Nhưng lễ nghĩa phải đi liền với sự chân thật. Vì nếu thiếu sự chân thật, lễ nghĩa sẽ là màn kịch và trò hề. Tấm lòng chân thật được võ sĩ vô cùng xem trọng. “Hai lời” (二言 - nigon) được xem là dối trá và có nhiều võ sĩ đã lấy cái chết để chuộc lỗi. Cho nên “một lời nói của võ sĩ” (武士の一言 - Bushi no ichigon) tự bản thân nó là một sự đảm bảo chất lượng.
Cuối cùng, di sản quan trọng nhất mà võ sĩ đạo để lại cho Nhật Bản chính là lòng trọng danh dự, “sự tự giác về giá trị và sự tôn nghiêm của nhân cách”. Samurai được giáo dục về danh dự và nỗi hổ thẹn từ khi còn nhỏ. Việc tôn thờ và đôi khi lạm dụng thanh kiếm cũng bởi vì thanh kiếm là biểu tượng của danh dự. Thanh kiếm Nhật Bản là vũ khí duy nhất trên thế giới được xem là có linh hồn. “Lịch sử và tương lai ẩn mình trong lưỡi kiếm sắc bén vô song. Đường cong của lưng kiếm là kết hợp của sức mạnh cùng với vẻ đẹp siêu đẳng”. Thanh kiếm là sự kết hợp giữa sức mạnh và vẻ đẹp, giữa tôn kính và sợ sệt. Xúc phạm thanh kiếm là đồng thời xúc phạm chủ nhân. Vì thế chỉ có võ sĩ mới được phép mổ bụng tự sát và báo thù phục hận để chuộc lại danh dự cho chính mình. Thậm chí ta có thể nói rằng chính điều đó đã làm nên sự chuyển mình thần kỳ của kinh tế Nhật Bản. “Lòng trọng danh dự đã khiến người Nhật không thể chịu đựng được việc bị coi rẻ như một thế lực nhược tiểu, và đó là động cơ mạnh mẽ nhất”.
Những đức tính cao quý bắt nguồn từ võ sĩ đã lan ra toàn xã hội. Đạo đức cũng truyền nhiễm không kém gì tội ác. “Khi mặt trời mọc, trước tiên đỉnh núi cao nhất nhuộm hồng rồi từ từ ánh sáng mới bắt đầu chiếu xuống thung lũng. Giống như thế, hệ thống luân lý trước tiên soi sáng giai cấp võ sĩ rồi theo dòng chảy của thời gian, dân thường mới bắt đầu chú ý và noi theo”. Võ sĩ đạo đã trở thành lý tưởng cao đẹp cho cả dân tộc Nhật Bản, được so sánh với hoa anh đào.
Cho đến ngày nay, tinh thần võ sĩ đạo vẫn còn sống mãi, ăn sâu vào máu thịt của người Nhật. “Một người Nhật có tư tưởng tiến bộ nhất đi nữa, khi bị cào da sẽ hiện nguyên hình là một Samurai”. Danh dự, lòng dũng cảm và những đức tính khác của võ sĩ là di sản vĩ đại dành cho người Nhật Bản mà không ai và không bao giờ có thể bị cướp đi được. Tinh thần của Samurai vẫn còn đó, như hoa anh đào bừng nở mỗi mùa xuân về. Di sản đó đã trở thành linh hồn Nhật Bản.
Võ sĩ đạo, linh hồn Nhật Bản, Inazo Nitobe, bản dịch của Lê Ngọc Thảo, NXB Thời đại, 2011
15/11/2016
Bài: Hoàng Long/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận