Cách người Nhật dùng âm nhạc để kích thích tâm lý mua sắm

    Mỗi khi bước vào một siêu thị hay cửa hàng ở Nhật, chắc chắn bạn sẽ nghe thấy những ca khúc, giai điệu văng vẳng ở đâu đó. Chúng không quá chói tai, cũng không được vặn ở âm lượng lớn gây phiền nhiễu, nhưng dù đi đến ngóc ngách nào trong cửa hàng, bạn cũng đều nghe thấy chúng. Thậm chí có những giai điệu bắt tai đến mức chúng cứ quanh quẩn trong đầu khiến bạn bất giác hát nhẩm theo. Đó là ví dụ tiêu biểu của “nhạc nền”, thứ âm nhạc giúp trải nghiệm mua sắm của bạn thêm phong phú, có mặt ở khắp các cửa hàng trên thế giới. Nhưng nhạc nền ở Nhật Bản chừng như ở một “level” cao hơn, được chọn lọc có chủ đích hơn nhằm mang lại hiệu quả tâm lý nhất định nơi khách hàng tùy theo từng loại nơi chốn mua sắm.

    Âm nhạc ở các siêu thị: giai điệu đại trà nhưng dễ gây nghiện

    Nhật Bản nhìn chung là một đất nước yêu thích âm nhạc và thường ứng dụng âm nhạc vào nhiều lĩnh vực đời sống. Không chỉ đơn thuần là những ứng dụng mang tính giải trí và nâng cao tinh thần, chẳng hạn như những “cung đường âm nhạc” tạo nên giai điệu nhờ ma sát của bánh xe với các rãnh đường hay việc “giai điệu hóa” các âm thanh thường nhật từ tiếng chuông tan học, tiếng thông báo trong ga tàu đến tiếng tín hiệu sang đường đều là những ví dụ tiêu biểu, người Nhật còn sử dụng âm nhạc vào mục đích kích thích tâm lý mua sắm của khách hàng. Chỉ cần dạo một vòng quanh các con đường mua sắm ở Nhật, chắc chắn bạn sẽ nghe được rất nhiều đoạn nhạc sôi động, đôi khi còn được lồng kèm những tiếng chào mời rất bắt tai. Các cửa hàng ở Nhật đều có vẻ khá dụng tâm trong khâu “tuyển chọn” nhạc nền, mỗi loại mỗi phong cách sẵn sàng phục vụ bất cứ tuýp khách hàng nào.

    cách người Nhật dùng âm nhạc để kích thích tâm lý mua sắm
    Một cửa hàng Drugstore ở Nhật Bản. Ảnh: The World.

    Ito Yokado, Aeon, Seiyu,… là những chuỗi siêu thị phổ biến của Nhật Bản.  Âm nhạc trong những siêu thị này thường sẽ khiến bạn cảm thấy có chút “đại trà” và hơi xưa cũ theo phong cách nhạc tình cảm thập niên trước, tức là kiểu giai điệu dễ nghe dễ bắt gặp trong đời sống nhưng cũng dễ “trôi tuột” khỏi trí nhớ bạn do na ná với hàng tá giai điệu bạn từng nghe thấy. Kiểu nhạc này còn thường xuất hiện trong những cửa hàng 100 yên, cửa hàng đồ gia dụng, cửa hàng giảm giá, và rất nhiều loại cửa hàng bán lẻ khác. Bạn thường sẽ chẳng mấy chú tâm đến những “giai điệu siêu thị” này, cùng lắm chỉ gật gù vì vui tai, để rồi có thể bạn sẽ vô thức ngân nga chính giai điệu ấy khi đẩy xe hàng ra về hoặc nghĩ đến nó mỗi khi bạn nghĩ đến siêu thị.

    Nếu bạn chưa tin, có thể nghe thử đoạn nhạc sau, chắc hẳn bạn sẽ thấy có gì đó lạ lạ nhưng cũng quen quen:

    Âm nhạc ở TTTM: trẻ trung và đa dạng

    Những cửa hàng tọa lạc trong các trung tâm thương mại sầm uất thì sao?  Âm nhạc ở đây rõ ràng “trẻ” và đa dạng hơn rất nhiều. Tại Uniqlo, H&M,. ta dễ dàng nhận ra những bản nhạc pop đương đại từ các ca sĩ  Âu Mỹ làm không gian mua sắm thêm rộn rã. Đáng nói chính là dù có phần rộn ràng hơn, âm lượng của chúng được giữ ở mức khiến bạn chú ý nhưng sẽ không hề gây khó chịu. Các cửa hàng bán đồ điện tử thì trái lại gây chú ý nhờ thứ âm nhạc xập xình sôi động (đôi lúc đến mức nhức đầu) vang đến tai bạn trước cả khi bảng hiệu của chúng kịp xuất hiện trong tầm mắt.

    Âm nhạc kích thích tâm lý mua sắm như thế nào?

    Không chỉ đơn giản là giúp người mua thấy vui tai hay thêm chút âm thanh để bầu không khí thêm sôi động, âm nhạc trong các cửa hàng ở Nhật đã được lựa chọn kỹ càng nhằm, một cách vô thức, khuyến khích tâm lý mua sắm của khách hàng.

    Theo nhạc sĩ Daisuke Asakura, các siêu thị và cửa hàng bình thường chủ đích phát những giai điệu có cảm giác rất “đại trà” và quen tai nhằm tạo cảm giác giá cả hàng hóa cũng hết sức “bình dân”. Nếu chọn phát nhạc cổ điển chẳng hạn, người mua sẽ cảm thấy đây là một cửa hàng đắt đỏ chỉ dành cho người khá giả.

    Dưới đây là một bản nhạc đặc trưng của Hard Off - chuỗi bán đồ second-hand nổi tiếng:

    Với những cửa hàng trong trung tâm thương mại sầm uất, họ có thể phát những bài hát có bản quyền của các ca sĩ nổi tiếng nhằm tạo không khí tươi mới, hiện đại, cũng chính là cách thể hiện phong cách tươi mới của mình, hướng đến thông điệp hàng hoá đa dạng phù hợp với nhiều tầng lớp. Trong khi đó, các trung tâm bán đồ điện tử chuộng loại nhạc xập xình, sôi động có tính kích thích và thúc giục để xua tan đi sự ngần ngừ của khách hàng trước các món thiết bị giá thành không hề rẻ.

    Bài hát chủ đề từng phổ biến ở Yodobashi Camera:

    Không chỉ trong khi mua sắm, Nhật Bản còn gây ấn tượng với những giai điệu trước giờ đóng cửa. Hotaru no Hikari - bản tiếng Nhật của ca khúc Scotland nổi tiếng Auld Lang Syne - là giai điệu tạm biệt khách phổ biến nhất tại đây. Chậm rãi, cổ điển, đầy yên bình, giai điệu chừng như khiến người ta muốn tạm biệt sự náo nhiệt để về nhà. Người Mỹ thường hát Auld Lang Syne vào đêm giao thừa nhằm tạm biệt năm cũ và mở cửa cho năm mới, ý nghĩa của khúc Hotaru no Hikari ở Nhật cũng tương tự - chào tạo biệt và mong chờ một ngày mới lại đến với những niềm vui và điều thú vị mới mẻ hơn.

    Giai điệu Hotaru no Hikari - bản Nhật của Auld Lang Syne:

    Phát nhạc vui tươi với nhịp điệu nhanh vào các khung giờ bữa trưa hoặc bữa tối góp phần khiến thực khách dùng bữa nhanh hơn, nhạc Ý ở quầy rượu Ý và nhạc Pháp ở quầy rượu Pháp sẽ mang lại cảm giác dễ chịu hơn cho người mua,. quả thật âm nhạc có ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm nên việc các cửa hàng Nhật đặc biệt chú trọng nhạc nền tỏ rõ là một bước đi khôn ngoan. Khám phá thêm chút thú vị này mới càng hiểu vì sao xứ sở anh đào là một trong những quốc gia có ngành dịch vụ phát triển bậc nhất thế giới.

    kilala.vn

    10/02/2021

    Bài: An Thủy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!