5 giai điệu thân thương bạn sẽ nhớ da diết khi rời xa Nhật Bản
Chuỗi thông báo ở ga tàu điện
Tàu điện là phương tiện công cộng phổ biến bậc nhất tại Nhật, chính vì thế những âm thanh ở ga tàu trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết người dân ở đây. “Mamonaku, ~ senban ni densha ga tōchakuitashimasu” (まもなく、~番線に電車が到着いたします) có nghĩa “Tàu sắp vào ga trên đường ray số ~” chính là câu thông báo đầu tiên bạn sẽ nhớ, theo sau là một loạt thông báo như chú ý an toàn, chú ý bước chân, thông báo đóng mở cửa, một trình tự quen thuộc bạn sẽ gặp ở bất cứ ga tàu nào.
Tiếng thông báo chậm rãi, rõ ràng và nhấn nhá, tiếng tàu vào ga, cửa xịch mở, ngừng một chút, cửa đóng nghe tiếng “cạch”, tàu lăn bánh - một chuỗi âm thanh nhịp nhàng đúng trình tự diễn ra mỗi phút ở hầu khắp nước Nhật, góp công lớn giúp hệ thống giao thông dày đặc vận hành trơn tru nhằm vận chuyển một lượng người khổng lồ đi khắp nơi, như thể tạo nên nhịp điệu cơ bản của cuộc sống ở đất nước này.
Một đoạn thông báo cơ bản ở nhà ga Tokyo:
Tiếng đèn giao thông vui tai khi sang đường
Một nhóm nghiên cứu từ đại học Kyushu từng làm một cuộc khảo sát với những người nước ngoài sống quanh Fukuoka về những âm thanh ấn tượng của Nhật Bản, đặc biệt là âm thanh nào đặc trưng ở Nhật nhưng lại hiếm gặp ở đất nước họ. Câu trả lời được nhiều người đưa ra nhất chính là tiếng đèn tín hiệu giao thông cho người qua đường, gọi là "Onkyōsōchitsuki shingōki" (音響装置付信号機). Âm thanh này đủ lớn để mọi người trong phạm vi cần thiết đều có thể nghe được, góp phần đảm bảo sự an toàn của người qua đường. Âm thanh này cũng giúp những người khiếm thị biết được thời gian băng qua đường thích hợp.
Âm thanh tín hiệu đèn thường được chia làm 2 loại cơ bản là gion-shiki (擬音式) tức “kiểu tượng thanh” và merodi-shiki (メロディ式) tức “kiểu giai điệu”. Với gion-shiki, hai loại âm thanh thường nghe nhất là kakkō (カッコー) mô phỏng tiếng “cúc cu” và piyo (ピヨ) lanh lảnh như tiếng chim hót. Trong đó, kakkō thường dùng ở những con đường chạy theo hướng đông - tây còn piyo thường dùng cho hướng bắc - nam.
Tín hiệu kakkō và piyo:
Còn với tín hiệu dạng giai điệu, khúc nhạc thiếu nhi Tōryanse (通りゃんせ) hay Kokyō no Sora (故郷の空) được phổ lại từ bài Comin’ Thro’ the Rye của Scotland là hai trong những lựa chọn phổ biến nhất. Giai điệu thường lấy từ các bài hát thiếu nhi, nhịp điệu nhanh mang cảm giác vui tươi khiến người đi đường thấy thú vị.Giai điệu Kokyō no Sora:
Giai điệu Tōryanse:
Tiếng chuông tan học gợi nhiều hoài niệm
Nếu đã từng xem qua một số anime học đường, tin rằng bạn sẽ bắt gặp tiếng chuông tan trường giống nhau ở hầu hết tác phẩm. Giai điệu tan trường phổ biến nhất tại Nhật chính là Westminster Chime và đã được dùng hơn nửa thế kỷ. Ngược dòng lịch sử, trước khi Thế chiến II kết thúc, chuông báo ở các trường học Nhật thường là còi hụ để tiện việc thông báo không kích. Sau chiến tranh, những âm thanh này khơi gợi ký ức không vui trong lòng nhiều người đồng thời bị cho là quá ồn ào. Và rồi đến 1954, Kunio Ishimoto đã bắt đầu bán một thiết bị phát giai điệu Westminster Chimes - ca khúc ông thường nghe trên BBC. Thiết bị này dần trở nên phổ biến và giai điệu cũng được đông đảo người Nhật ưa thích. Âm điệu thánh thót lại gợi cảm giác kết thúc này sẽ khiến bất cứ ai từng trải qua thời cắp sách đến trường đều cảm thấy hoài niệm.
Giai điệu Westminster Chime:
Giai điệu khu phố lúc chiều tàn
Mỗi ngày vào lúc 5 giờ chiều (có nơi là 5 giờ 30 hoặc 6 giờ), mỗi khu phố đều thường phát một giai điệu ngắn qua chiếc loa phường, gọi là "goji no chaimu" (五時のチャイム) tức “tiếng chuông 5 giờ”, hay còn có tên gọi chính thức là "Shichōson bōsai gyōsei musen" (市町村防災行政無線) - “Đài phát thanh quản lý phòng chống thiên tai thành phố”. Nói cách khác, giai điệu lúc chiều tà này là một phần của hệ thống thông báo thiên tai quốc gia, dùng để cảnh báo người dân khi có bất thường như động đất, mưa lũ, hỏa hoạn.
Ngoài công dụng chính thức (mà thật ra cũng không nhiều người chú ý), “tiếng chuông 5 giờ” đơn giản đã trở thành một phần của đời sống Nhật Bản, được phát mỗi ngày như một cách kiểm tra đảm bảo hệ thống loa vẫn hoạt động tốt, và khi âm thanh như hoà vào cảnh mặt trời lặn, sẽ gợi lên cảm giác yên bình rằng đã đến lúc nghỉ ngơi và về nhà. Điệu nhạc thường dùng nhất là Yuyake koyake (夕焼け 小焼け) - một bài dân ca thiếu nhi ra đời vào năm 1919.
Giai điệu Yuyake Koyake:
Những khúc nhạc mời khách trong các cửa hàng
Cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, rất nhiều chốn mua sắm ở Nhật sẽ chào đón bạn bằng những giai điệu đa sắc, từ vui tươi đơn giản trong các siêu thị và cửa hàng gia dụng, sôi động mạnh mẽ trong hàng đồ thể thao hay tiệm băng đĩa, đến “sang chảnh” cổ điển trong ở cửa hàng thời trang sang trọng. Âm nhạc là một phần quan trọng trong công cuộc hút khách vì giai điệu sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, giúp kích thích tinh thần mua sắm cũng như thể hiện đặc trưng của cửa hàng. Thế nên nếu để ý những giai điệu xuất hiện khi bạn đi mua sắm, tin rằng bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị về chúng.
Ca khúc chủ đề của chuỗi siêu thị Donkihote nổi tiếng:
Sự ồn-ã-có-tổ-chức của những xe chiến dịch tranh cử
Nếu là một người nước ngoài sống tại Nhật, thường ta sẽ ít quan tâm đến chuyện chính trị. Nhưng đến mùa bầu cử, thể nào bạn cũng sẽ nhận được những “dấu hiệu” mà tiêu biểu nhất là tiếng xe chiến dịch của các ứng cử viên đảo quanh khu phố. Những Uguisujō (ウグイス嬢), tức “quý cô sơn ca”, từ thường dùng để chỉ những nữ phát thanh viên, bình luận viên - là người liên tục gọi tên ứng cử viên qua loa phóng thanh với chất giọng lảnh lót, vui tươi của mình nhằm thu hút sự chú ý. Tuy không phải là âm thanh dễ chịu với tất cả mọi người, đa phần những xe chiến dịch này sẽ khiến buổi sáng của bạn sôi động hơn một chút, theo cách thú vị và cả một chút buồn cười nữa.
kilala.vn
27/01/2021
Bài: An Thủy
Đăng nhập tài khoản để bình luận