Naniwaya - cửa hàng bánh cá Taiyaki lâu đời nhất Nhật Bản

    Là một trong những món ăn đường phố được yêu thích tại Nhật Bản, Taiyaki có hình dạng chú cá với nhân đậu đỏ ngọt ngào đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ Phù Tang. Và nhắc đến đây, Naniwaya - cửa hàng bánh Taiyaki lâu đời nhất Nhật Bản với lịch sử 113 năm là cái tên không thể bỏ qua khi muốn khám phá về nguồn gốc, những đặc trưng của món bánh hình cá Tai đơn giản mà quyến rũ này!

    Taiyaki, món ăn vặt "quốc dân" của xứ Phù Tang

    Taiyaki là một loại bánh nướng truyền thống Nhật Bản, mang hình dáng của cá Tai (cá tráp). Ngoài nhân mang vị cơ bản là đậu đỏ ninh đường (Anko), còn có thêm nhiều hương vị khác như chocolate, trứng sữa hay matcha hấp dẫn. 

    Ra đời vào năm 1909, cửa hàng Naniwaya (浪花家) tại Azabu-Juuban, quận Minato, Tokyo "ghi điểm" với du khách nhờ chiếc rèm Noren viết dòng chữ “元祖たいやき – Ganso Taiyaki”, nghĩa là “người tiên phong làm ra bánh Taiyaki”; chính nó đã cho thấy lịch sử lâu đời của cửa hàng.

    Kanbe Masamori, người thừa kế đời thứ tư của cửa hàng chia sẻ rằng Taiyaki là món ăn nhẹ dành cho mọi người: “Xét về độ tinh xảo, nó được xếp ở hàng cuối trong bánh kẹo Nhật truyền thống Wagashi. Nhưng lại dễ dàng tiếp cận, đây chính là điểm hấp dẫn của Taiyaki”.

    rèm noren của cửa hàng naniwaya
    Rèm Noren của Naniwaya ghi dấu ấn thời gian.

    Taiyaki được bày bán ở khắp mọi nơi, từ các quầy hàng ở ga đến những khu mua sắm; người qua đường dễ dàng dừng lại, tận mắt xem người bán làm ra chúng. Tuy nhỏ nhắn nhưng bánh được nhồi đầy nhân bên trong và giá cả cũng khá hợp lý, thường từ 100 đến 200 yên.

    bánh Taiyaki của cửa hàng Naniwaya
    Bánh Taiyaki của cửa hàng Naniwaya có giá 200 yên và phần bánh kèm trà xanh là 700 yên. 

    Ông Kanbe cho biết: “Taiyaki phổ biến bởi nó là một loại đồ ăn vặt nóng hổi. Thời xưa, rất ít nhà được sưởi ấm đủ đầy vào mùa đông. Trẻ em, phụ nữ và người lao động làm việc ngoài trời bị hấp dẫn bởi cảm giác ấm áp mà bánh mang lại”.

    Hình dạng cá cũng làm tăng thêm sự hấp dẫn cho bánh. “Bọn trẻ chơi đùa bằng cách cho bánh Taiyaki bơi, còn người lớn thì tranh luận xem nên ăn phần đầu hay phần đuôi trước. Quả thật người nghĩ ra loại bánh Taiyaki là một thiên tài”, ông nói thêm.

    Ngoài ra, chẳng thể bỏ qua cái tên của nó. Ông Kanbe giải thích: “Chữ ‘鯛 – Tai" (Cá Tai) nằm trong từ “めでたい – Medetai” có nghĩa là “hạnh phúc, vui vẻ”. Chính vì vậy, cá Tai thường xuất hiện trong hôn lễ hay các dịp vui khác và được dân thường coi là một món xa xỉ. Có lẽ Taiyaki phổ biến rộng rãi bởi nó là cách ít tốn kém để hy vọng có được một chút gì đó xa xỉ”.

    ông Kanbe Masanori, chủ cửa hàng Naniwaya
    Ông Kanbe Masamori, chủ của cửa hàng Naniwaya. 

    Trong tiếng Nhật, cách đếm đồ vật sẽ tùy theo vào tính chất của vật như hình dáng, chiều dài và kích thước. Vì mang hình dáng giống như một con cá Tai, khách đến Naniwaya thường nói rằng “Cho tôi một con (Ippiki)” thay vì nói theo cách thông thường.

    Tại Naniwaya, bánh mang đi có giá khoảng 180 yên/cái, và 200 yên nếu dùng tại cửa hàng. Một phần bánh được phục vụ cùng tách trà xanh thơm ngon sẽ có giá là 700 yên. 

    ông Kanbe đang nướng bánh Taiyaki
    Ông Kanbe đang nướng bánh Taiyaki. 

    Naniwaya - nơi chiếc bánh Taiyaki ra đời

    Là một món ăn bình dân, có khá nhiều quan điểm xung quanh nguồn gốc của bánh nhưng lại không có mấy tài liệu đáng tin cậy. Ông Kanbe cho biết: “Một điều tôi có thể khẳng định chắc chắn là món ăn này đã ra đời vào khoảng hơn một thế kỷ trước. Naniwaya là cửa hàng bánh Taiyaki lâu đời nhất Nhật Bản, nên chúng tôi có thể nói bánh xuất phát từ đây”. 

    thực đơn của cửa hàng Naniwaya
    Thực đơn của Naniwaya bao gồm đồ ngọt truyền thống Anmitsu và Kakigori. 

    Hai anh em sáng lập nên Naniwaya xuất thân từ Osaka nên họ đã lấy tên cũ của Osaka là Naniwa để đặt cho cửa hàng. Ban đầu, họ tiến hành kinh doanh ở hai địa điểm tại Tokyo gồm Kudan và Nihonbashi với các món như mì xào Yakisoba và một số món ăn nhẹ khác, cùng với các loại đồ ngọt truyền thống như đá bào Kakigori, Anmitsu (gồm thạch, đậu đỏ Azuki, đậu Hà Lan, trái cây, kem và siro) mà hiện nay vẫn còn được phục vụ tại tầng 2 của cửa hàng ở Azabu-Juuban.

    tầng hai của cửa hàng Naniwaya tại Azabu Juuban
    Tầng hai ở Naniwaya. 
    món Yakisoba ở Naniwaya
    Món Yakisoba được phục vụ tại Naniwaya với giá 500 yên (khoảng 84.000 VND). 

    Ông Kanbe cho biết: “Taiyaki ban đầu là món tráng miệng được phục vụ ở hai nhà hàng trên. Bấy giờ có nhiều loại khuôn để tạo ra những món bánh ngọt nhân đậu đỏ như bánh Imagawa-yaki hình tròn, bánh hình chú rùa và nhiều hình thù khác nữa”.

    Ngày nay, khuôn làm bánh cá Taiyaki thường là dạng khuôn sắt lớn, cho phép nướng nhiều bánh cùng lúc. Tuy nhiên, cửa hàng Naniwaya vẫn giữ khuôn một bánh kiểu cũ. Thời xưa, các ông chủ thường thích kiểu khuôn đơn này hơn vì họ có thể đặt hàng khuôn theo nhiều hình dạng khác nhau và làm đa dạng thêm các loại bánh của tiệm.

    Xem thêm: Câu chuyện cảm động về lời xin lỗi của chủ tiệm bánh Taiyaki

    Trở thành một hiện tượng

    Những người sáng lập nên Naniwaya khá nhạy bén trong kinh doanh, do vậy, họ đã nhanh chóng xây dựng chuỗi hệ thống kiểu nhượng quyền ở khắp Tokyo. Đỉnh điểm đã có tới 150 cửa hàng, nhưng số lượng dần suy giảm khi Nhật bước vào Thế chiến thứ hai. Cửa hàng chính tại Kudan, Tokyo cũng theo đó chuyển về địa chỉ hiện tại ở Azabu-Juuban vào khoảng năm 1948.

    cửa hàng Naniwaya ở Azabu Juuban
    Mặt tiền của cửa hàng Naniwaya ở Azabu-Juuban. 

    Đây hóa ra lại trở thành bước ngoặt quan trọng của cửa tiệm. Vào lúc bấy giờ, tại Azabu-Juuban, đối diện Naniwaya có một cửa hàng mì Soba rất nổi tiếng. Sau khi thưởng thức xong món mì ở đây, các vị khách quen thường ghé mua đồ ngọt Wagashi tại các cửa hàng gần đó như Mamegen hay Kibundou, hoặc tạt qua Naniwaya để mua Taikyaki mang về nhà. Azabu-Juuban cũng tiếp giáp với một khu dân cư sang trọng, đẳng cấp nên nhiều vị khách quen của cửa hàng Naniwaya là các nghệ sĩ, vận động viên, doanh nhân nổi tiếng. Nhờ vậy, tiếng tăm của cửa hàng chẳng mấy chốc nổi như cồn.

    Như được số phận định sẵn, một bài hát xuất hiện trong chương trình thiếu nhi vào năm 1975 đã tạo nên sự bùng nổ cho món bánh Taiyaki và đưa Naniwaya trở thành điểm đến số một với những ai muốn thưởng thức loại bánh này. Bài hát mang tên “およげ!たいやきくん – Oyoge! Taiyaki-kun” với lời ca về một chiếc bánh Taiyaki chạy trốn, tìm về tự do ở biển sau khi tranh cãi với ông chủ cửa hàng nơi nó ra đời. Được biết, ông Morikazu, cha của ông Kanbe chính là nguyên mẫu ông chủ cửa hàng trong câu chuyện trên.

    vỉ nướng bánh Taiyaki
    Vỉ nướng bánh Taiyaki ở Naniwaya. 

    Nhờ độ phủ sóng của chương trình, khách hàng xếp hàng dài bên ngoài cửa hàng trước cả giờ mở cửa, đưa Naniwaya trở thành một cái tên quen thuộc. Hiện nay, có gần 10 chi nhánh của Naniwaya tại Tokyo và các thành phố khác ở Nhật do những nhân viên lâu năm của cửa hàng thành lập. 

    Một điều thú vị là các thành viên của ban nhạc rock Aerosmith huyền thoại chính là fan trung thành của Naniwaya và luôn ghé cửa hàng mỗi khi họ lưu diễn tại Nhật. Họ thậm chí còn đặt bánh khi đang biểu diễn tại Osaka, do vậy chi nhánh của Naniwaya ở Osaka còn vận chuyển nguyên liệu và vỉ nướng đến địa điểm tổ chức buổi biểu diễn để nướng bánh Taiyaki tại chỗ.

    Bí mật hương vị của Naniwaya

    Nguyên liệu quan trọng nhất trong món bánh Taiyaki tại Naniwaya chính là phần nhân đậu đỏ ninh đường (Anko). Cửa hàng sử dụng loại đậu đến từ Tokachi của Hokkaido, vùng sản xuất đậu đỏ trứ danh. Trong khi đó, bột bánh được làm đơn giản hơn: bột mì pha loãng với lượng nước cần thiết để tạo nên một lớp vỏ mỏng bọc ngoài nhân bánh.

    nhân Anko được cho đầy vào khuôn
    Phần nhân Anko được cho vào trên lớp bột bánh mỏng. 
    ông Kanbe kiểm tra vỉ nướng
    Ông Kanbe chỉ bắt tay vào nướng bánh sau khi kiểm tra nhiệt độ của vỉ nướng bằng cách đưa lên gần má. 

    Với một số người đam mê bánh Taiyaki, họ còn có thể phân biệt được bánh được nướng riêng từng cái với bánh được nướng chung trên vỉ lớn. Ông Kanbe so sánh Taiyaki giống như một chú cá tráp, việc nướng từng chiếc bánh riêng lẻ giống như cá được bắt bằng lưỡi câu và ít bị xây xước, trong khi bánh được nướng chung ở khuôn lớn lại giống như nhiều con cá bị mắc kẹt trong lưới. “Bánh Taiyaki được nướng cẩn thận từng cái sẽ có hương vị ngon hơn, mỗi cái lại có đôi chút khác biệt so với chiếc tiếp theo”. 

    bánh taiyaki được nướng cùng lúc
    Nhiều nơi sử dụng khuôn lớn để nướng nhiều bánh cùng lúc. 

    Tại Nhật Bản, từ lâu đã có một cuộc tranh luận sôi nổi rằng nên ăn phần đầu đầy nhân hay phần đuôi giòn tan trước. Theo ông Kanbe: “Taiyaki là món ăn vặt bình dân nên sẽ chẳng sao nếu bạn ăn ở phần nào trước”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng độ nóng của phần nhân Anko sẽ lấn át vị ngọt của bánh nên tốt nhất vẫn là đợi cho bánh nguội bớt. Với những người có kinh nghiệm thưởng thức Taiyaki, họ thường bẻ bánh làm đôi và đặt xuống cho chúng nguội đi một chút.

    bánh taiyaki được nướng riêng lẻ từng cái
    Bánh Taiyaki của Naniwaya được nướng riêng lẻ từng cái nên chúng sẽ có chút khác biệt. 

    Ông Kanbe cũng bật mí: “Taiyaki khá hợp khi thưởng thức cùng trà xanh, hay sữa lạnh cũng ngon không kém, giống như ăn bánh Anpan cùng với sữa. Nó quả thật là sự kết hợp hơn cả tuyệt vời”. 

    bánh Taiyaki phục vụ kèm cốc sữa
    Bánh Taiyaki phục vụ kèm cốc sữa, có giá 700 yên (khoảng 118.000 VND). 

    Không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo

    Có thể nói, cửa hàng Naniwaya đang là thủ lĩnh trong làng bánh Taiyaki, nhưng ông Kanbe hiểu rằng mình không thể ngủ quên trên chiến thắng: “Ngay cả khi cửa hàng đã 100 hay 200 năm tuổi, nó vẫn có nguy cơ phá sản nếu xuất hiện đối thủ làm ra những chiếc bánh ngon hơn. Đảm bảo cho khách hàng luôn thưởng thức được hương vị đồng nhất của bánh đồng nghĩa với việc chúng tôi phải luôn luôn điều chỉnh”. 

    phần nhân Anko trong bánh Taiyaki của Naniwaya
    Phần nhân đậu đỏ của Naniwaya thường không quá phức tạp và cũng không quá ngọt. 

    Chủ cửa hàng Naniwaya cũng cho biết Taiyaki có hương vị ngon nhất khi Anko không quá nhuyễn mịn, vẫn còn một chút lợn cợn. Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc giống cây trồng, các hạt đậu đỏ Azuki ở vùng Tokachi hầu như đã mất đi độ cứng này.

    Ông từng thu thập thông tin chi tiết về các loại đậu được trồng từng vùng để chọn ra loại đậu mà ông đang sử dụng, đến nỗi chỉ cần nếm bánh Taiyaki của các cửa hàng khác, ông có thể xác định họ sử dụng loại đậu nào của vùng Tokachi. Để giữ cho hương vị của bánh Taiyaki tại Naniwaya được đồng bộ, chú trọng đến loại đậu sử dụng là điều không thể bỏ qua. 

    Ông nói thêm: “Taiyaki có thể xếp ở hạng cuối trong số các loại đồ ngọt Wagashi tinh xảo nhưng những người thợ ở Naniwaya vẫn vô cùng tự hào về nghề của mình và tiếp tục làm việc chăm chỉ để làm ra những mẻ bánh thơm ngon. Nếu bạn chưa từng nếm bánh Taiyaki được nướng riêng từng chiếc, đừng quên thử chúng tại Naniwaya. Chắc chắn bạn sẽ tìm ra sự khác biệt”. 

    kilala.vn

    Cửa hàng Naniwaya:

    • Địa chỉ: 1-8-14 Azabu-Juuban, quận Minato, Tokyo
    • Thời gian hoạt động: Từ 11h đến 19h
    • Ngày đóng cửa: Thứ Ba và thứ Tư của tuần thứ ba trong tháng 

    25/07/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Nippon
    Ảnh: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!