Cá Tai - loài cá quốc dân ở Nhật Bản

    Nhật Bản được bao quanh bởi biển cả nên cá được xem là tài nguyên dồi dào, phong phú. Nếu nói đến cá Nhật, người ta thường nghĩ đến cá hồi, cá ngừ, cá Koi… Nhưng nói đến cái tên “cá Tai” thì ít ai biết đến. Sự thật thì trong giới cá Nhật, cá Tai có thể được xem là loài cá “vạn ngư chi vương”.

    Cá Tai là loại cá gì?

    Cá Tai (鲷) hay còn biết với tên gọi là cá tráp, tên khoa học là Pagrus major hoặc Sea bream. Cá Tai có nhiều loại. Trong 6 loại cá Tai thường được dùng chế biến, người Nhật ăn nhiều nhất là cá Tai đỏ (cá tráp đỏ). Lý do giải thích khá dễ hiểu, bởi vì cả thân mình loại cá này có màu ửng hồng, mà màu đỏ từ xưa đến này vẫn được xem là tượng trưng cho may mắn, cát tường.

    cá tai là cá gì
    Ảnh: hyuki.jp

    Ngoài ra, trong tiếng Nhật, từ “cá Tai” (たい) đồng âm với từ "medetai" (めでたい) có nghĩa là chúc mừng, đáng mừng. Do vậy, cá tai cũng được xem là một điềm lành, là điều cát tường. Vì vậy trong quá khứ, loài cá này cũng thường được đem đi biếu tặng. Ngày nay, trong một số dịp như tiệc cưới, tiệc mừng thọ, sự hiện diện của cá Tai là không thể thiếu.

    Cá Tai trong văn hóa Nhật Bản

    Xét về lịch sử, người Nhật bắt đầu ăn cá Tai từ khá lâu. Trong tập tổng hợp thơ ca đầu tiên của Nhật - Manyoshu - ra đời vào thời Nara đã xuất hiện hình ảnh của con cá Tai. Ngoài ra, vào cuối thời Heian, các samurai cũng vô cùng tôn sùng cá Tai bởi 2 lí do: thứ nhất, cá Tai mang ý nghĩa thắng lợi; thứ hai, đầu cá Tai to, toàn thân ửng hồng, vảy ánh tựa giáp, rất có phong thái võ sĩ.

    Về ẩm thực món ngọt, Nhật Bản có món bánh cá nướng Taiyaki. Mỗi chiếc bánh được làm mô phỏng theo hình dáng của cá Tai. Loại bánh này thịnh hành từ thời Meiji. Bánh cá truyền thống bên trong thường là nhân đậu, giờ thì có thêm một số loại nhân mới như kem custard, chocolate.

    bánh cá nướng taiyaki
    Bánh cá nướng Taiyaki. (Ảnh: douguo)

    Về văn hóa tín ngưỡng, người Nhật có Thất phúc thần (7 vị thần may mắn) gồm 6 nam thần và 1 nữ thần. Trong 7 vị đó, có một vị thần bản địa, tức vị thần của riêng người Nhật, chính là thần Ebisu. Thần Ebisu là con đầu lòng của 2 vị thần khai sinh ra Nhật Bản: Izanagi và Izanami. Thần Ebisu vốn là thần bảo hộ biển cả, được ngư dân thờ phụng. Sau đó, thần Ebisu dần dần trở thành vị thần thương nghiệp phù hộ buôn bán cùng ông Thần Tài. Người dân cúng bái thần Ebisu với mong muốn được làm ăn phát đạt. Thần Ebisu có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay phải cầm cần câu, tay trái ôm cá Tai.

    Hành trình trở thành “vạn ngư chi vương”

    Cá tai có danh xưng “vua của các loài cá” bắt đầu từ thời Edo. Lúc này, mọi người bắt đầu xếp hạng các loại cá, kết quả là cá Tai đứng đầu, kế đến là cá chình và cá ngừ. Bởi vì cá Tai đứng đầu trong các loài cá, người dân thời Edo đem ghép nó với hoa Sakura - đứng đầu trong các loài hoa. Từ đó có câu nói: "花は桜、魚は鯛", tạm dịch: "Trong các loài hoa thì là hoa anh đào, trong các loài cá thì là cá tai.”

    cá tai vua của các loài cá
    Ảnh: wukong.

    Một trong những lí do khiến cá Tai phổ biến rộng rãi vào thời Edo không thể không nhắc đến cái tên của Tướng quân Mạc Phủ Tokugawa Ieyasu. Ông sinh ra ở tỉnh Mikawa ven biển, rất thích ăn cá Tai. Sau này khi chuyển đến Edo (Tokyo xưa) ông vẫn giữ thói quen khi còn ở quê cũ. Cùng thời gian đó, lệnh cấm ăn thịt có từ thời Thiên hoàng Tenmu (Thế kỷ 7) vẫn còn kéo dài đến thời Edo. Thời Edo lại có thêm điều lệ cấm sát sinh bừa bãi, không bao gồm các loại cá. Do đó, để bổ sung đạm, người ta dần chuyển sang ăn cá. Mà cá Tai vốn được yêu thích lâu đời nên cũng nghiễm nhiên trở thành loại cá được ưa chuộng nhất.

    Thời điểm đó, những chuyên gia ẩm thực về món cá còn viết hẳn quyển sách: Tai Hyakuchin Ryori Secret Tsubako. Trong sách ghi lại 102 cách chế biến cá Tai như: canh cá tai, mì cá tai, cơm cá tai…

    món ăn cá tai
    Ảnh: play-life.jp.

    Qua thời gian, việc đánh bắt số lượng lớn khiến cho lượng cá Tai tự nhiên suy giảm. Người Nhật lúc đó bắt đầu thí nghiệm cách nuôi cá Tai và trở thành loại cá quan trọng cần được nuôi nhân tạo. Vì vậy có thể nói, cho đến ngày nay cá Tai vẫn giữ một vai trò nhất định trong đời sống sinh hoạt của con người Nhật Bản.

    kilala.vn

    23/03/2020

    Bài: Hoàng Thiên

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!