Noren, chiếc rèm cửa duyên dáng của xứ Phù Tang

    Ghé vào những nhà hàng, tiệm ăn theo phong cách Nhật Bản truyền thống, bạn thường bắt gặp những chiếc rèm vải rất duyên dáng ở ngay cửa chính. Đó chính là Noren, chiếc rèm cửa che nắng, ngăn bụi và chia cách không gian theo một phong cách khá cởi mở.

    Chiếc rèm cửa duyên dáng

    Noren, chiếc rèm cửa duyên dáng Nhật Bản

    (Ảnh:Ishikawa Ken/Flickr)

    Noren rất dễ nhận biết, bởi có lẽ bạn sẽ không bắt gặp ở đâu khác ngoại trừ Nhật Bản chiếc rèm cửa có kiểu dáng đặc trưng như vậy.

    Trong đời sống thường ngày, Noren đơn thuần là một tấm rèm ngăn thường được treo ở cửa ra vào, cửa sổ, mái hiên hay ở lối ra vào giữa hai không gian trong nhà. Bạn sẽ thường nhìn thấy rèm Noren ở những nhà hàng, tiệm ăn truyền thống Nhật Bản, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, khu tắm công cộng Sento,.

    noren Nhật Bản

    (Ảnh:halfrain/Flickr)

    Hầu hết Noren đều đặc biệt ở chỗ không che phủ hoàn toàn lối ra vào. Nhờ vậy, Noren tuy dùng để ngăn cách không gian nhưng vẫn giúp không gian thông thoáng, không quá bí bách. Ngoài ra, đặc trưng khác nữa là trên rèm thường có những đường cắt dọc chạy từ mép dưới lên đến gần mép trên, để mọi người có thể vén màn thuận tiện hơn. Những đường cắt này chia một tấm Noren ra làm nhiều mảnh, mỗi mảnh rộng khoảng 35 - 45cm. Noren thường có từ 2, 3 đến 5 mảnh tùy theo kiểu dáng. Kiểu dáng cơ bản nhất của Noren là loại 3 mảnh, độ dài chừng 113cm. Ngoài ra còn có những kiểu dáng khác với kích thước ngắn hoặc dài hơn.

    Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người dùng, Noren rất phong phú về chất liệu và màu sắc. Nhưng nhìn chung, chất liệu phù hợp nhất với phom dáng của rèm vẫn là loại vải hơi cứng và người ta vẫn yêu chuộng những màu sắc truyền thống như xanh Indigo, xanh Navi,. hơn cả. Bên cạnh Noren màu trơn, in chữ, cũng có loại in những họa tiết đáng yêu hay những bức tranh Phù thế (Ukiyo-e).

    Khác biệt giữa vùng Kansai và vùng Kanto

    rèm cửa Noren Nhật Bản

    (Ảnh: PIXTA)

    Theo phong cách vùng Kanto, rèm Noren có những băng cạp ngắt quãng dùng để treo rèm, có thể cùng màu hoặc khác màu.

    Trong khi đó, rèm Noren vùng Kansai không dùng băng cạp mà may sao cho chừa khoảng trống bên trên để luồn cây treo rèm.

    Các kiểu dáng của Noren

    Han-noren

    Han-noren có chiều dài tiêu chuẩn khoảng 57cm, kiểu dáng “lưng chừng” này là để mọi người có thể nhìn thấy nội thất phía bên trong. Han-noren được sử dụng nhiều ở những nơi như khu suối khoáng nóng, nhà tắm công cộng, tiệm vải, hay những quán ăn theo phong cách truyền thống như tiệm mì, tiệm Sushi, trà quán,.

    han-noren

    Han-noren (Ảnh:katsuuu 44/Flickr)

    Naga-noren

    Dài khoảng 160cm. Trái với Han-noren, Naga-noren được sử dụng để che nắng, gió bụi và hạn chế người ngoài nhìn vào không gian nội thất bên trong một cửa hàng. Bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp Naga-noren ở những tiệm ăn, cửa hàng hay nhà hàng truyền thống,.

    Naga-noren

    Naga-noren (Ảnh: PIXTA)

    Mizuhiki-noren

    Mizuhiki-noren được treo nhiều ở các mái hiên ngay lối ra vào. Chiều dài thường thấy là 40cm. Kiểu Noren này cũng được sử dụng để che nắng nhưng chủ yếu là để trang trí.

    mizuhiki-noren

    Mizuhiki-noren (Ảnh:Bun Oshita/Flickr)

    Hiyoke-noren

    Có kích thước khá đa dạng nhưng chiều dài thường thấy là từ 160 đến 220cm, Hiyoke-noren được dùng để che nắng, gió bụi ở nhiều cửa hàng, từ các tiệm ăn như tiệm mì, đến cửa hàng rượu hay gốm sứ,. Kích thước khá lớn nên đôi khi cũng trở thành bộ mặt của cửa hàng khi được in logo, câu slogan, sản phẩm khuyên dùng hay thông báo ưu đãi,.

    hiyoke-noren

    Hiyoke-noren (Ảnh:Cory/Flickr)

    Noren xuất hiện từ thời Heian

    noren

    (Ảnh: PIXTA)

    Tuy không chắc chắn về nguồn gốc, nhưng hình ảnh Noren từng xuất hiện trong một bức họa được vẽ vào cuối thời đại Heian, vì vậy ít nhất cũng có thể chắc chắn rằng Noren đã được sử dụng trong thời gian này.

    Ban đầu, rèm Noren được sử dụng ở những thôn làng vùng núi, làng chài để che chắn gió bụi, ánh nắng và giữ riêng tư cho chủ nhà. Khi đó Noren chủ yếu là những tấm vải trắng hoặc vải màu trơn không hoa văn hay họa tiết. Đến thời Kamakura, ở những gia đình buôn bán xuất hiện dạng Noren có “thông điệp” như nhãn hiệu, hình vẽ đại diện được vẽ chính giữa rèm. Màu sắc cũng phong phú hơn khi mỗi màu đều biểu thị cho một loại hình công nghiệp.

    noren

    (Ảnh: PIXTA)

    Vào thời Muromachi, mỗi cửa hàng đều treo một tấm rèm Noren đặc trưng với hình vẽ độc đáo để nhận biết tên thương nghiệp hoặc ngành sản phẩm. Bước vào thời Edo, tỉ lệ người biết chữ ở thường dân tăng lên, Noren có chữ viết được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt trong khoảng thời gian 1624 - 1681, kiểu Noren có chữ trắng trên nền vải màu rất được ưa chuộng như một phương tiện quảng cáo cho nhãn hàng. Về sau, chất liệu vải thay đổi từ sợi gai vốn khó nhuộm màu sang cotton để nhuộm dễ dàng hơn.

    Từ đó đến nay, thế giới Noren ngày càng phong phú với đủ mọi màu sắc, hoa văn trang trí bắt mắt. Không chỉ giới hạn ở cửa ra vào, người ta còn dùng Noren bên trong ngôi nhà như một bức rèm ngăn cách không gian, đồng thời như một vật trang trí nhã nhặn và duyên dáng.

    Lăng Vi/ kilala.vn

    12/09/2016

    Bài: Lăng Vi/ Ảnh: PIXTA, Flickr

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!