Old Enough! lên sóng Netflix, châm ngòi tranh cãi về cách dạy con của người Nhật
Sau khi lên sóng Netflix toàn cầu vào ngày 31/03, chương trình thực tế "Chúng con đủ lớn rồi!" ghi lại cảnh những em bé Nhật dưới 6 tuổi lần đầu giúp cha mẹ làm việc vặt như đi mua hàng một mình, đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên khắp thế giới về cách nuôi dạy con của người Nhật. Tại Việt Nam, chương trình từng được HTV mua bản quyền sản xuất và phát sóng với tựa "Con Đã Lớn Khôn" trên kênh HTV7.
Việc những em bé mới chỉ 2 - 5 tuổi đã được cha mẹ giao nhiệm vụ làm việc vặt một mình trong chương trình thực tế "Chúng con đủ lớn rồi!" (tựa Nhật: Haijimete no Otsukai, tựa Anh: Old Enough!) trở thành cú sốc văn hóa với nhiều người xem nước ngoài. Hiếm có quốc gia nào như Nhật Bản, khi trẻ em lại được dạy về tính tự lập khi còn quá nhỏ, nhưng đây lại là nét văn hóa đặc trưng trong việc nuôi dạy con cái của người Nhật.
Không hạ nhiệt dù đã lên sóng cách đây 31 năm
Netflix đã đăng tải tổng cộng 20 tập của chương trình thực tế "Chúng con đủ lớn rồi!" lên nền tảng của mình, với thời lượng khoảng 7 - 21 phút/tập.
Mỗi tập ghi hình một hoặc hai bé ở độ tuổi từ 2 đến 5 ra ngoài một mình để hoàn thành việc vặt đầu tiên trong đời, chẳng hạn như đi mua sắm, tặng quà cho hàng xóm, đến tiệm giặt là lấy quần áo cho bố mẹ. Các em tự đi bộ hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng một mình mà không có cha mẹ đi cùng.
Điểm đặc biệt của chương trình là cha mẹ không ghi lại các nhiệm vụ trên giấy ghi chú cho bé mà chỉ dặn dò bằng lời, bởi nhiều em còn quá nhỏ vẫn chưa biết đọc. Do vậy, nhiều trẻ sẽ quên mất phải mua món đồ gì, nhưng rồi bất chợt nhớ ra hoặc chọn món đồ khác hoàn toàn so với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những bé rất thích làm việc vặt, cũng có nhiều em khóc òa lên vì sợ đi một mình, khiến cha mẹ phải động viên, khích lệ rất nhiều.
Ngay ở tập đầu tiên, cậu bé Hiroki chỉ mới 2 tuổi 3 tháng đã đi bộ 1km để mua đồ giúp mẹ, nhưng khi đến nơi, cậu mãi không nhớ ra món đồ cần mua. Thậm chí, có em 3 tuổi đã tự đi xe buýt một mình để về nhà lấy đồ giúp cha, khiến người xem hồi hộp không thua gì phụ huynh của bé.
Các bé trong chương trình đều rất lịch sự, đáng yêu và thực hiện
nhiệm vụ được giao một cách vô cùng nghiêm túc. Tuy vậy, vì còn khá nhỏ
nên nhiều trẻ cũng bị phân tâm và chơi đùa trước khi làm việc vặt.
Bất
chấp những khó khăn, các em thường hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhận
được lời khen từ cha mẹ và cảm thấy tự tin hơn về bản thân mình. Từ đó,
các phụ huynh cũng nhận ra rằng con trẻ có thể làm nhiều thứ hơn họ vẫn
nghĩ. Chính những khoảnh khắc rất chân thực trên đã lấy đi nước
mắt của người xem. Niềm hạnh phúc của các phụ huynh khi nhìn thấy con cố
gắng giúp đỡ mình cũng lan tỏa đến trái tim của khán giả.
Được biết, trước khi được phát sóng trên Netflix toàn cầu, “Chúng con đã lớn rồi!” là một chương trình thực tế vô cùng được yêu thích ở xứ sở hoa anh đào. Chương trình lên sóng đài Nippon TV cách đây 31 năm, từ năm 1991.
"Hajimete no Otsukai" (tựa Nhật) phát sóng tại Nhật hai lần mỗi năm dưới dạng một chương trình truyền hình kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Trong tiếng Nhật, “Hajimete” nghĩa là “lần đầu tiên” và “Otsukai” mang nghĩa “việc vặt”.
Hầu hết các bé tham gia "Hajimete no Otsukai" đều ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, nhưng cũng có vài bé chỉ mới 1 hoặc 2 tuổi. Khi được chiếu trên Netflix toàn cầu, độ tuổi và thời lượng phát sóng đã được điều chỉnh.
Tại Việt Nam, chương trình được Đài truyền hình TP.HCM mua bản quyền sản xuất và phát sóng với tựa "Con Đã Lớn Khôn" trên HTV7 từ tháng 7/2011, nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả xem đài.
"Chúng con đủ lớn rồi!" trong mắt khán giả nước ngoài
Ngay sau khi được phát sóng trên Netflix toàn cầu, chương trình nhận về một lượng fan hùng hậu với nhiều bình luận tích cực:
“Làm ơn đi, tôi muốn xem nhiều tập hơn.”
“Tôi vừa mới xem hết, 20 tập là chưa đủ.”
“Tôi đã khóc như mưa ở mỗi tập.”
“Tôi chỉ mới bắt đầu xem từ hôm qua, chương trình thật sự rất hấp dẫn.”
Tuy phần lớn khán giả dành những lời khen ngợi cho chương trình và các “ngôi sao nhí”, show thực tế này cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận ở một số quốc gia về sự an toàn của trẻ em và sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản với các nước phương Tây như Mỹ.
“Nhật Bản quá khác so với Hoa Kỳ. Tôi sẽ không thể tin tưởng để con trẻ tự lập như vậy ở Mỹ được."
“Ừm. Để mặc một đứa bé nhỏ xíu băng qua đường phố đông đúc thì tốt lành gì chứ?”
“Vì người Nhật tin tưởng rằng các tài xế luôn thận trọng. Không may ở những nơi khác như Mỹ chẳng hạn, chúng ta không thể tin tưởng như vậy được.”
“Chương trình vui và thú vị để xem, nhưng không nên cho một đứa bé ở độ tuổi đó làm những việc này.”
Mặc dù nhiều khán giả nước ngoài lo lắng cho sự an toàn của các bé, nhưng tổ chương trình đã thực hiện mọi biện pháp đảm bảo cần thiết trong quá trình quay. Trước khi tiến hành ghi hình, đội ngũ chương trình và cha mẹ sẽ điều tra kỹ lưỡng quãng đường các bé đi qua để phòng tránh mọi nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra.
Ngay cả người
dân ở khu vực xung quanh cũng được báo trước để dõi theo các bé. Hơn
nữa, trên suốt quãng đường, đội ngũ nhân viên sẽ giả làm người qua đường
cầm theo máy quay và theo sát các em. Nhiều nhân viên khác cũng quan sát từ ô tô hay xe máy để có thể ứng phó kịp thời nếu sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, họ không được phép giúp
đỡ, vì vậy các em thường chỉ dựa vào sự hỗ trợ từ nhân viên bán hàng
hay những người qua đường tốt bụng.
Bên cạnh đó, sự hiệu quả trong quy hoạch đô thị đã góp phần biến Nhật Bản trở thành nơi an toàn cho trẻ cũng trở thành chủ đề nóng hổi được khán giả ở Nhật Bản lẫn quốc tế tham gia thảo luận:
“Chương trình tiết lộ rất nhiều điều về trẻ em Nhật cũng như cách Nhật Bản quy hoạch đô thị. Ở một số vùng ngoại ô của Hoa Kỳ, không thể đi bộ như vậy đến một cửa hàng gần đó.”
“Khán giả nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên về mức độ an toàn cho trẻ em ở Nhật Bản, nhưng chính cấu trúc cộng đồng và quy hoạch đô thị tốt đã đóng vai trò lớn cho sự an toàn này.”
“Có vẻ như tất cả mọi người trên thế giới đều cảm thấy bối rối, bất ngờ trước “sự điên rồ” và “bí ẩn” của Nhật Bản, nơi cha mẹ cho trẻ nhỏ ra ngoài một mình.”
“Thấy khán giả nước ngoài vô cùng lo lắng cho các em trong chương trình khiến tôi nghĩ rằng nước Nhật là nơi an toàn duy nhất trên thế giới. Tôi muốn tiếp tục bảo vệ cuộc sống như thế này ở Nhật.”
“Đây là một trong những đặc thù của xã hội Nhật, nơi trẻ em có thể tự làm việc gì đó một mình.”
Văn hóa dạy con tự lập từ nhỏ của người Nhật
Trong khi nhiều khán giả nước ngoài đặt những câu hỏi liên quan đến
khía cạnh đạo đức khi để đứa trẻ làm việc vặt một mình, thì nhiều người
Nhật đã đưa ra lý giải về cách dạy con khác biệt của họ. Một
khán giả chia sẻ: “Đó là một phần văn hóa của chúng tôi khi dạy cho
trẻ về ý thức trách nhiệm và lòng tốt của cộng đồng."
Tại đất nước mặt trời mọc, việc giao phó cho con trẻ tự chăm sóc bản thân và nhờ cậy vào những người xung quanh là một phần tự nhiên trong phong cách nuôi dạy con của người Nhật. Thêm vào đó, cấu trúc cộng đồng và quy hoạch đô thị hiệu quả cũng hỗ trợ cho nét văn hóa khác biệt này.
Đến Nhật Bản, không quá khó để thấy hình ảnh những em bé tiểu học tự đi bộ đến trường, đi học theo nhóm nhỏ hoặc thậm chí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng mà không có bất kỳ người lớn nào đi cùng. Trẻ em Nhật cũng bắt đầu tự vệ sinh trường học và thay phiên nhau phục vụ bữa trưa Kyushoku cho các bạn trong lớp từ năm đầu tiên của tiểu học, khi lên 6.
Để chuẩn bị cho con tự lập ở trường tiểu học, trước khi lên 6 tuổi, phụ huynh Nhật đã bắt đầu giao việc vặt cho con thực hiện. Đây có thể là những công việc nhà đơn giản, hoặc để trẻ mang theo túi riêng của mình trong những chuyến đi chơi của gia đình, đôi khi là đi mua đồ ở những cửa hàng gần nhà cho cha mẹ.
Dù có vẻ là những nhiệm vụ khá khó khăn với trẻ, nhưng việc chúng có thể hoàn thành bằng chính sức mình khiến cả người lớn cũng phải ngạc nhiên. Điều quan trọng hơn là các kỹ năng, kinh nghiệm này sẽ giúp bản thân các em sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước ra ngoài thế giới.
kilala.vn
23/04/2022
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận