Kyushoku: bữa trưa trong các trường học Nhật Bản
Kyushoku là gì?
Kyushoku (給食) - hay còn gọi là bữa trưa ở trường - là những bữa ăn trưa mà hầu hết những trường tiểu học và trung học cơ sở công lập cung cấp cho học sinh trong những ngày học chính thức.
Thực đơn mỗi ngày trong Kyushoku được quyết định bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Do đó, học sinh sẽ có một bữa ăn bao gồm nhiều loại thực phẩm với nhiều cách kết hợp khác nhau, đa dạng cả về hình thức lẫn hương vị và không bị ngấy. Một bữa Kyushoku thông thường gồm có: tinh bột chính (thường là cơm, đôi khi là bánh mì hoặc mì), một phần rau, protein chính, súp và một hộp sữa.
Hầu như những thành phần dinh dưỡng cần thiết luôn được kết hợp tương đối cân bằng đầy đủ, hoặc có thể nói là giàu calo, nhưng lại phù hợp với độ tuổi “mau ăn chóng lớn” của các em học sinh.
Nguồn gốc của Kyushoku
Chương trình “Bữa trưa học đường” tại Nhật Bản bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ 19. Vào năm 1889, một trường tiểu học ở tỉnh Yamagata đã phục vụ bữa trưa cho những em học sinh có gia cảnh nghèo khó. Những bữa ăn trưa này thường chỉ có một onigiri (お握り - cơm nắm), cá nướng và rau củ muối (漬物 - tsukemono).
Các bữa ăn được tài trợ bởi các tổ chức Phật giáo, chính quyền địa phương hoặc các khoản đóng góp tư nhân. Nguồn dinh dưỡng cơ bản này cũng mang lại cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn một lý do rất thiết thực để tiếp tục đến trường.
Vào những năm 1920, Chính phủ Nhật Bản đã tham gia vào chương trình này. Sau khi nghiên cứu toàn diện về dinh dưỡng, Bộ Giáo dục đã chính thức xác nhận và sau đó tài trợ cho những bữa ăn trưa ở trường. Sau khi chương trình được triển khai, mối tương quan giữa dinh dưỡng và giáo dục trở nên rõ ràng: sức khỏe thể chất, việc đi học và kết quả học tập của trẻ đều bắt đầu cải thiện trông thấy.
Mặc dù vậy, chính sách này không ít lần phải đối mặt với khó khăn từ việc suy thoái kinh tế, chiến tranh cho đến tình trạng thiếu lương thực.Vào năm 1944, chương trình bữa ăn trưa ở trường đã bị hủy bỏ do những cuộc ném bom dữ dội vào các trung tâm đô thị và trẻ em phải sơ tán về vùng nông thôn trong Thế chiến II.
Tuy nhiên, hoạt động này đã được khôi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ và tổ chức UNICEF, để giảm bớt tình trạng suy dinh dưỡng cho học sinh.Đến năm 1954, luật ăn trưa ở trường chính thức được thông qua tại Nhật. Không lâu sau đó, các chương trình tương tự đã được áp dụng trên gần như toàn nước Nhật.
Những bữa Kyushoku đầu tiên có thực đơn khá đơn giản, nhưng ngày càng đa dạng hơn trong những thập kỷ sau. Các món như bánh mì chiên, mì mềm với nước sốt thịt, cơm hầm kem sữa, cơm cà ri, sữa có mùi,. dần được đưa vào thực đơn. Đến năm 1976, thực đơn có cơm nóng bắt đầu được áp dụng.
Hoạt động Kyushoku tại trường học
Kyushoku ngày nay không phải là những bữa ăn miễn phí nhưng chi phí cũng khá rẻ. Mức phí của bữa trưa này sẽ chênh lệch tùy theo khu vực, nhưng mức phí Kyushoku trung bình trên toàn nước Nhật là 4.277 yên/tháng (khoảng 246 yên/ngày) ở các trường tiểu học và 4.882 yên/tháng (khoảng 286 yên/ngày) ở những trường trung học cơ sở. Phụ huynh sẽ là người chi trả phí ăn trưa này.
Kyushoku có thể được chuẩn bị ở các bếp ăn trong trường (nếu trường có bếp ăn và đầu bếp) nhưng thường là do các trung tâm Kyushoku - nơi có đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng - nấu và chuyển ngay đến trường học những bữa ăn nóng hổi trước giờ ăn trưa.
Người chăm sóc trong trường (thường là một phụ nữ lớn tuổi) sẽ đón chiếc xe chở thức ăn, sau đó chuẩn bị bữa ăn cho giáo viên và chuẩn bị hộp đựng thức ăn cho học sinh. Một số trường có phòng ăn trưa riêng và một số nơi thì học sinh ăn trưa ngay trong lớp học, nhưng nhìn chung quy trình đều giống nhau.
Sau khi tiết học thứ tư kết thúc, các học sinh đến lượt phân công sẽ đến khu vực quy định, xếp hàng để bắt đầu phục vụ bữa trưa cho mình và các bạn trong lớp. Những học sinh làm việc này gọi là Kyushoku Toban (給食当番)- người phục vụ bữa trưa. Các Kyushoku Toban sẽ mặc tạp dề, đội mũ và đeo khẩu trang, rửa tay và bắt đầu lau bàn, dọn đĩa.
Cơm và canh được múc vào chén và đặt trước cửa phòng trước khi phát, còn các học sinh phụ trách rau và đạm sẽ đi xung quanh và phục vụ riêng từng bàn. Quá trình chịu trách nhiệm chuẩn bị, phục vụ, ăn uống và dọn dẹp sau bữa trưa mang đến cho các em học sinh trải nghiệm làm việc thực tế. Những loại hoạt động hợp tác này sẽ rèn luyện cho các em ý thức phục vụ, tinh thần hòa hợp, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm cũng như nuôi dưỡng các giá trị quan trọng khác cho học sinh.
Chất lượng của Kyushoku
Thành phần bữa ăn cũng như quá trình chuẩn bị Kyushoku được các chuyên gia dinh dưỡng giám sát hàng ngày. Các chuyên gia cũng sẽ tùy chỉnh thực đơn theo yêu nhu cầu cụ thể từ nhà trường và khiến cho các món ăn trở nên đẹp mắt, ngon miệng hơn.
Nguyên liệu chính trong các bữa ăn được tùy biến theo mùa và nếu có xuất xứ từ địa phương thì càng tốt. Mặc dù điều này có vẻ chỉ dễ dàng thực hiện ở khu vực nông thông hơn là những trung tâm đô thị, thành phố lớn, nhưng bằng cách nào đó, một số loại thực phẩm do địa phương tự sản xuất vẫn có mặt trong thực đơn ở những nơi này.
Tỷ lệ các món chính như bột, đạm gần như là không đổi, nhưng những món còn lại có thể được điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của từng học sinh ở một mức độ nào đó. Ở trường tiểu học, học sinh được quyền yêu cầu một số món ăn nhiều hơn hoặc ít hơn trước khi mọi người bắt đầu ăn. Nếu thức ăn vẫn còn thì những học sinh ăn xong trước được phép xin thêm.
Tuy nhiên, việc các em tăng hay giảm khẩu phần chính xác là bao nhiêu thì vẫn tùy thuộc vào giáo viên chủ nhiệm, vì ở lứa tuổi tiểu học thì đôi khi các em chỉ “ăn bằng mắt” thôi. Ở trường trung học cơ sở, khi các em học sinh bắt đầu bước vào tuổi lớn, lượng thức ăn cho từng khẩu phần ăn cũng sẽ có sự chênh lệch nhất định. Nếu một học sinh vắng mặt, phần ăn của học sinh đó sẽ được chia cho bạn cùng lớp.
Một số món Kyushoku được yêu thích
Bánh mì chiên Age-pan
Age-pan là bánh mì chiên giòn phủ đường và bột đậu nành rang kinako hoặc quế. Có một thời gian người Nhật không thích ăn bánh mì, nhưng sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu lượng lúa mì dư thừa của Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu thốn lương thực. Do bánh mì nướng thông thường để một khoảng thời gian sẽ bị cứng nên một người thợ làm bánh đã nảy ra ý tưởng chiên bánh mì. Bánh mì chiên Age-pan từ khi ra đời đã được nhiều thế hệ người Nhật ưa chuộng và yêu thích.
Cơm cà ri Nhật
Không giống với đa số hương vị cà ri ở các quốc gia trong khu vực Nam Á hay Đông Nam Á, cà ri Nhật mang dư vị của ẩm thực phương Tây, được cải tiến cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật và thường ăn kèm cùng với cơm hoặc mì.
Mặc dù cà ri Nhật vẫn giữ lại một chút hương vị thảo mộc của cà ri nguyên bản nhưng hậu vị để lại trên đầu lưỡi lại ngọt ngào, dễ ăn và rất đưa cơm. Trong suốt ba thập kỷ qua, cà ri luôn nằm trong thực đơn bữa trưa yêu thích ở các trường học trên toàn nước Nhật.
Gà rán Karaage
Món ăn này làm từ thịt gà nhúng bột chiên giòn, khi ăn chấm với xốt Ponzu chua chua thanh thanh hoặc vắt lên tí nước cốt chanh rồi chấm tương ớt hay tương cà. Những nguyên liệu khác như thịt heo, hải sản cũng được dùng nhưng phổ biến nhất là thịt gà. Karaage là món ăn gia đình được nhiều trẻ nhỏ yêu thích, đồng thời cũng là món nhắm tuyệt vời cho những bữa tiệc thân tình nên không bao giờ thiếu vắng trong thực đơn của Izakaya - quán nhậu kiểu Nhật.
Mikan ướp lạnh
Mikan (quýt) ướp lạnh được mệnh danh là vua của những món tráng miệng, nhất là khi mùa hè đến. Kết cấu và hương vị của mikan được cả học sinh và giáo viên yêu thích. Nếu ai đó vắng mặt, món ăn mà các em học sinh muốn được chia nhất chính là quả mikan ướp lạnh.
kilala.vn
23/10/2020
Bài: Hoàng Thiên
Đăng nhập tài khoản để bình luận