Đi học theo nhóm: cách trẻ em Nhật đến trường an toàn

    Người Nhật rèn luyện cho con cái tính tự lập và ý thức hợp tác ngay từ rất sớm. Điều này được biểu hiện rõ thông qua việc để trẻ tự đi học khi còn nhỏ. Bạn sẽ cảm thấy thắc mắc vì sao người Nhật lại có thể yên tâm để con cái mình tự đi học như vậy? Là bởi vì trẻ em Nhật đi đến trường theo nhóm và trong vòng bảo vệ của xã hội.

    Đi học theo nhóm: cách trẻ em Nhật đến trường an toàn

    Hoạt động đi học theo nhóm của trẻ em Nhật Bản gọi là Shuudan tougekou (集団登下校), bắt đầu được áp dụng rộng rãi sau năm 1955. Các trường học dùng biện pháp này để bảo vệ trẻ em khỏi những tên tội phạm nguy hiểm. Phương pháp này được áp dụng dành cho học sinh tiểu học và trẻ mầm non. Trong trường hợp trường mầm non trực thuộc trường tiểu học thì học sinh mẫu giáo sẽ được đi học chung với học sinh tiểu học.

    cách trẻ em đến trường an toàn
    Học sinh đi đến trường theo nhóm. (Ảnh: select.mamastar)

    Dựa vào số lượng học sinh, trường học sẽ chia học sinh thành những nhóm nhỏ theo địa chỉ hoặc giới tính rồi để các em tự làm quen với nhau. Mỗi khu phố thường có khoảng ba mươi em. Các em tập trung tại địa điểm được quy định trước gọi là "Shudan basho - 集団場所" vào thời gian cố định, điểm danh rồi khởi hành. Địa điểm được quy định thường gần nhà của mỗi đứa trẻ để chúng có thể dễ dàng hẹn nhau và tập trung nhanh chóng (khoảng 2 - 3 phút đi bộ). Để tránh trường hợp có những em không đến nơi tập trung mà tự đến trường một mình, nếu không nêu rõ lý do vắng mặt thì nhà trường sẽ phải gọi điện thoại báo về cho gia đình.

    Mỗi nhóm đi học thường có hai thành viên chính được chọn từ những đứa trẻ lớn tuổi nhất gọi là: “Hanchou - 班長” (trưởng nhóm) và “Fukubanchou - 副班長” (phó nhóm). Dấu hiệu để phân biệt những đứa trẻ này là chúng đeo băng tay hay cầm cờ để sử dụng khi sang đường. Tuyến đường đi học được chọn sẵn và những nơi này thường ít xe cộ qua lại, bên cạnh đó còn có rất nhiều biển báo thu hút sự chú ý của người lái xe.

    trẻ em tập trung theo nhóm đi học
    Trẻ em trong khu phố sẽ tập trung lại theo nhóm và đi học. (Ảnh: city.kazo.lg.jp)

    Một người lớn được chỉ định làm người đại diện hỗ trợ bọn trẻ, vị trí này được thay đổi mỗi ngày. Nhiệm vụ của người đại diện là chuẩn bị các dụng cụ như dải phản quang, bộ quần áo chống thấm nước phòng khi trời mưa và cờ. Ngoài ra, công việc của người đại diện còn bao gồm quan sát bọn trẻ khi chúng đến trường, đặc biệt là khi đi qua phần đường dành cho người đi bộ, ngã tư, đèn giao thông,…; và còn ghi lại nhật ký quan sát để gia đình của học sinh có thể xem được. Thông tin này thường bao gồm ngày tháng, tình trạng thời tiết, tên của người hỗ trợ, số trẻ em có mặt tại thời điểm nhóm rời điểm hẹn và một bản tóm tắt nhỏ về những gì đã xảy ra.

    Hoạt động này chỉ thực hiện vào buổi sáng. Vào buổi chiều khi trẻ em đi học về, nhiệm vụ này sẽ so các tình nguyện viên (thường là người đã nghỉ hưu) đảm nhiệm. Một nguyên nhân khác khiến các bậc cha mẹ yên tâm khi để con em mình tự đi học là ở Nhật Bản, tỷ lệ tội phạm rất thấp. Trong trường hợp xảy ra thiên tai như bão lụt, nhà trường sẽ hỗ trợ đưa các em về nhà an toàn hoặc liên hệ với phụ huynh đến đón.

    sự quan sát bảo hộ người lớn
    Học sinh đi học có sự quan sát bảo hộ của người lớn. (Ảnh: nestsukuba.jp)

    Hiện tại trẻ em Nhật còn đến trường thế này không?

    Câu trả lời là vẫn còn. Và để con tự đi học được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất đánh dấu sự phát triển của trẻ. Ngoài tạo tính tự lập từ sớm, trẻ em sẽ thông qua hoạt động này mà giao lưu, kết bạn với nhiều người bạn đồng trang lứa. Trước đây, nhiều trường học tổ chức thời gian vui chơi, giao lưu học tập dành cho học sinh các khối nhưng về sau, do tăng cường nội dung chương trình học, một số trường đã không thể cân bằng thời gian tổ chức những hoạt động này. Trong hoàn cảnh đó, học sinh ít có cơ hội tiếp xúc với những người bạn ở các độ tuổi khác nhau.

    đi học theo nhóm
    Đi học theo nhóm là cơ hội để các bạn nhỏ có thêm bạn bè. (Ảnh: nblog.hachinohe.ed.jp)

    Nhờ vào việc cùng nhau đi học, những đứa trẻ có thể giao lưu với các bạn cùng nơi ở dù ở bất kỳ độ tuổi nào, trao cho chúng những mối quan hệ mới, học được cách hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, hoạt động này khá khó thực hiện ở các khu đô thị lớn vì nơi đây không có nhiều nhóm tình nguyện địa phương. Một số trường hợp nhà trường phải dùng xe đưa đón học sinh hoặc để phụ huynh tự đưa đón con em đến trường.

    kilala.vn

    14/08/2020

    Bài: T.U.N

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!