Lạc vào thế giới hương vị của bia Nhật
Trong khi rượu Sake chiếm ngôi vương về độ nổi tiếng trong làng đồ uống có cồn Nhật Bản, thì bia lại sở hữu ưu thế về độ phổ biến. Ngoài những nhà sản xuất bia lâu năm thống trị thị trường nội địa như Asahi và Kirin, những năm gần đây, Nhật Bản cũng phát triển mạnh các loại bia thủ công, góp phần làm phong phú thêm thế giới bia của xứ sở mặt trời mọc.
Lịch sử bia ở Nhật Bản
Bia được du nhập vào Nhật Bản từ giữa thế kỷ 19 bởi các thương nhân nước ngoài sau khi Nhật xóa bỏ chính sách bế quan tỏa cảng vào năm 1854. Đến năm 1889, ba “gã khổng lồ” trong thị trường bia Nhật Bản đã được định hình, bao gồm Asahi, Kirin và Sapporo. Sức ảnh hưởng của bia đến nước Nhật lớn đến nỗi đã xuất hiện một khu vực tại Tokyo gọi là Ebisu, đặt theo tên nhà máy sản xuất bia Yebisu được xây dựng tại đây vào năm 1890.
Hiện nay, năm ông lớn chiếm lĩnh thị trường bia nội địa Nhật là Asahi, Kirin, Sapporo, Suntory và Orion, các tên tuổi này cũng khá nổi tiếng ở nước ngoài. Còn bia Yebisu thì được xem là loại bia đầu tiên được sản xuất ở Tokyo, hiện nay thuộc quyền sở hữu của Sapporo Breweries.
Văn hóa bia Nhật Bản phát triển như thế nào?
Các nhà sản xuất bia lâu năm tại Nhật đã góp phần tạo nên một nền văn hóa bia mạnh mẽ ở xứ sở hoa anh đào. Trong đó, bia lager được lên men ở nhiệt độ thấp từ lâu đã trở thành loại bia bán chạy nhất nước Nhật, chủ yếu bán dưới dạng lon tại các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ bia rượu, hoặc bia thủ công ở các quán bar.
Những con phố Yokocho (横丁) treo đầy đèn lồng truyền thống, đông đúc các Izakaya (quán nhậu kiểu Nhật) thường xuất hiện gần các nhà ga lớn chính là nơi người Nhật hay lui tới để thưởng thức các loại bia ngon.
Ngoài ra, các quán bia kiểu Đức cũng khá phổ biến ở Nhật. Là điểm đến yêu thích của nhiều nhân viên văn phòng sau khi tan ca, các quán bia này thường phục vụ những cốc bia lager cùng với nhiều món ăn kèm kiểu Âu.
Trong những thập kỷ qua, số lượng các nhà sản xuất nhỏ gia tăng đồng nghĩa với xu hướng tăng lên của các quán bar bán bia thủ công trên khắp nước Nhật. Các quán craft beer này thường thu hút người trẻ, bao gồm cả những phụ nữ trẻ và các cặp đôi tìm đến để thưởng thức hương vị mới lạ.
Xem thêm: Có gì trong những quán Bar ở Nhật?
Mặc dù hình ảnh các nhân viên văn phòng Nhật "ngất xỉu" ngay tại nơi công cộng sau những buổi tiệc Nomikai thường được lan truyền trên mạng và dễ gây ấn tượng không tốt, nhưng nhìn chung văn hóa bia tại Nhật không gây tác động rộng lớn đến xã hội như ở một số quốc gia.
Việc uống rượu bia nơi công cộng không bị cấm ở đất nước mặt trời mọc. Hình ảnh nhân viên công sở nam đi làm về cầm theo lon bia tuy không còn phổ biến nhưng chẳng phải là điều quá lạ lùng ở Nhật. Máy bán hàng tự động với các sản phẩm bia cũng xuất hiện ở mọi ngóc ngách và thường được đặt bên ngoài các cửa hàng rượu.
Hương vị bia Nhật Bản
Bia Nhật Bản đặc trưng bởi hương vị nhẹ dịu và tươi mát. Hầu hết các loại bia nổi tiếng nhất của những nhà sản xuất bia hàng đầu Nhật Bản đều thuộc loại bia lager với chỉ số nồng độ cồn ABV khoảng từ 4% đến 5%. Những loại bia lager phổ biến tại đây có thể kể đến Asahi Super Dry, Kirin Ichiban Shibori Lager, Suntory Premium Malts và Sapporo Nama Black Label.
Với nhiều người, bia Nhật có hương vị ngon và dễ uống hơn các loại bia lager hàng đầu đến từ Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Còn bia thủ công được phục vụ ở các quán bar Nhật cũng thường có lớp bọt dày hơn giúp giữ hương vị của bia lâu hơn.
Một loại bia được yêu thích khác của Nhật là “発泡酒 – Happoshu” với thành phần mạch nha chiếm từ 67% hoặc ít hơn. Vì thuế được đánh ít hơn với sản phẩm bia chứa ít mạch nha, nên Happoshu thường có giá rẻ hơn so với các loại bia thông thường. Chính vì vậy, Happoshu trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người.
Các nhà sản xuất bia tại Nhật còn ra mắt thị trường một số loại Happoshu có vị nhẹ hơn và được quảng bá là tốt cho sức khỏe hơn bia thông thường bởi chứa hàm lượng calo và carbohydrate thấp.
Bia thủ công nở rộ tại Nhật
Sự thay đổi trong luật thuế của Nhật vào năm 1994 với quy định số lít sản xuất của một nhà máy bia được phép giảm từ 2.000.000 xuống 60.000 lít đã dẫn tới sự bùng nổ của bia thủ công. Đến thời điểm này, Nhật đang sản xuất đa dạng nhiều loại bia thủ công, được gọi là “地ビール – Ji-biru” hoặc “クラフトビール – Kurafuto biru” trong tiếng Nhật.
Các nhà máy bia thủ công của Nhật áp dụng những kỹ thuật sản xuất được dùng bởi các nhà sản xuất bia độc lập ở Hoa Kỳ và châu Âu. Trong bối cảnh loại bia lager đang thống trị thị trường nội địa, các nhà sản xuất bia thủ công của Nhật có xu hướng tránh lager, thay vào đó tập trung vào các loại bia khác như Pale Ale, bia mạch nha theo kiểu Đức, bia trái cây hay bia đen.
Bia thủ công của Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà sản xuất bia tại châu Âu và Hoa Kỳ, trong đó, bia IPA và Pale Ale là hai loại craft beer phổ biến nhất Nhật Bản. Hương vị cũng như nồng độ cồn của các loại bia thủ công Nhật có thể rất khác biệt, thậm chí còn có những loại bia ủ với quýt yuzu, wasabi hay thậm chí là hương hoa.
Nồng độ cồn của bia thủ công cũng khá đa dạng, thường dao động từ 4% đến cao nhất là 12%. Những loại bia thủ công với nồng đồ cồn cao thường được phục vụ trong ly nhỏ.
Làm sao để gọi bia trong tiếng Nhật?
Nếu muốn thử bia của Nhật, bạn có thể ghé bất kỳ quán bar nào và chỉ cần đơn giản nói câu “なまビールください – Nama biiru kudasai” với "Nama biiru" là bia tươi, có sẵn tại thùng, còn "Kudasai" mang nghĩa là "Làm ơn". Hầu hết các quán nhậu Izakaya đều phục vụ ít nhất một trong những loại bia lager nổi tiếng như Sapporo hay Asahi.
Nếu muốn gọi nhiều hơn một cốc bia, bạn chỉ cần thêm số đếm trong tiếng Nhật vào câu trên. Chẳng hạn như, “なまビールを2杯ください – Nama biiru wo nihai kudasai”, hoặc với ba cốc bia, sẽ là “なまビールを3杯ください – Nama biiru wo sambai kudasai”.
Ngoài ra, nếu muốn gọi một loại bia thủ công đặc biệt, bạn chỉ cần nói tên của bia rồi thêm “kudasai” đằng sau. Và trong lúc nâng cốc, người Nhật thường nói “かんぱい – Kampai – Cụng ly”.
Hãy bỏ túi ngay những cụm từ này để cùng bạn bè tận hưởng hương vị bia thơm ngon của bia Nhật tại xứ sở hoa anh đào!
kilala.vn
06/12/2022
Bài: Rin
Nguồn: voyapon.com
Ảnh bìa: wakuwaku.today, matcha-jp.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận