Nomikai: những bữa "chè chén" sau giờ làm của giới công sở Nhật
Nomikai: những bữa tiệc uống của giới văn phòng
Nomikai (飲み会) được ghép từ chữ "飲み - nomi" nghĩa là "uống" và "会 - kai" nghĩa là tiệc, hiểu một cách nôm na thì đó là những bữa tiệc uống trong giới công sở ở Nhật Bản. Trong suy nghĩ của người Nhật, rượu như một “chất dung môi”, giúp phá bỏ rào cản giữa các mối quan hệ, tăng thêm sự tương tác, gắn bó và thân mật với nhau.
Những bữa tiệc Nomikai này là dịp xóa bỏ khoảng cách tốt nhất cho dân công sở, giúp mọi người hiểu nhiều hơn về những đồng nghiệp của mình. Đương nhiên, không chỉ có những người cùng cấp mà ngay cả sếp và cấp trên cũng tham gia những buổi tiệc này. Họ có thể cùng nhau ngồi uống và nói chuyện vui vẻ mà không bị gò bó như khi ở công ty.
Một buổi Nomikai sẽ diễn ra như thế nào?
1. Gọi đồ uống
Thông thường, đồ uống chủ đạo trong mỗi bữa tiệc Nomikai là bia và rượu. Có khi một người sẽ gọi đồ uống cho cả bàn nhậu, trong trường hợp nếu bạn không uống được đồ đã gọi thì hãy từ chối một cách lịch sự, hoặc hãy nhấp một ngụm rồi mới gọi đồ uống khác cho riêng mình. Hoặc nếu bạn là người chọn thức uống, hãy tổng hợp những yêu cầu đồ uống của mọi người nhé.
2. Lời chào đầu
Sau khi ổn định chỗ ngồi, người có địa vị cao nhất sẽ phát biểu một cách súc tích, ngắn gọn một lời chào đầu cho buổi tiệc. Trong khi đó, những người còn lại sẽ cầm sẵn đồ uống trên tay. Hành động này thể hiện sự chờ đợi và sẵn sàng cho buổi tiệc. Ngay sau khi lời phát biểu kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau hô to “Kampai” và cụng ly. Hãy chú ý rằng khi cụng ly, miệng ly của bạn phải để thấp hơn miệng ly của tiền bối để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những người cấp trên nhé.
3. Ăn uống và giao lưu
Đây chính là lúc để mọi người bắt đầu tìm hiểu lẫn nhau và cũng là lúc để bạn “ghi điểm” trong mắt đồng nghiệp. Để thể hiện sự khéo léo của mình, ngoài việc chú ý lời ăn, tiếng nói của bản thân thì hãy để ý đến tình hình của mọi người xung quanh nhé.
Rót rượu cũng cần phải có kỹ năng!
Khi thấy cốc của những người xung quanh bạn đã hết khoảng 2/3 cốc, hãy chủ động rót thêm rượu cho họ. Thông thường sẽ là cấp dưới rót cho cấp trên hoặc tiền bối để thể hiện sự tôn trọng cho họ. Nếu bạn là người được rót rượu thì đừng quên nói lời cảm ơn nhé.
Mặc dù chỉ là rót rượu nhưng trong Nomikai, đây lại là một kỹ năng rất quan trọng. Người rót rượu sẽ dùng tay trái cầm cổ chai sao cho phần nhãn hiệu của đồ uống hướng lên trên, tay phải đỡ phần cuối thân chai rồi từ từ rót rượu vào ly. Người được rót rượu cũng cần cầm cốc bằng hai tay để nhận rượu, điều đó thể hiện sự cảm ơn và tôn trọng của mình với người rót rượu cho mình.
Đợi cấp trên/tiền bối khai tiệc
Để thể hiện sự tôn trọng của mình với người cấp trên, bạn sẽ không được động đến thức ăn trên bàn cho đến khi các tiền bối bắt đầu thưởng thức. Trong lúc ăn cũng đừng quên thể hiện sự quan tâm của mình với người khác bằng cách đề nghị gắp thức ăn cho họ, nhưng đừng nên chỉ gắp một món mà hãy gắp nhiều món khác nhau để đảm bảo thức ăn được chia đều cho tất cả mọi người. Và tất nhiên khi gắp, bạn hãy dùng một đôi đũa sạch chứ đừng dùng đũa của mình nhé.
4. Kết thúc
Bữa tiệc sẽ được kết thúc trong sự nói chuyện rôm rả của mọi người. Cũng như khi bắt đầu, trước khi kết thúc người có chức cao nhất sẽ đứng lên phát biểu kết thúc bữa tiệc, và thay cho việc nâng ly như ban đầu thì mọi người sẽ cùng đứng lên, đợi khi màn phát biểu kết thúc sẽ vỗ tay đồng loạt và nói lời cảm ơn với đồng nghiệp của mình.
5. Thanh toán
Với các bữa tiệc Nomikai trong công ty thì thường sếp sẽ là người trả tiền, nhưng hãy đừng coi nó là chuyện hiển nhiên. Tốt nhất là trước khi thanh toán bạn hãy hỏi khéo những người xung quanh để tránh những điều hiểu lầm xấu hổ không đáng có nhé.
6. Đi tăng hai
Tăng 2 thường sẽ là Karaoke và có khi kéo dài đến qua nửa đêm. Phần đi tăng hai là thời gian tự nguyện, không bắt buộc với mọi người. Tuy nhiên, so với Nomikai thì đây mới thật sự là lúc để bạn rút ngắn khoảng cách với đồng nghiệp, nên nếu có thể thì bạn hãy tham gia với mọi người nhé!
Những điều cần lưu ý khi tham gia một buổi Nomikai
Với một đất nước nhiều lễ nghi, phép tắc như Nhật Bản thì một bữa tiệc Nomikai cũng có rất nhiều thứ mà những người tham dự cần phải lưu ý
Vị trí ngồi
Dù được coi là bữa tiệc “không phân cấp bậc” nhưng không vì thế mà có thể coi nhẹ việc tôn trọng thứ bậc với cấp trên. Điều này thể hiện rõ nhất ở vị trí ngồi. Người có chức cao nhất sẽ ngồi xa cửa ra vào nhất, dần dần đến người gần cửa nhất sẽ là người có chức vụ thấp nhất.
Trang phục
Do Nomikai là những buổi chè chén sau giờ làm nên tất nhiên đa phần mọi người đều sẽ mặc trang phục công sở. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn có thể vô tư bỏ áo ra ngoài quần, tháo cà vạt hoặc mở nút cổ, đặc biệt là khi đi Nomikai có sự tham gia của cấp trên. Bạn có thể cởi bỏ áo khoác ngoài hay áo vest và treo thẳng thớm lên những móc áo luôn có sẵn ở các quán nhậu. Và hãy nhớ treo áo giúp các tiền bối hoặc cấp trên của bạn nhé.
Giao tiếp
Giao tiếp cũng được coi là một phần quan trọng quyết định sự gắn kết thành công trong bữa tiệc. Nếu bạn không chú ý đến những câu chuyện trên bàn nhậu, bạn sẽ bị coi là có thái độ hời hợt và không quan tâm đến những người xung quanh, từ đó sẽ giảm đi đáng kể mục đích của buổi Nomikai là gắn kết mọi người. Một trong những bí quyết của người Nhật giúp cuộc hội thoại diễn ra suôn sẻ và rôm rả chính là sử dụng các cử chỉ Aizuchi.
Ngoài ra, dù là một “bữa tiệc mở” nhưng cũng không nên tiết lộ quá nhiều điều, nhất là những việc nhạy cảm và quá riêng tư vì nó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và không khí của mọi người xung quanh.
Đừng uống quá say
Khi say, con người sẽ không tự chủ được bản thân, nó sẽ khiến bạn có những hành động dẫn đến những kết quả không mong muốn. Vì vậy, hãy giữ cho mình luôn trong trạng thái tỉnh táo nhất có thể.
Tránh nhắc lại những gì xảy ra trong buổi Nomikai
Đây là một trong những điều thú vị nhất của văn hóa Nomikai. Có nhiều người nước ngoài thắc mắc rằng, tại sao vừa mới hôm qua còn chè chén vui vẻ, ôm vai bá cổ, nhưng sáng hôm sau mọi người lại quay trở lại mối quan hệ cấp trên - cấp dưới đầy cung cách và lễ nghi như chưa từng có gì xảy ra. Thậm chí, mọi người cũng không bao giờ bàn tán về những chuyện vui vẻ đã cùng chia sẻ với nhau trong buổi Nomikai.
Với quan niệm “những gì trên bàn nhậu sẽ chỉ để lại trên bàn nhậu”, những hình ảnh đáng xấu hổ sẽ không bao giờ được nhắc lại vào ngày hôm sau, vì đơn giản là họ vẫn đề cao việc tôn trọng và giữ gìn hình ảnh cho người khác.
Góc khuất của Nomikai
Nếu đã từng ở Nhật, bạn sẽ không khó để nhận ra hình ảnh người đàn ông hay phụ nữ say xỉn đang ngồi vật vã trên tàu điện, ngoài đường, ghế đá công viên… Một điều đáng ngạc nhiên là dường như chính phủ Nhật khá e ngại mỗi khi đề cập tới vấn đề này, có thể nói là họ không muốn thừa nhận thực trạng sử dụng rượu bia quá mức ở đất nước mình. Dù biết đây là một bữa tiệc dẫn đến nhiều sự say xỉn và có thể không kiểm soát được bản thân, nhưng như một nghi thức bắt buộc phải có, giới công sở rất khó có thể bỏ đi những bữa tiệc nhậu như này.
Kilala.vn
12/08/2020
Bài: Mai Hà Linh
Đăng nhập tài khoản để bình luận