Sake - Sợi dây liên kết người Nhật với thần linh

    Rượu sake, hay còn gọi Nihonshu, là loại rượu gạo của Nhật Bản. Đây không chỉ là thức uống truyền thống mà còn mang sự tồn tại quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân xứ Phù Tang. 

    Rượu sake xuất hiện từ khi nào?

    rượu sake truyền thống
    Ảnh: Yoyo
    Nguyên liệu làm nên sake là gạo, mạch nha và nước. Như vậy có thể nói lịch sử rượu sake gắn liền với thời kỳ trồng lúa nước ở Nhật Bản. 

    Tương truyền, nền văn minh lúa nước du nhập vào Nhật Bản từ thời Yayoi, nghĩa là khoảng 2000 năm về trước. Nhưng gần đây có thuyết cho rằng thời kỳ Jomon (trước thời Yayoi), người dân đã bắt đầu trồng lúa. Nên ta có thể ước đoán ruộng lúa xuất hiện và phát triển ở Nhật từ sau Jomon đến trước Yayoi, cùng thời điểm đó, rượu – với nguyên liệu chính là gạo – cũng được sản xuất. 

    Kuchikami no sake – Thánh tửu

    rượu làm ra để dâng lên các thần linh
    Ảnh: Sakamizuki
    Có nghiên cứu cho rằng, rượu sake bắt đầu xuất hiện ở phía tây Nhật Bản (Kyushu, Kinki…). Theo cuốn “Những ghi chép về phong thổ xứ Oosumi” thì loại rượu cổ xưa nhất có tên Kuchikami no Sake với phương pháp nấu rất độc đáo. Người ta cho vào miệng gạo đã rang nóng, rồi nhai kỹ. Enzym trong nước bọt sẽ biến tinh bột thành đường, sau đó lên men thành rượu. 

    Và chỉ có Miko (vu nữ) ở đền thờ mới đảm nhận công việc “nhai cơm thành rượu”. Vì rượu làm ra để dâng lên các thần linh, nên rượu lên men từ trong miệng của vu nữ được xem là “thánh tửu”.

    Lịch sử rượu sake

    Tương truyền, văn hóa lúa nước được đưa vào Nhật Bản từ Trung Quốc cách đây khoảng 3000 năm, bắt đầu xuất hiện ở vùng Kyushu phía Tây Nam Nhật Bản. Bước vào thời kỳ Yayoi, việc trồng lúa đã lan rộng khắp đất nước Nhật Bản. Và kể từ đó cho đến nay, hình ảnh những bông lúa vàng “cúi đầu” liên tục xuất hiện trong thơ ca Nhật Bản.
    văn hóa lúa nước
    Ảnh: Live Japan

    Bên cạnh đó, từ phương pháp sơ khai, kỹ thuật ủ rượu dần dần được phát triển và rượu Nhật bắt đầu sản xuất một cách chính thức để dâng lên thần linh và Thiên hoàng. 

    Phương pháp ủ rượu dùng mạch nha bắt đầu phổ biến ở thời Nara. Thậm chí chính quyền còn lập ra một ban gọi là “Ủy ban nấu rượu” và lên kế hoạch tổ chức các buổi nấu rượu.

    tổ chức các buổi nấu rượu
    Ảnh: Pinterest

    Như vậy, có thể nói lịch sử rượu sake đồng hành cùng lịch sử văn hóa lúa nước, góp phần tạo nên một mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh văn hóa đa sắc của Nhật Bản.

    Sự gắn kết của sake với đời sống tinh thần

    Sake - Uống cùng thần linh

    Văn hóa Nhật Bản có loại rượu dùng để dâng lên thần linh vào dịp năm mới, lễ hội, được gọi là “Omiki”. Và người Nhật chủ yếu dùng sake để làm Omiki. Như vậy, sake không chỉ là thứ rượu uống để say, để vui mà còn là sự tồn tại cần thiết để “sống cùng với thần linh ở Nhật Bản”.
    rượu dùng để dâng lên thần linh vào dịp năm mới
    Ảnh: 4471.jp.net

    Ví dụ, ở những lễ hội tổ chức tại đền thờ thì sake được dâng lên như một lễ vật. Và khi lễ hội kết thúc, mọi người cùng chia nhau uống thức rượu được tin là có linh hồn của thần trú ngụ bên trong.

    Trong những câu chuyện thần thoại cũng xuất hiện nhiều câu chuyện liên quan đến sake. Điều đó cho thấy sake mang sự tồn tại rất quan trọng, gắn kết thần linh với con dân đất nước Mặt trời mọc.

    Sake - Sống cùng lễ hội khắp 4 mùa

    rượu sake không thể thiếu trong các lễ hội
    Ảnh: Candy

    Nhật Bản nổi tiếng là đất nước có nhiều lễ hội quanh năm để chào đón năm mới, ăn mừng thời khắc chuyển giao giữa các mùa, tận hưởng nét đẹp đặc trưng của từng kiểu thời tiết. 

    Và sake luôn là thứ không thể thiếu trong các lễ hội ấy. Người Nhật luôn để sake trên một vị trí trang trọng trong nghi lễ ở mỗi lễ hội, tiệc mừng. Với họ, đó là một sự tồn tại hiển nhiên mà nếu thiếu thì lễ hội sẽ mất đi cái chất trang trọng và linh thiêng. 

    Lời kết

    Có người nói rằng, vị ngọt và vị umami, có trong hạt gạo lan tỏa khắp khoang miệng ngay khoảnh khắc đưa sake lên nhấp môi, chính là hương vị làm tươi mát tâm hồn người Nhật Bản từ ngàn đời xưa. Một dịp nào đó, hãy cầm ly rượu sake trên tay, chầm chậm nhấp môi từng ngụm nhỏ để cảm nhận hương vị ấy nhé. 

    Và đừng quên những nguyên tắc khi uống sake để không phải thất thố.

    kilala.vn

    03/05/2019

    Nguồn: Sakamizuki
    Cover: hakushika.co.jp

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!