Vì sao khách sạn bỏ hoang hàng chục năm ở Nhật vẫn không được dỡ bỏ?
Dù bị đồn là một địa điểm ma ám và đôi khi người ta còn tìm thấy những thi thể, tuy nhiên không hiểu vì sao khách sạn bỏ hoang này vẫn còn tồn tại.
Địa điểm này bắt đầu nhận được sự quan tâm vào ngày 15/04/2020, khi hai thanh niên trong độ tuổi 20 đã xâm nhập bất hợp pháp vào khách sạn, tuy nhiên thứ chào đón họ là một xác chết. Họ nhanh chóng báo cảnh sát và thông tin này bắt đầu được lan truyền.
Bí ẩn địa điểm bị bỏ hoang gần 25 năm
Khách sạn chín tầng này nằm dọc theo Quốc lộ 268, nối liền các thành phố Ebino và Kobayashi của tỉnh Miyazaki với những khu vực lân cận, gần trại Ebino của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và cách xa khu vực đô thị. Lần cuối cùng người ta thấy khách sạn còn hoạt động là vào năm 1997, kể từ đó đến nay nó đã bị bỏ hoang. Nhiều người dùng mạng nhận ra nơi đây là một địa điểm ma ám từng được lan truyền trên internet.Theo Sở cảnh sát Ebino, hai thanh niên này đã xâm nhập khu đất của khách sạn bỏ hoang một cách bất hợp pháp và tìm thấy xác chết của một người đàn ông trên giường, trong một căn phòng ở tầng 6. Cảnh sát công bố đây là một người đàn ông trung niên, cao khoảng 1m7 – 1m8, mặc áo thun tay ngắn và quần dài.
Thi thể sau đó được xác định là một cư dân khoảng 50 tuổi sống tại Ebino. Những giám định pháp y cho thấy đã khoảng một năm trôi qua kể từ khi người này qua đời, và vì không có thư tuyệt mệnh hay manh mối nào khác nên lý do người đàn ông chết tại khách sạn bỏ hoang đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.
Đến tháng 08/2021, hơn 1 năm trôi qua kể từ khi phát hiện xác chết, phóng viên của Mainichi đã đến khu đất bỏ hoang này và thấy cửa kính của lối vào bị vỡ, những bức tường xám đã chuyển sang màu xanh vì bám rong rêu. Khi nhìn vào bên trong khách sạn qua các cửa sổ vỡ ở phía sau tòa nhà, những chiếc lon rỗng, khẩu trang tương đối mới và các vật dụng khác nằm rải rác bên trong phòng, cho thấy ai đó đã xâm nhập vào nơi này. Cầu thang thoát hiểm xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ.
Setsuko Iriki, một phụ nữ 72 tuổi sống gần đó, cho biết trong nhiều năm, bà đã nhìn thấy ánh sáng đèn pin hắt ra từ cửa sổ tầng trên của khách sạn vào ban đêm và nghe thấy tiếng nói chuyện của những người trẻ tuổi. Người phụ nữ nói rằng bà cảm thấy sợ hãi và phải đặt đèn an ninh bên ngoài nhà của mình. "Tôi muốn họ sớm phá bỏ tòa nhà, nếu điều đó khó khăn, tôi muốn khu vực này được phong tỏa để mọi người không thể vào bên trong tòa nhà", bà nói.
Việc dỡ bỏ gặp nhiều rào cản về pháp lý
Theo cảnh sát tỉnh, những cá nhân vào khu đất bỏ hoang mà không được phép có thể bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp. Tuy nhiên, không có bảng “Cấm vào” ở khu vực xung quanh khách sạn. Bộ phận quản lý tài sản của Chính quyền thành phố Ebino cho biết công ty sở hữu tòa nhà khách sạn đã giải thể và nếu thành phố thiết lập bằng rào chắn thì họ có thể phải chịu trách nhiệm quản lý cơ sở này. Đây là lý do tại sao chính quyền không thể tham gia một cách dễ dàng như vậy.Luật biện pháp đặc biệt về nhà bỏ hoang có hiệu lực từ năm 2015 đã cho phép các thành phố cưỡng chế tháo dỡ và di dời những ngôi nhà trống có nguy cơ sập đổ hoặc làm hư hỏng mỹ quan xung quanh. Tuy nhiên, rất khó để thực hiện điều này bởi trên thực tế, việc dỡ bỏ khách sạn sẽ gây ra những trở ngại lớn hơn.
Khảo sát với các chính quyền địa phương trên khắp Nhật Bản cho thấy rằng trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì không thể thu chi phí cho việc dỡ bỏ các tòa nhà. Do đó các thành phố có xu hướng trì hoãn tiến hành công việc tháo dỡ vì việc này buộc họ phải sử dụng đến tiền thuế của người dân.
Việc tháo dỡ các tòa nhà quy mô lớn như khách sạn có thể đòi hỏi hàng trăm triệu yên, và một số bên lo ngại rằng nếu điều này được thực hiện sẽ khiến nhiều người hiểu sai và nghĩ rằng việc xử lý những tòa nhà bỏ hoang thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Điều này sẽ gây ra các mối nguy hiểm về mặt đạo đức, khi chủ sở hữu có thể bỏ trốn để tránh việc chi tiền xử lý tòa nhà mà họ không cần đến.
Biện pháp tạm thời
Ngành công nghiệp khách sạn đã bị thiệt hại lớn từ hạn chế đi lại do dịch COVID-19. Người ta lo sợ rằng vấn đề của các tòa nhà lớn, nơi mà chủ nhân đã biến mất (có thể do bỏ trốn hay đã qua đời) sẽ còn trầm trọng hơn nữa.Dựa vào thông tin đăng ký doanh nghiệp, phóng viên đã tìm đến nhà của người đàn ông giữ chức vụ giám đốc khách sạn bỏ hoang nói trên. Đón tiếp phóng viên là một người đàn ông khoảng 70 tuổi. Theo người này, chủ tịch của công ty lúc bấy giờ đã qua đời. Về việc đưa tên của mình vào chức danh giám đốc, người đàn ông nói: "Tôi chỉ cho mượn tên của tôi sau khi được chủ tịch yêu cầu, còn bản thân tôi không có bất kì liên hệ nào với khách sạn”. Chính vì thế, việc xác định chủ nhân của khách sạn để truy cứu trách nhiệm là một việc khó khăn.
Chie Nozawa, Giáo sư về chính sách đô thị tại Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế thuộc Đại học Meiji, cho biết: “Nhật Bản chỉ nghĩ đến việc xây dựng các cơ sở và chưa hình dung việc đóng cửa chúng. Vì những vấn đề tương tự có thể xảy ra đối với các căn hộ trong tương lai, cần phải thu xếp một hệ thống để dành chi phí cho việc tháo dỡ các tòa nhà. Chúng ta đang ở trong thời đại mà thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và vấn đề nhà bỏ hoang đã bước sang một giai đoạn mới.”
Bà Nozawa cũng nêu lên sự cần thiết của việc phải có những hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc để các cơ quan hành chính có thể xác định tài sản nào cần được xử lý khẩn cấp. Bà tiếp tục nói: "Chính quyền địa phương nên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ với người dân để chuẩn bị cho việc tận dụng những công trình bị bỏ hoang. Điều quan trọng là phải biết chủ sở hữu của những ngôi nhà bỏ hoang và có thể liên hệ với họ sau những thảm họa bất ngờ xảy ra.”
Xem thêm: Akiya: những căn nhà bị bỏ hoang ở Nhật
kilala.vn
05/01/2022
Bài: Natsume
Ảnh: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận