Akiya: những căn nhà bị bỏ hoang ở Nhật
“Nhà hoang” tại Nhật Bản nghĩa là gì?
“Nhà hoang”, còn được biết đến với cái tên Akiya (空き家), là một loại nhà ở vô cùng phổ biến tại Nhật Bản. Ở Việt Nam, khi nhắc đến nhà hoang chúng ta thường liên tưởng tới những căn nhà cũ kĩ, tối đen, và đi kèm với những câu chuyện ma quái, khiến người ta không dám đến ở. Nhưng nhà hoang ở Nhật không hẳn là vậy. Nó là những căn nhà do chủ nhân đã chuyển đi hoặc qua đời để lại nhưng sẽ được chính quyền địa phương trưng dụng để tặng hoặc cho thuê làm nhà ở. Những căn nhà này có thể coi là một sự tiện lợi cho những người không có điều kiện kinh tế nhiều hoặc chưa tìm được một ngôi nhà ưng ý cho cuộc sống lâu dài.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều căn nhà bị bỏ hoang như vậy cũng gây ra một mối lo lắng không nhỏ cho chính phủ Nhật. Tính đến tháng 10/2018, số nhà bỏ hoang ở Nhật là 13,6%. Chính phủ lo ngại rằng những căn nhà bỏ hoang này sẽ là nơi cư trú của tội phạm, sẽ bị sụp đổ vì lâu ngày không được sửa chữa và môi trường xung quanh những căn nhà bị ô nhiễm do không có người dọn dẹp thường xuyên, ảnh hưởng đến dân cư quanh đó.
Tại sao lại tồn tại những căn nhà hoang ở Nhật?
Có rất nhiều lý do để một căn nhà bị bỏ hoang. Ở thế kỷ 20, Nhật Bản đã hai lần bị bùng nổ dân số lớn. Điều đáng buồn là cả hai lần này đều tạo ra tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng, dẫn đến những căn nhà giá rẻ mang tính “tạm thời” dần dần được ra đời, và ngày một nhiều hơn.
Ngày nay, người dân nông thôn luôn có một nhu cầu và mong muốn được sống ở một nơi tốt và đầy đủ tiện nghi hơn ở đô thị, đó là lý do nhiều căn nhà dần dần bị bỏ trống ở vùng thôn quê.
Một lý do tuy không nhỏ nhưng cũng góp một phần nào đó vào việc tăng số lượng những ngôi nhà hoang, đó là việc già hóa dân số. Ở Nhật, hầu như những người con khi lớn lên sẽ rời xa gia đình, ra ở riêng và chỉ còn lại những người bố mẹ già ở nhà. Khi họ mất đi, những ngôi nhà đó lại “vô tình” trở thành những nhà hoang mà không bị ai tranh giành.
Ngoài ra, một lý do khác đó là việc ông bà trong nhà sau khi mất đi không để lại di chúc, hoặc anh em trong gia đình chưa thống nhất được việc chia nhà, thêm vào đó là các quy định khó khăn của quyền thừa kế khiến những ngôi nhà này không thể giải quyết được. Chính quyền địa phương cũng không có quyền bán hay sửa chữa, dẫn đến những nhà này bị bỏ trống “tạm thời”.
Chính phủ Nhật “xử lý” các ngôi nhà này như thế nào?
Về việc xử lý những căn nhà bỏ hoang này thì thường chính quyền địa phương sẽ tìm chủ cho thuê lại hoặc tặng luôn nhà cho những ai đang cần nhà ở. Ở Nhật Bản hồi trước còn có cả nghề tìm chủ cho những ngôi nhà bỏ hoang. Năm 2014, Nhật Bản đã có một chính sách gọi là "ngân hàng nhà hoang" (Akiya bank) để tìm người mua hoặc chỉ để cho người già ở. Tuy nhiên, chính sách này cũng không giải quyết triệt để vấn đề này nên chính phủ đã thông qua luật phạt những người nào bỏ trống nhà của họ vào năm 2015. Mục đích của luật này là để buộc người dân phá nhà cũ không còn ở hoặc sửa chữa lại căn nhà của họ.
Ngày nay do công nghệ phát triển nên những trang web đăng tải thông tin của các ngôi nhà hoang cũng dần dần được ra đời. Mục đích là để phục vụ cho những người có mong muốm tìm nhà nhưng điều kiện kinh tế không nhiều, hoặc dành cho những người nước ngoài đến Nhật nhưng chưa tìm được một nhà ở ưng ý để có thể sống lâu dài.
Các bước để đăng ký “sở hữu” nhà hoang
Bước 1: Tìm nhà
Đầu tiên là tìm kiếm thông tin về những căn nhà bỏ hoang. Trong trường hợp đã tìm được ngôi nhà ưng ý nhưng nó lại ở khá xa so với địa điểm hiện tại của bạn thì hãy đến những công ty bất động sản để biết thêm về thông tin cũng như hình ảnh của nó nhé!
Bước 2: Xem nhà
Sau khi có được đầy đủ thông tin về căn nhà bạn muốn thì hãy đến xem nhà thực tế. Sẽ có người ở thành phố đó hướng dẫn và chỉ đường cho bạn. Ngoài ra, bạn sẽ nhận được hỗ trợ về phí sửa chữa lại nhà từ chính quyền đô thị nên cứ thoải mái tìm hiểu nhé!
Bước 3: Làm hợp đồng
Bạn sẽ có một cuộc đàm phán trung gian với người ở bất động sản. Nếu đã an tâm và quyết định sở hữu ngôi nhà thì sẽ có một cuộc đàm phán trực tiếp để ký kết hợp đồng bao gồm nội dung và những điều khoản thỏa thuận giữa hai bên.
kilala.vn
20/08/2020
Bài: Mai Hà Linh
Đăng nhập tài khoản để bình luận