Hóa chất độc hại được tìm thấy trong cơ thể mèo báo Tsushima
Tác động của ô nhiễm môi trường đối với động vật hoang dã trên khắp Nhật Bản là một vấn đề đáng lo ngại.
PFAS, hay còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu, là nhóm gồm hơn 4.000 hóa chất. Chúng có tác dụng loại bỏ vết bẩn, làm vật liệu chụp ảnh, mỹ phẩm và kem chống nắng, thiết bị y tế… Thật không may, những đặc tính khiến một số PFAS hữu ích trong công nghiệp lại khiến chất này trở thành vấn đề với môi trường. PFAS dễ hòa tan trong nước, không phân hủy hoàn toàn trong môi trường và độc hại đối với nhiều loài sinh vật, kể cả con người.

Kei Nomiyama - Phó giáo sư tại trường đại học ở miền tây Nhật Bản, cho biết: "Để bảo vệ tất cả các loài động vật hoang dã, không chỉ riêng mèo báo Tsushima, cần phải có một cuộc khảo sát và điều tra trên toàn quốc để xác định nguồn ô nhiễm".
Nhóm nghiên cứu đã được cấp phép để kiểm tra gan và thận của 21 cá thể mèo rừng tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2025, xét nghiệm 37 loại hóa chất PFAS.
Theo kết quả, gần như tất cả mèo đều có nồng độ PFAS vượt ngưỡng độc tính trong các xét nghiệm tế bào gan, cho thấy nguy cơ tiềm ẩn đối với chức năng gan. Bên cạnh đó, nồng độ PFAS trong thận cũng được coi là cao. Nồng độ trung bình của hóa chất PFAS ở mèo báo Tsushima cao gấp tám lần so với mức tìm thấy trong một nghiên cứu về mèo rừng châu Âu ở Đức.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã đo nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) trong 19 con mèo, một số con cho thấy mức độ ô nhiễm cực kỳ cao.
Các chuyên gia nghi ngờ rác thải biển và việc đổ rác trái phép là nguồn gây ô nhiễm, với nồng độ có thể tích tụ qua chuỗi thức ăn. Và nhiễm độc có thể là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm quần thể của loài.
Mèo báo Tsushima sinh sống trên đảo Tsushima ở tỉnh Nagasaki, phía tây nam Nhật Bản và được Bộ Môi trường liệt kê là loài dễ bị tổn thương, “góp mặt” trong Sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Số lượng của chúng đã giảm sút do mất môi trường sống và bị xe cán chết. Chính phủ Nhật ước tính hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể mèo và các sở thú ở Nhật Bản đang nỗ lực nhân giống loài này.
kilala.vn
Nguồn: Kyodo News
Đăng nhập tài khoản để bình luận