Những người phụ nữ Việt làm điểm tựa cho đồng hương tại Nhật
Với hơn 630.000 người, cộng đồng người Việt hiện đang là lực lượng lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản. Trong số đó, có nhiều người phụ nữ Việt Nam đang xây dựng cuộc sống nơi đất khách quê người.
Nổi bật trong số đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận được Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật cấp phép và công nhận. Tổ chức này có trụ sở tại quận Kita, thành phố Tokyo, do chị Phạm Thị Bích Hậu (tên tiếng Nhật là Akemi Mai) sáng lập vào năm 2021. Mục tiêu của hội là “bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật.”

Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Nhật
Chị Hậu đến Nhật vào năm 2009 để học cao học ngành ngôn ngữ. “Nhưng khi chuẩn bị làm luận văn thạc sĩ, tôi nhận ra mình có khả năng kết nối và giao tiếp với mọi người,” chị chia sẻ. “Vì vậy, tôi quyết định đăng ký vào một trường cao đẳng nghề kinh doanh quốc tế”.
Sau khi tốt nghiệp trường nghề tại Tokyo vào năm 2013, chị bắt đầu làm phiên dịch và giảng viên trong một tổ chức quản lý thực tập sinh lao động người Việt. “Có nhiều bạn thực tập sinh nữ mang thai nên tôi bắt đầu giúp họ trong các thủ tục y tế và bệnh viện,” chị chia sẻ.
Cho đến năm 2021, số lượng người lao động Việt sang Nhật ngày một nhiều hơn. Nhận thấy có nhiều phụ nữ Việt Nam cần giúp đỡ, bản thân chị lại thông thạo tiếng Nhật, điều đó đã thôi thúc chị Hậu thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Nhật. Chị cũng liên kết với chùa Đại Ân (Daionji) ở thành phố Honjo, tỉnh Saitama do ni sư Thích Tâm Trí trụ trì và cũng là cố vấn của Hội.
Từ đó, chị Hậu tiếp tục làm công tác hỗ trợ biên-phiên dịch cho các thực tập sinh lao động muốn ngừng chương trình và sinh viên quốc tế. Ngoài ra, chị và ni sư Thích Tâm Trí còn hỗ trợ đồng hương giải quyết các vấn đề như hết hạn visa, thủ tục nhập viện hay khó khăn tài chính.

Những hoạt động kết nối cộng đồng
Sau khi thành lập, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Nhật đã tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán cho hơn 200 gia đình tại chùa Đại Ân. Tại đây, các gia đình Việt Nam đã cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, gói bánh chưng và tham gia nhiều hoạt động truyền thống ngày Tết.

Đến nay, Hội đã góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ Việt trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là những người đã lập gia đình và sống tại những khu vực ít người Việt. Tại vùng Kanto, chị Hậu có thể gặp mặt tư vấn trực tiếp; còn ở các khu vực khác, chị tư vấn qua điện thoại hoặc Zalo.
Với các trường hợp tìm đến Hội Phụ nữ để nhờ hỗ trợ các thủ tục ly hôn với chồng người Nhật, chị Hậu không chỉ giúp phiên dịch tại tòa, đàm phán quyền nuôi con mà còn kiêm luôn vai trò tư vấn tinh thần.
“Cô ấy rất lo lắng và căng thẳng về tương lai. Cô ấy sợ sẽ bị giành mất quyền nuôi con,” chị Hậu nhớ lại. Cùng với sự hỗ trợ của ni sư Thích Tâm Trí lúc bấy giờ, Hội đã giúp một người phụ nữ Việt giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Khi cộng đồng người Việt tại Nhật ngày càng phát triển, việc hỗ trợ đồng hương là điều cần thiết để họ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống và chuẩn bị tốt cho tương lai - chị Hậu chia sẻ về mục tiêu hiện tại của Hội Phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội cũng góp phần tuyên truyền tham gia các hoạt động truyền thống nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Việt và để trẻ em Việt tại Nhật không quên nguồn cội.

kilala.vn
Nguồn: The Japan Times
Đăng nhập tài khoản để bình luận