“Phụ nữ không nên làm khoa học” – Định kiến ăn sâu vào tiềm thức của người Nhật
Nhiều nữ sinh Nhật Bản bị gia đình cấm cản theo những ngành khoa học, công nghệ… vì sợ không có thời gian chăm sóc gia đình.
Nhật Bản xếp cuối cùng trong số các quốc gia giàu có với chỉ 16% nữ sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật, sản xuất và xây dựng, cứ bảy người thì chỉ có một nhà khoa học nữ.
Là sinh viên năm thứ ba tại một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Nhật Bản, Yuna Kato đặt mục tiêu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu nhưng lo sợ rằng con đường sự nghiệp của cô sẽ bị giới hạn nếu cô có con.
Kato cho biết những người thân đã cố gắng hướng cô ra khỏi khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), với quan niệm rằng phụ nữ trong lĩnh vực này quá bận rộn với công việc để sắp xếp việc hẹn hò nên khó tìm được chồng.
“Bà và mẹ thường nói với tôi rằng có những công việc khác nhẹ nhàng hơn ngoài kia nếu tôi muốn nuôi dạy con cái”, cô nói.
Hiện nay Kato đang tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, trong khi nhiều nữ kỹ sư buộc phải chọn một con đường khác do sự kỳ thị của xã hội.
Điều này đã khiến giới chức trách Nhật Bản “đau đầu”. Chỉ riêng trong lĩnh vực CNTT, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 790.000 lao động vào năm 2030, phần lớn là do tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực này thiếu nghiêm trọng.
Các chuyên gia cảnh báo hệ lụy của tình trạng này sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới suy giảm về sự đổi mới, năng suất và khả năng cạnh tranh với các cường quốc khác.
Yinuo Li, một nhà giáo dục Trung Quốc có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử, cho biết: “Điều đó rất lãng phí và là tổn thất cho quốc gia”.
Xét về bình đẳng giới nói chung, thứ hạng của Nhật Bản trong năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số lượng nhà khoa học nữ của Nhật Bản hiện đứng cuối cùng trong số những cường quốc trên thế giới. Đó là một điều đáng tiếc khi những cô gái Nhật Bản đạt điểm cao thứ hai trên thế giới về toán học và thứ ba về khoa học, theo OECD.
Một cuộc điều tra vào năm 2018 đã phát hiện ra một trường y ở Tokyo đã cố tình hạ thấp điểm kiểm tra đầu vào của nữ sinh để ưu tiên nhận nam giới. Những người lãnh đạo của trường cảm thấy phụ nữ có nhiều khả năng nghỉ làm sau khi sinh con và sẽ lãng phí việc học của họ.
Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện những chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM. Vài tháng trước, chính phủ đã tạo một video dài 9,5 phút để cho các nhà giáo dục và những người lớn khác thấy "sự thiên vị vô thức" ngăn cản các cô gái theo đuổi các nghiên cứu STEM như thế nào.
Một diễn viên đóng vai giáo viên trong trường khen một học sinh "học giỏi toán, dù trò là con gái", khiến cô ấy cảm thấy thật bất thường khi đột nhiên trở thành thần đồng toán học chỉ vì giới tính của mình. Trong một trường hợp khác, một người mẹ không khuyến khích con gái mình theo đuổi ngành kỹ thuật vì "lĩnh vực này do nam giới thống trị".
Văn phòng Bình đẳng giới của chính phủ phối hợp với tư nhân, sẽ tổ chức hơn 100 hội thảo và sự kiện về STEM, chủ yếu nhắm vào các học sinh nữ vào mùa hè này - chẳng hạn như học hỏi từ các kỹ sư xe hơi thể thao của Mazda.
Khoảng hơn 10 trường đại học, trong đó có Viện Công nghệ Tokyo của Kato, sẽ thay đổi chính sách để thu hút những nữ nhân tài. Mitsubishi Heavy Industries và Toyota đang cấp học bổng cho nữ sinh viên STEM.
Minoru Taniura – đại diện bộ phận nhân sự của Mitsubishi Heavy cho biết: “Sự thiếu hụt nữ kỹ sư là một điều phản tự nhiên, khi nữ giới chiếm một nửa xã hội. Nếu đội ngũ kỹ sự không có sự đồng nhất với dân số thì chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau trong việc cung cấp những gì khách hàng đang tìm kiếm”.
Đồng quan điểm, Panasonic cho biết họ nhận ra những ưu điểm khi có những nữ kỹ sư vì việc phát triển máy làm bánh mì cho những người sử dụng chủ yếu là phụ nữ.
Xem thêm: Thí sinh nữ "vượt mặt" thí sinh nam về tỷ lệ đậu ngành Y ở Nhật
kilala.vn
25/07/2023
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận