Thí sinh nữ "vượt mặt" thí sinh nam về tỷ lệ đậu ngành Y ở Nhật

    Trong năm học 2021, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ thí sinh nữ thi đậu vào các trường đại học Y cao hơn thí sinh nam, theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản. 

    Đây là lần đầu tiên thí sinh nữ “đánh bại” thí sinh nam về tỷ lệ đậu vào khoa Y tại các trường đại học Nhật Bản, kể từ khi dữ liệu này được Bộ Giáo dục thu thập vào năm 2013. Cụ thể, tại 81 trường đại học có khoa Y trên cả nước, số thí sinh nữ trúng tuyển là 13,6%, nhỉnh hơn so với thí sinh nam là 13,51%.

    Điều này cho thấy dấu hiệu khả quan đối với tình trạng phân biệt đối xử về giới tính trong các kỳ thi tuyển sinh trường Y, sau vụ bê bối 10 trường Y tại Nhật Bản thao túng kỳ thi đầu vào để ưu tiên thí sinh nam và người thân của các cựu sinh viên vào năm 2018.

    tỷ lệ thí sinh nữ đậu ngành y tại nhật cao hơn nam
    Năm học 2021 ghi nhận lần đầu tiên tỷ lệ thí sinh nữ thi đậu ngành Y tại Nhật cao hơn thí sinh nam. Ảnh: kyodonews

    Năm 2018, một vụ bê bối gian lận thi cử trong kỳ thi đầu vào các trường Y đã làm chấn động dư luận Nhật Bản. Trong số 10 trường có hành vi gian lận, 8 trường là đại học tư thục, trong đó có Đại học Y Khoa Tokyo, Đại học Juntendo, Đại học Showa, Đại học Nihon, Đại học Y Iwate và một trường đại học quốc gia là Đại học Kobe.

    biểu tình vụ bê bối thi tuyển sinh ngành Y tại Nhật năm 2018
    Biểu tình sau vụ bê bối trong kỳ thi tuyển sinh ngành Y của các trường Đại học Nhật Bản vào năm 2018. Ảnh: Aflo/ Shutterstock

    Vụ bê bối này được đưa ra ánh sáng khi 13 thí sinh nữ ở độ tuổi 20 đã đâm đơn kiện Đại học Juntendo gian lận để tạo cơ hội cho thí sinh nam. Họ là những thí sinh đã tham gia kỳ thi vào ngành Y của trường từ năm 2011 đến năm 2018.

    Khi Bộ Giáo dục Nhật Bản tiến hành điều tra, 10 trường đã thừa nhận hành vi thao túng các kỳ thi đầu vào để ưu tiên thí sinh nam và hạn chế tuyển thí sinh nữ.

    Trong đó, đại diện phía Đại học Y Tokyo thừa nhận đã hạ điểm của các thí sinh nữ để hạn chế việc họ đăng ký nhập học vì muốn tránh tình trạng thiếu bác sĩ tại các bệnh viện của trường. Họ cho rằng các bác sĩ nữ có xu hướng từ chức hoặc nghỉ việc sau khi kết hôn/sinh con.

    Sau vụ bê bối, Bộ Giáo dục bắt đầu chuẩn bị các quy tắc để đảm bảo sự công bằng cho các kỳ thi tuyển sinh ngành Y năm học 2020 và những năm tiếp theo. 

    đại học juntendo xin lỗi
    Ông Hajime Arai, người đứng đầu Đại học Juntendo lên tiếng xin lỗi sau vụ bê bối trong cuộc họp báo tại Tokyo vào tháng 12/2018. Ảnh: english.kyodonews.net

    Trong năm học từ 2013 - 2018, khi vẫn xảy ra gian lận trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường Y tại Nhật, tỷ lệ thí sinh nam nhập học thành công trung bình trên toàn quốc là 11,25%, trong khi với thí sinh nữ là 9,55%. Sau khi sự thật được phơi bày, sự chênh lệch trên cũng thu hẹp dần theo từng năm.

    Theo chia sẻ của một công chức phụ trách mảng giáo dục y tế của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, kết quả mới nhất vào năm học 2021 cho thấy “hầu như không có khoảng cách” giữa tỷ lệ đậu của thí sinh nam và thí sinh nữ, và nhấn mạnh rằng thí sinh nữ không còn bị phân biệt đối xử nữa.

    Người này nói thêm: “Rõ ràng rằng tỷ lệ đậu ngành Y sẽ không thấp với thí sinh nữ”. 

    sinh viên nữ ngành y tại nhật bản
    Sinh viên nữ ngành Y tại Nhật Bản. Ảnh: theweek.co.uk

    Cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy trong 62.325 thí sinh nam đăng ký thi ngành Y trên toàn nước Nhật thì có 8.421 người đỗ kỳ thi, còn trong số 43.243 thí sinh nữ đăng ký, có 5.880 người vượt qua. 

    Ngoài ra, trong 10 trường bị phát hiện gian lận năm 2018, có 6 trường, bao gồm Đại học Nihon và Đại học Y Iwate, cũng có tỷ lệ thí sinh nữ được nhập học cao hơn thí sinh nam.

    [subscribe]

    Ngay cả với những trường đại học không bị phát hiện có liên quan đến vụ bê bối trên, nhiều trường đã ghi nhận tỷ lệ thí sinh nữ đậu kỳ thi cao hơn thí sinh nam. Cụ thể, so với giai đoạn 2013 - 2018 chỉ ghi nhận 15 trường thì trong năm học 2021, con số này đã tăng lên 36 trường.

    đại học y Iwate
    Trường Đại học Y Iwate, tỉnh Iwate. Ảnh: shimz.co.jp

    Đây là tín hiệu đáng mừng cho các thí sinh nữ tại Nhật, đồng thời mở ra cơ hội để nữ giới Nhật được phát triển nghề nghiệp và chạm đến thành công một cách tự do, công bằng hơn, hướng đến xóa bỏ “trần nhà thủy tinh” trong xã hội Nhật Bản. 

    kilala.vn

    18/02/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: kyodonews

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!