Máy ảnh hồng ngoại – nỗi sợ của các vận động viên nữ
Một thương hiệu Nhật thông báo họ đang thử nghiệm dòng trang phục thể thao mới, có chức năng chống máy ảnh hồng ngoại để bảo vệ các VĐV nữ. Trang phục sẽ được sử dụng tại Olympic Paris 2024.
Tình trạng quay lén tại Nhật
Có lẽ bạn đã từng nghe đến từ Chikan – những kẻ quấy rối (sờ soạng, chụp lén) người khác nơi công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Đối tượng của bọn chúng là những cô gái trẻ. Dù xảy ra thường xuyên nhưng khó có thể xử lý vì không đủ bằng chứng.
Các vụ quay/chụp lén đã tăng vào năm 2023 lên mức kỷ lục với con số 5.700 vụ trên toàn quốc, với 80% số tội phạm sử dụng điện thoại thông minh. Việc này nghiêm trọng đến nỗi bạn có thể dễ dàng bắt gặp những biển cảnh báo phụ nữ cẩn thận khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Nhưng giờ đây, quấy rối đã “nâng cấp” lên một kiểu mới và nạn nhân là những nữ vận động viên. Khi đến các sự kiện thể thao, bên cạnh những người thực sự muốn xem màn so tài của các VĐV, thì số khác lại có ý đồ xấu đó là chụp những bức ảnh tập trung vào bộ phận nhạy cảm của các VĐV.
Chúng còn đến các đại hội thể thao trường học để nhắm đến các học sinh cấp hai và cấp ba. Sau đó, chúng đăng những bức ảnh ẩn danh lên mạng xã hội cho những người đàn ông khác xem hoặc bán để kiếm lời.
Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các VĐV. Cựu VĐV thể dục nghệ thuật Tanaka Rie chia sẻ với đài TBS về việc cô có thể nghe thấy tiếng máy ảnh khi mở rộng chân để thực hiện động tác trồng cây chuối trên xà: “Tôi cảm thấy rất tức giận. Tôi dành thời gian tập luyện chăm chỉ, thi đấu không phải để chịu đựng việc bị chụp những tấm ảnh như thế này”.
Không chỉ máy ảnh thông thường, những kẻ này còn đang sử dụng kỹ thuật chụp ảnh nhiệt bằng tia hồng ngoại để thu thập các dấu hiệu nhiệt. Điều đó có nghĩa là nếu đồng phục của vận động viên đủ mỏng, chúng có thể chụp những bức ảnh cho thấy đường viền của đồ lót.
Một bài báo năm 2020 trên President ONLINE lưu ý rằng, ngay cả khi một số tỉnh ở Nhật Bản đã cấm hoàn toàn việc chụp ảnh bằng tia hồng ngoại nhằm đảm bảo an toàn cho các vận động viên trưởng thành và trẻ vị thành niên thì vấn nạn này vẫn xảy ra. Vào năm 2021, cựu vận động viên bóng chuyền Ootomo Ai cho biết cô đã trở thành nạn nhân của những bức ảnh hồng ngoại.
Nhà sản xuất đồ thể thao Cramer Japan đã nhận được báo cáo về chụp ảnh hồng ngoại từ năm 2022. Vào thời điểm đó, công ty cho biết họ đang xem xét các thiết kế để giúp bảo vệ vận động viên nữ khỏi kiểu tấn công mới này.
Xem thêm: Nhật Bản rúng động vì nhóm quay lén hơn 10.000 phụ nữ ở suối nước nóng
Thiết kế trang phục bảo vệ vận động viên
Mặc dù có quy định cấm chụp ảnh tại các sự kiện thể thao ở Nhật Bản nhưng ban tổ chức không thể kiểm soát được mọi trường hợp chụp ảnh trái phép. Hơn hết quy định này chỉ có thể bảo vệ VĐV khi họ thi đấu ở Nhật Bản.
Để cung cấp cho các vận động viên nữ thêm một lớp bảo vệ, nhà sản xuất quần áo thể thao Nhật Bản Mizuno đã công bố dòng trang phục thể thao thi đấu “chống hồng ngoại” mới. Theo ghi chú trên trang web của nhà sản xuất, trang phục sử dụng chất liệu được thiết kế để làm cho quần áo trở nên mờ đục dưới tia hồng ngoại.
Trong một tuyên bố trên trang web của họ, công ty cho biết: “Việc kết hợp loại vải chặn tia hồng ngoại mới được phát triển vào trang phục thể thao có thể giúp giảm số lượng vận động viên trở thành nạn nhân của việc chụp ảnh hồng ngoại trái phép”.
Mizuno đang sử dụng công nghệ này trong đồng phục được thiết kế cho đội bóng chuyền Nhật Bản tại Thế vận hội Mùa hè Paris. Đồng thời kết hợp vải chặn tia hồng ngoại vào đồng phục của sáu đội khác, bao gồm cả đội bóng bàn và bắn cung.
Sản phẩm mới của Mizuho là một giải pháp hữu ích tạm thời. Đáng buồn thay, nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là suy nghĩ của những người đàn ông ngay từ đầu cho rằng hành vi này chấp nhận được.
Năm 2023, Nhật Bản thông qua luật mới quy định việc chụp ảnh không có sự đồng thuận. Tuy nhiên lại không đề cập đến việc chụp ảnh các VĐV nữ. Nhưng một số chính quyền địa phương, chẳng hạn như tỉnh Fukuoka, đã thông qua sắc lệnh tuyên bố chụp ảnh các vận động viên nữ với mục đích tình dục là một hình thức tấn công tình dục.
Năm ngoái, Kyoto đã đệ đơn tố cáo một công chức 39 tuổi vì liên tục chụp ảnh nửa dưới cơ thể cũng như ngực của nữ vận động viên tại giải đua Ekiden toàn quốc. Người đàn ông này nhắm mục tiêu rõ ràng vào các vận động viên trung học và đại học. Nhà chức trách tìm thấy khoảng 180 hình ảnh trong máy ảnh của anh ta khi bị bắt giữ. Kyoto trước đó đã truy tố một người đàn ông khác vì tội danh tương tự vào năm 2021.
kilala.vn
Nguồn: Unseen Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận