Fictosexual: Người vô tính chỉ yêu nhân vật giả tưởng

    Trên thế giới này luôn tồn tại những điều kỳ lạ, ví như chuyện con người lại đem lòng yêu và nguyện chung thủy suốt đời với nhân vật hư cấu chỉ tồn tại trong truyện hay phim. Kiểu người ấy được nhận dạng là Fictosexual.

    Tại Nhật Bản ngày nay xuất hiện một hiện tượng kỳ lạ là có rất nhiều thanh niên “lười yêu”, không muốn kết hôn với con người mà thay vào đó lại xác định mối quan hệ gắn kết lâu dài cùng nhân vật 2D. Thế hệ những người trẻ này được nhìn nhận là Fictosexual.

    Fictosexual là gì?

    Đây là một thuật ngữ chung để chỉ những người vô tính có cảm giác bị hấp dẫn về mặt tinh thần lẫn thể xác đối với các nhân vật hư cấu. Mặc dù “người tình” của họ là giả nhưng tình cảm là chân thật, được thể hiện qua việc hẹn hò, kết hôn như bao cặp đôi bình thường khác ở đời thực.fictosexual

    Biểu tượng của cộng đồng Fictosexual

    Cộng đồng Fictosexual cũng có biểu tượng riêng với lá cờ 5 sọc ba màu (2 màu đen, 2 màu xám và 1 màu tím ở giữa), kết hợp với hình tròn màu hồng viền đen đặt tại vị trí trung tâm. Các sọc màu đen và xám đại diện cho việc không bị thu hút bởi các nhân phi hư cấu, sọc tím thể hiện cho sự hấp dẫn về giới tính và phổ vô tính, vòng tròn đen là “cánh cổng” để dẫn đến thế giới hư cấu, và màu hồng thể hiện bị thu hút bởi các nhân vật giả tưởng.

    cờ fictosexual

    Ảnh: sexuality.fandom

    Một số thuật ngữ liên quan đến Fictosexual

    Vì thế giới giả tưởng có rất nhiều kiểu nhân vật khác nhau nên dưới thuật ngữ bao trùm là Fictosexual còn có những thuật ngữ riêng liên quan đến các nhóm nhân vật cụ thể. Đó là:

    - Mangasexual / Animesexual: chỉ bị thu hút bởi các nhân vật manga/anime. Tại Nhật Bản, tuýp người này còn được gọi bằng thuật ngữ "Nijikon - 二次コン" hoặc "Nijigen konpurekkusu - 二次元コンプレックス" (2D complex).

    - Cartosexual: chỉ bị thu hút bởi các nhân vật hoạt hình hoặc truyện tranh.

    - Booklosexual: bị hấp dẫn bởi các nhân vật tiểu thuyết.

    - Visualnovelsexual: yêu các nhân vật visual novel*

    - Gamosexual: bị thu hút các nhân vật trong trò chơi điện tử.

    - Inreasexual: bị các nhân vật trong phim người đóng quyến rũ.

    - Teratosexual: yêu các nhân vật quái vật.

    - Tobusexual: chỉ thích nhân vật ma cà rồng.

    - Spectrosexual: bị hấp dẫn bởi các nhân vật hắc ám.

    - Nekosexual: yêu các nhân vật có tạo hình, cử chỉ, tích cách, mọi thứ giống như mèo.

    - Anuafsexual: bị cuốn hút bởi nhân vật nhân thú (lai giữa con người và động vật).

    - Herosexual: thích các nhân vật siêu anh hùng.

    - Villasexual: bị thu hút bởi các nhân vật phản diện.

    - .

    *Visual novel (tiếng Nhật: ビジュアルノベル): thường được viết tắt là VN, là một dạng game nhập vai cho phép người chơi dùng text để điều khiển nhân vật của mình với hình minh họa tĩnh, chủ yếu theo phong cách anime hay manga.

    Tại sao lại xuất hiện Fictosexual?

    Trong thời đại công nghệ bùng nổ, ngành công nghiệp 2D ngày càng phát triển tại Nhật thì dường như việc thế hệ trẻ có xu hướng Fictosexual lại càng tăng lên.

    Theo thống kế của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản (JFPA), năm 2014, tỷ lệ nam giới ở độ tuổi cuối 20 không mặn mà với chuyện tình dục chiếm 21,6%. Theo Independent, hiện nay nhiều người trong độ tuổi 18 - 34 chưa có bạn trai hoặc bạn gái, thậm chí họ không hứng thú với việc hẹn hò.

    hẹn hò

    Giới trẻ Nhật ngày càng lãnh cảm với chuyện hẹn hò. Ảnh: Japan Times

    Một bộ phận thanh niên Nhật giờ đây hình thành xu hướng ngại yêu, ngại tình dục và nói không với việc kết hôn. Nguyên nhân quan trọng tạo nên xu hướng lạ lùng này là vì áp lực từ tài chính, chi phí kết hôn tại Nhật khá đắt đỏ cùng với đó là sự lo toan về những chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng gia đình, con cái khiến nhiều người sợ hãi việc kết hôn.

    Không ít người gặp khó khăn trong việc gặp gỡ, tạo dựng những mối quan hệ để dẫn đến hôn nhân vì công việc quá bận rộn. Các nguyên nhân về tuổi tác, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình. cũng là lý do phổ biến làm người trẻ ngại yêu.

    Xem thêm: Lí do Mikon Shakai - tầng lớp "ế" ở Nhật gia tăng

    kondo

    Akihiko Kondo nổi tiếng thế giới về cuộc sống cùng cô vợ ảo Hatsune Miku. Ảnh: New York Times

    Bên cạnh đó, ngày nay giới trẻ tiếp xúc nhiều với Internet, rất dễ dàng để xem phim, đọc truyện và đắm chìm trong thế giới lãng mạn với các nhân vật hoàn hảo không có thực. Từ đó, nhiều người cảm thấy thất vọng, chán nản với những mối quan hệ ngoài đời thực và quyết định trao trọn con tim cho “chồng ảo” hay “vợ ảo waifu 2D”.

    Với họ, yêu một nhân vật 2D thì không phải lo lắng, quan tâm đến việc kết hôn hay chia tay, lo toan chuyện tiền bạc, chi phí tài chính cho tương lai. Như anh Akihiko Kondo, người từng tổ chức lễ kết hôn với ca sĩ ảo Hatsune Miku chia sẻ rằng với anh, yêu một nhân vật hư cấu như Miku sẽ không bao giờ bị phản bội hay phải chứng kiến cảnh cô ấy bị ốm, đau lòng khi “vợ ảo” qua đời.

    [subscribe]

    Bùng nổ dịch vụ yêu thật với người tình ảo

    Khi cộng đồng Fictosexual ngày thêm đông thì các dịch vụ giúp hiện thực hóa mối quan hệ giữa con người và nhân vật ảo cũng phát triển dần. Rất nhiều các cửa hàng, quán xá đã mở các gói dịch vụ dành cho khách hàng là Fictosexual.

    Ở Nhật, tại Tokyo có khu phố Akihabara và quận Ikebukuro là những nơi được mệnh danh “thánh địa” của giới Otaku. Tại đây, có rất nhiều cửa hàng bày bán các vật phẩm, hàng hóa liên quan đến người tình ảo cho hội Fictosexual. 

    Ngoài ra còn có cửa hàng, khách sạn cung cấp dịch vụ hẹn hò, ăn tối lãng mạn cùng nhân vật 2D. Khách hàng có thể thoải mái thể hiện tình cảm của bản thân với Waifu và Husbando, bày tỏ sự yêu thương một cách công khai tại “thánh địa”.

    otaku

    Ảnh: otakuone

    Sau khi hẹn hò và muốn tính đến chuyện kết hôn thì giới Fictosexual cũng không gặp khó khăn gì. Việc trải nghiệm lễ cưới cùng nhân vật 2D đã phổ biến tại Nhật thông qua công nghệ VR. Ngoài ra, còn có các dịch vụ đăng ký kết hôn với chồng hay vợ ảo.

    Anh Yasuaki Watanabe là người làm quản lý dịch vụ này và tư vấn cho các đối tượng là Fictosexual, cũng như cấp giấy chứng nhận kết hôn cho họ và nhân vật hư cấu. Anh đã cấp chứng nhận cho hơn trăm đơn đăng ký và cũng tự làm cho chính mình một tờ “hôn thú” với nhân vật Hibiki Tachibana.

    Ngày nay, các lễ kết hôn giữa người và nhân vật ảo đã thu hút sự chú ý của dư luận, được báo đài đưa tin rầm rộ. Có nhiều người lấy làm lạ lùng, khó hiểu nhưng với cộng đồng Fictosexual đó là điều bình thường, lẽ tự nhiên để họ thể hiện tình yêu của mình.

    kết hôn ảo

    Ảnh: Globo

    Qua đó, nhiều người trẻ Nhật cũng đang bộc lộ quan niệm của họ về việc bác bỏ kiểu hôn nhân “phụ nữ nội trợ, đàn ông kiếm tiền” truyền thống ở đất nước này. Giờ đây, nam nữ là bình đẳng, ai cũng có quyền yêu và tự do thể hiện tình cảm của mình mà không bị áp đặt hay đối mặt với định kiến.

    Ngày nay những người thuộc cộng đồng Fictosexual không còn ngại ngùng và đã mạnh mẽ đứng lên, tự tin tuyên bố và bày tỏ công khai tình yêu với nhân vật ảo. Họ gửi gắm một thông điệp mới rằng người bạn yêu là ai cũng được miễn là bạn hạnh phúc.

    kết hôn

    Ảnh: foxnews

    Fictosexual thể hiện sự tự do trong tình yêu nhưng cũng phơi bày thực trạng đáng báo động của nước Nhật. Đó là một thế hệ thanh niên nguyện sống cô độc, gửi gắm đời sống tinh thần và dựa dẫm vào thứ tình yêu với nhân vật ảo, ngại tiếp xúc, giao tiếp và hình thành các mối quan hệ với người thật, từ đây càng khiến vấn đề già hóa dân số ở quốc gia này ngày một trầm trọng.

    kilala.vn

    23/10/2022

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!