“Bóng ma tâm lý” của người trẻ Nhật khi không dùng khẩu trang
Các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có dấu hiệu “lệ thuộc khẩu trang”.
Khẩu trang – món đồ không thể thiếu
Người Nhật được biết đến là những người “nghiện” đeo khẩu trang ngay cả khi đại dịch chưa xuất hiện và sau COVID-19 tình hình dường như ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Nhiều bài báo đã đặt câu hỏi: Liệu rằng khi nào Nhật Bản sẽ loại bỏ khẩu trang khi các nước phương Tây đã dần không đeo? Tuy nhiên vấn đề của việc này không nằm ở chính phủ mà lại đến từ phía người dân. Tháng 5/2022, chính phủ Nhật Bản tuyên bố không cần đeo khẩu trang khi ra ngoài trời nếu duy trì khoảng cách từ 2 mét trở lên với người khác. Đây là biện pháp để hạn chế say nắng khi Nhật Bản đang trải qua mùa hè nóng kỷ lục. Tuy nhiên, đi ngược lại với lời kêu gọi của chính phủ, phần lớn mọi người vẫn tiếp tục đeo khẩu trang.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 08/2022, khoảng 70% số người được hỏi cho biết họ vẫn đeo khẩu trang khi ra ngoài. Điều thú vị là một số người nêu lý do cho sự lựa chọn của họ không dựa trên mối quan tâm về sức khỏe mà do ngoại hình cá nhân: như tránh phải trang điểm hoặc cạo râu. Hơn 37% người cho biết họ muốn tiếp tục đeo khẩu trang sau khi đại dịch kết thúc, trong đó có hơn 50% là các em gái ở độ tuổi 16 -19.
Khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới gia tăng trùng với cúm mùa cuối năm, có vẻ như nhiều người sẽ tiếp tục đeo khẩu trang.
Tại Nhật còn có thuật ngữ “thời trang khẩu trang”, chỉ những người sử dụng khẩu trang không vì mục đích sức khỏe mà liên quan nhiều hơn đến vẻ ngoài. Thậm chí, thuật ngữ “Kao pantsu” cũng lọt Top 30 từ đại diện cho tiếng Nhật năm 2022, ý chỉ việc cởi khẩu trang trước mặt người khác cũng xấu hổ tương đương như cởi bỏ quần lót.
Với nhiều người nước ngoài, cảm giác phụ thuộc vào khẩu trang khá là xa lạ với họ, nhưng người Nhật đã quen đeo khẩu trang từ trước đại dịch. Nó phổ biến do tâm lý bất an của mọi người. Sau gần ba năm liên tục đeo khẩu trang, có thể hiện tượng này đang ngày càng gia tăng và một số chuyên gia lo ngại về những tác động có thể xảy ra đối với sự phát triển của trẻ em.
Xem thêm: Vì sao người Nhật "nghiện" đeo khẩu trang?
Người trẻ Nhật ngày càng bị phụ thuộc vào khẩu trang
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã ban hành các hướng dẫn liên quan đến việc đeo khẩu trang trong trường học. Ví dụ, không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi học thể dục, nhưng nên đeo khi hát đồng ca. Trong bữa trưa, học sinh không được ngồi quay mặt vào nhau để tránh khả năng lây truyền COVID-19 từ các giọt bắn. Các em được yêu cầu không nói to và đeo khẩu trang khi trò chuyện sau bữa trưa.
Theo một cuộc khảo sát tại trường công lập ở Kyoto vào khoảng thời gian từ tháng 09 – giữa tháng 10 với 54 học sinh (từ lớp 3 – lớp 9), khoảng 1/3 học sinh cho biết các em không có ý định tháo khẩu trang ngay cả khi đại dịch kết thúc. Theo chia sẻ, việc mang khẩu trang mang lại nhiều bất tiện như khó thở, nóng bức, khó cảm nhận được cảm xúc của người khác hay thậm chí bị giáo viên phê bình vì nói nhỏ (khẩu trang hạn chế) khi phát biểu.
Tuy nhiên, việc đó không lớn bằng thói quen đã có khẩu trang trên mặt, lo sợ có thể truyền bệnh cho người khác, thậm chí xấu hổ về ngoại hình của mình, đã khiến nhiều em không muốn xa rời khẩu trang.
Một giáo viên cho biết: “Thậm chí có những em đeo khẩu trang đến mức đỏ cả tai nhưng chúng đã quen với việc đó và không có ý định từ bỏ. Tôi cũng lo lắng về việc trẻ em sẽ có khả năng nhận thực khuôn mặt kém nếu tiếp tục đeo khẩu trang”.
Theo bác sĩ tâm lý trẻ em Yamaguchi Arisa, một số trẻ em mà cô gặp sợ rằng nếu tháo khẩu trang, chúng sẽ bị gọi là xấu xí hoặc có thể khiến mọi người thất vọng. Có những trường hợp lo lắng đến mức từ chối ăn trưa ở trường. “Chúng ta cần nhận ra rằng có một số trẻ em cảm thấy an toàn trong lớp học vì chúng đeo khẩu trang. Nếu tự ý yêu cầu các em tháo khẩu trang, có thể các em sẽ bị tổn thương tâm lý, cảm thấy khó chịu và không đến trường nữa”, Yamaguchi chia sẻ về gánh nặng tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên. Vì thế, để thay đổi điều này, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo rằng trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc để thay đổi.
Gánh nặng tâm lý
Vậy trẻ em có thể gặp những tác dụng phụ nào về sức khỏe khi đeo khẩu trang? Theo Yamaguchi, hiện tại, hầu hết các chuyên gia phương Tây tin rằng không có tác động tiêu cực lớn nào, chẳng hạn như cản trở hô hấp của trẻ em hoặc cản trở sự phát triển xã hội hoặc tâm lý khi tiếp tục duy trì việc đeo khẩu trang.
Nhưng mối quan tâm lớn nhất của Yamaguchi là sự căng thẳng của trẻ em sẽ tích tụ và tăng dần theo thời gian nếu như vấn đề này không được giải quyết triệt để: “Với những đứa trẻ sắp bước sang tuổi vị thành niên, tôi tin rằng chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa chắc chắn khi những bất thường như vậy lần đầu tiên xuất hiện, trước khi chúng đạt đến mức độ được coi là chứng rối loạn”.
Theo một cuộc khảo sát trên toàn quốc do MEXT thực hiện, số trẻ em tiểu học từ chối đi học đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 244.940 trẻ em vào năm 2021. Điều đó cho thấy khoảng cách giữa mọi người đã tăng lên khi đại dịch kéo dài và có khả năng là có cả trẻ em khi chúng đối mặt với những bất ổn tâm lý mà không được hỗ trợ. Số vụ bắt nạt được biết đến ở tất cả các cấp học cũng ở mức cao nhất mọi thời đại.
Yamaguchi mong rằng những con số này là là cơ hội để cải cách môi trường học đường, lắng nghe cẩn thận trẻ em về các chủ đề như đeo khẩu trang cũng như các vấn đề khác, đồng thời tôn trọng cá tính và quyền tự do lựa chọn của các em.
kilala.vn
08/12/2022
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận