Washitsu: truyền thống được bảo tồn trong kiến trúc hiện đại
Washitsu - nút giao giữa quá khứ và hiện tại
Washitsu (和室) là kiểu phòng truyền thống của Nhật Bản, ngoài cấu trúc của phòng, cách để chúng ta nhận biết được đó có phải là phòng Washitsu hay không là nhờ vào những tấm chiếu Tatami. Hầu hết sàn nhà của những căn phòng Washitsu đều được lót chiếu Tatami, nên người ta còn gọi căn phòng này là phòng trải chiếu Tatami. Đặc điểm của phòng Washitsu là không bày biện quá nhiều đồ đạc, có nhiều không gian trống tạo cảm giác thông thoáng và dễ thở.
Trong thời kì Muromachi (1336 - 1573), phòng Washitsu thường được dùng để làm phòng học cho những nhà giàu có, sau trở thành nơi để tiếp đãi khách và tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống như Trà đạo, cắm hoa Ikebana, Thư đạo,. hoặc làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên hay Thần Phật. Theo sự thay đổi của thời đại, người ta cũng bắt đầu dùng phòng Washitsu với nhiều mục đích hơn như phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, phòng dành cho trẻ em,.
Washitsu vẫn giữ được giá trị truyền thống của nó, còn sử dụng với mục đích nào là tùy thuộc vào mỗi người. Ví dụ, nhiều khách sạn hiện nay dù là ở Nhật hay ở những nước khác, cũng có kiểu phòng Washitsu để khách du lịch có thể trải nghiệm không gian phòng ở truyền thống của Nhật Bản.
Những đặc trưng không thể thiếu của phòng Washitsu
Chiếu Tatami (畳)
Nhắc đến phòng Washitsu thì chắc chắn hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu mọi người là chiếu Tatami. Người ta thường ví von chiếu Tatami giống như là linh hồn của một căn phòng truyền thống kiểu Nhật. Từ "Tatami" được bắt nguồn từ động từ "Tatamu" (畳 む), có nghĩa là gấp lại, xếp lại, dùng để chỉ những đồ vật mỏng dùng để lót, trải mà có thể xếp lại được.
Chiếu Tatami có phần lõi được bện từ rơm khô và phần bao chiếu được đan từ cỏ Igusa (cỏ bấc đèn) hoặc cói. Kích thước của chiếu Tatami tính theo chuẩn Kyoto sẽ có chiều dài 1,910m và chiều rộng 0,955m. Một căn phòng ở Nhật Bản thường được đo bằng số lượng chiếu có thể vừa với nó, nên thỉnh thoảng chúng ta có thể nghe hoặc thấy người Nhật dùng từ 4 chiếu, 6 chiếu hay 8 chiếu để miêu tả kích thước của một căn phòng.
Chiếu Tatami có ưu điểm là khó bắt lửa, có độ đàn hồi tốt và mang đến sự tinh tế, trang trọng cho căn phòng nên có thể sử dụng làm phòng ngủ, phòng khách hay để tổ chức những hoạt động văn hóa như Trà đạo, cắm hoa Ikebana,. Đặc biệt, một căn phòng trải chiếu Tatami luôn có một mùi hương thoang thoảng vô cùng dễ chịu của rơm và cỏ bấc đèn mà nếu đã một lần nghe qua, bạn sẽ khó có thể nào quên.
Đọc thêm: Nghi thức Tatami: Đừng giẫm lên thềm cửa!
Fusuma (襖)
Fusuma là những tấm vách ngăn giữa các phòng với nhau để phân chia không gian, nhưng nó có thể trượt sang hai bên nên còn đóng vai trò như một cánh cửa trượt. Cấu tạo của Fusuma là gồm một khung gỗ và nhiều lớp giấy Washi dán chồng lên nhau, cuối cùng là một lớp giấy hoặc vải được căng dán phủ ở mặt ngoài. Lớp phủ ngoài thường được trang trí bằng những loại giấy hoặc vải có hoa văn, màu sắc; có một số người sẽ tự trang trí lên Fusuma bằng cách vẽ tranh hay viết thư pháp lên đó.
Đặc điểm của Fusuma là có thể tháo lắp một cách dễ dàng, nên người Nhật thường dùng Fusuma để ngăn phòng vì họ có thể nới rộng không gian khi cần thiết.
Shoji (障子)
Nhiều người thường nhầm lẫn Shoji với Fusuma, vì cả hai có cấu tạo và chức năng tương tự nhau. Tuy nhiên, nếu cửa Fusuma giấu tất cả các nan gỗ vào bên trong thì Shoji lại đưa các nan này ra ngoài. Fusuma có tác dụng trang trí nên thường được tô vẽ cầu kỳ, trong khi Shoji luôn giản dị với giấy Washi đơn sắc cùng khung gỗ mộc mạc. Hơn nữa, vì còn sử dụng làm cửa sổ nên giấy phủ của Shoji là loại giấy bóng mờ, vừa đảm bảo tính riêng tư, vừa có thể đón ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng.
Ngoài ra, cả Shoji và Fusuma còn có một ưu điểm khác là có khả năng cản gió, thích hợp với những vùng có khí hậu lạnh.
Oshiire (押し入れ)
Oshiire là tủ đựng đồ có cửa trượt được thiết kế âm tường. Nếu bạn thường xem phim Nhật thì sẽ thấy người Nhật hay cất đệm Futon, mền gối hay lưu trữ những vật dụng khác bên trong đó. Với thiết kế âm tường, Oshiire giải phóng căn phòng khỏi những đồ đạc lỉnh kỉnh, tạo ra nhiều khoảng trống trong phòng, giúp không gian trở nên thông thoáng.
Ngoài những đặc điểm được kể trên, bên trong phòng truyền thống kiểu Nhật cũng không bày biện quá nhiều đồ đạc. Những món đồ nội thất mà chúng ta thường bắt gặp bên trong một căn phòng Washitsu gồm có bàn trà thấp (Chabudai - ちゃぶ台), ghế bệt (Zaisu - 座椅子), đệm ngồi (Zabuton - 座布団) hay bàn sưởi Kotatsu (炬燵). Đối với phòng khách hoặc phòng chính trong nhà thì còn có thêm một hốc tường được gọi là Tokonoma, thường đặt bình hoa, tranh phong cảnh, lư hương,. như một góc trang trí trong nhà. Người Nhật cũng có thú chơi hương rất tao nhã, góp phần tăng thêm sự ấm cúng cho căn phòng.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, phòng Washitsu vẫn luôn là một điểm sáng trong kiến trúc nhà ở Nhật Bản, tồn tại như một nét đẹp văn hóa và không ngừng phát triển theo một cách hiện đại hơn, tiện nghi hơn.
kilala.vn
21/01/2021
Bài: Tanpopo
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận