Tòa nhà biểu tượng cho kiến trúc Metabolism của Nhật bị dỡ bỏ
Tòa nhà Nakagin Capsule mang phong cách của tương lai sẽ bị phá bỏ vào tháng 04/2022, sau những nỗ lực đấu tranh kéo dài nhằm cứu vãn tòa nhà.
Kể từ khi xây dựng, tháp Nakagin Capsule được kỳ vọng sẽ mang đến bước ngoặt cho phong trào Metabolism (Chuyển hóa luận) - tạo ra không gian sống bền vững, hướng về tương lai. Tuy nhiên, những khó khăn về việc cải tạo cũng như sự không thuận tiện trong không gian sống đã khiến nơi đây ngày càng vắng bóng cư dân, dần xuống cấp, nhiều nơi mục nát, thiếu tính an toàn.
Sau nhiều lần cố gắng duy trì tòa nhà, cuối cùng người sở hữu hiện tại
của Nakagin Capsule đã chấp nhận phá bỏ nó, theo Japan Today đưa tin.
Thông báo đã khiến những người hâm mộ kiến trúc của Nakagin Capsule buồn bã và nuối tiếc, tuy nhiên họ cũng đồng tình với quyết định này vì “Nó có giá trị, nhưng đó là quyết định đúng đắn khi phá dỡ, vì nó đã trở nên khá tồi tàn”.
Metabolism - kiến trúc hướng đến tương lai
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản những năm 50, 60 là một con phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn. Đây được xem là khoảng thời gian hoạt động văn hóa mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, kéo theo làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn đến các thành phố lớn.Xã hội Nhật lúc bấy giờ được ví như một bức tranh trống, một phòng thí nghiệm cho các ý tưởng đột phá. Và phong cách kiến trúc Metabolism (tạm dịch: Chuyển hóa luận) ra đời. Đây là một phong trào kiến trúc của Nhật Bản thời hậu chiến kết hợp các ý tưởng về siêu công trình kiến trúc với những công trình sinh học hữu cơ.
Các kiến trúc sư trẻ của Nhật Bản đã sử dụng thuật ngữ "Metabolism - メタボリズム" hay "Shinchintaisha - 新陳代謝" để mô
tả niềm tin của họ rằng các tòa nhà và thành phố nên được thiết kế
mô phỏng một sinh vật sống.
Họ tin rằng các công trình đô thị không phải là những thực thể tĩnh, chúng tồn tại hữu cơ và có "sự trao đổi chất", đây cũng là nghĩa gốc của thuật ngữ "metabolism" và "shinchintaisha".
Kiến trúc theo kiểu "trao đổi chất" được xây dựng xung quanh một cơ sở hạ tầng đóng vai trò là cột sống với các bộ phận tương tự tế bào được đúc sẵn, có thể thay thế và dễ dàng tháo lắp khi tuổi thọ của chúng đã hết.
Metabolism lần đầu tiên ra mắt quốc tế trong triển lãm của CIAM năm 1959. Hai trong số kiến trúc ứng dụng phong cách này tại Nhật là tòa nhà Nakagin Capsule Tower và Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kyoto.
Ý tưởng kiến trúc tháo gỡ độc đáo của Nakagin Capsule Tower
Mỗi phòng được đúc sẵn và có thể tháo ra, gắn vào hai lõi bê tông bằng 4 bu lông cao áp. Phòng được trang bị sẵn tiện ích và nội thất, sau đó mới vận chuyển từng khoang đến để gắn vào tòa nhà. Chính vì thế, trên lý thuyết, nếu muốn thay mới một khoang cũng không ảnh hưởng đến những phòng còn lại.
Những cư dân ban đầu được nhắm đến cho mô hình này là nhân viên văn phòng ở Tokyo, những người dành nhiều thời gian ở ngoài đường hơn ở nhà. Chính vì thế, căn phòng cũng chỉ được trang bị vật dụng ở mức cơ bản, nhỏ gọn: tủ, TV... được đặt ở một bên, nhà vệ sinh có kích thước bằng nhà vệ sinh trên máy bay được đặt ở phía đối diện.
Tuy vậy căn phòng lại thiếu nhà bếp, củng cố ý tưởng rằng chúng không được dự định làm nơi ở lâu dài. Cơ sở vật chất của nó giống như một sự kết hợp giữa khách sạn và không gian làm việc. Cửa sổ tròn ở ngay phía giường cũng được thiết kế để ngắm quang cảnh đường phố.
Tòa nhà xuống cấp sau hơn 50 năm
Từ một công trình kiến trúc gắn với kì vọng của KTS Kisho Kurokawa, giờ đây, Nakagin Capsule Tower lại vắng vẻ dân cư, xuống cấp trầm trọng và lạc lõng giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại. Điểm thu hút duy nhất của nó chỉ còn là vẻ ngoài độc đáo.Về lý thuyết, 140 phòng con nhộng (capsule) của tòa nhà phải được thay thế sau mỗi 20-25 năm. Nhưng thực tế, việc thực thi trở nên khó khăn hơn; không chỉ về chi phí (cần khoảng 6,2 triệu yên cho mỗi phòng), việc dỡ một căn phòng cũng ảnh hưởng đến những hàng xóm xung quanh. Điều này phức tạp đến nỗi chưa có một khoang nào được cải tạo đúng kế hoạch.
Kết quả, việc không được bảo trì kết hợp với hao mòn của thời gian đã biến giấc mơ thành cơn ác mộng không tưởng. Việc rò rỉ nước xảy ra thường xuyên khiến 80% người thuê phòng đã chấp nhận dỡ bỏ, thay thế nó bằng một tòa tháp lớn, hiện đại hơn.
Thỏa thuận đầu tiên đạt được vào năm 2007 nhưng Kurokawa, với mong muốn bảo tồn thiết kế đã đưa ra một số đề xuất và được sự hỗ trợ của các hiệp hội kiến trúc lớn của Nhật Bản, bao gồm cả Viện kiến trúc Nhật Bản.
Nhưng cùng năm đó, Kurokawa qua đời và dự án không tìm được người kế thừa. Đồng thời cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã khiến việc cải tạo bị hoãn vô thời hạn.
Kể từ năm 2010, một trong những đường ống bị hư hỏng nghiêm trọng không thể sửa chữa vì lý do kết cấu, khiến tòa nhà không có nước nóng. Sau trận động đất năm 2011, người ta cũng che tòa nhà bằng lưới an toàn để bảo vệ người đi bộ khỏi các bộ phận có thể rơi xuống đường.
Chính sự xuống cấp cùng với vị trí đắc địa, gần khu Ginza cũng làm cho địa điểm này trở thành một nơi rất hấp dẫn cho các khoản đầu tư bất động sản mới.
Tình trạng hiện nay của Nakagin Capsule Tower
Khoảng 40 căn phòng vẫn có người ở, trong khi một số khác đang được sử dụng làm văn phòng. Hầu hết người thuê là nghệ sĩ hoặc kiến trúc sư, nhưng cũng có những chuyên gia.Một trong những cư dân nơi đây là Tatsuyuki Maeda, người đứng đầu Dự án Bảo tồn và Phục hồi Tháp Nakagin Capsule, một nỗ lực tập thể và đa ngành nhằm cứu tòa nhà thông qua các đề xuất tái sử dụng không gian và các chiến dịch tiếp thị để công nhận tòa nhà là di sản văn hóa. Maeda bắt đầu mua lại các phòng con nhộng vào năm 2010 và hiện đang sở hữu 15 phòng trong số đó.
Một trong những nỗ lực bảo tồn khác mang tên Nakagin Capsule Tower Building A606 Project cũng đã được thực hiện bởi một nhóm đứng đầu là kiến trúc sư Akiko Ishimaru, cựu cư dân nơi đây. Cô đã cải tạo lại căn phòng của mình thành không gian làm việc cho mọi người, biến nó thành nơi những người làm sáng tạo hay các KTS có thể ở qua đêm trong thời gian họ làm việc hoặc tìm kiếm ý tưởng.
Mặc cho những nỗ lực của những người mong muốn bảo tồn tòa nhà Nakagin Capsule Tower, việc phá hủy tòa nhà đã chính thức được công bố, và có lẽ là trong tháng 04/2022.
Hiện tại, có một căn phòng con nhộng được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Saitama, cũng được thiết kế bởi Kurokawa. Và có khoảng 80 đơn đặt hàng mua lại căn phòng sau khi tòa nhà bị phá hủy để trưng bày như tàn tích của kiến trúc thập niên 70.
Tuy tương lai chúng ta sẽ không còn được nhìn thấy Nakagin Capsule Tower nhưng không thể phủ nhận di sản của Kisho Kurokawa để lại. Trong đó có thể kể đến loại hình khách sạn con nhộng (カプセルホテル - Kapuseru hoteru) nổi tiếng ở Nhật Bản.
Khách sạn đầu tiên làm theo mô hình này là Capsule Inn Osaka, nằm ở quận Umeda của Osaka, do Kisho Kurokawa thiết kế vào năm 1979, rồi từ đó lan ra các tỉnh thành của Nhật và nhiều thành phố trên thế giới.
Xem thêm: “Bảo tàng kính mắt” tại Ikebukuro đóng cửa sau 50 năm
kilala.vn
04/04/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận