Susuharai – Dọn dẹp chốn linh thiêng đón mừng năm mới
Vào những ngày tất bật cuối năm, mọi người đều dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, mua đồ trang trí, chuẩn bị quà tặng cho những người thân yêu… Và người Nhật không quên việc lau dọn những chốn linh thiêng như đền chùa, tạo nên một nét truyền thống đẹp chuẩn bị cho năm mới nhiều bình an và may mắn.
Susuharai là hoạt động gì?
"Susuharai - 煤払い" theo nghĩa đen là “quét sạch muội than”, đây là hoạt động dọn dẹp thường được tiến hành vào ngày 13/12. Trước đây, ngày này đánh dấu sự khởi đầu của thời gian đếm ngược đến năm mới và là thời điểm các hộ gia đình bắt đầu quá trình dọn sạch bụi bẩn tích tụ của năm cũ để chuẩn bị cho năm mới sắp đến.
Ngày nay, Susuharai còn được thực hiện tại những nơi linh thiêng như chùa Phật giáo và đền thờ Shinto.
Lịch sử của Susuharai
Vào thời kỳ Edo (1603-1868), đây chủ yếu là một hoạt động được thực hiện tại các điền trang samurai cũng như nơi ở của các thương nhân và thường dân.
Thời ấy, nến và đèn lồng dùng để thắp sáng nhà cửa, còn việc nấu ăn sẽ được thực hiện trên bếp lò đốt bằng gỗ và than củi, nên hoạt động dọn dẹp sẽ tập trung vào việc loại bỏ muội than và tro tích tụ. Đó là lý do sự kiện này được gọi là Susuharai.
Quá trình vệ sinh bắt đầu bằng việc tháo chiếu tatami, đập và phơi khô. Tiếp theo là lau chùi và quét sạch mọi ngóc ngách trong nhà. Quá trình này đòi hỏi sức lực nhưng có tác dụng thanh tẩy nhà cửa để đón chào Toshigami - vị thần của năm mới.
Tuy nhiên khác xa với suy nghĩ dọn dẹp là cực nhọc, các ghi chép cho thấy ngày Susuharai thường khá sôi động, người tham gia được chiêu đãi những món như bánh gạo và rượu sake. Khi công việc hoàn thành, các thành viên được tung lên không trung để ăn mừng, thể hiện bầu không khí hăng hái, phấn khởi khi tất cả mọi người cùng chia sẻ không khí đón chờ năm mới.
Vì sao Susuharai lại được tổ chức cố định vào ngày 13/12?
Trước đây người Nhật sử dụng lịch âm trong cuộc sống hàng ngày nên ngày 13/12 theo âm lịch là Kishukunichi (鬼宿日, ngày ma quỷ), được cho là ngày may mắn cho nhiều việc, ngoại trừ đám cưới. Ngay cả lâu đài Edo cũng dọn dẹp vào ngày này, sau đó thì lan rộng trong dân chúng.
Hoạt động dọn dẹp tại những nơi linh thiêng
Tại Manpukuji - ngôi chùa chính của phái Obaku ở Gokasho, thành phố Uji, tỉnh Kyoto, vào ngày Susuharai, khoảng 80 nhà sư và tình nguyện viên bắt đầu làm việc từ 8h30 sáng. Trong chính điện - nơi được chỉ định là di sản văn hóa quan trọng cấp quốc gia, các nhà sư mặc áo choàng samue trèo lên bức tượng lớn cao khoảng 2,5m của Đức Phật Shaka Nyorai và cẩn thận thổi bụi để tránh làm hư hại.
Mọi người dọn sạch bụi bẩn tích tụ trên các bức tượng Phật, trong từng khe ở hoa văn trong điện thờ để chuẩn bị chào đón mùa xuân.
Tại chùa Nishi Hongwanji ở Kyoto, mọi người làm sạch bụi khỏi chiếu tatami bằng cách đập chúng bằng gậy tre. Sau khi chiếu tatami được đập, những người dọn dẹp sẽ quạt bụi còn thừa bằng quạt uchiwa.
Hoạt động này cũng được thực hiện tượng tự ở các ngôi chùa, đền trên khắp xứ Phù Tang.
Mỗi nền văn hóa đều có những cách tận hưởng lễ hội cuối năm và đón mừng năm mới theo những cách đặc sắc khác nhau. Cùng xem người Nhật trải qua thời gian này như thế nào tại Chuyên đề Mùa cuối năm nhé.
Xem thêm: Phong tục đón năm mới của người Nhật
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận