Oniwaban: Đội điệp viên bí ẩn dưới thời Mạc phủ Tokugawa

    Mất đến 50 năm để kiến tạo nên quốc gia Nhật Bản thống nhất từ những cuộc giao tranh giữa các lãnh chúa, với sự cống hiến to lớn của 3 vị tướng quân huyền thoại: Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa leyasu. Do vậy, ngay khi Mạc phủ Tokugawa trở thành thế lực nắm quyền điều hành đất nước vào đầu thế kỷ 17, chính quyền Mạc phủ đã chú trọng đến việc gìn giữ, tránh cho đất nước bị chia cắt lần nữa. Với mục tiêu này, đội điệp viên mật đã được thành lập, họ cũng chính là những người định hình nên hình ảnh Ninja thời hiện đại. 

    Oniwaban là gì? 

    Oniwaban (御庭番) hay Niwaban (庭番) là nhóm điệp viên ngầm thuộc Chính quyền Mạc phủ, được thành lập bởi Tokugawa Yoshimune, Shogun thứ 8 của chế độ Mạc phủ Tokugawa. Họ nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Shogun (Tướng quân) và đảm trách các hoạt động tình báo bí mật. Thực tế, công việc thường xuyên hơn cả của Oniwaban là báo cáo mọi tin tức về Thành Edo với Shogun hoặc cải trang để điều tra và báo cáo tình hình trật tự, trị an ở các vùng nông thôn. 

    oniwaban nhật bản
    Oniwaban, đội điệp viên mật của chính quyền Mạc phủ Edo. Ảnh: tokyoweekender.com

    Nguồn gốc của Oniwaban 

    Một trong những chiến thuật mà Mạc phủ Tokugawa sử dụng để duy trì quyền lực của mình là yêu cầu các lãnh chúa phong kiến luân phiên thay đổi nơi cư trú giữa các phiên mà họ điều hành với Edo (Tokyo ngày nay). Quy định nghiêm khắc này buộc lãnh chúa phải xây dựng những dinh thự xa hoa ở cả hai nơi, khiến họ không còn quá nhiều tài sản để kích động các cuộc nổi loạn.

    Đồng thời, Mạc phủ Tokugawa cũng phát triển tuyến đường Tokaido (東海道), một trong năm tuyến đường quan trọng nối liền Kyoto với Edo thời xưa, và xây dựng rất nhiều trạm kiểm soát dọc đường nhằm đảm bảo không có bất kỳ đội quân hay nhóm vũ trang nào tiến về Edo. 

    chân dung Shogun Tokugawa Yoshimune
    Chân dung Shogun Tokugawa Yoshimune. Ảnh: tokyoweekender.com

    Trong nội bộ Mạc phủ, sau khi vị Shogun thứ bảy Tokugawa Ietsugu qua đời khi vừa lên 6 do biến chứng của cảm lạnh mà không có người kế vị, gia tộc Tokugawa đã lựa chọn Tướng quân thay thế từ ba nhánh của gia tộc. Sau cùng, Tokugawa Yoshimune (1684 – 1751) thuộc nhánh Kishu (tỉnh Wakayama và một phần tỉnh Mie ngày nay) đã trở thành Shogun đời thứ 8. 

    Được gọi đến Edo để trở thành người đứng đầu, Yoshimune hiểu rõ mình cần được giúp sức để có thể tồn tại, sống sót khỏi những thử thách khắc nghiệt trong giới chính trị Nhật lúc bấy giờ. Đó là lý do ông mang theo 20 thuộc hạ tin cậy nhất đến lâu đài Edo. Họ được giao nhiệm vụ canh gác theo từng phiên (番 – Ban) và sống trong các khu vườn (庭 – Niwa), nên mới được gọi là Oniwaban. Để dễ hình dung, Oniwaban tương tự như sự kết hợp giữa Cơ quan Mật vụ với Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của thời hiện đại. 

    Trở thành tai mắt của Shogun 

    Trên hình thức, công việc của Oniwaban là bảo vệ Thành Edo và những người sinh sống bên trong lâu đài, tuần tra các khu đất xung quanh, kiểm tra và để mắt đến từng thợ thủ công, nghệ sĩ hoặc thầy dạy võ được phép sống ở gần khu vực lâu đài. 

    lâu đài Edo thế kỷ 17
    Thành Edo ở thế kỷ 17. Ảnh: tokyoweekender.com

    Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của họ lại là thu thập thông tin tình báo và thực hiện các hoạt động bí mật cho Shogun. Mặc dù nghe qua, công việc này có vẻ khá hấp dẫn, nhưng thực tế những gì họ làm chủ yếu lại là truyền đạt tin tức, tin đồn xuất hiện xung quanh Edo và thỉnh thoảng ngụy trang để tham gia các cuộc thị sát của Mạc phủ, kiểm tra xem có lãnh chúa địa phương nào có ý định bạo loạn hay không. 

    Mỗi báo cáo của đội Oniwaban đều được viết rất cẩn thận, chỉn chu, được kiểm tra chéo giữa các thành viên để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Khi một Oniwaban phải đi làm nhiệm vụ bí mật, thì lý do vắng mặt của họ sẽ được ghi chép trong hồ sơ chính thức của lâu đài là nghỉ phép do đau ốm. Họ có vẻ giống với thám tử James Bond phiên bản phong kiến. Và chính Oniwaban là những người tạo ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến hình ảnh Ninja thời hiện đại. 

    Khi Oniwaban bị nhầm lẫn là Ninja 

    Trước khi Oniwaban được thành lập, Ninja lúc bấy giờ được biết đến là những sát thủ, chiến binh du kích và bậc thầy ngụy trang. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp ngoại lệ, Ninja không thật sự nổi tiếng về nhiệm vụ gián điệp của mình cho đến khi câu chuyện của họ bị nhầm lẫn với Oniwaban. Điều này một phần xuất phát từ việc Oniwaban tự xưng là "Iga-mono", đồng nghĩa với "Ninja của miền Iga". 

    Trước khi hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản và thành lập nên Mạc phủ Tokugawa, Tướng quân Ieyasu đã phải chạy trốn khỏi kẻ thù đến miền Iga vào những năm 80 của thế kỷ 16. Trên đường trốn thoát, ông nhận được sự giúp đỡ nồng hậu từ các Ninja miền Iga nên sau đó, Ieyasu đã thuê họ cùng thế hệ con cháu làm vệ sĩ riêng cho mình ở Thành Edo.

    Tuy nhiên, theo thời gian, những Iga-mono này đã ngừng các hoạt động của Ninja và tên gọi của họ trở thành một từ để chỉ lính canh ở lâu đài Edo. 

    mối quan hệ giữa Oniwaban và Ninja
    Oniwaban thường bị nhầm lẫn với Ninja. Ảnh: tokyoweekender.com

    Oniwaban thường lấy danh xưng Iga-mono để thuận lợi tiếp kiến Shogun, nhằm báo cáo các tin tình báo mật. Nhưng thực tế, họ hoàn toàn không liên quan gì đến miền Iga. Các biên kịch, họa sĩ và sau này là họa sĩ manga, anime chỉ chú trọng đến cái tên Iga-mono và rồi khiến cho sự khác biệt giữa Ninja với Oniwaban dần trở nên mờ nhạt.

    Thêm vào đó, sự nhầm lẫn này cũng bởi hoạt động của Oniwaban là cực kỳ bí mật. Họ có rất nhiều quy định nghiêm ngặt như cấm tương tác với dân thường, và hầu hết Oniwaban là hậu duệ của những vệ sĩ đầu tiên được Shogun Yoshimune đưa đến lâu đài Edo từ miền Kishu. Không một người ngoại đạo nào được tuyển vào hàng ngũ Oniwaban khiến cho họ đã kín tiếng lại càng chìm dần vào bóng tối hơn và khá giống với Ninja. 

    Chính vì sự bí ẩn này mà vào giữa thế kỷ 19, trong sự hỗn loạn của giai đoạn Mạc Mạt - Bakumatsu (những năm cuối cùng của thời Edo, khi chế độ Mạc phủ Tokugawa sắp sụp đổ), xuất hiện nhiều tin đồn rằng các Oniwaban đã được cử sang Hoa Kỳ để do thám phe đối lập và cả người Mỹ. 

    Oniwaban trong văn hóa đại chúng 

    Là một hình tượng mang đầy màu sắc bí ẩn, Oniwaban trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho các nhà làm phim, họa sĩ manga/ anime của xứ sở hoa anh đào. 

    Trong thế giới phim ảnh, đội điệp viên mật Oniwaban trở thành nhân vật chính trong loạt phim truyền hình “Oedo Sosamo” trên đài Tokyo TV từ năm 1970 đến năm 1992, hay “Shogun no Onmitsu! Kage Juuhachi” lên sóng trong năm 1996 trên đài Asahi TV, hoặc bộ phim Oniwaban (tựa Anh: Demon Spies) ra mắt năm 1974 .

    Oniwaban cũng xuất hiện trong loạt manga/anime "Ga-rei" được viết và minh họa bởi Hajime Segawa, "Gintama" của tác giả Hideaki Sorachi hay trong "One Piece", Oniwaban xuất hiện và làm việc dưới trướng Shogun Orochi. 

    phim Oniwaban năm 1974
    Poster phim Oniwaban (năm 1974). Ảnh: imdb.com

    Một số tác phẩm khác lại khai thác khía cạnh cuộc sống của Oniwaban sau khi chế độ Mạc phủ Tokugawa tan rã, chẳng hạn như trong loạt manga/anime Rurouni Kenshin xuất hiện nhóm Oniwaban thất nghiệp bao gồm Aoshi Shinomori, Beshimi, Hyottoko, Okina, Shikijou, Makimachi Misao. Và trong loạt anime Sailor Moon, tên nhân vật phản diện Oniwabandana cũng được lấy cảm hứng từ Oniwaban. 

    kilala.vn

    09/08/2022

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!