Nuôi dạy con kiểu Nhật: Tiền sẽ quyết định học lực và bằng cấp?
Nhiều cha mẹ cho rằng tiền sẽ quyết định học lực và bằng cấp
Để hiểu được tâm lý của cha mẹ đối với vấn đề giáo dục con cái của mình, công ty bảo hiểm Sony Life đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.000 người với nội dung là "Các cha mẹ suy nghĩ gì về việc chi tiêu tiền cho con?". Có 4 câu hỏi được đưa ra và câu trả lời là "Đồng ý" hoặc "Không đồng ý". Kết quả của cuộc khảo sát được công bố như sau:
- 65,5% người đồng ý "Học lực và bằng cấp được quyết định bằng số tiền đầu tư về giáo dục cho con".
- 63,8% người đồng ý "Thay vì để dành tiền dưỡng lão thì tôi sẽ để tiền đầu tư cho con đi học".
- 73% người đồng ý "Học trước chương trình hoặc chương trình giáo dục thần đồng là điều cần thiết cho tương lai của con".
- 44,2% người đồng ý "Muốn chi tiền cho con học ở các trường luyện thi hơn là học thể thao hoặc nghệ thuật".
Từ đó ta có thể thấy hầu hết cha mẹ ở Nhật sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho việc học hành của con cái, điều mong muốn duy nhất là con của mình có thể vào được những trường danh tiếng để có được một tương lai xán lạn. Và đây chính là biểu hiện của một xã hội coi trọng bằng cấp. Nhưng dường như nó không chỉ xảy ra ở Nhật mà là vấn đề chung của hầu hết các nước châu Á, nổi bật nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam.
Xã hội bằng cấp ở Nhật Bản vận hành như thế nào?
Theo suy nghĩ của phần đông người Nhật Bản, nếu bạn bước ra từ một trường đại học danh tiếng như đại học Tokyo, đại học Waseda,. thì chắc chắn bạn sẽ dễ dàng tìm được công việc ở một công ty tốt, có mức lương cao, phúc lợi ổn định và cũng dễ dàng thăng tiến trong công việc. Ngược lại, nếu lỡ "sa chân" vào một trường đại học thường thường hoặc không học đại học thì dù bạn là một người có năng lực cũng sẽ chẳng ai công nhận bạn.
Tóm lại, xã hội bằng cấp ở Nhật có nghĩa là việc bạn tốt nghiệp trường đại học nào thì nó sẽ quyết định cuộc sống của bạn. Nếu bạn vào được trường tốt có nghĩa là tương lai của bạn cũng sẽ tốt, cuộc sống viên mãn. Chính vì vậy mà nhiều cha mẹ Nhật cho con đi học thêm ở các trường luyện thi. Thậm chí, nhiều đứa nhỏ dù chỉ mới học mẫu giáo nhưng vẫn phải đi đến trường học thêm để có thể vào được trường tiểu học tốt. Điều này lại dẫn đến một vấn đề khác trong môi trường giáo dục Nhật Bản chính là "cuộc chiến thi cử".
Những "Cuộc chiến thi cử" tàn khốc
Ở Nhật, những đợt thi để vào các trường cấp 2, cấp 3 và đại học diễn ra như là một cuộc chiến thật sự. Giống với Việt Nam, Nhật Bản chỉ có một đợt thi chuyển cấp vào mỗi năm. Chính vì chỉ có một cơ hội mà mỗi học sinh luôn cố gắng hết sức để học hành, tham gia các lớp học thêm để luyện thi sau giờ học. Nhật Bản cũng có nhiều thí sinh tự do, được gọi là "Roninsei" (浪人性). "Ronin" (浪人 - lãng nhân) là cách gọi những samurai không chủ ngày xưa, ngày nay thì được dùng để gọi những thí sinh tự do. Có thể là vì trước đó họ không thi đại học hoặc thi rớt nên phải học trường dự bị (予備校 - yobikou) để chuẩn bị cho năm nay thi lại.
Việc thi cử ở Nhật thật sự rất khó. Để miêu tả mức độ khó của những bài thi thì người Nhật có 2 câu thành ngữ là 「四当五落」(Yontogoraku) và 「受験地獄」 (Juukenjigoku). "Yontogoraku" có nghĩa là mỗi ngày nếu chỉ ngủ 4 tiếng thì sẽ đậu đại học, còn nếu ngủ từ 5 tiếng trở lên thì sẽ thi rớt. Còn "Juukenjigoku" có nghĩ việc thi cử giống như là địa ngục.
Nếu trong nhà có một người đi thi thì cả nhà phải cùng nhau cố gắng. Dù muốn xem TV nhưng cũng kiềm chế để giữ không gian yên tĩnh cho con cháu mình tập trung học. Nếu con học bài đến khuya thì cũng phải chuẩn bị trước đồ ăn khuya. Hơn nữa, không được dùng những từ như "trượt" (すべる - suberu), "rớt" (落ちる - ochiru) khi nói chuyện với người sắp đi thi.
Tóm lại, từ việc coi trọng bằng cấp đến những cuộc chiến thi cử cũng cho chúng ta thấy được môi trường giáo dục ở Nhật Bản rất khắc nghiệt. Nó không chỉ tạo áp lực cho mỗi học sinh mà còn tạo áp lực cho chính cha mẹ. Dù hiện nay, nhiều người đã có tư tưởng thoáng hơn, nhưng những cái đã ăn sâu bén rễ thì khó có thể thay đổi một sớm một chiều.
kilala.vn
21/04/2020
Bài: Quin
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận