Bài học đơn giản trong "Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản" tập 1, 2
Yêu thương và thừa nhận-bài học giản dị về nuôi dạy con trong “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản”
Những điều mà tác giả, bác sĩ tâm lí kiêm chuyên gia tư vấn giáo dục Akehashi Daiji viết trong cuốn sách hết sức giản dị, và tràn đầy tình yêu thương, như một kim chỉ nam dẫn đường cho cha mẹ trong cách ứng xử hàng ngày với con cái. Bí quyết “yêu thương và thừa nhận” chính là chìa khóa giúp nuôi dưỡng những đứa trở nên trẻ tự tin, tự lập và hạnh phúc.
Hãy ngủ cùng con, hãy ôm ấp con thật nhiều, đặc biệt là ở giai đoạn trẻ còn nhỏ. Rất nhiều bà mẹ trẻ có quan niệm sai lầm rằng cho con ngủ riêng từ sớm thì con sẽ tự lập, hay cứ ôm ấp nhiều sẽ tạo thói quen xấu là con thích bế và nhõng nhẽo. Lời khuyên và sự giải thích thấu đáo của tác giả đã cởi bỏ cho cha mẹ rất nhiều hiểu lầm này. Giống như hình ảnh em bé được bú no thì sẽ vui vẻ chơi một mình, sự tự lập chỉ đến khi trẻ đã được thỏa mãn đầy đủ tình yêu thương, cảm xúc khẳng định bản thân, mình là người quan trọng với ba mẹ được nuôi dưỡng khỏe mạnh và vững chắc rồi, trẻ sẽ tự tin và tự chủ trong giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa những những điều này rất gần gũi với quan niệm giáo dục gia đình của người Việt chúng ta cũng như người Á đông nói chung, đó là sợi dây gắn kết tình mẫu tử bền chặt cần được nuôi dưỡng ngay từ khi con mới lọt lòng, chính yếu tố ôm ấp gần gũi sẽ nuôi dưỡng con tự tin và biết khẳng định bản thân mình.
Nhiệm vụ quan trọng trong quá trình nuôi dạy con trẻ ứng với từng giai đoạn: 0-3 tuổi là giai đoạn hình thành việc khẳng định bản thân, 4-6 tuổi là uốn nắn nhân cách thói quen trong sinh hoạt, và từ 7 tuổi trở đi mới là học tập. Có thể ngày nay do ảnh hưởng của trào lưu giáo dục sớm, rất nhiều ba mẹ chr chú trọng đến việc nhồi nhét kiến thức, cho con học các môn nghệ thuật, phát triển trí tuệ từ sớm mà quên mất điều quan trọng ở giai đoạn dưới 3 tuổi là nuôi dưỡng cảm xúc khẳng định bản thân-sự tự tin thông qua việc ôm ấp và thừa nhận những mong muốn của trẻ, nuôi dưỡng cảm giác bình an thông qua thói quen sinh hoạt nhịp nhàng có quy tắc. Giai đoạn 0-3 tuổi là nền móng cơ bản hình thành nên nhân cách của một con người, nên nếu nền móng có vững chắc thìtương lai tòa nhà đó có xây bao nhiêu tầng lên cao cũng không sợ sụt lún.
Trong cách ứng xử với con cái hãy lắng nghe câu chuyện con kể, lời con nói; hãy thừa nhận “Con đã rất chăm chỉ” thay vì câu “Con phải chăm chỉ lên”; hãy nói nhiều với con câu “Cảm ơn con” mỗi ngày; hãy cứ chiều chuộng về mặt tình cảm đến năm con 10 tuổi. Và đừng quên điều quan trọng này “Con cái không phải là vật sở hữu của cha mẹ”, “chiều chuộng không phải là nuông chiều về mặt vật chất”, “0-6 tuổi không phải là giai đoạn nhồi nhét kiến thức”, và cần giác ngộ rằng “Nuôi dạy con không bao giờ là đúng như mình mong muốn”. Có bao nhiêu cha mẹ Việt Nam có thói quen nói cảm ơn con, thừa nhận sự cố gắng của con như một thói quen trong cách ứng xử? Có bao nhiêu cha mẹ thấu hiểu rằng “Con cái có cuộc đời riêng của mình chứ không phải là vật sở hữu của cha mẹ, vì thế đừng can thiệp quá sâu và áp đặt suy nghĩ của bản thân lên cuộc đời con”. Những lời khuyên của tác giả chắc chắn sẽ giúp ích cho cha mẹ Việt Nam rất nhiều để khắc phục những sai lầm mình đang mắc phải.
Còn một yếu tố không nhỏ nữa góp phần làm nên sự yêu thích của độc giả dành cho cuốn sách đó là tác giả đã viết cả về chính những kinh nghiệm và cả những sai lầm của bản trong quá trình nuôi dạy con. Chính vì thấu hiểu sự bận rộn của những ông bố bà mẹ trong giai đoạn nuôi dạy con còn nhỏ này, sẽ không có nhiều thời gian để đọc những cuốn sách dày đặc chữ. Nên, tác giả đã dùng hình thức truyện tranh để minh họa cho những lời khuyên làm cho cuốn sách vừa dễ hiểu, sinh động, vừa tiết kiệm được thời gian cho chính độc giả.
Bộ sách “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” gồm 4 cuốn, Nhà xuất bản Phụ Nữ đã mua bản quyền và phát hành cuốn đầu tiên từ 3 năm trước, trong tháng 3 năm 2016 này sẽ phát hành thêm cuốn tập 2 tiếp theo.
1. Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản - tập 1
Trong cuốn sách đầu tiên tác giả nói về tầm quan trọng của nhu cầu ôm ấp về mặt tình cảm của con trẻ, những thói quen ứng xử của cha mẹ với con cái trong cuộc sống hàng ngày ra sao để nuôi dưỡng những em bé vui tươi, hạnh phúc. Làm thế nào để vượt qua thời kỳ phản kháng của con một cách hiệu quả. Những nội dung đáng chú ý nhất trong cuốn sách đầu tiên này chính là:
- Ôm ấp con không có nghĩa là làm con hư.
- Hãy yêu thương, chiều chuộng con đến năm 10 tuổi, nhưng không nên nuông chiều đòi gì cho nấy
- Hãy lắng nghe con nói và gật gù “đúng rồi” và lặp lại lời con vừa kể tỏ ý tán thành, đồng cảm; đừng nói nhiều hơn thời gian con nói.
- Thừa nhận “Con đã rất cố gắng”,
- Thường xuyên nói câu “Cảm ơn con”, “Bố mẹ rất vui vì con đã giúp đỡ”
- Phản kháng rồi lại nũng nịu lặp đi lặp lại là giai đoạn mà bất kỳ trẻ nào cũng phải đi qua để lớn lên.
- Khi mắng trẻ hãy nói về hành động trẻ làm, đừng dùng từ phủ định bản thân trẻ
2. Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản - tập 2
Tập đầu tiên ra đời nhận được sự quan tâm rất lớn, cùng một lượng thư và câu hỏi khổng lồ của các bậc cha mẹ về những khúc mắc vàcác tình huống khó khăn trong việc nuôi dạy con. Tác giả đã viết tiếp tập 2 dưới dạng câu hỏi và trả lời, xoay quanh chính những nội dung thư hỏi của cha mẹ.
- Giai đoạn 0-3 tuổi điều quan trọng nhất chính là nuôi dưỡng cảm xúc khẳng định bản thân “Bản thân mình tồn tại là một điều quan trọng”. Muốn nuôi dưỡng cảm xúc nền tảng này cho trẻ, cha mẹ hãy thừa nhận cảm xúc khi trẻ muốn chứng tỏ bản thân ở giai đoạn 1 tuổi trở đi, như trẻ muốn tự làm hãy để trẻ làm, trẻ phản kháng hãy thừa nhận cá tính của trẻ chứ đừng nên quát mắng hay phủ định cá tính của trẻ.
- Chỉ khi trẻ được thỏa mãn đầy đủ nhu cầu ôm ấp yêu thương, trẻ sẽ cảm nhận được “mình là người quan trọng với cha mẹ”, khi ấy cảm xúc khẳng định bản thân đủ lớn thì tự khắc việc uốn nắn sẽ hình thành một cách tự nhiên vào giai đoạn 4-6 tuổi.
- Muốn trẻ cố gắng và có hứng thú, động lực hành động: hãy nói nhiều hơn câu “Cảm ở con”, “Con đã giúp bố mẹ nhiều lắm”, hay “Bố mẹ vui lắm”, hãy luôn thừa nhận sự cố gắng của trẻ “Con đã rất cố gắng”, thay vì luôn miệng nói “Con phải cố gắng lên”.
- Muốn trẻ tự lập hãy trao cho trẻ quyền tự chủ, tự quyết.
- Ông bà hãy tôn trọng cách nuôi dạy con cái của con mình, tích cực khen ngợi và cổ vũ những việc làm cụ thể và sự cố gắng của con.
Hi vọng rằng những giải đáp thắc mắc trong 2 cuốn sách này sẽ giúp cha mẹ đang vật lộn với cuộc chiến nuôi dạy con có được sự tự tin và vững bước nuôi con hạnh phúc.
Sách phát hành tại các nhà sách ngày 16/3 tại Hà Nội và 20/3 trên toàn quốc.
Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn
18/03/2016
Bài: Nguyễn Thị Thu
Đăng nhập tài khoản để bình luận