Nước Nhật đã bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống như thế nào?
Các nghề thủ công trải qua hàng thế kỉ hình thành và phát triển được xem là biểu tượng và niềm tự hào của đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống tốt đẹp này đang ngày càng mai một vì phải đối mặt với vô vàn thách thức.
Nghề thủ công sau thời Edo
Khi thời Edo (1603-1868) qua đi nhường chỗ cho thời kì Minh Trị (1868-1912), nước Nhật bắt đầu bước vào kỉ nguyên đổi mới nhanh chóng, toàn diện. Sự du nhập của văn hóa Tây phương và sản xuất công nghiệp đã kéo theo những thay đổi đáng kể đối với nghệ thuật và thủ công truyền thống của đất nước mặt trời mọc.
Lúc bấy giờ, các nghệ nhân địa phương đã không còn nhận được sự bảo trợ như từng có từ các daimyo (lãnh chúa). Mặt khác, sản xuất công nghiệp hiện đại cũng như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đã đẩy nghề thủ công ra khỏi nền kinh tế. Kể từ đó, nghề thủ công truyền thống ở một số địa phương dần trở nên suy yếu.
Sau Thế chiến II, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số chương trình và chính sách để bảo vệ và tạo điều kiện cho các thợ thủ công (shokunin) nhằm phục hồi và phát triển các làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay công cuộc này vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn.
Những thách thức hiện nay
Không có người kế thừa
Cuộc khủng hoảng “già hóa dân số” trong nhiều thập kỉ qua đã tác động lên mọi mặt của xã hội Nhật Bản. Với ngành thủ công truyền thống, trong khi hầu hết những người thợ thủ công thế hệ trước đã bước qua độ tuổi thất tuần, thì thế hệ kế cận ngày càng ít dần.
Điều này là do công việc của một thợ thủ công đòi hỏi mức độ chuyên tâm và tỉ mỉ cao, phải mất nhiều thời gian học nghề và rèn luyện mới có thể đạt đến trình độ nghệ nhân, nhưng lại không đảm bảo về thu nhập.
Vì vậy, nhiều người trẻ dù có hứng thú với các nghề thủ công thì cũng không xem nó như nghề nghiệp để mưu sinh mà theo đuổi dài lâu. Theo thời gian, nếu không có cá nhân nào kế tục, các kĩ thuật truyền thống sẽ rơi vào quên lãng và mai một dần khi những người thợ thủ công già nghỉ hưu.
Thiếu môi trường làm việc ổn định
Như đã nói, dù công việc có độ khó cao, tiêu tốn nhiều thời gian nhưng các thợ thủ công không có thu nhập ổn định. Họ không được trả mức lương tương xứng với công sức đã bỏ ra.
Các mặt hàng thủ công mĩ nghệ rất khó để cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt có giá thành rẻ. Vì vậy, không dễ để những người thợ mưu sinh bằng nghề thủ công.
Việc không có các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ phân phối sản phẩm, cung cấp thu nhập ổn định và bảo hiểm xã hội cho những người thợ để họ an tâm làm nghề sẽ tiếp tục ngăn cản thế hệ sau tiếp nối các nghề thủ công truyền thống.
Thiếu nguyên liệu
Nguyên liệu thô trong nước đang bị lấn át bởi nguyên liệu nhập từ nước ngoài vì có giá thành quá đắt. Ngoài ra, do sự biến đổi của tự nhiên, một số nguồn nguyên vật liệu thiết yếu để tạo ra các sản phẩm thủ công đã và đang cạn kiệt dần.
Bảo tồn và phát triển nghề thủ công
Trước nguy cơ suy tàn của các nghề thủ công truyền thống, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ những người thợ thủ công.
Dưới thời Minh Trị vào năm 1890, chính quyền đã thành lập hệ thống “Nghệ nhân Hoàng gia - Teishitsu Gigei-in” (帝室技芸員) bao gồm những nghệ nhân được Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản trao trọng trách tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cho Cung điện Hoàng gia Tokyo và các dinh thự khác của hoàng gia.
Chương trình được tạo ra nhằm thúc đẩy nghệ thuật Nhật Bản, truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ mới và bảo tồn các kĩ thuật truyền thống. Từ năm 1890 đến năm 1944, 79 cá nhân đã được bổ nhiệm vào hệ thống, được bảo trợ và cung cấp một số quyền lợi.
Nghệ nhân thuộc Teishitsu Gigei-in đều nổi tiếng và có uy tín nhất trong các lĩnh vực như hội họa, gốm sứ, sơn mài...
Sau khi Thế chiến II kết thúc, nước Nhật bị tàn phá nặng nề và nghề thủ công cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào năm 1950, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo vệ tài sản văn hóa, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo tồn các kĩ năng thủ công cụ thể. Đến năm 1954, luật được điều chỉnh bổ sung nhằm công nhận các cá nhân và nhóm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các nghề thủ công.
Những cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản chứng nhận là "người bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng" dựa trên Luật Bảo vệ tài sản văn hóa của Nhật Bản* sẽ được gọi bằng danh xưng “Bảo vật Quốc gia sống – Ningen Kokuhou” (人間国宝) và được hưởng trợ cấp 2 triệu yên/năm.
*Thuật ngữ “Bảo vật Quốc gia sống” không được đề cập chính thức trong luật.
Những “Bảo vật Quốc gia sống” đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các kĩ thuật, tính thẩm mĩ và ý nghĩa văn hóa của các nghệ thuật truyền thống.
Thông qua sự tận tụy và tuân thủ các phương pháp cổ xưa một cách tuyệt đối, họ đảm bảo rằng các kĩ năng lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ, duy trì tính liên tục của các hoạt động văn hóa vô giá này. Nỗ lực bảo tồn đó còn bao gồm cả các yếu tố vô hình, chẳng hạn như triết lí cơ bản, nghi lễ và bối cảnh lịch sử được “thổi” vào từng sáng tạo nghệ thuật.
Ngoài ra, năm 1971, chính quyền Nhật Bản đã ban hành Luật Khuyến khích các ngành thủ công truyền thống để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển các kĩ thuật thủ công được lưu truyền từ thời xa xưa. Trên cơ sở này, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp sẽ chỉ định các nghề thủ công truyền thống.
Tính đến ngày 26/10/2023, đã có 241 nghề thủ công tại Nhật được chỉ định theo luật này.
Ở cấp địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng có chính sách công nhận và bảo vệ nghề thủ công của địa phương mình, thuộc hệ thống meibutsu (名物) hay meisan (名産), hiểu nôm na là đặc sản/ sản vật.
Ngoài ra, thông qua hoạt động phát triển du lịch, sản phẩm và nghề thủ công của các vùng cũng được quảng bá rộng rãi tới bạn bè trong và ngoài nước.
Hiện nay các lớp học làm đồ thủ công ngắn hạn hoặc gói du lịch kết hợp tìm hiểu văn hóa địa phương bao gồm nghề thủ công truyền thống khá phổ biến và đặc biệt thu hút đối với du khách phương Tây.
Sự tồn tại và phát triển bền vững của một số nghề sản xuất đồ thủ công tại Nhật Bản còn nhờ vào việc nó gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc, chẳng hạn như gốm sứ với nghệ thuật Trà đạo, nghệ thuật Ikebana, nghề rèn kiếm gắn với các môn võ thuật.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận