Nồi cơm điện Nhật Bản – cứu tinh cho việc nội trợ

    Từ bao thế kỷ, gạo đã là lương thực chính trong bữa ăn hằng ngày của người dân đất nước mặt trời mọc. Có lẽ chính vì tình yêu với hạt gạo mà người Nhật đã phát minh ra nồi cơm điện, giúp việc tạo ra những hạt cơm dẻo thơm trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Là món đồ thiết yếu có mặt trong hầu hết gia đình tại Nhật và ở nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng nồi cơm điện chỉ mới xuất trong vài thập kỷ trở lại đây. Làm thế nào thiết bị nhà bếp tiện lợi này được ra đời và yêu thích đến vậy?

    nồi cơm điện
    Nồi cơm điện - vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình. Ảnh: Unseen Japan

    Lịch sử của nồi cơm điện

    Trước khi nồi cơm điện ra đời với những lợi ích tuyệt vời, người Nhật nấu cơm trên một bếp lò lớn gọi là kamado.

    Nấu cơm bằng kamado là một quá trình dài và mệt mỏi. Hương vị và chất lượng của cơm phụ thuộc vào nhiệt độ, lượng nước và đòi hỏi người nấu phải theo dõi liên tục, tất cả đều bằng thủ công. Chính vì vậy, phải mất rất lâu mới có thể nấu ra một nồi cơm. Để chuẩn bị cho bữa tối, người ta thường phải bắt đầu nấu cơm từ sáng sớm, nhưng đôi khi cơm nấu ra không được như mong muốn.

    bếp lò kamado

    Bếp lò kamado. Ảnh: Good Living

    Chiếc nồi cơm điện Nhật ra đời sớm nhất vào năm 1923. Khi đó, công ty Mitsubishi Electric ra mắt mẫu nồi cơm điện công nghiệp đơn giản đầu tiên của họ. Mười năm sau đó, chiếc nồi này được sử dụng trên những con tàu chiến của Nhật, nhưng cho đến lúc này vẫn chưa có sự xuất hiện của loại nồi gia dụng.

    nồi gỗ mitsubishi

    Mẫu nồi do Mistubishi tạo ra. Ảnh: Theappliancesreviews.

    Nồi cơm điện và những nỗ lực thất bại

    Có thể nói, nồi cơm điện Nhật Bản phát triển từ những thử nghiệm và sai sót. Thời hậu chiến, ở Nhật có một công ty sửa chữa vô tuyến (sau này là Sony) đã quyết tâm mở rộng hoạt động kinh doanh khi cho ra mắt dòng sản phẩm mới – nồi cơm điện.

    Năm 1945, họ dự định cho ra mắt mẫu nồi cơm điện của mình, một chiếc nồi bằng gỗ thô sơ với những sợi đốt bằng nhôm, nhưng tiếc rằng nó không thể cho ra một bát cơm ngon. Cuối cùng họ đành phải quay trở lại với việc sửa chữa radio mà không giới thiệu mẫu nồi của mình ra thị trường.

    [subscribe]

    Quá trình tự động hóa

    Sau đó vài năm, Toshiba, một công ty điện tử nổi tiếng cho ra đời chiếc nồi cơm điện tự động đầu tiên. Shogo Yamada, nhân viên bán hàng của Toshiba khi tiếp thị những thiết bị gia dụng mới đã phỏng vấn những bà nội trợ Nhật về công việc nội trợ, đa số họ nói rằng nấu cơm là việc khó khăn nhất.

    Trung bình, họ phải nấu cơm ba lần một ngày, thường là bằng kamado. Và các nồi cơm điện hiện có không tự động mà vẫn cần có người giám sát. Sự khác biệt thực sự duy nhất của những chiếc nồi này với kamado là kích thước. 

    Đúng lúc ấy, kỹ sư Yoshitada Minami đã tìm đến Yamada để xin việc. Yamada đã tin tưởng giao cho Minami nhiệm vụ phát triển một chiếc nồi cơm điện tự động. Mặc dù nắm vững kỹ thuật, Minami không biết làm thế nào để nấu được cơm ngon (vì nấu cơm vốn là nhiệm vụ của phụ nữ lúc bấy giờ), nên anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của vợ là Fumiko.

    ông yoshitada minami và vợ
    Ông Yoshitada Minami và vợ. Ảnh: NHK

    Cách mạng hóa nồi cơm điện – sự góp sức của một phụ nữ nội trợ

    Để nấu cơm đúng cách, người ta phải kiểm soát thời gian, nhiệt độ và lượng nước trong nồi. Nhưng tất cả các biến số này sẽ khác nhau theo mùa và vị trí địa lý (nếu ở môi trường lạnh, cần thời gian nấu cơm lâu hơn). 

    Nhiệm vụ của Fumiko là thu thập dữ liệu bằng cách nấu cơm ở nhiều nơi, nhiều tình huống khác nhau và đo nhiệt độ nước bằng nhiệt kế trong quá trình nấu. Sau thời gian dài thử nghiệm vất vả, kết quả cho thấy không thể nấu được cơm ngon trong thời tiết lạnh giá.

    Họ chợt nhớ đến phương pháp nấu cơm từ Hokkaido (nơi có khí hậu lạnh), phủ thiếc lên nồi để giữ nhiệt. Minami nghĩ đến việc chế tạo một chiếc nồi cách nhiệt tương tự. Trong khi đó, Yamada nhờ các kỹ sư của Toshiba nghiên cứu về các lưỡng kim mà họ có thể sử dụng để tạo ra một bộ chuyển đổi nhiệt.

    Sau cùng Minami đã cho ra một chiếc nồi có cấu trúc ba lớp với một thanh lưỡng kim có thể tự động bật nồi cơm điện khi nhiệt độ vượt quá 100℃. Họ tiến hành nấu cơm bằng chiếc nồi này ở nhiệt độ âm 10℃ trong 30 phút. Kết quả - một nồi cơm ngon hoàn hảo! 

    Cuối cùng, nồi cơm điện tự động đầu tiên đã ra đời. Năm 1955, Toshiba bắt đầu tung ra thị trường sản phẩm này.

    poster của toshiba
    Poster quảng cáo chiếc nồi cơm điện đầu tiên của Toshiba. Ảnh: Saori Kajiwara

    Nồi cơm điện Nhật Bản, sự phát triển kỳ diệu của công nghệ

    Bước ngoặt của Toshiba đã tạo nên một cuộc chạy đua giữa các công ty nhằm chế tạo những nồi cơm điện “xịn xò” hơn nữa. Chẳng mấy chốc, những chiếc nồi tự động đã có mặt trong các gia đình Nhật. 

    Thập niên 60, gần như mọi hộ gia đình đều có một chiếc nồi cơm điện, thậm chí họ còn muốn giới thiệu chúng đến thế giới.  Nồi cơm điện Nhật Bản đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Á, nơi gạo là lương thực chính. 

    Khi công nghệ phát triển hơn, các công ty đã tung ra thị trường những phiên bản mới với nhiều chức năng cải tiến bao gồm ứng dụng siêu máy vi tính, hệ thống fuzzy logic, cảm ứng nhiệt.

    Các kiểu nồi cơm điện Nhật phổ biến nhất hiện nay 

    Ngày nay nồi cơm điện trở thành món đồ gia dụng thiết yếu trong mỗi gia đình. Nhờ vào nỗ lực thử nghiệm và sáng tạo không ngừng của người Nhật, giờ đây nấu cơm không còn là công việc khó khăn vất vả, tất cả đều được tự động hóa.

    Qua thời gian, cùng với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, nồi cơm điện cũng ngày càng đa dạng về mẫu mã cũng như tính năng, đáp ứng mọi nhu cầu của con người. 
    Hiện nay có rất nhiều công ty đến từ các quốc gia khác nhau tham gia vào lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện, nhưng nồi cơm điện Nhật Bản vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng trên thị trường, khẳng định giá trị thương hiệu Nhật.

    Cùng tìm hiểu qua các kiểu nồi cơm điện Nhật phổ biến hiện nay nhé!

    • Nồi tiêu chuẩn: là dòng đơn giản nhất, sử dụng bộ điều chỉnh nhiệt bằng lò xo và từ tính để dừng nấu vào thời điểm thích hợp bằng cách đo nhiệt độ (thường không tự tắt, thay vào đó sẽ chuyển sang chế độ giữ ấm sau khi nấu). Chúng bao gồm một nồi chống dính, một nồi bên ngoài để giữ nồi chống dính, mâm nhiệt và mạch điện.
    • Nồi điện tử: là loại nồi thông dụng nhất tại Nhật hiện nay, bao gồm tất cả các chức năng cơ bản của nồi tiêu chuẩn, được tích hợp thêm bộ hẹn giờ và nhiều chế độ nấu khác. Một số mẫu còn có chức năng nấu riêng cho từng loại gạo (gạo trắng, gạo nâu, gạo làm sushi.)
    các chế độ nấu
    Các chế độ nấu đa dạng của nồi cơm điện. Ảnh: Useful
    • Nồi fuzzy logic: một phiên bản xịn hơn của nồi cơm điện Nhật, gồm một máy tính siêu nhỏ có thể phát hiện sự thay đổi nhiệt độ và thậm chí có thể bù lượng nước không chính xác, đảm bảo cho ra một bát cơm ngon, không khó sử dụng với người mới nhưng có giá đắt hơn vì các chức năng trên.
    • Nồi gia nhiệt cảm ứng: là loại tân tiến nhất, sử dụng lực ma sát từ trường để làm nóng toàn bộ lòng nồi bên trong (khác với nồi cơm điện cơ bản chỉ dẫn nhiệt từ đáy), cho ra mẻ cơm chín đều hơn.
    • Nồi áp suất: Về mặt kỹ thuật, nồi áp suất không phải là nồi cơm điện, nhưng có thể sử dụng thay thế nồi cơm điện vì nấu được cả cơm và các thực phẩm khác. Kết hợp giữa nhiệt và áp suất, giữ hơi nước nấu lên cao hơn so với nồi cơm điện cơ bản, nhờ đó thời gian nấu nhanh hơn. 

    Xem thêm: Những phát minh của người Nhật khiến thay đổi thế giới (P.1)

    Gợi ý một số nồi cơm điện Nhật chất lượng đáng mua

    [shop id="40" style="twocolumn" order="hide"]
    [shop id="44" style="twocolumn" order="hide"]
    [shop id="45" style="twocolumn" order="hide"]
    Xem thêm: Nồi cơm điện thông minh tự cắt giảm 20% lượng đường trong cơm
    kilala.vn

    02/08/2022

    Bài: Bình Dương
    Nguồn: Unseen Japan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!