Nio – Tượng hộ mệnh linh thiêng bảo vệ cổng chùa
Những bức tượng hộ mệnh là một hình ảnh quen thuộc ở lối vào của các ngôi chùa Phật giáo ở Đông Á, nhưng mỗi quốc gia sẽ có tên gọi khác nhau và ở Nhật Bản bức tượng này được gọi là Nio.
Tượng Nio là gì?
"Nio - 仁王" (Nhân Vương) là những bức tượng thần hộ mệnh, có thể được nhìn thấy tại các ngôi chùa Phật giáo. Tên chính thức của Nio là "Shukongoshin - 執金剛神" (Chấp Kim Cang Thần, tạm dịch “những vị thần sử dụng Vajra”) hay có tên gọi khác là "Kongo rikishi - 金剛力士" (Kim Cang Lực Sĩ). Ban đầu, chỉ có một vị thần có trách nhiệm bảo vệ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng theo thời gian, thần tách ra làm hai là: Guhyapada (Misshaku Kongo trong tiếng Nhật, tức Mật Tích Kim Cang) và Narayaṇa (tiếng Nhật: Naraen Kongo, tức Na La Diên Kim Cang).
Hai bức tượng thần với gương mặt hung dữ, thường đặt ở hai bên cổng chùa để biểu thị rằng họ là những người bảo vệ nơi Đức Phật được tôn thờ. Một tay của tượng cầm một vũ khí cổ xưa được gọi là Vajra dùng để chống lại cái ác. Thần Nio mặc một chiếc váy dài được gọi là “Mo”, họ để trần phần thân cơ bắp, để lộ vùng bụng căng và những đường gân nổi lên, một dấu hiệu cho thấy đang sử dụng toàn bộ sức lực của mình. Truyền thuyết kể rằng thần có thể điều khiển sấm sét.
Thần hộ mệnh há miệng gọi là Agyo và thần ngậm miệng gọi là Ungyo. Âm a - अ đại diện cho âm đầu tiên trong tiếng Phạn, trong khi un (hay ɦūṃ - हूँ) đại diện cho âm cuối. Người ta nói rằng cặp đôi này chi phối sự sinh và diệt của vạn vật, hay nói cách khác họ là những vị thần toàn giác (thông suốt mọi việc, hiểu biết mọi mặt).
Thông thường Agyo đứng ở bên phải và Ungyo ở bên trái, nhưng tại một số ngôi chùa, chẳng hạn như Todaiji ở Nara và Zenkoji ở Nagano, thì có sự sắp xếp ngược lại.
Gắn bó với cuộc sống người Nhật xưa
Theo nhà sử học Nhật Bản Ichisaka Taro viết trong cuốn sách Nio năm 2009, hình ảnh mạnh mẽ của những bức tượng này phù hợp với các gia tộc Samurai đang trỗi dậy ở Kamakura. Đặc biệt đối với những người thường xuyên tham gia vào những trận chiến thì hình ảnh mạnh mẽ của thần được xem như biểu tượng của sức mạnh và sự cứu rỗi.
Từ thời Edo (1603 – 1868) trở đi, việc thờ cúng Nio với hình thể cường tráng được cho là sẽ mang lại sức khỏe tốt và đôi chân rắn chắc, vì vậy tượng trở nên phổ biến trong dân chúng.
Đặc biệt, ở hai bên cổng Niomon của chùa Hyakusaiji, tỉnh Shiga có treo một đôi dép rơm khổng lồ, tương truyền đây là dép của Nio. Ban đầu đôi dép dài khoảng 50cm, nhưng khi ngày càng nhiều người tìm đến để chạm vào đôi dép để cầu nguyện thì chùa quyết định làm thành phiên bản lớn hơn. Mỗi đôi mới sẽ được dệt lại sau 10 năm.
Thời kỳ Edo cũng là thời điểm dịch bệnh sởi và đậu mùa cướp đi sinh mạng của nhiều người. Người ta tin rằng nếu một đứa trẻ đi qua giữa hai chân của Nio thì các triệu chứng của chúng sẽ thuyên giảm. Nghi lễ này được gọi là Matakuguri và được kéo dài đến tận ngày nay trên khắp Nhật Bản để cầu mong sức khỏe và sự phát triển tốt cho một đứa trẻ.
Chính vì thế, dù mang vẻ ngoài hung dữ nhưng đối với người Nhật, Nio không phải là một vị thần đáng sợ, mà là một bức tượng Phật giáo mà họ cảm thấy ấm áp và gần gũi.
kilala.vn
07/05/2023
Nguồn: Nippon
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận