Những miền giàu có nhất Nhật Bản trong thời Edo
Trong thời kỳ Edo (1603-1858), khi Mạc phủ Tokugawa nắm quyền kiểm soát Nhật Bản, có hàng trăm lãnh địa được cai trị bởi các daimyo (lãnh chúa) là những chư hầu của shogun - người đứng đầu Mạc phủ.
Lúc bấy giờ, để đo lường năng suất và quy mô kinh tế của mỗi lãnh địa, nước Nhật sử dụng một đơn vị gọi là “koku” (石/thạch), tương đương với khoảng 180 lít gạo, hoặc 300.000 yên theo quy đổi giá ngày nay (theo tính toán trong quyển “Edo no kakeibo”, do Isoda Michifumi biên tập).
“Kokudaka” (石高), hay tổng koku do một miền sản xuất, không nhất thiết chỉ đến từ gạo mà còn bao gồm thu nhập từ các hàng hóa địa phương khác, chẳng hạn như hải sản hoặc sản phẩm công nghiệp.
Ngoài ra, lãnh chúa được chia thành ba cấp bậc, bao gồm Shinhan (親藩), Fudai (譜代) và Tozama (外様), tùy vào mối quan hệ của họ với Mạc phủ Tokugawa. Trong đó, Shinhan đề cập đến gia tộc Tokugawa, tức là gia đình và họ hàng của Ieyasu – shogun đầu tiên; Fudai đề cập đến những gia tộc được phong làm daimyo từ các chư hầu phục vụ Ieyasu lâu đời; Tozama là những lãnh chúa chỉ phục tùng Ieyasu sau khi ông giành được quyền kiểm soát đất nước trong trận Sekigahara năm 1600, hoặc trước đó không lâu.
1. Gia tộc Maeda, miền Kaga (Tozama): 1,03 triệu koku (307,5 tỷ yên)
Gia tộc Maeda cai trị khu vực ngày nay là tỉnh Ishikawa. Lãnh chúa Maeda Toshiie xây dựng lãnh thổ phục vụ dưới quyền của Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi. Sau này con trai của ông là Toshinaga kế vị và trở thành chư hầu của Ieyasu, thành lập miền “Kaga Hyakumangoku” (trong đó hyakumangoku nghĩa là trăm vạn koku), miền lớn nhất của nước Nhật trong suốt thời kỳ Edo.
Thị trấn lâu đài Kanazawa của miền đã phát triển thành một trung tâm giao thông vận tải với các bến cảng cho tuyến đường vận chuyển Kitamaebune và các thương nhân giàu có đã hỗ trợ tài chính cho gia tộc. Tuy nhiên, từ thế kỷ 18 trở đi, tình hình kinh tế trở nên suy thoái, mở đầu cho một thời kỳ bất ổn.
2. Gia tộc Shimazu, miền Satsuma (Tozama): 729.000 koku (217,8 tỷ yên)
Trong trận chiến Sekigahara, gia tộc Shimazu thuộc bên bại trận nhưng được phép giữ lại lãnh thổ Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima) sau khi quy phục Ieyasu. Gia tộc Shimazu đã giành được quyền kiểm soát đối với Vương quốc Lưu Cầu trong hầu hết thời kỳ Edo, hưởng lợi từ hoạt động buôn bán đường béo bở của quần đảo này.
Trong những năm cuối của thời kỳ Edo, miền Satsuma đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo như Saigo Takamori và Okubo Toshimichi, những người sau này trở thành nhân vật trung tâm trong chính phủ mới sau cuộc Duy Tân Minh Trị.
3. Gia tộc Date, miền Sendai (Tozama): 626.000 koku (187,8 tỷ yên)
Người sáng lập miền Sendai (ngày nay thuộc tỉnh Miyagi) là Date Masamune, lãnh chúa thường được biết đến với biệt danh “độc nhãn long”. Sự giàu có của khu vực này bắt nguồn từ ngư trường phong phú và đất nông nghiệp màu mỡ do sông Kitakami bồi đắp, cũng như các tuyến giao thông vận tải hàng hải đến Edo (nay là Tokyo).
Tuy nhiên, do tình hình tài chính eo hẹp vào cuối thời kỳ Edo, Sendai đã bị tụt hậu trong việc hiện đại hóa vũ khí, và trong Chiến tranh Boshin, miền này đã đầu hàng quân đội Minh Trị.
4. Gia tộc Owari Tokugawa, miền Owari (Shinhan): 619.000 koku (185,7 tỷ yên)
Trong số những người thuộc tộc Tokugawa, ba chi tộc do các con trai của Ieyasu (Yoshinao – con trai thứ 9, Yorinobu – con trai thứ 10, Yorifusa – con trai thứ 11) đứng đầu là những chi tộc có quyền lực cao nhất, được gọi là “gosanke” (御三家). Ba nhánh đứng đầu này có thể đưa người lên kế vị trong trường hợp shogun qua đời mà không có con trai nối dõi.
Gia tộc Owari Tokugawa được thành lập bởi Yoshinao, con trai thứ chín của Ieyasu, sinh sống tại vùng đất là tỉnh Aichi ngày nay. Miền này phát triển thịnh vượng nhờ vào khu rừng bách ở vùng Kiso lân cận (khu vực miền múi ở tỉnh Mino) và là một trạm giao dịch trên đường cao tốc Tokaido.
5. Gia tộc Kishu Tokugawa, miền Kishu (Shinhan): 555.000 koku (166,5 tỷ yên)
Một trong ba gosanke, gia tộc Kishu Tokugawa đóng tại tỉnh Wakayama ngày nay được thành lập bởi Yorinobu, con trai thứ mười của Ieyasu. Khi shogun Ietsugu qua đời khi còn là một đứa trẻ vào năm 1716, gia tộc Kishu Tokugawa đã đưa người trong tộc là Yoshimune lên kế vị.
Không chỉ là nhánh mạnh nhất trong ba nhánh gosanke, gia tộc này còn rất giỏi trong nông nghiệp, chẳng hạn như thúc đẩy tăng hai vụ lúa gạo và lúa mì trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, mỗi khi nạn đói xảy ra gây khó khăn về tài chính, gia tộc Kishu lại vay mượn từ Mạc phủ, dẫn đến những khoản nợ khổng lồ vào cuối thế kỷ 18.
Xem thêm: Oniwaban: Đội điệp viên bí ẩn dưới thời Mạc phủ Tokugawa
kilala.vn
05/06/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận