NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Những hoạt động diễn ra vào tháng 6 ở Nhật Bản thời xa xưa

    Vào thời xa xưa, tháng Sáu ở xứ sở Phù Tang là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện truyền thống thú vị, bao gồm các lễ hội lớn ở Edo hay thưởng thức món lươn nướng ngon miệng vào ngày nóng nhất của tiết Lập hạ...

    Thờ cúng núi Phú Sĩ

    Vào thời điểm chưa có nhiều tòa nhà cao tầng như hiện nay, từ khắp mọi nơi ở Edo (tên gọi cũ của Tokyo) đều có thể nhìn thấy Núi Phú Sĩ. Ngọn núi này nổi bật ở phía chân trời và tạo nên những “Fujimizaka” (藤見坂), tức “dốc ngắm Núi Phú Sĩ” ở các khu vực lân cận trong và xung quanh thủ đô.

    takada-fuji
    Takada Fuji là fujizuka đầu tiên được xây dựng ở Edo, hiện còn tồn tại trong khuôn viên Đền Mizuinari ở Shinjuku, Tokyo. (Tranh vẽ thuộc Ehon "Edo miyage" của Utagawa Hiroshige). Ảnh: Nippon

    Cùng với việc được đánh giá cao về vẻ đẹp thẩm mĩ, ngọn núi còn là một đối tượng được tôn thờ. Không chỉ ngắm nhìn Núi Phú Sĩ từ Edo, nhiều người thậm chí còn leo lên núi để thực hiện nghi thức thờ cúng. Tuy nhiên, thường dân thời đó không đủ khả năng để chi trả cho các chuyến hành hương lên núi.

    Vì vậy, người ta đã tạo ra các bản sao thu nhỏ của Núi Phú Sĩ, gọi là “Fujizuka” (富士図化). Các gò đất Fujizuka có chiều cao khoảng vài mét, được làm bằng đá và đất núi lửa.

    Theo âm lịch trước đây, 1 tháng 6 là ngày đánh dấu sự bắt đầu của mùa leo Núi Phú Sĩ. Những người không có điều kiện leo núi thật sẽ đổ xô đến Fujizuka.

    Ngày nay, các gò đất mô phỏng Núi Phú Sĩ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi tại Tokyo và các tỉnh lân cận khác, bao gồm Shinagawa Fuji (ở Đền Shinagawa), Otowa Fuji (Chùa Gokokuji) và Sendagaya Fuji (Đền Hatomori Hachiman)...

    Lễ hội Edo

    Theo cách tính truyền thống, tháng Sáu cũng là thời điểm diễn ra các lễ hội mùa hè ở Nhật Bản. Edo là nơi có nhiều lễ hội lớn được tổ chức ở các đền thờ, bao gồm ba lễ hội lớn là Sanno Matsuri, Kanda Matsuri và Fukagawa Matsuri.

    Trong số này, có lẽ Sanno Matsuri là lễ hội có quy mô lớn nhất vì mối liên hệ của nó với Mạc phủ Tokugawa. Đây là lễ hội tôn vinh thần Sanno Gongen (山王権現), vị thần bảo hộ của gia tộc Tokugawa và gắn liền với Đền Hie, nơi được hưởng sự bảo trợ của tướng quân.

    Lễ hội Kanda bắt đầu vào ngày 5 tháng 6, tiếp theo là Lễ hội Sanno vào ngày 15 tháng 6.

    dieu-hanh-le-hoi-kanda
    Cuộc diễu hành trên đường phố trong Kanda Matsuri, được mô tả trong Kandamyojin Sairei Banzuke. Ảnh: library.metro.tokyo.lg.jp

    Điểm nổi bật của các lễ hội ở Edo là những ngôi đền di động mikoshi và kiệu hoa được trang trí lộng lẫy, cùng đoàn diễu hành qua các con phố và trong khuôn viên Lâu đài Edo.

    Việc diễn ra Sando Matsuri và Kanda Matsuri cùng trong một năm đã gây áp lực tài chính lên chính quyền Mạc phủ. Vì vậy, năm 1681, một sắc lệnh đã được thông qua, yêu cầu hai lễ hội phải được tổ chức xen kẽ năm.

    Ăn lươn vào ngày Doyo no Ushi

    Lươn là một trong những món ăn biểu tượng của mùa hè Nhật Bản. Phong tục ăn lươn vào ngày nóng nhất trong tiết lập hạ - “Doyo no Ushi” (土用丑の日) bắt nguồn từ thời Edo.

    an-luon-mua-he
    Phong tục ăn lươn vào mùa hè của người Nhật bắt đầu từ thời Edo. Ảnh: Nippon

    Xem thêm: Tại sao người Nhật lại ăn cơm lươn vào mùa hè?

    Lễ thanh tẩy mùa hè

    Tháng Sáu kết thúc cũng là khi chúng ta đã đi đến giữa năm. Vào đêm cuối cùng của tháng Sáu, các ngôi đền Thần đạo thường tổ chức “Nagoshi no Harae” (夏越の祓), một nghi lễ nhằm thanh tẩy bản thân.

    Trong khuôn viên đền thờ, một chiếc vòng lớn bằng rơm gọi là “chinowa” được dựng lên để mọi người đi qua. Việc làm này được cho là để tẩy sạch những tội lỗi người ta đã phạm phải trong sáu tháng qua và hướng tới nửa cuối năm.

    chinowa
    Hình minh họa "chinowa" trong "Một trăm cảnh núi Phú Sĩ". Ảnh: Nippon

    Một số ngôi đền sẽ cung cấp “katashiro” (形代), hình nhân thế mạng được dùng để thay con người chứa đựng những tội lỗi và tạp chất. Người ta sẽ viết tên tuổi của mình lên katashiro rồi đốt nó trong đống lửa.

    “夏越” (nagoshi) có nghĩa là “mùa hè trôi qua” nhưng cũng được cho là có liên quan tới chữ “和” (nago) có nghĩa là “hòa bình, hòa hợp”. Sự chuyển giao giữa các mùa báo hiệu thay đổi và các nghi lễ thanh tẩy được cho là giúp xoa dịu thần linh và linh hồn, đảm bảo sức khỏe, sự bình yên của mọi người khi thu sang.

    Các sự kiện truyền thống khác vào tháng Sáu

    Ngày Kajo (嘉祥の日) - 16 tháng 6: Ngày cúng và ăn các món ngọt truyền thống như bánh gạo và thạch azuki; sự kiện này cũng được tổ chức ở Lâu đài Edo

    Hozuki ichi (ほおづき市) - 23-24 tháng 6: Phiên chợ bán hozuki (cây lồng đèn Nhật Bản, tiếng Việt gọi là cây tầm bóp) được tổ chức tại Đền Atago

    kilala.vn

    Nguồn: Nippon

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!