Những điều cần biết về mũi tên trừ tà Hamaya

    Những điều cần biết về mũi tên trừ tà Hamaya

    Khi viếng thăm các đền chùa vào đầu năm mới, người Nhật thường mua hoặc thỉnh một mũi tên đặc biệt gọi là “Hamaya”. Hãy cùng Kilala tìm hiểu ý nghĩa và những điều cần lưu ý về vật phẩm may mắn này nhé!

    Ý nghĩa và nguồn gốc của Hamaya

    “Hamaya” (破魔矢 – PHÁ MA THỈ) hay "mũi tên tiêu diệt ma quỷ", là những mũi tên được dùng làm vật trang trí năm mới, với ý nghĩa xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. 

    hamaya
    Mũi tên trừ tà Hamaya. Ảnh: nanasha.jp

    Vật phẩm trừ tà này có nguồn gốc từ nghi lễ Hamauchi (破魔打) lâu đời được tổ chức vào dịp đầu năm ở Nhật Bản. Trong nghi lễ, mỗi địa phương chọn ra một đứa trẻ, những đứa trẻ này sẽ thi nhau bắn mũi tên về phía mục tiêu được làm bằng rơm, gọi là “hama”. Người xưa tin rằng, vùng có đại điện bắn trúng đích sẽ có vụ mùa bội thu trong năm đó. Từ đó trở đi, mũi tên dùng để tiêu diệt “hama” được gọi là “Hamaya” và cây cung bắn mũi tên đó là “Hamayumi” (破魔弓 – PHÁ MA CUNG).

    nghi-le-hamauchi
    Mũi tên Hamaya có nguồn gốc từ nghi lễ Hamauchi. Ảnh: e-sogi.com

    Theo thời gian, phong tục cổ xưa dần được đơn giản hóa và ngày nay chỉ riêng mũi tên Hamaya được xem là bùa may mắn, vũ khí của vị thần, trở thành vật trang trí mang đến điềm lành vào đầu năm mới, giống như cây nêu Kadomatsu và bánh dày Kagami mochi.

    Đâu là thời điểm Hamaya được sử dụng?

    Mũi tên Hamaya thường được tặng hoặc bày bán tại các đền thờ vào đầu năm mới. Tuy nhiên, do ý nghĩa ban đầu là xua đuổi tà ma nên vật phẩm này không chỉ giới hạn sử dụng trong ngày Tết mà còn xuất hiện vào các dịp lễ khác. Chẳng hạn vào Ngày lễ bé trai (5/5), để cầu chúc sức khỏe và sự phát triển cho bé, người Nhật thường tặng đứa trẻ mũi tên Hamaya như một lá bùa may mắn.

    hamaya-o-den-tho
    Hamaya thường được tặng hoặc bày bán tại các đền thờ vào đầu năm mới. Ảnh: pixels.com

    Ngoài ra, mặc dù ngày nay có vẻ ít phổ biến hơn nhưng khi xây dựng một ngôi nhà, người ta sẽ tổ chức lễ cất nóc (hay thượng lương) để cầu mong an toàn cho công trình xây dựng và ngôi nhà mới được bình an. Ở đó, Hamaya và Hamayumi đôi khi được dùng để xua đuổi những linh hồn ma quỷ được cho là có thể dẫn đến những tai nạn và bất hạnh trong tương lai.

    Mũi tên Hamaya cũng có thể được sử dụng vào nhiều thời điểm khác như khi khai trương văn phòng, chuyển nhà...

    Quy định về vị trí và hướng trưng bày

    Vị trí

    Nếu trong nhà có điện thờ thì người ta thường đặt Hamaya ở đó, cũng có quan niệm rằng nên trưng bày mũi tên ở khu vực “tokonoma” (床の間) – gần nơi mọi người tụ tập để bảo vệ gia đình, hoặc ở khu vực sảnh ra vào “genkan” (玄関) để ngăn chặn tà ma từ bên ngoài xâm nhập.

    vi-tri-dat-mui-ten-hamaya
    Đặt mũi tên Hamaya ở sảnh vào để ngăn chặn tà ma. Ảnh: e-sogi.com

    Dù là trưng bày ở đâu, hãy chọn nơi sáng sủa, thoáng mát và đặt cao hơn tầm mắt một chút để thể hiện sự tôn kính vì mũi tên Hamaya được xem là biểu tượng may mắn gắn liền với thần linh. Nếu có một lá bùa được thỉnh từ cùng một ngôi đền với mũi tên Hamaya, hãy đặt chúng cạnh nhau.

    Tất nhiên, bạn phải luôn làm sạch khu vực xung quanh và cố định mũi tên bằng các giá đỡ (có bán trên thị trường) để tránh Hamaya bị lật hoặc rơi. Nếu đặt mũi tên trên kệ, tốt hơn hết hãy lót bên dưới bằng một mảnh giấy trắng.

    Phương hướng

    Trong mọi trường hợp, không được phép đặt Hamaya với đầu nhọn hướng lên trên vì điều này đồng nghĩa với việc bạn bắn mũi tên lên trời. Vì vậy, hãy luôn hướng mũi nhọn xuống đất hoặc đặt Hamaya nằm ngang.

    Trong lễ cất nóc khi xây nhà, mũi tên được đặt hướng về phía quỷ môn và hắc môn (hướng đông bắc và tây nam) để bảo vệ ngôi nhà khỏi những linh hồn ma quỷ ở các hướng.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể quay đầu nhọn của mũi tên về hướng xui xẻo trong năm (hướng đối lập hoàn toàn với Địa Chi - con giáp của năm đó) để năng lượng may mắn của Hamaya giúp xua đuổi tà ma, xui xẻo.

    Làm thế nào với mũi tên của năm cũ?

    Khi một năm kết thúc, mũi tên Hamaya của năm cũ sẽ được thay thế bằng cái mới. Thông thường, những mũi tên cũ cùng các loại bùa may mắn khác sẽ được mang đến đền thờ để đốt đi, theo nghi lễ “Otakiage (お焚き上げ). Nhiều ngôi đền tổ chức lễ Otakiage gọi là “Dondo-yaki” (どんど焼き) vào ngày 15 hoặc 18 tháng 1 hằng năm.

    cach-xu-li-hamaya
    Mũi tên Hamaya được đốt đi cùng các vật phẩm cầu may khác trong Lễ Dondo-yaki. Ảnh: 777fukujin.com

    Theo nguyên tắc chung, Hamaya nên được mang trở lại ngôi đền nơi mà bạn đã mua hay thỉnh mũi tên, nhưng nếu vì lý do nào đó không thể làm vậy, bạn có thể mang đến một ngôi đền gần chỗ mình, và nhớ kiểm tra trước vì có một số nơi không tiếp nhận mũi tên Hamaya của đền khác.

    Xem thêm: Tìm hiểu ý nghĩa của 20 biểu tượng may mắn trong văn hóa Nhật Bản

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!